Hàn Quốc sẽ tập trận phòng thủ tên lửa đề phòng Triều Tiên
Hàn Quốc lên kế hoạch tiến hành tập trận phòng thủ tên lửa lần đầu tiên trong giai đoạn nửa năm đầu 2015, kiểm tra tính hiệu quả của chương trình phòng thủ tên lửa do nước này phát triển nhằm ứng phó với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên.
Hàn Quốc đã và đang phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (gọi tắt KAMD) có thể phát hiện và ứng phó trước sự khiêu khích từ Triều Tiên, theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 29.12.
“Các quan chức quân đội đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận phòng thủ tên lửa trong giai đoạn nửa năm đầu 2015”, Yonhap dẫn lời một nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho hay.
“Tôi hiểu rằng cuộc tập trận là nhằm kiểm tra tính hiệu quả của KAMD do chính quân đội chúng tôi phát triển và nhằm phát hiện những lỗi kỹ thuật”, nguồn tin trên cho biết.
Cuộc tập trận này dự kiến sẽ sử dụng những thông tin tình báo mà phía Nhật Bản cung cấp theo thỏa thuận ba bên Mỹ - Nhật - Hàn vừa được ký kết trong ngày 29.12.
Theo thỏa thuận này, ba nước đồng minh sẽ chia sẻ thông tin tình báo, bí mật quân sự về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
-------------------------
Reuters dự đoán thế giới năm 2015 đầy sóng gió
Từ khủng hoảng tài chính ở Nga cho đến chiến tranh mạng với Triều Tiên, năm 2014 đã tạo ra nhiều điểm nhấn trong những ngày cuối cùng của nó, mở đầu cho một năm mới 2015 được cho là cũng nhiều sóng gió không kém, theo Reuters ngày 28.12.
Đa số những cuộc đối đầu lớn, chẳng hạn như cuộc chiến chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) bành trướng ở Iraq và Syria, căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến khủng hoảng Ukraine và cuộc chiến chống dịch bệnh chết người Ebola trong năm 2014 sẽ tiếp diễn trong năm 2015, cũng như khả năng bùng nổ những cuộc đối đầu mới, theo Reuters.
“Thông thường, sau một năm như thế này, chúng ta kỳ vọng mọi thứ sẽ hạ nhiệt trong năm mới. Nhưng vẫn chưa có vấn đề nào của năm cũ được giải quyết dứt điểm và chúng sẽ tiếp diễn trong năm tiếp theo”, Reuters dẫn lời ông John Bassett, một chuyên gia của Đại học Oxford (Anh) - cựu quan chức tình báo cấp cao của Anh, nhận định.
Reuters cho biết có nhiều cách lý giải cho dự đoán về một năm 2015 đầy sóng gió, chẳng hạn như sự chuyển dịch quyền lực kinh tế khỏi phương Tây, những công nghệ mới, những đối thủ khu vực mới và sự giận dữ liên quan đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Vào tháng 6.2014, Viện Kinh tế và Hòa bình, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận toàn cầu có trụ sở tại Úc, công bố bản báo cáo cho thấy hòa bình thế giới sút giảm trong bảy năm liên tiếp kể từ 2007, đảo ngược xu hướng cải thiện tình trạng hòa bình trên thế giới trong những thập kỷ vừa qua.
Viện Kinh tế và Hòa bình trong báo cáo tháng 11.2014 cho biết số vụ tấn công của phiến quân, tổ chức cực đoan đã tăng vọt lên mức cao nhất, đa số diễn ra ở Iraq, Syria, Afghanistan, Pakistan và Nigeria vào thời điểm mà khả năng phản ứng, viện trợ quân sự của phương Tây bị giới hạn do Washington và đồng minh ở châu Âu cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Dù vậy, trong năm 2015, ưu tiên hàng đầu của các nước phương Tây, vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Trung Quốc dự kiến vẫn là đẩy lùi sự bành trướng của IS ở Iraq và Syria.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách phương Tây kỳ vọng cuộc khủng hoảng kinh tế Nga sẽ kìm hãm cái được cho là tham vọng “bành trướng” của Moscow sau khi Crimea ly khai Ukraine, sáp nhập Nga và Nga bị tố can dự vào tình hình khủng hoảng ở Ukraine, nhưng họ vẫn không thể dự đoán những động thái “bất ngờ” của Moscow trong năm 2015.
Các quan chức NATO từng tuyên bố NATO xem bất kỳ sự hung hăng nào của Nga đối với những nước Baltic (đồng minh của NATO) là hành động chiến tranh, sau khi Moscow gia tăng bất ngờ các hoạt động quân sự ở Baltic vào cuối năm 2014.
Còn Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự trong năm 2015. Nước này tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động như xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa để đặt cơ sở quân đội nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý "đường lưỡi bò” nuốt trọn gần cả biển Đông.
Ở biển Hoa Đông, quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư sẽ khiến quan hệ Nhật-Trung ngày càng tồi tệ hơn, nơi mà tàu tuần duyên của hai nước thường xuyên “lờn vờn”, chơi trò “mèo vờn chuột” quanh quần đảo tranh chấp này.
Trong năm 2015, vấn đề chiến tranh mạng sẽ nổi cộm sau vụ tấn công mạng nhắm vào Sony Pictures nhằm trả đũa việc phát hành bộ phim The Interview có nội dung về âm mưu ám sát lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ tấn công mạng này và khẩu chiến với Mỹ về những vụ tấn công mạng nhắm vào hai bên.
“Vụ tấn công mạng Sony Pictures cho thấy các nước phương Tây đang và sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng ngày càng gia tăng”, nhà phân tích chính trị Alastair Newton thuộc Công ty tư vấn tài chính Nomura (Nhật Bản), cho hay.
Reuters còn dự đoán những tháng đầu năm 2015 sẽ là thời điểm then chốt để thế giới nỗ lực chống lại sự lây lan của dịch bệnh Ebola, vốn bùng phát ở Tây Phi và cướp đi sinh mạng của trên 7.500 người. Tình hình Dải Gaza và vấn đề chương trình hạt nhân tranh cãi của Iran cũng được dự báo là sẽ nóng lên trong năm 2015.
Thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách lớn khác nhau trong năm 2015, theo nhận định của bà Kathleen Hicks, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Mỹ).
(Thanh Niên)
-------------------------
Hàn Quốc bất ngờ đề nghị Triều Tiên hội đàm
Hàn Quốc ngày hôm nay (29/12) đã đề nghị CHDCND Triền Tiên tiến hành một cuộc hội đàm giữa hai nước trong tháng 1/2015.
Theo RIA Novosti, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae cho biết, một trong những nội dung chính của đàm phán sẽ là cuộc hội ngộ của các gia đình ly tán bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Cuộc hội đàm được chính quyền Hàn Quốc đề xuất trong tháng 1/2015 “nhằm thảo luận những về vấn đề liên quan đến cả hai nước”.
“Tôi hy vọng rằng CHDCND Triều Tiên chấp nhận đề nghị này”, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-Jae nói.
Trên thực tế, bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ thời điểm nổ ra chiến tranh liên Triều (1950). Năm 1953, chiến tranh tổng lực tạm thời khép lại bằng việc Bình Nhưỡng và Seoul ký kết các hiệp định đình chiến.
Mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xấu đi nhanh chóng trong năm 2010 sau khi xảy ra vụ chìm tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc trên vùng biển Hoàng Hải, mà theo Seoul, nguyên nhân là ngư lôi của Triều Tiên.
-------------------------
GDP Nga lần đầu tiên giảm từ năm 2009
Ngày 29-12, Bộ Kinh tế Nga thông báo một tin xấu là GDP Nga giảm đáng kể trong tháng 11-2014. Đồng rúp cũng bắt đầu sụt giá trở lại sau vài ngày hồi phục.
Theo Itar-Tass, Bộ Kinh tế Nga cho biết GDP Nga giảm 0,5% trong tháng 11-2014. Đây là lần sụt giảm GDP đầu tiên của Nga kể từ tháng 10-2009.
“Với giá dầu hiện nay thì tình hình sẽ còn trở nên tồi tệ hơn. Không có lý do nào để lạc quan cả - Reuters dẫn lời nhà kinh tế trưởng Dmitry Polevoy thuộc Ngân hàng ING ở Matxcơva - Hệ thống ngân hàng bị tổn thương và niềm tin của người tiêu dùng không dễ phục hồi”.
Trong khi đó, hôm nay giá đồng rúp giảm 6% so với đồng USD, hiện dao động ở mức 1 USD đổi được 55,25 rúp.
Trước đó, Chính phủ Nga cũng đã dự báo GDP sẽ giảm 4,8% trong năm 2015 nếu giá dầu giữ ở mức 60 USD/thùng và lạm phát tăng lên 11,5%. Thâm hụt ngân sách Nga cũng sẽ chạm mức 3%. Quá trình phục hồi sẽ chỉ bắt đầu vào năm 2017.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu 10% nhưng chừng đó cũng chưa chắc đủ.
-------------------------