Tin thế giới trưa 11-02-2015: Phương Tây phân vai đấu với Nga - "Trung Quốc không thể tự do tung hoành ở biển Đông"

  • Cập nhật : 11/02/2015
Phương Tây phân vai đấu với Nga
Trong khi Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp sang Nga bàn chuyện hòa bình cho Ukraina thì NATO tuyên bố thành lập lực lượng “mũi nhọn” thúc vào sườn nước Nga, còn Mỹ thì bắn tiếng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Một sự phân công nhiệm vụ giữa các nước phương Tây trong cuộc đối đầu với Nga.
 
Ngày 6/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới Nga để thảo luận vấn đề Ukraina. Đã không có bất cứ tuyên bố chung nào được đưa ra sau cuộc họp. Ngày 7/2, một cuộc điện đàm bốn bên gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraina lại diễn ra nhưng cũng không có thông báo gì. Dự kiến ngày 11/2 tới, lãnh đạo bốn quốc gia Đức, Pháp, Nga và Ukraina sẽ đến Minsk, thủ đô Belarus để tìm cách hoàn tất kế hoạch hòa bình cho Ukraina nhằm tránh một cuộc chiến tranh toàn diện.
 
Song song với các hoạt động ngoại giao trên, ngày 5/2, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã quyết định tạo lập một lực lượng mới gồm 5.000 quân để tăng cường bảo vệ an ninh cho suờn phía đông châu Âu trước Nga.
 
NATO thông báo quyết định thành lập lực lượng “mũi nhọn”, gồm 5.000 quân, sẽ đi vào hoạt động từ năm sau. Để tránh khiêu khích Nga, các lực lượng trên bộ của NATO chỉ đóng quân ở tại các nước Tây Âu, nhưng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận tại những quốc gia vốn trước đây thuộc Liên Xô cũ và nay là thành viên NATO hoặc triển khai quân ở đó, nếu như quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự.
 
Tổng thư ký NATO cho hay 6 quốc gia thành viên NATO sẵn sàng gửi quân tham gia lực lượng triển khai nhanh sẽ được thành lập. Đó là Pháp, Đức, Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha và Anh. Quân số của lực lượng này sẽ được luân chuyển và hoạt động trong những năm sắp tới.
 
Để lực lượng này có thể thực sự triển khai nhanh và tác chiến được ngay lập tức sau khi đổ bộ, NATO đã quyết định lập một số sở chỉ huy cố định tại các nước Đông Âu, với quy mô nhỏ, mỗi sở chỉ huy có khoảng 50 sĩ quan thường trực, với số lượng vũ khí hạn chế.
 
Trong khi chờ đợi “lực lượng mũi nhọn” đi vào hoạt động, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện tại Đông Âu ngay trong năm nay. 6 trung tâm chỉ huy tại ba nước vùng Baltic, Ba Lan, Rumani và Bulgari sẽ được thành lập. Mỗi trung tâm chỉ huy bao gồm khoảng bốn chục sĩ quan, chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc tập trận và tạo thuận lợi cho việc triển khai lực lượng mũi nhọn ở nước sở tại.
 
Về phía Mỹ, sau khi bắn tiếng sẽ xem xét việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraina chống lại lực lượng ly khai, trong bài diễn văn tại hội nghị an ninh quốc tế ở Munich ngày 7/2, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Washington sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraina “sự trợ giúp an ninh”, không phải để khuyến khích chiến tranh, nhưng để giúp Ukraina tự vệ.
 
Như vậy xét trong tổng thể có thể thấy một sự phân công nhiệm vụ giữa các nước phương Tây: Merkel và Hollande thì làm nhiệm vụ thương thuyết (…) Barack Obama và chính phủ của ông lo việc gây áp lực tối đa, bằng cách ngày càng làm lớn chuyện khả năng giao vũ khí cho Ukraina. Theo các nhà quan sát, một sự phân công nhiệm vụ như thế chắc chắn đã bị Nga phát hiện và có kế hoạch đối phó.
 
Đáp lại sự lo lắng của Thủ tướng Đức Angela Merkel về kế hoạch hòa bình mới cho Ukraina, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng vẫn còn có thể đạt được thỏa thuận để chấm dứt vụ xung đột ở Ukraina, nhưng ông mạnh mẽ chỉ trích lập trường của Mỹ và châu Âu về Ukraina. Ông nói rằng Mỹ và EU đã có những bước leo thang cuộc xung đột. Ông nói thêm “các đối tác Tây phương của chúng tôi nuông chiều và tha thứ cho giới hữu trách Ukraina, những người đã phát động chiến dịch quân sự toàn diện và gọi công dân của họ là quân khủng bố”.
 
Phát biểu bên lề Diễn đàn an ninh quốc tế tại Munich ngày 7/2, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã cảnh báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng các biện pháp của NATO ủng hộ chiến dịch quân sự của Ukraina ở miền đông “không đóng gọp chút nào cho nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ôn hòa cho cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Ukraina”.
 
Ngày 7/2, Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Moskva sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước nhưng không chấp nhận âm mưu nhằm kiềm chế nước Nga.
 
Theo ông Putin, đang có nỗ lực nhằm kiềm chế sự phát triển của nước Nga bằng nhiều phương tiện khác nhau và cũng có những nỗ lực nhằm xáo trộn trật tự thế giới hiện tại được hình thành sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Nước Nga sẽ không chấp nhận một trận tự thế giới nơi mà một nước ra lệnh cho các nước khác phải làm theo.
-------------------------
 Nước cờ tiếp theo của Putin?
Điều khiến châu Âu và Mỹ lo lắng là khả năng của Putin trong việc biến những khó khăn của nền kinh tế Nga trở thành lợi thế...
 
Giữa lúc cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine còn chưa tìm được lối thoát, sự đồn đoán đã dịch chuyển sang chiến tuyến tiếp theo trong cuộc đối đầu giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Mỹ và các đồng minh châu Âu.
 
Theo hãng tin Bloomberg, đe dọa các nước vùng Baltic, gây áp lực cho Kazakhstan, một nước thuộc Liên Xô cũ, và tăng cường quan hệ với Hy Lạp như một cách để chia rẽ Liên minh Châu Âu (EU) - tất cả đều có thể trở thành lựa chọn để ông chủ điện Kremlin thay đổi trật tự thế giới.
 
“Chúng ta đang chứng kiến sự nổi lên của những đường chia cắt mới” trong một “môi trường rất phân cực” - nhà ngoại giao Italy Lamberto Zannier thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhận định ngày 8/9 tại Hội nghị An ninh Munich.
 
Trong bối cảnh châu Âu đang vội vã tìm kiếm một kế hoạch hòa bình cho miền Đông Ukraine, giới chức ngoại giao tham dự hội nghị ở Munich đã đề cập tới sự cần thiết phải kiềm chế Tổng thống Nga.
 
Thời điểm hiện nay không giống như thời chiến tranh lạnh. Mạng lưới đồng minh của Nga không phải là lớn. Nền kinh tế Nga hiện nhỏ hơn nền kinh tế Italy, và sản lượng kinh tế bình quân đầu người của nước này nhỏ hơn của đảo Cyprus. Ngoài ra, lệnh trừng phạt, giá dầu lao dốc, và sự sụt giảm chóng mặt của tỷ giá đồng Rúp đang đẩy nền kinh tế Nga tiến vào một cuộc suy thoái.
 
Tuy vậy, điều khiến châu Âu và Mỹ quan ngại là khả năng của Putin trong việc biến những khó khăn của nền kinh tế Nga trở thành lợi thế của ông.
 
Tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga dành cho Tổng thống hiện vẫn ở mức trên 80%. Putin đã dùng sự kiên cường của nước Nga trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít thời thế chiến thứ hai như một ví dụ để nước Nga ngày nay đi theo. Đối với Putin, những thách thức kinh tế hiện nay lại có thể giúp ông đảo ngược được trật tự thế giới sau năm 1989 với vị thế siêu cường không ai có thể thách thức của nước Mỹ.
 
Phát biểu tại một sự kiện ở Sochi hôm thứ Bảy vừa rồi, Putin nói, sự bá quyền của nước Mỹ là “một sự chiếm hữu giả tạo, nhưng chúng tôi sẽ không chịu đựng điều đó”.
 
Tại hội nghị an ninh ở Munich, các bên đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Các quan chức ngoại giao đến từ Mỹ và châu Âu cho rằng, sự mở rộng của thị trường tự do và dân chủ là tốt cho tất cả. Trong khi đó, đại biểu Nga cho rằng, lời kêu gọi này chỉ nhằm che đậy những nỗ lực đẩy nước Nga quay trở lại tình trạng kiệt quệ sau khi Liên Xô tan rã.
 
“NATO và EU muốn cô lập Nga và đây là một ngõ cụt. Tôi hiểu là London, Paris, Berlin, Washington và Kiev thích thế, nhưng Moscow thì không và điều này gây thêm rắc rối. Điều đó đang xảy ra ngay ngoài cánh cửa của chúng tôi”, ông Konstantin Kosachyov, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Nga, phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
 
Giới quan sát ở Nga trước nay vẫn xem Mỹ và châu Âu là một khối thống nhất, nhưng các nhà hoạch định chính sách Nga có vẻ như đang tìm cách chia rẽ sự thống nhất này. Điều này được thể hiện rõ nét vào cuối tuần vừa rồi khi Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức châu Âu khác tìm cách ngăn Mỹ tiến tới quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Chính phủ Ukraine.
 
Chính sách ngoại giao năng lượng của Nga đã giữ những nước như Hungary đứng về phía Moscow trong các cuộc tranh luận của EU về tăng cường trừng phạt nga. Điện Kremlin cũng đã ngỏ ý muốn giúp đỡ Hy Lạp, một thành viên NATO, thoát khủng hoảng ngân sách. Chính phủ cánh tả mới thành lập ở Athens đã tỏ thái độ phản đối việc EU trừng phạt Nga.
 
Nhờ đó mà Nga khó có thể bị đẩy khỏi hệ thống thương mại thế giới như Iran. Các lệnh trừng phạt của châu Âu đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 28 chính phủ thành viên, và điều này thường dẫn tới những chính sách nhiều lỗ hổng.
 
Chẳng hạn, Bỉ đã phản đối những lời kêu gọi loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán ngân hàng toàn cầu SWIFT. Hội nghị thượng đỉnh của EU diễn ra vào ngày 12/2 tới đây có thể cho thấy rõ nét hơn những chia rẽ, bất đồng này.
 
Nga cũng đã áp dụng các biện pháp chiến tranh kinh tế đối với các nước vùng Baltic và tìm cách khuyến khích tâm lý thân Nga của các cộng đồng dân tộc Nga thiểu số ở Latvia và Estonia. Tuy vậy, các nước Baltic nằm sâu trong EU và với tư cách là thành viên NATO, các nước này nhận được sự đảm bảo an ninh được hậu thuẫn sau cùng từ năng lực hạt nhân Mỹ.
 
Chính sách sắp xếp lại các vùng của Nga bắt đầu từ năm 2008 với cuộc chiến tranh Georgia. Hai vùng ly khai của Georgia hiện nằm dưới sự bảo vệ của Nga. Tháng 3 năm ngoái, Crimea tách khỏi Ukraine sau một cuộc trưng cầu dân ý và gia nhập Nga.
 
Kazakhstan, quốc gia nơi 1/4 dân số là người nói tiếng Nga, cũng có tiềm năng xảy ra bất ổn. Hiện Tổng thống nước này Nursultan Nazarbayev đã 74 tuổi và chưa có một ứng viên rõ ràng nào cho việc kế nhiệm ông. Theo giới quan sát, nếu ông Nazarbayev rời nhiệm sở mà không có sự chuyển giao quyền lực trơn tru, thì tình hình kinh tế và chính trị của Kazakhstan có thể trở nên bất ổn.
 
Tháng 8 năm ngoái, Putin đã khiến không ít người quan ngại khi phát biểu tại một trại hè thanh niên ở Nga rằng, “đại đa số người Kazakhstan muốn thắt chặt quan hệ với Nga”.
 
Không chỉ ở châu Âu mà ở Washington, người ta cũng đang ra sức đồn đoán xem Putin sẽ làm gì tiếp theo. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama chia thành hai phe trong vấn đề này.
 
Theo một quan chức Mỹ, nhóm theo trường phái bi quan cho rằng Putin quyết tâm đảo ngược điều mà ông cho là sự gây hấn của phương Tây. Trong khi nhóm còn lại, bao gồm cả Obama, cho rằng Putin sẽ phải lùi bước trước áp lực kinh tế ngày càng lớn, và có thể cả sự củng cố lực lượng của NATO ở Đông Âu.
 
“Điều gì xảy ra cũng sẽ có ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới Ukraine, không chỉ đối với châu Âu mà cả thế giới”, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định.
 
Khi bà Merkel và ông Biden có cuộc gặp ở Munich, thì xung đột ở miền Đông Ukraine tiếp tục căng thẳng. Lực lượng nổi dậy thân Nga tiếp tục có những bước tiến đẩy lùi quân chính phủ. Châu Âu đang nỗ lực hết sức để đạt một thỏa thuận ngừng bắn mới cho miền Đông Ukraine trong tuần này.
 
Một số quan chức quân sự và tình báo Mỹ cho rằng, mục tiêu chiến lược hiện nay của Putin là một tuyến kết nối đường bộ từ Nga tới Crimea thông qua Mariupol, thành phố cảng chiến lược của Ukraine. Nếu đúng như vậy, một cuộc phản công của quân nổi dậy nhằm vào thành phố 500.000 dân này tất yếu sẽ xảy ra.
 
Hiện tại, hầu như không có một nhà phân tích chính sách ngoại giao nào có thể trả lời được câu hỏi liệu Putin đang có một kế hoạch lớn hay đã thay đổi suy nghĩ.
 
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nói: “Tôi không dám chắc là có ai thực sự đoán được ông ấy sẽ làm gì tiếp theo”. Ông Niinisto cho rằng, mục tiêu của điện Kremlin là “duy trì tình trạng bất ổn ở Ukraine và chờ cơ hội để làm một điều gì đó mới”.
 
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite thì đưa ra kịch bản xấu nhất trong đó nếu Putin không bị kiềm chế, thì những tham vọng lãnh thổ của ông sẽ tăng thêm.
 
“Sau Ukraine sẽ đến chúng ta”, ông Grybauskaite nói. Lithuania là một trong 3 nước vùng Baltic tách khỏi Liên Xô sau chiến tranh lạnh.
 -------------------------
 "Trung Quốc không thể tự do tung hoành ở biển Đông"
Theo tờ Wantchinatimes, những vụ gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông sẽ ngày càng phức tạp khi các nước trong khu vực tiếp tục đồng loạt triển khai hạm đội tàu ngầm, theo tường thuật của hệ thống Quân đội Sina trụ sở Bắc Kinh.
 
Các báo cáo gần đây cho thấy những quốc gia ở khu vực biển Đông, bao gồm Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã đều trang bị các tàu ngầm mới, tuy nhiên quy mô của hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc vẫn lớn hơn tất cả số tàu ngầm của các nước này cộng lại.
 
Trung Quốc, một quốc gia đã phát triển tàu ngầm từ những năm 1950s, hiện đang có hơn 60 chiếc tàu ngầm- đứng thứ ba trên thế giới– bao gồm 4 loại tàu ngầm hạt nhân và 7 loại tàu ngầm thông thường.
 
Trung Quốc là quốc gia duy nhất ở vùng biển Đông triển khai tàu ngầm hạt nhân. Tất cả những tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đều được trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2, tầm bắn 8.000 mét và có thể lắp khớp với đầu đạn hạt nhân.
 
Các loại tàu ngầm thông thường khác cũng đều được gắn tên lửa và ngư lôi. Tuy nhiên, điều này cũng không làm thoái chí các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong khu vực biển Đông khi các quốc gia này cũng đều triển khai các hạm đội tàu ngầm cho mình.
 
Nguyên nhân, theo nhận định của Quân đội Sina, là bởi tàu ngầm không dễ bị phát hiện và có tính sát thương cao vì tàu ngầm có thể ẩn mình dưới nước và có khả năng liên tục nâng cấp vũ khí mới nhất.
 
Thêm vào đó, các đảo tranh chấp ở biển Đông có địa thế “dễ phòng thủ nhưng khó tấn công”, vì thế việc sử dụng tàu ngầm trở nên rất hiệu quả, ngay cả khi với số lượng nhỏ. Cho nên đây là loại vũ khí được “ưa chuộng” ở các quốc gia biển Đông và được cân nhắc là một sự đầu tư tương đối “rẻ”.
 
Vì vậy, mặc dù chiếm ưu thế về số lượng tàu ngầm sở hữu, Trung Quốc cũng không thể tự do “tung hoành” ở biển Đông. Hơn nữa, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lại rất hạn chế về khả năng chống tàu ngầm vì lực lượng này chỉ tập trung đảm bảo sự an toàn của hành lang tàu thuyền quân đội, điều này giải thích vì sao Hải quân Trung Quốc lại được trang bị với hơn 10 máy bay chống tàu ngầm.
 
Tuy nhiên, máy bay chống tàu ngầm lại hạn chế trong phạm vi hoạt động, rất khó khăn cho lực lượng Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mở rộng vùng kiểm soát trong khoảng thời gian ngắn.
 
Với sự đồng loạt triển khai trang bị hạm đội tàu ngầm của các nước láng giềng, sẽ chỉ khó khăn thêm cho Trung Quốc khi quốc gia này áp đặt ý muốn trong các sự kiện tranh chấp lãnh hải trên biển Đông đang diễn ra, Quân đội Sina kết luận.
-----------------------
Cựu Giám đốc tình báo Hàn Quốc ngồi tù 3 năm vì can thiệp bầu cử
Tòa án phúc thẩm Hàn Quốc hôm qua 9/2 đã tuyên án phạt 3 năm tù đối với cựu Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) vì tội cố ý can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
 
Tờ Daily Mail đưa tin, cựu Giám đốc NIS Won Sei Hoon (64 tuổi) hồi tháng 9 năm ngoái đã bị kết tội dựa trên cương vị của mình, can thiệp phi pháp vào các quy trình chính trị.
 
Năm 2012, các điệp viên NIS dưới quyền ông Won đã tiến hành chiến dịch bôi nhọ một ứng cử viên đảng đối lập trên mạng Internet. Theo Daily Mail, ứng cử viên này đã bị Tổng thống Park Geun Hye đánh bại trong cuộc bầu cử với một tỷ lệ sát sao.
 
Năm ngoái, một tòa án sơ thẩm đã phạt ông Won 2 năm 6 tháng tù treo vì cho rằng dù cựu Giám đốc NIS đã có hành động vi phạm pháp luật nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy ông có ý đồ tìm cách can thiệp kết quả cuộc bầu cử Tổng thống.
 
Đến phiên phúc thẩm, tòa án cấp cao Seoul ngày 9/2 khẳng định ông Won đã cố ý can thiệp vào cuộc bầu cử và quyết định phạt tù 3 năm.
 
“Hoàn toàn công bằng khi nói rằng ông Won đã cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử”, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời thẩm phán Kim Sang Hwan nhấn mạnh.
 
Trước khi bị đưa ra khỏi phòng xét xử, cựu giám đốc NIS tuyên bố ông ta chỉ hành động “vì sự an toàn của người dân và đất nước Hàn Quốc”.
 
Cơ quan tiền thân của NIS có nhiều tai tiếng trong thập niên 1980, đến khi đổi tên thành Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS), cơ quan này tiếp tục gặp nhiều bê bối. Gần đây nhất là vụ ngụy tạo các tài liệu giả trong vụ  điều tra một cựu quan chức chính quyền Seoul, người đã trốn từ Triều Tiên sang Hàn Quốc vào năm 2004.
 
Cựu Giám đốc NIS Nam Jae Joon, người kế nhiệm ông Won, hồi tháng 4 năm ngoái đã phải công khai xin lỗi sau vụ việc trên. Ông Nam cam kết sẽ cải tổ toàn bộ cơ quan NIS nhưng chưa thực hiện được thì ông đã bị thay thế bằng Giám đốc hiện tại Lee Byung Kee chỉ một tháng sau đó.
----------------------------
Tư duy sử dụng cán bộ lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình
Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã khiến một loạt quan chức “ngã ngựa” và thay thế họ là các gương mặt mới. Trong số các quan chức mới được cất nhắc đó, người ta thấy không ít nhân vật là hiệu trưởng trường đại học, học giả, nhà tham mưu chiến lược nổi tiếng.
 
Thực tế này phản ánh tư duy sử dụng cán bộ lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình và việc “học giả tham chính” có thể sẽ trở thành một trong những “trạng thái bình thường mới” trong việc luân chuyển, sử dụng cán bộ ở Trung Quốc.
 
Tờ “Kinh tế Nhật báo” của Hong Kong ngày 9/2 cho biết vào ngày 28/1 vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc tuyên bố Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa Trần Cát Ninh được điều chuyển làm Bí thư Đảng ủy Bộ Bảo vệ Môi trường, thay cho ông Chu Sinh Hiền 65 tuổi (đến tuổi về hưu).
 
Dư luận cơ bản tin rằng Trần Cát Ninh sẽ hoàn thành trình tự pháp luật tại Hội nghị Ủy ban Thường vụ Nhân đại Toàn quốc hoặc tại Hội nghị Nhân đại Toàn quốc tổ chức vào tháng 3 tới để chính thức tiếp quản chức Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Môi trường. Cùng ngày, Ban Tổ chức Trung ương tuyên bố Hiệu trưởng Đại học Khoa học Kĩ thuật Trung Quốc Hầu Kiến Quốc sẽ đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.
 
Trước đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Khúc Tinh cũng được xác định là sẽ đi làm Đại sứ tại Bỉ, nguyên Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Bắc Kinh Quách Quảng Sinh được xác định sẽ đảm nhiệm chức Phó Tổng Thư ký Thị ủy Bắc Kinh.
 
Vào tuần đầu tiên của tháng 2/2015, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trung Quốc Trương Cao Lệ đã chủ trì hội nghị thúc đẩy chiến lược “một vành đai, một con đường” (vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21).
 
Theo đó, Tổ Lãnh đạo Xây dựng “một vành đai, một con đường” lần đầu tiên ra mắt với sự xuất hiện của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Vương Hộ Ninh được xếp ngay phía sau ông Trương Cao Lệ. Điều này cho thấy ông Vương Hộ Ninh đã đảm nhiệm chức Tổ phó Tổ Lãnh đạo Xây dựng “một vành đai, một con đường”, trở thành một trong những người thúc đẩy quan trọng của chiến lược “một vành đai, một con đường”. Thực tế này không khỏi khiến dư luận bên ngoài cảm thấy bất ngờ.
 
Có ý kiến cho rằng quan trường Trung Quốc trước đây đã hình thành tư duy “chỉ cần hồng, không cần chuyên”, do đó xảy ra tình trạng quyết sách không khoa học, gây ảnh hưởng không tốt tới mức độ thực thi chính sách. Việc giới chức cấp cao đưa các chuyên gia uy tín vào nắm giữ chức vụ lãnh đạo ở các bộ ngành chính là nhằm cứu vãn cục diện nêu trên. Theo Chủ nhiệm Ban Biên dịch Văn kiện Trung ương của Cục Biên dịch Trung ương Trung Quốc Dương Tuyết Đông, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đội ngũ cán bộ cũng phải tự mình điều chỉnh, nâng cao trình độ tri thức để đáp ứng yêu cầu mới.
 
Nếu không có một ê kíp quan chức với tố chất cao sẽ không thể điều hành đất nước một cách hữu hiệu. Giáo sư Lưu Hân thuộc Học viện Quản lý Công cộng, Đại học Nhân dân Trung Quốc, chỉ rõ yêu cầu về mức độ chuyên nghiệp hóa trong quyết sách của chính phủ ngày một cao nên ê kíp ra quyết sách cũng cần phải có mức độ chuyên nghiệp cao hơn.
 
Ngoài ra, có nhà quan sát chính trị cho rằng trong hệ thống quan trường hiện nay, các quan chức hành chính cấu kết với nhau, trở thành “ổ dịch tham nhũng”. Cho nên, việc đưa các học giả tương đối thiếu mối quan hệ với quan trường vào vị trí lãnh đạo các bộ ngành còn nhằm phòng chống tình trạng kéo bè kết phái, từ đó có tác dụng chống tham nhũng tốt.
 
Với trường hợp của ông Vương Hộ Ninh, trong một bài viết khác ở số ra cùng ngày, tờ “Kinh tế Nhật báo” cho biết nhân vật này từng phò trợ hai thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc là ông Giang Trạch Dân và ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời là nhà tham mưu chiến lược cốt lõi dưới thời hai nhà lãnh đạo này. Ông cũng là người trực tiếp tham gia vào việc khởi thảo “Thuyết Ba Đại diện” và “Quan niệm Phát triển Khoa học” tại Trung Quốc.
 
Ông Vương Hộ Ninh hiện nay 59 tuổi, làm Trưởng Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương từ năm 2002. Tại khóa 17, ông Vương Hộ Ninh còn kiêm nhiệm chức Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành nhân sĩ thứ hai thuộc giới lý luận, sau Đặng Lực Quần. Tháng 11/2012, tại Đại hội 18, ông Ninh tiếp tục được tấn thăng làm Ủy viên Bộ Chính trị và từ đó dần bước ra khỏi tấm màn của một nhà tham mưu chiến lược. Ông thường cùng Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Lật Chiến Thư tham gia tháp tùng nhà lãnh đạo thế hệ 5 trong các chuyến đi thăm viếng.
 
Việc Vương Hộ Ninh tham gia vào ban lãnh đạo Tổ Lãnh đạo Xây dựng “một vành đai, một con đường” cho thấy nhân vật này đã trở thành nhà thiết kế và quy hoạch chiến lược lớn của Trung Quốc. Trước đó, nguyên Phó Ban Nghiên cứu Chính sách Trung ương Thi Chi Hồng từng tiết lộ ông Vương Hộ Ninh là Chủ nhiệm Văn phòng Tổ Lãnh đạo Công tác Thúc đẩy Cải cách Toàn diện Trung ương.
 
Có ý kiến cho rằng việc ông Vương Hộ Ninh tiến lên tuyến đầu công tác từ vị trí của “đệ nhất tham mưu chiến lược của Trung Nam Hải” đã phản ánh tư duy bố trí, sử dụng cán bộ mới của lãnh đạo thế hệ 5, giúp cho “bộ não” của đất nước thâm nhập sâu hơn vào các khu vực quyền lực, có thể trực tiếp tham gia các hoạt động thực thi chính sách, đồng thời trợ giúp lãnh đạo thế hệ năm nâng cao trình độ điều hành đất nước.
---------------------------

Tin Phap Luat Tin Phap LuatTổng hợp

Trở về

Bài cùng chuyên mục

Văn phòng luật

Danh sách luật

Danh sách đầy đủ >>

Liên hệ quảng cáo: 0983 006 168

Thiết kế web nhanh

Chuyên gia phát triển hệ thống web portal giá rẻ, chuẩn SEO, chất lượng cao

www.webdesign.vn

Hotline: 098 300 6168

Tin kinh tế 

Tin kinh tế, giao thương, khuyến mãi, quảng bá sản phẩm,trang vàng doanh nghiệp,...

www.tinkinhte.com

Quảng cáo: 098 300 6168

Tin sức khỏe

Hệ thống mạng vì sức khỏe cộng đồng với hơn 300 kênh đang được phát triển

www.tinsuckhoe.com

Hợp tác: 090 620 7650

tinkhoahoc.com- Ads demo

Tin pháp luật

Tin pháp luật, văn bản luật, Văn phòng luật sư, giải đáp pháp luật,...

www.tinphapluat.com

Hợp tác: 090 620 7650

Thế giới thời trang

Thời trang Việt Nam, Shop thời trang, Mua bán thời trang, trang vàng thời trang,...

www.fashion365.vn

Hợp tác: 0127 399 6475

Cổng nhôm đúc

Cổng nhôm đúc, cầu thang nhôm đúc, lan can nhôm đúc, hàng rào nhôm đúc,...

www.congnhadep.com

Tư vấn: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Kiến trúc xanh

Thiết kế biệt thự, thiết kế nhà đẹp, thiết kế sân vườn, thiết kế nội ngoại thất,...

www.kientrucxanh.net

Tư vấn: 098 206 9958

Phong thủy 24h

Phong thủy học, xem tuổi làm nhà, nội thất phong thủy, vật phẩm phong thủy,...

www.phongthuy24h.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thiết kế nhà dân

Thiết kế nhà dân, thiết kế biệt thự, dịch vụ xây dựng, sửa chữa nhà ở, văn phòng...

www.thietkenhadan.com

Hợp tác: 098 206 9958

tinkhoahoc.com- Ads demo

Web trên smart phone

Chuyên phát triển web chạy trên smart phone và các thiết bị di động, thân thiện, chuẩn SEO,...

www.mobileweb.vn

Hợp tác: 098 300 6168

Máy lọc nước gia đình

Cung cấp máy lọc nước RO, sửa chữa máy lọc nước, thay lõi lọc máy lọc nước,...

www.maylocnuocgiadinh.com

Hợp tác: 098 206 9958

Thế giới động vật

Khám phá thế giới động vật, động vật hoang dã, thú cưng, chim cá cảnh,...

www.thegioidongvat.net

Hợp tác: 0127 399 6475

tinkhoahoc.com- Ads demo