Xúc tiến dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam
Chiều 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Theodore Osius nhân dịp Đại sứ nhận nhiệm vụ tại Việt Nam.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ hết sức nỗ lực đồng thời đề nghị Hoa Kỳ có sự linh hoạt trong đàm phán Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để sớm đi đến kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định này. Thủ tướng cho rằng TPP được ký kết sẽ đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.
Khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Đại sứ Theodore Osius khẳng định trong nhiệm kỳ của mình, ông sẽ hết sức để đưa quan hệ đó ngày càng sâu sắc và mở rộng. Đại sứ cũng cho biết, Tổng thống Obama coi sự tham gia của Việt Nam vào TPP là vấn đề chiến lược để Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, độc lập và thịnh vượng. Vì vậy, Hoa Kỳ cũng đã thể hiện sự linh hoạt trong quá trình đàm phán vừa qua với mong muốn TPP sẽ hoàn tất đàm phán vào tháng 3 tới để Tổng thống Obama có thể trình Quốc hội biểu quyết vào tháng 5/2015.
Đại sứ cũng cho biết Hoa Kỳ ủng hộ lập trường, quan điểm của Việt Nam trong các vấn đề an ninh khu vực, đồng thời cho biết Tổng thống Obama cũng đang nỗ lực xúc tiến để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
-------------------------
Ngân hàng lại “cầu cạnh” vốn trung ương
Sau hơn 2 tuần thảnh thơi với tình hình thanh khoản tương đối “dư dả”, các ngân hàng thương mại trong tuần cuối cùng của năm 2014 lại cần nhiều đến sự hỗ trợ vốn từ NHNN thông qua thị trường mở và kênh tín phiếu.
Đây là diễn biến khá mới mẻ bởi trong hai tuần trước đó, cơ quan ngân hàng trung ương liên tục duy trì trạng thái hút vốn trên thị trường mở cũng như thị trường tín phiếu của NHNN liên tục chứng kiến trạng thái sôi động. Nay thì khác, chỉ trong tuần đến ngày 26.12.2014, cơ quan ngân hàng trung ương bơm ra thị trường 495 tỉ đồng qua kênh thị trưởng mở (OMO) trong khi không có lượng vốn nào được hút về qua kênh này. Động thái này của NHNN, như nhiều đánh giá, nhằm mục đích hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong bối cảnh nhu cầu thanh toán của các ngân hàng thường tăng mạnh ở giai đoạn cuối năm.
Tương tự, thay vào không khí nóng bỏng trong hai tuần giữa tháng 12, thị trường tín phiếu trong tuần qua chỉ phát hành mới được chưa đầy 18.500 tỉ đồng, tương đương mức giảm tới 36% so với tuần trước đó. So sánh với lượng tín phiếu đáo hạn cùng kỳ đạt tới gần 34.400 tỉ đồng, các ngân hàng trong tuần này được ngân hàng trung ương bơm ròng xấp xỉ 15.900 tỉ đồng qua kênh tín phiếu. “Việc NHNN quay trở lại bơm vốn ròng trong tuần vừa qua sau hai tuần hút ròng liên tiếp cho thấy động thái của cơ quan ngân hàng trung ương nhằm mục đích đảm bảo thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại trong giai đoạn cuối năm, đồng thời nhằm cân bằng lượng tiền được hút về trong hai tuần trước đó” - một tổ chức đầu tư nhìn nhận.
Dẫu vậy, ở khía cạnh tích cực, hoạt động của thị trường mở giai đoạn cuối năm nay đang chứng kiến trạng thái trầm lắng hơn hẳn so với cùng kỳ các năm trước. Yếu tố thanh khoản dường như chỉ xuất hiện trong ngắn hạn còn dài hơi hơn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại trong năm nay đang cho thấy việc được kiểm soát tốt hơn và không còn hiện tượng thiếu hụt thanh khoản như vài năm gần đây. Nhìn vào diễn biến thực tế, trong tuần cuối cùng của tháng 12, khối lượng tín phiếu các kỳ hạn 28 ngày, 91 ngày và 182 ngày có khối lượng trúng thầu tương đối đồng đều, lần lượt đạt 31,3%, 40,4% và 28,3%. Điểm đáng lưu ý là tỉ trọng khối lượng trúng thầu kỳ hạn dài, 91 ngày và 182 ngày, tăng đáng kể so với vài tuần gần đây. Diễn biến này một lần nữa cho thấy, dường như các ngân hàng thương mại bớt thận trọng hơn đối với vấn đề về thanh khoản trong trung hạn.
Một diễn biến đáng chú ý khác xuất hiện trên thị trường vay mượn vốn giữa các ngân hàng, thị trường liên ngân hàng và một lần nữa cho thấy thực tế thanh khoản của các ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Mặt bằng lãi suất trên thị trường nay bắt đầu tăng trở lại trong tuần vừa qua, sau khi giảm liên tiếp trong hai tuần trước đó. Ở số liệu chi tiết, so với cuối tuần trước đó, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần trong tuần vừa qua tăng lần lượt 0,7%/năm, 0,2%/năm và 0,65%/năm, đạt mức lãi suất 3,15%/năm 3,35%/năm và 4,1%/năm. Diễn biến lãi suất tăng trở lại trên thị trường liên ngân hàng hoàn toàn phù hợp với diễn biến về thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn cuối năm, khi mà nhu cầu thanh toán tăng.
Dẫu vậy, một báo cáo đáng chú ý chỉ ra rằng, các mức tăng nói trên không phải là diễn biến quá đột biến và chưa thể hiện sự thiếu hụt quá mức đối với thanh khoản của các ngân hàng thương mại.
-------------------------
Vinalines được bán Cảng Hải Phòng cho nhà đầu tư ngoại
Chính phủ đồng ý để Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) nhượng lại cổ phần cảng lớn nhất miền Bắc cho nhà đầu tư đến từ Oman.
Theo đó, Vinalines được phép bán là tối thiểu 19,68% và tối đa 29,58% cho đối tác chiến lược này.
Hiện Tổng công ty là cổ đông chính tại Cảng Hải Phòng khi nắm giữ 94,68% trong tổng vốn điều lệ gần 3.300 tỉ đồng.
Tại văn bản đề nghị được chuyển nhượng cho đối tác ngoại là Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman (VOI), Vinalines đề xuất được chuyển nhượng theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.
“VOI chấp nhận hình thức thỏa thuận trên cơ sở do tư vấn xác định giá nhưng không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của Cảng Hải Phòng trong đợt IPO vừa qua”, Vinalines cho biết.
VOI là một Công ty trực thuộc Quỹ dự trữ Quốc gia vương quốc Oman, được TP Hà Nội cấp phép hoạt động từ năm 2008 trong lĩnh vực môi giới đầu tư, hỗ trợ quản lý doanh nghiệp. Được biết, tại văn bản góp cho chủ trương này, Bộ KHĐT cũng đồng ý để Vinalines thoái vốn nhưng cũng đã có khuyến nghị cần tìm hiểu kỹ năng lực quản trị kinh doanh và kỹ thuật của nhà đầu tư trong việc hỗ trợ phát triển Cảng Hải Phòng khi đây chỉ là một quỹ đầu tư.
Cơ quan này cũng cho rằng trước mắt chỉ nên bán cho VOI tỉ lệ tối đa là 19,68%. Đại diện Vinalines cho biết VOI là đối tác tiềm năng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của DN cũng như của Cảng Hải Phòng.
Hai bên đang gấp rút các thủ tục thẩm định để ký thỏa thuận về hợp tác chiến lược. VOI cam kết sẽ hợp tác tối thiểu 10 năm, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực nếu được trở thành nhà đầu tư thông qua thỏa thuận trực tiếp để mua ít nhất 19,68% cổ phần của Vinalines ở Cảng Hải Phòng.
-------------------------
TPHCM: Hơn 15.000 căn hộ được chào bán ra thị trường
Thống kê từ CBRE Việt Nam tại TPHCM cho thấy năm 2014 đã có gần 15.000 căn hộ được chào bán trên thị trường, là con số cao nhất trong giai đoạn 2011-2014.
Trước đó, năm 2010 chứng kiến số lượng căn hộ chào bán kỉ lục là 21.000 căn. Tuy nhiên, số lượng căn hộ được tiêu thụ trong năm này lại khá thấp, dẫn đến tồn kho cho nhiều năm sau. Năm 2014, lượng căn hộ được chào bán mới là gần 15.000, gấp đôi so với năm 2013 và gấp 4 lần so với năm 2012.
Theo đó, khu vực quận 2 và quận 7 có số lượng dự án được chào bán nhiều nhất TPHCM với gần 6.000 căn từ 11 dự án. Riêng các quận 10, quận 3 gần như không có dự án mới nào được mở bán trong năm. Trong quí 4-2014, thị trường TPHCM ghi nhận có 6.670 căn hộ được chào bán, tăng 117,8% so với quí trước và 150,2% so với cùng kỳ năm trước.
Sở dĩ số lượng căn hộ tăng đột biến trong quí 4-2014 vì một số dự án lớn bắt đầu xây dựng và chào bán ra thị trường như Vinhomes Central Park tại quận Bình Thạnh chào bán 1.100 căn trong tổng số 10.000 căn; Masteri Thảo Điền ở quận 2 chào bán 1.449 căn trong tổng số 3.012 căn, và Scenic Valley ở quận 7 chào bán nhiều đợt trong quí. Số lượng bán hàng khá tốt của các dự án cao cấp trên đã kéo tỉ lệ tiêu thụ của phân khúc cao cấp đạt khoảng 60%, theo sau phân khúc này là phân khúc bình dân, đạt 35%.
Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của CBRE Việt Nam nhận định tại thị trường thứ cấp, trong khi giá bán của phân khúc trung cấp được cải thiện so với quí trước và cùng kỳ năm trước, thì giá bán của phân khúc cao cấp giảm 5% so với cùng kỳ năm trước do sự cạnh tranh của nguồn cung mới trên thị trường sơ cấp.
-------------------------