Trung Quốc dọa dùng Tam Sa 1 đưa xe tăng ra Trường Sa
Tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 9.1 đưa tin Tam Sa 1, con tàu tiếp tế dân sự lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc, có khả năng vận chuyển xe tăng đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong trường hợp có xung đột xảy ra.
Trung Quốc dọa dùng Tam Sa 1 đưa xe tăng ra Trường Sa - ảnh 1Tam Sa 1, tàu tiếp tế lớn nhất và hiện đại nhất Trung Quốc, được cho là có khả năng vận chuyển xe tăng - Ảnh chụp màn hình trang Hainan.ifeng.com
Vào hôm 5.1, Tam Sa 1 đã bắt đầu chuyến hải trình đầu tiên từ thành phố Văn Xương thuộc đảo Hải Nam (cực nam Trung Quốc) đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc ngang ngược thiết lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Được giới truyền thông Trung Quốc cho là tàu tiếp tế lớn nhất và tiên tiến nhất Trung Quốc, Tam Sa 1 có bãi đáp cho trực thăng và có khả năng chở theo nhiều khí tài cho lực lượng bộ binh, chẳng hạn như xe tăng Type 99, cũng như các phương tiện tấn công đổ bộ, theo Thời báo Hoàn cầu.
Type 99A2 là mẫu xe tăng hạng nhẹ (30 tấn) mới Trung Quốc trình làng hồi cuối năm 2013 và được cho là sẽ thay thế cho hai loại 2 xe tăng lỗi thời Type 62 và Type 63 của quân đội Trung Quốc, theo tạp chí quốc phòng Jane’s (Anh).
Theo Jane's, Type 99A2 được trang bị súng 105 mm và súng phóng lựu 7,62 mm.
Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu không nói rõ Tam Sa 1 có thể chở tối đa bao nhiêu xe tăng.
Tam Sa 1 dài 122 m, rộng 21 m, độ choán nước 7.800 tấn và vận tốc hơn 35 km/giờ, có thể chở 456 người và mang theo 20 rơ moóc chở container. Tân Hoa xã cho biết nhiệm vụ của tàu là tiếp tế cho các hoạt động từ đảo Hải Nam đến các đảo ở biển Đông.
Chuẩn đô đốc Lý Kiệt của Hải quân Trung Quốc cho rằng Tam Sa 1 có khả năng vận chuyển một tiểu đoàn bộ binh và khí tài hạng nhẹ.
Ngoài ra, ông Lý còn nhận định Việt Nam và Philippines không có khả năng thiết kế cũng như đóng tàu tiếp tế cỡ lớn.
-------------------------
Thủ tướng chỉ thị toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện các mô hình tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đưa vào giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Ngày 9-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra Chỉ thị về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng), Bộ Công an tổ chức phong trào cho các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đăng ký tham gia tự quản bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh trật tự trên các tuyến biên giới. Hàng năm, bố trí một phần ngân sách địa phương để đảm bảo cho các hoạt động của phong trào quần chúng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có biên giới, bờ biển định kỳ 2 năm một lần mở đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt của phong trào và tổ chức các hoạt động trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; định kỳ 5 năm một lần tổ chức sơ kết cấp tỉnh; hàng năm vào "Ngày Biên phòng toàn dân" 3-3, tiến hành sơ kết phong trào ở cấp xã.
UBND các tỉnh, TP khác phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh biên giới quan tâm đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực biên giới; tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả hướng về đồng bào, chiến sĩ nơi biên giới.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND các tỉnh, TP có biên giới hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cho tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Nghiên cứu, hoàn thiện nội dung, phương pháp xây dựng phong trào, các mô hình tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND các tỉnh, TP có biên giới tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ nòng cốt của phong trào và tiến hành các hoạt động giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; chỉ đạo Bộ đội Biên phòng làm nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức, quản lý tập thể, hộ gia đình và cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Hải quân phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho ngư dân đánh cá xa bờ, hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng) khảo sát, rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư các xã biên giới để triển khai tổ chức thực hiện góp phần xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng giao chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình định kỳ và dài hạn để phổ biến, giáo dục nhận thức cho nhân dân về chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo trên các báo, đài Trung ương, địa phương, cũng như trên các kênh truyền hình đối ngoại và dành cho kiều bào ta ở nước ngoài.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và đưa vào chương trình giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân các vùng biên giới, hải đảo nâng cao ý thức, trách nhiệm, tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân với địa phương các nước có chung đường biên giới; ghi nhận, biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể có thành tích nổi bật trong thực hiện phong trào.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và các loại tội phạm; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
--------------------
Bỏ ngay phí, lệ phí bất hợp lý trong ngành NN&PTNT
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sau khi báo Tuổi Trẻ đưa thông tin “Nuôi gà thịt chịu 14 loại phí”.
Ngày 8-1- 2015, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Vụ Tài chính (Bộ NN&PTNT) chủ trì kiểm tra toàn bộ các loại phí, lệ phí trong ngành NN&PTNT, phát hiện các chồng chéo, bất hợp lý, đề xuất sửa đổi và báo cáo bộ trưởng kết quả kiểm tra trước ngày 15-2-2015.
"Tôi yêu cầu trong tháng này phải thay đổi, chấm dứt việc phi lý như vậy” – Bộ trưởng nêu rõ.
Ý kiến chỉ đạo nói trên được đưa ra sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tin phản ánh ý kiến của ông Nguyễn Văn Trực –Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH về việc “Nuôi gà thịt chịu 14 loại phí”.
Ông Cao Đức Phát cũng giao Vụ Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thú y và cơ quan liên quan của Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi các Thông tư liên quan quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, hoàn thành dự thảo trước 15-2-2015.
Trước đó, liên quan đến vấn đề phí và lệ phí mà các doanh nghiệp, người dân phản ánh đã được Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ rà soát và đề xuất sửa đổi những quy định không phù hợp.
Mới đây nhất, tại cuộc họp giao ban trung tuần tháng 12-2014, ông Cao Đức Phát đã yêu cầu phải bỏ những quy định về phí và lệ phí không đúng.
Ông cũng đề nghị các “tư lệnh” ngành Thú y, Bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản phải tham mưu cho Bộ hai việc: một là cắt bỏ những giấy phép bất hợp lý; hai là cắt giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
-------------------------
Việt Nam là nước ưu tiên hợp tác của Wallonie Bruxxels
Chiều 7/1, tại Hà Nội, ông Philippe Suinen, Giám đốc điều hành Diễn đàn tiếng Pháp toàn cầu 2015 kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp vùng Wallonie (Bỉ) đã nói như vậy tại cuộc gặp gỡ báo chí.
Ông Philippe Suinen sang Việt Nam từ ngày 7/1 đến 9 /1 để làm việc với các cơ quan hữu trách Việt Nam liên quan tới hai hoạt động lớn sắp diễn ra của cộng đồng Pháp ngữ là Diễn đàn tiếng Pháp toàn cầu lần thứ 2 được tổ chức tại Liege, Bỉ từ ngày 20-23/7/2015 và cuộc thi tay nghề quốc tế World Skill sẽ được tổ chức tại thành phố Charleroi (Bỉ) năm 2019.
Ông cho biết, diễn đàn tiếng Pháp toàn cầu lần thứ 2 này sẽ thu hút 1.500 bạn trẻ đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Những người tham gia Diễn dàn sẽ cùng nhau thảo luận về những thách thức của thế kỷ 21 trong đó có sự phát triển kinh tế và xã hội, giáo dục và cải tiến công nghệ. Việt Nam có 10 hồ sơ dự án tham dự diễn đàn. Theo đánh giá của ông Suinen, các hồ sơ này có chất lượng khá tốt và hy vọng được ban tổ chức chọn lựa.
Về cuộc thi tay nghề thế giới, ông Suinen cho biết thêm, thành phố Charleroi của Bỉ nổi tiếng là cái nôi đào tạo nhiều ngành nghề, trong đó có ngành đồ họa viết truyện tranh. Ông hy vọng, cuộc thi được tổ chức tại đây sẽ là cơ hội giao lưu và học hỏi giữa các nước trong cộng đồng Pháp ngữ, trong đó Việt Nam là thành viên tích cực.
Ngoài ra, chuyến thăm Việt Nam của ông Suinen lần này còn nhằm tăng cường hiểu biết giữa vùng Wallonie Bruxxels (Bỉ) và Việt Nam. Ông cho biết, Việt Nam là một trong 12 nước ưu tiên hợp tác của Wallonie Bruxxels , trong đó có xúc tiến thương mại và công nghiệp.
-------------------------
Chủ tịch huyện Hoàng Sa phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa
Ngày 8.1, trả lời báo chí về việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ngày 6.1 tuyên bố “thành lập 4 ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa” cũng như việc Trung Quốc tổ chức diễn tập ở đảo Phú Lâm (nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), ông Võ Công Chánh (ảnh) - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa - cho biết:
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Kể từ ngày 19.1.1974 Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mọi hành động của Trung Quốc tại quần đảo này đều phi nghĩa, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển. Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và lợi ích trên biển của các quốc gia trên thế giới, đe dọa quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực. Chúng tôi phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như trên Biển Đông để duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và trong khu vực.
-------------------------