Tin thế giới trưa 09-02-2015: 10 thế hệ người Hy Lạp không trả hết nợ đất nước - Thủ tướng Nhật muốn sửa Hiến pháp Hòa bình vào năm 2016?

  • Cập nhật : 09/02/2015

 10 thế hệ người Hy Lạp không trả hết nợ đất nước

Theo thống kê của Ngân hàng Barenberg Bank, với một khoản nợ tổng cộng 421 tỷ euro mà theo nhận định của các nhà phân tích, 10 thế hệ người Hy Lạp cũng không trả nổi. Liệu chính phủ mới của Hy Lạp với việc hủy bỏ chính sách kinh tế khắc khổ có vượt qua nổi khó khăn này? 
 
Trong khi Alexis Tsipras, tân Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố hủy bỏ chế độ kinh tế khắc khổ mà EU áp đặt lâu nay để thoát khủng hoảng, người dân hò reo hò nhảy múa, còn các “chủ nợ” đang lo lắng trước việc Hy Lạp sẽ ly khai khỏi khối đồng tiền chung châu Âu.
 
Liệu Hy Lạp có thể tự lập như những năm 80 thế kỷ trước với nền công nghiệp lẫn nông nghiệp riêng của mình. Thực tế, Hy Lạp chỉ có ngành du lịch phát triển quá mức và khoản nợ công cũng “phát triển” quá mức. Trong 4 năm được sự “giúp đỡ” của nhóm “bộ ba” chủ nợ (gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, Liên minh châu Âu EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF), nợ công của Hy Lạp đã tăng từ 110% GDP lên 175% GDP. Đất nước Hy Lạp hiện đang sống trong tình trạng suy thoái do nạn thất nghiệp tràn lan (riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên lên tới 70%). Để thực hiện được kế hoạch khắc khổ do nước Đức hùng mạnh đề xướng về tái cấu trúc nợ công, Chính phủ trước của Hy Lạp đã cắt giảm mạnh số lượng viên chức nhà nước và số còn lại cũng bị giảm hạ tiền lương.
 
Thuế tăng, giá dịch vụ công cộng cũng tăng khiến đông đảo người dân không đủ khả năng thanh toán. Năm 2014 có gần 300 nghìn người bị cắt điện. Việc siết chặt chính sách tín dụng khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa suy sụp. Số người tự tử tăng 43%.
 
Những số liệu đáng buồn nói trên cao gần gấp rưỡi so với những số liệu tương ứng trong thời kỳ Đại Suy thoái vào những năm 30 thế kỷ trước ở Mỹ. Mới đây, Ngân hàng Barenberg Bank đã lập một bản thống kê cho thấy Hy Lạp nợ những ai và nợ bao nhiêu. Theo bản thống kê này, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp là Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB với khoản nợ 134 tỷ euro. Các chủ nợ lớn tiếp theo là Liên minh châu Âu EU với khoản nợ 63,4 tỷ euro và Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF với khoản nợ 21,7 tỷ euro. Ngoài ra còn khoản nợ 53 tỷ euro vay của các Chính phủ Đức, Hà Lan, Phần Lan và một số nước châu Âu khác. Cuối cùng là khoản nợ 155 tỷ euro vay của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài. Tổng cộng là 421 tỷ euro, một khoản nợ mà theo nhận định của các nhà phân tích, 10 thế hệ người Hy Lạp cũng không trả nổi. 
 
Chính vì thế, ngay sau khi lên cầm quyền, Chính phủ mới của Hy Lạp đã lập tức cự tuyệt kế hoạch “giải cứu” của nhóm “bộ ba” chủ nợ và từ chối luôn cả khoản tài trợ tiếp theo 7 tỷ euro. Chính phủ mới còn thi hành một loạt biện pháp cấp bách như tăng mức lương tối thiểu lên 10%, thu nạp lại những nhân viên nhà nước đã bị sa thải theo đòi hỏi của nhóm “bộ ba” chủ nợ và ngừng toàn bộ kế hoạch tư nhân hóa đang tiến hành như tư nhân hoá ngành điện và cảng Piraeus – thành phố lớn thứ 3 của Hy Lạp.
 
Theo lời Thủ tướng Alexis Tsipras, nhiệm vụ chính của Chính phủ mới là phấn đấu để xoá bỏ một phần nợ công và cơ cấu lại các khoản nợ công. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hy Lạp đã cử một đoàn đại biểu đến Pháp và Italia - những nước tỏ ra thông cảm với Hy Lạp hơn những nước châu Âu khác. Có vẻ như hy vọng của Hy Lạp đã phần nào được đáp ứng. Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanus Varoufakis tại Paris, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin tuyên bố Hy Lạp “cần có một thoả thuận mới với các đối tác”.
 
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho đường lối mới của Hy Lạp sẽ còn rất gian nan. Trước hết vì lập trường cứng rắn của Đức, nước nắm trong tay “cỗ máy in tiền” của khu vực sử dụng đồng euro và vì thế nắm trong tay quyền quyết định không chỉ trong khu vực sử dụng đồng euro mà cả trong Liên minh châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố rõ không có ý định xoá nợ cho Hy Lạp. Đại diện Bộ Ngoại giao Đức còn nhấn mạnh thêm: “Hiện nay, chúng tôi không thấy bất kỳ cơ sở nào để từ bỏ những công cụ đã được thiết lập” trong quan hệ với Hy Lạp.
 
Chắc chắn trong thời gian tới, nhóm “bộ ba” chủ nợ sẽ thi hành những biện pháp nghiệt ngã để buộc Hy Lạp phải từ bỏ đường lối mới của Chính phủ Alexis Tsipras.
 
Cuộc đấu tranh cho đường lối mới của Hy Lạp sẽ còn rất gian nan.
--------------------------
Thủ tướng Nhật muốn sửa Hiến pháp Hòa bình vào năm 2016?
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn tiến hành quá trình sửa đổi Hiến pháp nước này vào năm 2016, dấu hiệu rõ nhất từ trước đến nay cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ hiện thực hóa mục tiêu thay đổi một văn bản giúp định hình tư tưởng yêu chuộng hòa bình của đất nước Mặt trời mọc thời hậu chiến.
 
Nhật báo "Asahi" và nhật báo "Sankei" dẫn lời ông Hajime Funada - người đứng đầu một nhóm nhà lập pháp của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền - nói rằng trong cuộc trao đổi hôm 4/2 vừa qua, Thủ tướng Abe đã nhấn mạnh thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu sửa đổi Hiến pháp, một tiến trình chính trị đầy phức tạp và khó khăn, là sau các cuộc bầu cử Thượng viện - dự kiến diễn ra vào mùa hè năm 2016. Thông tin này sau đó đã được thư ký của ông Funada là Miki Mori xác nhận.
 
Theo ông Mori, Thủ tướng Abe không nói thẳng về việc ông muốn sửa đổi Điều 9 của bản Hiến pháp - cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tuy nhiên, trong tuần này, Thủ tướng Abe đã phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản rằng ông muốn thay đổi các hạn chế này để củng cố năng lực của Nhật Bản trong việc đối phó với các mối đe dọa như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - lực lượng đã sát hại hai con tin Nhật Bản hồi tháng trước.
 
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Bộ trưởng Nội vụ Yoshihide Suga cũng xác nhận trong một cuộc họp báo ngày 5/2 rằng Thủ tướng Abe đã có cuộc gặp với ông Funada và hai người đều nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để thu hút sự ủng hộ của dư luận đối với việc sửa đổi Hiến pháp.
 
Ông Suga nói: "Cả hai đã cùng chia sẻ quan điểm rằng sẽ cần thời gian để xúc tiến một cuộc tranh luận toàn diện về vấn đề này. Tôi cho rằng điều này không có nghĩa là một thời hạn chót cụ thể đã được xác định, vẫn còn cần thêm các trao đổi và cần thêm nhiều nỗ lực để hoàn thành mục tiêu này".
 
Bản Hiến pháp hòa bình, cấm Nhật Bản có những hành vi tham chiến hoặc liên quan đến chiến tranh, do Mỹ - quốc gia khi đó đang chiếm đóng Nhật Bản - soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới Thứ II để ngăn quốc gia thất bại này bành trướng chủ nghĩa quân phiệt. Văn bản này được đại đa số người dân Nhật Bản, những người đã quá chán nản và sợ hãi chiến tranh, ủng hộ mạnh mẽ. Bởi vậy kể từ khi được soạn thảo đến nay, Hiến pháp Nhật Bản chưa từng được sửa đổi.
 
Theo quy định, bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ cần phải có sự ủng hộ của ít nhất 2/3 Quốc hội Nhật Bản, và tiếp theo là sự tán thành của phần đông dư luận thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Với chiến thắng thuyết phục trong các cuộc bầu cử hồi tháng 12/2014, LDP có nhiều khả năng sẽ giành đủ số ghế trong Hạ viện để cơ quan này thông qua, song tại Thượng viện, LDP vẫn chưa có đủ số ghế cần thiết. Tuy nhiên, một chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử năm 2016 có thể thay đổi thực tế này.
 
Việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp của Nhật Bản chắc chắn sẽ khiến không chỉ Trung Quốc, mà còn cả Hàn Quốc tức giận. Cả hai quốc gia này đều liên tục chỉ trích Nhật Bản cố tình né tránh và thiếu ăn năn về những hành vi hiếu chiến trong quá khứ.
 
Trước khi trở thành Thủ tướng hai năm trước, ông Abe đã hết sức ủng hộ việc viết lại Hiến pháp nhằm cho phép xây dựng một lực lượng quân đội "đủ lông đủ cánh", đồng thời nói rằng văn bản này đã không còn phù hợp với những thực tế mà một đất nước Nhật Bản dân chủ đang phải đối mặt trong thế giới không ngừng biến động ngày nay.
 
Tuy nhiên, ban đầu sau khi lên nắm quyền, ông Abe dường như rất ít đề cập tới vấn đề này, có lẽ là do nhận thức được rằng các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy đa số người dân Nhật Bản phản đối những thay đổi có thể khiến Nhật Bản dễ bị sa lầy vào một cuộc chiến ở nước ngoài.
 
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã nhanh chóng nắm bắt "thời cơ" sau khi hai con tin người Nhật Bản bị IS sát hại, với những tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm mục tiêu "cởi trói" cho quân đội nước này. Thủ tướng nói rằng Nhật Bản đã không thể giải cứu hai con tin và bởi vậy điều cần làm là nới lỏng những hạn chế đang áp đặt đối với lực lượng vũ trang, vốn chỉ được sử dụng nhằm mục đích phòng vệ đơn thuần, để họ có thể thực hiện các nhiệm vụ giải cứu, di tản và thậm chí là tiến hành các chiến dịch ở nước ngoài để bảo vệ công dân Nhật Bản.
 
Các con tin - gồm Kenji Goto, một nhà báo tự do và Haruna Yukawa - lần lượt bị chặt đầu trong hai tuần liên tiếp bởi IS, những kẻ khủng bố đòi khoản tiền chuộc lên tới 200 triệu USD. Vụ việc đã gây rúng động dư luận Nhật Bản, những người từ trước tới nay vẫn coi mình "miễn nhiễm" trước các hành động bạo lực mà Mỹ cùng nhiều quốc gia tham gia cuộc chiến ở Trung Đông phải đối mặt. Kể từ năm 1945, Nhật Bản đã theo đuổi một chiến lược ngoại giao hòa bình, và sau đó trở thành "mạnh thường quân" lớn viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Trung Đông cùng nhiều khu vực khác.
 
Hiện vẫn chưa rõ liệu cú sốc sau việc hai công dân Nhật Bản bị những kẻ khủng bố sát hại dã man có làm thay đổi dư luận trong việc ủng hộ quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Abe hay không. Kể từ sau vụ việc này, các chính trị gia đối lập thậm chí còn tăng cường chỉ trích Thủ tướng Abe nặng nề hơn, cho rằng chính ông đã kích động IS bằng việc đẩy mạnh sự ủng hộ của Nhật Bản đối với những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm tiêu diệt các tay súng cực đoan này. Chỉ vài ngày trước khi IS đưa ra yêu cầu tiền chuộc, Thủ tướng Abe đã công bố khoản viện trợ phi quân sự trị giá 200 triệu USD cho các quốc gia trong khu vực đang chiến đấu chống lại IS.
 
Tuy nhiên, ngày 5/2, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí thông qua một nghị quyết lên án vụ sát hại con tin và kêu gọi Nhật Bản tích cực phối hợp hơn nữa với cộng đồng quốc tế nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.
------------------------
 Thủ tướng Merkel đề nghị Nga đóng biên giới với Ukraine
Theo báo Toàn cảnh Frankfurt Chủ Nhật (FAS) ngày 8/2, trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tối 6/2 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị ông Putin đóng biên giới với Ukraine.
 
Tại cuộc gặp ở Moskva, việc dỡ bỏ trừng phạt Nga không được nhắc tới, song theo FAS, để không bị cô lập, Nga phải nhanh chóng thực thi Thỏa thuận Minsk và quan trọng nhất hiện nay là đóng biên giới với Ukraine.
 
Một trong những điểm mấu chốt tiếp theo là xác định đường giới tuyến để thực thi lệnh ngừng bắn. Phía Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ đường giới tuyến lấy theo thời điểm đạt được thỏa thuận Minsk hồi tháng 9/2014, song phía Moskva lại ủng hộ lập đường giới tuyến theo tình hình thực địa hiện nay.
 
Trong khi đó, kể từ khi đạt được thỏa thuận Minsk tới nay, phía lực lượng ly khai đã giành được thêm hàng nghìn km2.
 
Ngoài các vấn đề trên, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Merkel với Tổng thống Nga và Pháp, ba nhà lãnh đạo cũng thảo luận việc hỗ trợ cho người dân trong khu vực chiến sự cũng như một giải pháp hòa bình, trong đó có việc bầu cử tại các khu vực của lực lượng ly khai Đông Ukraine.
 
EU và Ukraine muốn bầu cử ở những khu vực này nằm dưới sự giám sát của các quan sát viên quốc tế, trong khi Nga muốn các vấn đề phải được quy định sau các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Kiev với Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk./.
-------------------------
Mỹ đứng ra đảm bảo cho Ukraine vay 1 tỷ USD
Ngoại trưởng Mỹ đã tuyên bố Mỹ sẽ đứng ra bảo đảm giúp Ukraine được vay 1 tỷ USD và có thể tăng thêm 1 tỷ nữa nếu Kiev tiếp tục các cuộc cải cách kinh tế.
 
Hãng Itar-Tass đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 5/2 tuyên bố nước này sẽ đứng ra đảm bảo cho Ukraine vay 1 tỷ USD sau khi Kiev đã ủng hộ các cuộc cải cách kinh tế. Đồng thời, nếu quá trình cải cách tiếp tục được thực hiện, Mỹ sẽ cân nhắc đảm bảo thêm một khoản vay 1 tỷ USD khác cho quốc gia đông Âu này. 
 
Ngoài ra, trong chuyến thăm Kiev hôm 5/2, ông Kerry cũng khẳng định Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ nhân đạo 16 triệu USD để giúp đỡ cho người dân đang chịu ảnh hưởng của chiến sự ở miền đông nước này.
 
Ngoại trưởng Mỹ nhận định dù Ukraine đã có một bước tiến lớn trong quá trình cải cách, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Ngoại trưởng Kerry bổ sung rằng Mỹ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đang hợp tác chặt chẽ để bảo đảm một tương lai cho nền kinh tế Ukraine.
 
Phát biểu về xung đột đang diễn ra tại Ukraine, ông Kerry cho biết Mỹ sẵn sàng đóng vai trò là người đảm bảo hòa hình cho miền đông nước này. Hiện Mỹ đang cân nhắc viện trợ vũ khí cho chính phủ Ukraine để chống lại phe ly khai.
 
Trong một diễn biến có liên quan, chỉ huy cấp cao của liên minh quân sự NATO tại châu Âu, tướng Philip Breedlove, ngày 7/2 phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich: “Tôi không nghĩ chúng ta nên loại trừ phương án quân sự”.
 
Tuy vậy, phương án viện trợ vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine của Mỹ bị nhiều nước châu Âu phản đối. Cũng tại hội nghị Munich, Thủ tướng Angela Merkel khẳng định “vấn đề Ukraine không thể được giải quyết bằng quân sự”. 
 
Trước đó, Thủ tướng Merkel cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đề xuất một giải pháp hòa bình cho xung đột tại Ukraine. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho biết giải pháp này không chỉ được Pháp-Đức đưa ra ở cấp độ quốc gia mà còn nhận được sự ủng hộ của Liên minh châu Âu. Ông Schulz khẳng định: “Đề xuất hòa bình được đưa ra dưới danh nghĩa của châu Âu”.
------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo