Trung Quốc sắp dùng tàu có khả năng chịu bão để kéo giàn khoan ra biển Đông
Trung Quốc được cho là đã đóng xong tàu kéo lớn nhất từ trước đến nay của nước này và sẽ dùng nó để lai dắt giàn khoan ra biển Đông, trang tin Want China Times (Đài Loan) đưa tin hôm 10.1.
Trung Quốc sắp dùng tàu có khả năng chịu bão để kéo giàn khoan ra biển Đông - ảnh 1Hình ảnh Hoa Hổ, tàu vận tải xa bờ lớn nhất Trung Quốc, trên trang web của Want China Times (Đài Loan)
Tập đoàn công nghiệp nặng đóng tàu Vũ Hán (Trung Quốc) đã đóng xong chiếc Hoa Hổ, với tải trọng 5.300 tấn và có giá gần 83 triệu USD, theo Want China Times.
Với chiều dài 89,2 m, Hoa Hổ được xem là tàu vận tải hoạt động xa bờ lớn nhất của Trung Quốc và có khả năng lai dắt giàn khoan với trọng lượng hơn vài chục ngàn tấn nhờ lực kéo lên đến 296 tấn, trang tin Đài Loan cho hay. Nhiệm vụ của tàu này sẽ là lai dắt giàn khoan, vận chuyển và hỗ trợ hoạt động khoan dầu tại biển Đông.
Ông Yang Zhigang - Chủ tịch Tập đoàn Vũ Hán cho biết Hoa Hổ được trang bị robot lặn hiện đại điều khiển từ xa, có khả năng lặn đến độ sâu 3.000 m, đồng thời khẳng định tàu có thể hoạt động trong điều kiện giông bão.
Được biết, hồi đầu tháng 5.2014, Trung Quốc đã ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào ngay trong vùng biển của Việt Nam. Bắc Kinh đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu USD) cho Hải Dương-981, còn được gọi là “siêu giàn khoan”.
Hải Dương-981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn, với diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu tối đa 12.000 m.
Tân Hoa xã ước tính biển Đông có 23-30 tỉ tấn dầu mỏ và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên.
-------------------------
Thái Lan kiểm soát lao động Việt Nam không phép
Bộ Lao động Thái Lan cho biết sẽ mở rộng chương trình đăng ký lao động nước ngoài đối với lao động VN sau khi phát hiện nhiều người làm việc không phép tại nước này.
Theo Bangkok Post ngày 10-1, chính quyền Thái Lan sẽ ra hạn chót các nhà tuyển dụng đăng ký cho nhân viên của mình là người VN đang làm việc không phép, Bộ trưởng lao động Surasak Karnjanarat nói. Ông Surasak cho biết quyết định đưa ra sau cuộc họp về các biện pháp chống buôn người và lao động bất hợp pháp diễn ra hôm qua.
Trước đó, Thái Lan đã cho lao động các nước khác đăng ký lao động tại nước này. Đến nay đã có khoảng 1,6 triệu lao động Lào, Campuchia, Myanmar ở Thái Lan đăng ký. Phía Thái Lan chưa rõ có bao nhiêu lao động VN làm việc trái phép tại nước này.
Kế hoạch đăng ký lao động VN sẽ được chuyển đến Quốc hội để thông qua trong tháng này. Trong tháng tới, các cơ quan chức năng sẽ thông báo đến các nhà tuyển dụng lao động việc đăng ký bắt buộc sẽ áp dụng từ tháng 3-2015.
Theo Bangkok Post, chương trình sẽ quy định những công việc dành cho lao động VN như lao động chân tay hay giúp việc nhà. Ngoài ra, chính quyền Thái Lan cũng sẽ xem xét các lĩnh vực đang thiếu nhân lực như xây dựng và đánh cá. Người lao động nước ngoài sẽ được phép làm việc trong một năm kể từ khi đăng ký. Sau thời hạn đó, họ sẽ không thể đăng ký lại.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết: “Có khả năng phía Thái Lan và VN sẽ thảo luận ở cấp thứ trưởng vấn đề này ngay trong tháng 1-2015 và có thể ký hiệp định sơ bộ.
Việc thảo luận tập trung vào hai vấn đề gồm: quy trình và thủ tục hợp pháp hóa lao động VN đang làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan, đồng ý về thỏa thuận đưa lao động mới của VN sang làm việc tại Thái Lan trong một số lĩnh vực được phía bạn quy định”.
-------------------------
Xử nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại Hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp đủ điều kiện phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các doanh nghiệp đã IPO nhưng tỷ lệ bán cổ phần chưa đạt như phương án đề ra, cần tiếp tục bán cổ phần. Không chuyển các đơn vị sự nghiệp về Bộ khi cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các doanh nghiệp cần có lộ trình phù hợp để thoái vốn đầu tư ngoài ngành đối với những khoản đầu tư dở dang nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
-------------------------
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài gấp đôi tiêu chí
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức cuộc họp báo nhằm thông báo về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2014.
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh đã thông báo sơ bộ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nổi bật nhất là số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà Đồng Nai thu hút được trong năm đã lên đến 1,732 tỉ USD, vượt gấp đôi kế hoạch cả năm (700 - 900 triệu USD).
Phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái nhấn mạnh, những thành quả mà Đồng Nai đạt được năm qua là cả một sự nỗ lực lớn của tỉnh. Đặc biệt, tin vui đến Đồng Nai trong dịp cuối năm 2014 là Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Đồng Nai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của cả nước, đó là TX.Long Khánh và H.Xuân Lộc.
Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đã chất vấn lãnh đạo tỉnh và các sở ngành nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như dự án cải tạo cảnh quan sông Đồng Nai, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, dự án Khu nông nghiệp công nghệ cao của Tổng công ty Dofico…; định hướng thu hút FDI trong năm tới; đời sống người lao động; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đăng chắn hồ Trị An… Dịp này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã trao tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân một số tờ báo có đóng góp tuyên truyền cho tỉnh năm 2014 (ảnh).
-------------------------
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi
Cùng với châu Phi, Tây Á và Nam Á là những thị trường được Bộ Công thương lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2015. Năm 2014, gạo của VN đã xuất khẩu sang 46/78 nước ở các thị trường này với tổng kim ngạch khoảng 410 triệu USD.
Các thị trường chính ở châu Phi như: Bờ Biển Ngà, Angola, Cameroon lượng gạo xuất khẩu của VN trong năm qua đều giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là một số nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi bằng cách giảm giá gạo. Tại khu vực Nam Á, Bangladesh là nước nhập khẩu gạo lớn nhất. Trước đây, VN xuất khẩu một lượng lớn gạo sang đây nhưng 3 năm gần đây, nước này lại chủ yếu mua gạo của Ấn Độ và Thái Lan.
Theo Bộ Công thương, với số dân hơn 1 tỉ người, mỗi năm châu Phi phải nhập khẩu từ 8 - 10 triệu tấn gạo, trị giá từ 3,5 - 5 tỉ USD, chủ yếu là loại gạo 25% tấm. Thái Lan vẫn là nhà cung cấp gạo với khối lượng lớn nhất, chiếm đến 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của châu Phi. Dự báo năm 2015, nhu cầu nhập khẩu gạo của châu Phi sẽ tăng, đặc biệt ở khu vực hạ Sahara. Bên cạnh đó, các nước Tây Á cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo cao như: Iran có nhu cầu nhập khẩu 1,7 triệu tấn; Iraq khoảng 1,2 triệu tấn; Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khoảng 1 triệu tấn gạo các loại.
Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào các thị trường này, Bộ Công thương cho rằng cần có chiến lược phát triển thị trường gạo đến năm 2020. Tổ chức các đoàn giao thương, xúc tiến thương mại tại khu vực, trong đó chú trọng thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo. Giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh. Hỗ trợ doanh nghiệp thành lập công ty, mở kho ngoại quan gạo tại một số thị trường trọng điểm như: Cameroon, Angola, Mozambique... để tiêu thụ gạo trực tiếp.
-------------------------