Mỹ - Ấn bắt tay, Trung Quốc trấn an châu Phi
Bắc Kinh sẽ không đi theo con đường của “thực dân phương Tây” ở châu Phi. Đó là cam kết của Ngoại trưởng Vương Nghị đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cuối ngày 11-1 khi ông đang có chuyến công du 5 nước châu Phi kéo dài 8 ngày.
“Chúng tôi hoàn toàn không đi theo lối mòn của chủ nghĩa thực dân phương Tây và chúng tôi hoàn toàn không hy sinh môi trường sinh thái và lợi ích lâu dài của châu Phi” - đài CCTV dẫn lời ông Vương tại Kenya, điểm dừng chân đầu tiên trước khi tới Cameroon, Sudan, Guinea và Congo.
Là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và không ngừng tìm cách khai thác nguồn tài nguyên dồi dào tại đây trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc bị một số lãnh đạo châu lục này gọi là "thực dân kiểu mới". Họ còn lo ngại vì nhiều dự án của Bắc Kinh sử dụng thiết bị và nhân công của mình nên mang lại rất ít lợi ích cho dân địa phương.
Trong khi đó, dẫn đầu đoàn đại biểu doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu Gujarat tại Ấn Độ hôm 11-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi. Ca ngợi ông Modi là “vị thủ tướng nhìn xa trông rộng”, ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước. “Chúng ta phải hợp tác nhiều hơn và hành động nhanh hơn. Hai bên có thể cùng tạo ra môi trường thuận lợi để tất cả công ty của chúng ta giữ được vai trò đi đầu trong việc sáng tạo công nghệ, thiết bị, nguồn vốn, phương pháp sản xuất vượt trội…”. Đáp lại, Thủ tướng Modi cam kết loại bỏ quan liêu và theo đuổi các chính sách bảo đảm thuế quan ổn định để biến Ấn Độ thành thiên đường kinh doanh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến thăm New Delhi vào ngày 26-1 nhân lễ Ngày Cộng hòa hằng năm của Ấn Ðộ.
-------------------------
Cộng đồng kinh tế ASEAN: chưa ra mắt đã “đắt hàng”
Thông qua đẩy mạnh đầu tư, Nhật Bản đang phát đi một tín hiệu rõ ràng sẽ cạnh tranh với các cường quốc hàng đầu khác để giành lợi thế tại thị trường chung ASEAN - thành lập vào cuối năm 2015.
Asia Nikkei Reviews cho biết trong tuần này, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ bay đến Campuchia và Lào để tìm cách mở rộng quan hệ với 2 quốc gia này - nơi cũng là mục tiêu thắt chặt quan hệ của Trung Quốc.
Dự báo Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane sẽ “đánh” vào thỏa thuận thiết lập các đường bay thẳng từ Nhật sang Campuchia và Lào để thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương.
Đồng thời, chương trình nghị sự của ông ở Campuchia cũng đánh dấu sự kiện hoàn tất cây cầu Neak Loeung bắc qua sông Mekong - dự án nhận viện trợ 101 triệu USD của chính phủ Nhật.
Giới phân tích cho rằng cuộc chiến giành quyền thống trị khu vực sẽ càng quyết liệt hơn khi Đông Nam Á hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN gồm 10 quốc gia với tổng dân số hơn nửa tỉ người.
Campuchia và Lào chỉ là 2 nước nhỏ nằm trong chiến lược dài hạn của các công ty Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy lợi nhuận từ mảng thị trường tăng trưởng nhanh Đông Nam Á.
Theo Tổ chức ngoại thương Nhật Bản, đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật vào Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đạt 8,2 tỉ USD trong 3 quý đầu năm 2014 - chiếm hơn 1/10 tổng lượng đầu tư của Nhật ra nước ngoài.
Trong khi đó, Campuchia có truyền thống nhận viện trợ từ Trung Quốc, nước này cũng đổ không ít tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng của Lào - vốn đóng góp một phần trọng yếu vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á, cho phép Trung Quốc tiếp cận với Thái Lan và xa hơn nữa.
Bắc Kinh gọi giai đoạn này là "thập kỷ kim cương" cho việc thúc đẩy quan hệ với ASEAN, mục tiêu đẩy mạnh thương mại song phương từ 444 tỉ USD của năm 2013 lên 1.000 tỉ USD vào năm 2020, theo báo cáo gần đây nhất công bố trên các phương tiện truyền thông.
Tháng trước, Trung Quốc đã giành được các dự án xây dựng đường sắt dài 867km ở Thái Lan.
Trong khi đó Hàn Quốc - cũng lăm le thị trường Đông Nam Á - phủ nhận tin tức truyền thông rằng nước này đã thất bại trong đàm phán xây dựng đường sắt Thái. Họ cho biết vẫn đang thương thuyết với Bangkok về những dự án khả thi.
-------------------------
Cựu tổng thống Sri Lanka âm mưu đảo chính?
Sri Lanka mới đây cho biết sẽ điều tra âm mưu đảo chính của cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa sau khi ông bất ngờ thất bại trong cuộc bầu cử cuối tuần trước.
“Mọi người nghĩ đây là một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình, nhưng không phải” - BBC dẫn lời ông Mangala Samaraweera, một trợ lý của tân tổng thống Maithripala Sirisena, nói trong cuộc họp báo.
"Người dân cần phải biết tình hình nguy hiểm đến thế nào và biết về cuộc đảo chính của ông Rajapaksa nhằm chôn vùi nền dân chủ của đất nước" - ông Samaraweera nói.
Nhưng trước đó, người phát ngôn của ông Rajapaksa tuyên bố các cáo buộc ông âm mưu đảo chính là vô căn cứ.
Cuộc điều tra đặc biệt sẽ tiến hành ngay sau khi chính phủ mới được thành lập vào hôm nay 12-1.
Thông tin về âm mưu đảo chính xuất hiện sau khi ông Rajapaksa bất ngờ mất ghế tổng thống vào tay ông Maithripala Sirisena, một bộ trưởng dưới quyền của ông. Ngay sau kết quả bầu cử, ông Rajapaksa đã chấp nhận kết quả và rời văn phòng.
Tuy nhiên theo ông Samaraweera, cựu tổng thống Rajapaksa đã ra sức thuyết phục các lãnh đạo quân đội và cảnh sát giúp ông lấy lại quyền lực, kể cả sử dụng vũ lực.
Ông Rajapaksa chỉ từ bỏ sau khi các lãnh đạo quân đội và cảnh sát từ chối hợp tác. Ngoài ra, chính phủ mới cũng đã gây sức ép ngoại giao để ông Rajapaksa chuyển giao quyền lực.
Người phát ngôn quân đội Ruwan Wanigasooriya nói với hãng tin AFP rằng ông “không hay biết gì” về âm mưu đảo chính.
-------------------------
Croatia có nữ tổng thống đầu tiên
Bà Kolinda Grabar-Kitarovic thuộc đảng bảo thủ đối lập đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Croatia hôm 11-1 (giờ địa phương) với cách biệt sát sao.
AFP dẫn kết qủa của hội đồng kiểm phiếu cho thấy bà Grabar-Kitarovic là người chiến thắng với 50,4% phiếu bầu. Đối thủ của bà Grabar-Kitarovic là nhà lãnh đạo trung tả Ivo Josipovic chiếm 49,6% số phiếu.
Mặc dù tổng thống Croatia không nắm quyền quyết định về kinh tế nhưng cả hai ứng cử viên trong cuộc bầu cử vừa qua đều hứa sẽ nỗ lực phục hồi nền kinh tế đang lâm vào tình trạng khủng hoảng từ năm 2008 đến nay.
Với chiến thắng này, người đứng đầu đảng HDZ đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm quyền lãnh đạo Croatia, nước thành viên mới nhất của Liên Minh Châu Âu (EU) từ tháng 7-2013.
Cựu quan chức NATO Grabar-Kitarovic, 46 tuổi, từng đảm nhận vị trí bộ trưởng ngoại giao Croatia.
Tại Croatia, quyền lực của tống thống có phần hạn chế, tuy nhiên, chiến thắng của bàGrabar-Kitarovic sẽ giúp đảng HDZ của bà chiếm đa số trong cuộc bầu cử quốc hội sắp tới.
-------------------------