Nhật - Trung đàm phán lập cơ chế giải quyết khủng hoảng trên biển?
Nhật Bản và Trung Quốc có khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán liên quan đến việc thành lập một đường dây nóng dự kiến vào đầu năm 2015 để phục vụ việc giải quyết những khủng hoảng trên biển.
Trang tin của Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) dẫn nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 26-12 cho biết Tokyo mong muốn các cuộc đàm phán này sẽ diễn ra vào tuần sau.
Nếu đàm phán thành công, đường dây nóng sẽ phục vụ việc giải quyết khủng hoảng trên biển giữa hai quốc gia, giúp ngăn chặn những xung đột bất ngờ trên biển giữa lực lượng thực thi pháp luật giữa hai bên.
Cơ chế thông tin trên không chỉ giúp kết nối giữa lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và hải quân Trung Quốc mà còn là cầu nối thông tin giữa lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản với không quân Trung Quốc.
Một tháng trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí thành lập cơ chế ngăn chặn các vụ đối đầu bất ngờ giữa lực lượng quân sự hai nước trên các vùng biển và vùng không phận ở biển Hoa Đông, bao gồm việc tổ chức các cuộc tham vấn thường xuyên giữa quan chức quốc phòng hai nước.
Từ tháng 6-2014, Nhật Bản đã kêu gọi Trung Quốc khôi phục các cuộc đàm phán cấp cao liên quan đến vấn đề này, vốn đã bị đình trệ suốt hai năm qua. Nguyên nhân do Trung Quốc phản ứng việc Nhật Bản quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tâm điểm của các cuộc tranh chấp giữa hai nước.
-------------------------
Cháy phà 500 người trên biển Hi Lạp, mới cứu 200 người
Theo BBC sáng 29-12, khoảng 200 người được cứu từ vụ phà cháy trên biển Hi Lạp. Các đội cứu hộ Ý và Hi Lạp hoạt động xuyên đêm (tức sáng 29-12 giờ VN) giữa thời tiết xấu.
Theo Reuters, các hành khách được trực thăng mang ra ngoài đến một con tàu gần đó. Giới chức cho biết một người đàn ông Hi Lạp đã thiệt mạng sau khi nhảy xuống biển từ chiếc phà và một vài người bị thương trong số 478 hành khách và thủy thủ đoàn chiếc phà Norman Atlantic bị cháy trên biển Adriatic.
Thủ tướng Ý Matteo Renzi nói đêm cứu hộ là một "đêm thật dài". Các trực thăng sẽ tiếp tục cứu người trong khi phà được lai dắt về cảng gần đó nhưng chưa rõ thuộc Ý hay Albania. .
Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý thông báo ngọn lửa trên phà đã được “kiểm soát”. Phà được cố định bằng các sợi cáp nối với một con tàu kéo, chiến dịch cứu hộ đang diễn ra trong tình hình biển động và gió mạnh.
Hải quân Ý nói có hai trực thăng và một máy bay của không quân nước này, một chiếc Superpuma của Hi Lạp đang giúp từng nhóm nhỏ hành khách ra khỏi chiếc phà. Các máy bay và 10 con tàu khác tham gia trong vai trò trợ giúp.
Các hành khách hoảng sợ kể lại rằng họ phải di chuyển lên cao để tránh ngọn lửa. “Chúng tôi đi lên tầng chứa thuyền cứu sinh, nhưng rồi sàn tàu nóng lên buộc chúng tôi phải di chuyển lên sân trực thăng”.
Ngoài hành khách, chiếc phà Norman Atlantic chở theo 200 phương tiện. Nó cách hòn đảo Corfu 44 hải lí hướng tây bắc khi phát đi tín hiệu cầu cứu. Hành trình của phà từ Patras (Hi Lạp) đến thành phố Ancona của Ý.
-------------------------
Pháp chạy đua mở rộng thềm lục địa
Pháp đang xem việc mở rộng chủ quyền biển là biện pháp quan trọng để phát triển kinh tế trong những thập niên tới.
Ngay trước lễ Giáng sinh, Tổng thống Pháp François Hollande đã có chuyến thăm Saint-Pierre-et-Miquelon, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở bắc Đại Tây Dương và hiện có tranh chấp chủ quyền với Canada. Điều này cho thấy Paris đang ngày càng quan tâm đến những vùng lãnh thổ xa xôi. Nhờ các lãnh thổ hải ngoại “rải rác” ở nhiều châu lục mà Pháp hiện có diện tích vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) lên đến hơn 11 triệu km2, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ, theo tờ La Tribune. Tuy nhiên, Paris cho rằng nước này vẫn chưa tận dụng hết thế mạnh địa chính trị của lãnh thổ hải ngoại.
Trong báo cáo mới nhất, Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Pháp (CESE) ước tính nước này có thể khẳng định chủ quyền thêm khoảng 2 triệu km2 lòng biển nhờ vào việc xác định lại ranh giới thềm lục địa dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo UNCLOS, các nước được chứng minh chủ quyền vượt khỏi ranh giới 200 hải lý của EEZ và lên đến tối đa 350 hải lý tính từ đường biển cơ sở nhờ vào thềm lục địa tự nhiên.
AFP dẫn lời báo cáo viên Gérard Grignon nhận định: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, có quốc gia ven biển nào không nắm lấy cơ hội khẳng định quyền khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trong lòng đại dương? Pháp sẽ bị xem là quá chểnh mảng và thiếu tầm nhìn xa nếu không mở rộng chủ quyền đối với những vùng đáy biển nhiều khả năng chứa đầy dầu khí ở các lãnh thổ hải ngoại như Guyane, Saint-Pierre et Miquelon hay Nouvelle-Calédonie”. Ông Grigon là Chủ tịch Phái đoàn Hải ngoại của CESE và trong giai đoạn 1986 - 2007 là hạ nghị sĩ vùng Saint-Pierre-et-Miquelon.
Không chỉ vậy, theo báo cáo của CESE, trong 2 triệu km2 lòng biển nói trên có những vùng như khu vực xung quanh Polynesia thuộc Pháp ở nam Thái Bình Dương được phát hiện chứa đất hiếm. Nếu khai thác được, Pháp có thể tự chủ về những nguyên liệu có vai trò vô cùng quan trọng trong các ngành công nghiệp mũi nhọn hiện nay, từ hóa chất, sản xuất xe hơi, máy bay đến dược phẩm... Hiện Trung Quốc gần như ở thế độc quyền khi sản xuất tới 80% lượng đất hiếm trên thế giới. Còn tại vùng đáy biển quanh Wallis-et-Futuna, lãnh thổ hải ngoại khác của Pháp ở tây nam Thái Bình Dương, các nhà khoa học xác định rất giàu các kim loại như sắt, mangan, cobalt… Đây sẽ là điều kiện quan trọng để Paris thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế một cách bền vững trong những thập niên tới, đặc biệt là ở những vùng lãnh thổ hải ngoại vốn có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đáng kể so với chính quốc.
Ngòi nổ tranh chấp
Từ năm 2003, Pháp bắt đầu thực hiện chương trình “Mở rộng chính đáng thềm lục địa” (Extraplac) với mục tiêu thu thập chứng cứ khoa học của từng vùng lãnh thổ để đệ trình lên Liên Hiệp Quốc. Theo tờ Le Monde, tính từ năm 2009, nước này đã nộp hồ sơ về mở rộng thềm lục địa ở 14 khu vực địa lý khác nhau. Hiện có 5 hồ sơ đã được chấp thuận, liên quan đến vùng chủ quyền có tổng diện tích 600.000 km2 ở vịnh Gascogne (đông nam châu Âu, thuộc Đại Tây Dương), Guyane (đông bắc Nam Mỹ, ven Đại Tây Dương), quần đảo Antilles (vùng biển Caribe), quần đảo Kerguelen (nam Ấn Độ Dương) và New Caledonia (tây nam Thái Bình Dương). Bốn hồ sơ khác hiện đang trong quá trình xem xét liên quan đến các lãnh thổ hải ngoại La Réunion (Ấn Độ Dương, gần Madagascar), Saint-Paul-et-Amsterdam (nam Ấn Độ Dương), Wallis-et-Futuna (tây nam Thái Bình Dương) và quần đảo Crozet (nam Ấn Độ Dương). Những hồ sơ còn lại, Liên Hiệp Quốc từ chối xem xét do liên quan đến tranh chấp chủ quyền.
Trong số đó, nóng bỏng nhất là hồ sơ của Saint-Pierre-et-Miquelon, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở bắc Đại Tây Dương và phía nam Canada. Đây là vấn đề khiến 2 nước này căng thẳng từ hơn 2 thập niên qua. Theo tờ Les Echos, hồi tháng 10.2013 Paris cảnh báo sẽ kiện vụ việc lên Liên Hiệp Quốc còn Ottawa khẳng định chủ quyền thềm lục địa là “lợi ích quốc gia”. Tổng thống Pháp Hollande từng nhiều lần tuyên bố Paris sẽ bảo vệ quyền lợi liên quan đến việc mở rộng thềm lục địa ngoài khơi Saint-Pierre-et-Miquelon. Một trong những nguyên nhân chính khiến Pháp và Canada ngày càng tỏ ra cứng rắn là do quần đảo này có tiềm năng lớn về dầu mỏ. Tập đoàn Statoil của Na Uy gần đây thông báo thăm dò được một mỏ dầu “có trữ lượng đáng kể” ở vùng biển giữa Saint-Pierre-et-Miquelon và đảo Terre-Neuve của Canada. Bên cạnh đó, khẳng định được chủ quyền ở Saint-Pierre-et-Miquelon đồng nghĩa với việc Pháp có thể tham gia chia sẻ quyền lợi ở Bắc Cực, “điểm nóng” mới nổi của địa chính trị thế giới.
Hiện một số hồ sơ khác của Pháp cũng đang bị “treo” hoặc thậm chí phải rút lại do vấp phải sự phản đối từ Mexico, Vanuatu, Madagascar… Ngoài ra, Paris còn một trở ngại quan trọng trong chương trình Extraplac là những vùng muốn mở rộng thềm lục địa nằm ở quá nhiều khu vực khác nhau. Lực lượng bảo vệ chủ quyền chính là hải quân lại đang trong giai đoạn kinh tế khó khăn do Pháp chủ trương cắt giảm ngân sách của Bộ quốc phòng để đối phó khủng hoảng nợ công. La Tribune dẫn lời Đô đốc Bernard Rogel nhận đình: “Paris chỉ điều 6 tàu chiến và khoảng 20 tàu tuần tra để kiểm soát toàn bộ các vùng EEZ rộng lớn là không đủ. Chúng ta không chỉ khai thác mà còn phải tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên đầy tiềm năng này”.
-------------------------
Nga hỗ trợ các nhà xuất khẩu vũ khí
Chính phủ Nga ngày 28.12 thông báo cam kết hỗ trợ 6 tỉ rúp (110 triệu USD) cho các nhà xuất khẩu vũ khí thanh toán vốn vay từ những ngân hàng nội địa. Đây là nỗ lực tiếp theo của nhà nước nhằm “chống lưng” cho các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính của Nga.
Chính phủ Nga đã thực hiện những biện pháp nhằm hỗ trợ các công ty và ngân hàng nhà nước, cũng như để củng cố đồng rúp, nhưng các nhà phân tích vẫn bi quan về viễn cảnh của nền kinh tế nước này.
Nga đã chịu tác động nặng nề của việc giá dầu giảm phân nửa, mặt hàng xuất khẩu chính của nước này, kể từ tháng 6, cùng những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Theo Reuters, chính phủ Nga ngày 28.12 tuyên bố đã cam kết những khoản trợ cấp cho các nhà xuất khẩu “hàng hóa có mục đích quân sự” để hoàn trả một phần lãi suất của những khoản vay từ các ngân hàng trong nước, bao gồm Ngân hàng Phát triển Nhà nước (VEB).
Được biết, Quốc hội Mỹ vừa thông qua một dự luật gia tăng áp lực lên Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách cho phép áp đặt những biện pháp trừng phạt mới lên các công ty vũ khí và những doanh nghiệp đầu tư vào các dự án dầu khí công nghệ cao; đồng thời cung cấp viện trợ quân sự cho chính phủ Ukraine.
Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa bình luận về dự luật mới.
-------------------------