Ngày 15/1, Hội nghị công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Ban Kinh tế Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy đã được tổ chức tại Hà NộiỦy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.
Báo cáo và các tham luận tại Hội nghị nêu rõ, thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã nỗ lực thực hiện tốt công tác tham mưu phục vụ cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ban đã chủ động, triển khai thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị chu đáo một số đề án, báo cáo quan trọng được Trung ương đánh giá tốt như: Tổng kết 30 năm đổi mới về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Báo cáo đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế; Báo cáo Luận cứ khoa học và thực tiễn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020).
Ban Kinh tế Trung ương đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng sắp tới, đặc biệt trong nội dung về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và vấn đề hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các báo cáo thẩm định của Ban có trọng tâm và trọng điểm, góp phần quan trọng giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan Đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vàcác tỉnh ủy, thành uỷ.
Công tác tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy đã bám sát vào việc triển khai các chủ trương lớn của Trung ương về thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đồng thời đẩy mạnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển một số ngành, lĩnh vực đặc thù của địa phương nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị.
Các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương bằng các chương trình hành động cụ thể, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã bám sát thực tiễn, sáng tạo nhiều mô hình mới, cách làm hay, bổ sung cho phát triển lý luận, góp phần đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào các chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Các tỉnh ủy, thành ủy đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương trong công tác nghiên cứu, đề xuất; thẩm định; kiểm tra, giám sát và đã triển khai xây dựng nhiều đề án thực hiện các chủ trương của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp nâng cao chất lượng tham mưu về kinh tế- xã hội của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ghi nhận những thành tích, cố gắng của Ban Kinh tế Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trong công tác tham mưu kinh tế - xã hội của Đảng ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua; đồng thời chỉ rõ những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
Phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụnăm 2015 và những năm tiếp theo, Ban Kinh tế Trung ương cần tiếp tục bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung vào việc nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư các chủ trương, chính sách lớn về kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện các nội dung của Văn kiện Đại hội XII về kinh tế xã hội, đặc biệt lànhững nội dung lớn.
Ông Lê Hồng Anh đề cập vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ban đi sâu nghiên cứu các thể chế, chính sách để phát triển các loại hình doanh nghiệp, Hợp tác xã, mô hình tổ chức cơ quan quản lý chuyên trách đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước; các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ trương, chính sách về liên kết vùng kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, chính sách nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển ODA, vay ưu đãi và viện trợ nước ngoài.
Đây là những vấn đề hết sức hệ trọng, có tầm chiến lược, có ý nghĩa cả trước mắt và lâu dài. Ban cần chú trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đồng thời tham gia góp ý, thẩm định Văn kiện đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý Ban Kinh tế Trung ương tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết,chỉ thị,kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng. Ban kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Thông báo Kết luận số 121-TB/TW của Bộ Chính trị về Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”; Kết luận số 41-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025; Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị về an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020.
Ban Kinh tế Trung ương cũng phải tăng cường sự phối hợp với các tỉnh, thành ủy nhằm hoàn thành tốt công tác tham mưu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương. Ban chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu có trình độ. Tranh thủ trí tuệ của các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, các đoàn thể, hiệp hội ngành hàng, Ban làm tốt công tác tập huấn, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực hiện công tác nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cho đội ngũ làm công tác tham mưu của các tỉnh ủy, thành ủy và Ban Kinh tế Trung ương để nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tham mưu chuyên sâu cho cán bộ tham mưu các cấp đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới
Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy tập trung tham mưu cho Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 2015 theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các Nghị quyết của Đảng bộ địa phương; xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ địa phương và góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XII của Đảng.
Các tỉnh ủy, thành ủy chủ động phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan Đảng ở Trung ương trong việc triển khai thực hiện những đề án lớn về kinh tế - xã hội ở địa phương và kinh tế vùng; tham gia sơ kết, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội.
Các tỉnh ủy, thành ủy chủ động báo cáo cung cấp thông tin về các điển hình, mô hình kinh tế có hiệu quả của địa phương cho Ban Kinh tế Trung ương để phổ biến kinh nghiệm, nhân điển hình cho cả nước, đồng thời cung cấp thông tin, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để Ban Kinh tế Trung ương kịp thời nắm bắt, nghiên cứu, phối hợp với các ban, bộ, ngành tháo gỡ hoặc báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, giải quyết.
Lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy cần chú ý quan tâm đến việc nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Văn phòng tỉnh ủy, thành ủy; lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực phù hợp, kết hợp chế độ cộng tác viên, chuyên gia trong công tác tham mưu về kinh tế - xã hội ở địa phương.
Về các kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, Thường trực Ban Bí thư giao Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp và nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoặc gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
---------------------------
2015, Đà Nẵng sẽ giải quyết triệt để nạn ăn xin
UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tổ chức triển khai Năm văn hoá, văn minh đô thị 2015.
Theo đó, bảy nhiệm vụ chính được đề ra gồm: tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về văn hóa văn minh đô thị; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, phát triển văn học nghệ thuật và đầu tư thiết chế văn hóa; đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị; đảm bảo an toàn giao thông; giữ gìn vệ sinh; bảo vệ môi trường; xây dựng nếp sống công cộng và giao tiếp- ứng xử văn minh.
Trong đó, 3 nhóm hành vi vi phạm gồm quảng cáo tờ rơi, rao vặt sai quy định gây mất mỹ quan đô thị; chèo kéo, đeo bám khách du lịch; lang thang xin ăn và ăn xin biến tướng sẽ được tập trung giải quyết triệt để, tiến tới chấm dứt hẳn.
Sáng 15/1, đại diện các quận, huyện cũng đã ký cam kết thực hiện Chỉ thị số 43 của Thành Ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Dịp này, Tổ liên ngành triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 cũng được thành lập. Nhiệm vụ của Tổ là thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý những điểm “nóng” về văn hóa, văn minh, vệ sinh môi trường ... trên địa bàn thành phố.
Theo Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng Trần Thọ, để chỉ thị số 43 thành công, thì điều quan trọng nhất là sự nhất trí, đồng lòng thực hiện của nhân dân thành phố. Vì vậy, không chỉ quán triệt, triển khai sâu rộng đến toàn bộ cán bộ, công chức viên chức, người lao động, nhân dân; mà cần có sự nêu gương từ chính những lãnh đạo từng đơn vị, địa phương đó.
------------------------
1 triệu USD vốn ODA hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt danh mục Dự án hỗ trợ kỹ thuật "Hỗ trợ cải cách chế độ công vụ, công chức Việt Nam" do ADB viện trợ không hoàn lại. 1 triệu USD vốn ODA được dành cho 2 năm hoạt động của dự án.
Tổng kinh phí Dự án là 1,25 triệu USD, trong đó vốn ODA do ADB viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD; vốn đối ứng phía Việt Nam 250.000 USD (Bộ Nội vụ bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước được giao hàng năm để thực hiện).
Khoản tài trợ sẽ giúp Bộ Nội Vụ bổ sung nguồn lực để xây dựng một nền công vụ "chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả"; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức nhằm mục tiêu xây dựng một nền công vụ với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; giúp Chính phủ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội và cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020.
Dự án sẽ có các hoạt động chính: Triển khai xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức theo ngạch và hạng viên chức; đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; chia sẻ kinh nghiệm về quản lý sự thay đổi trong các cơ quan đơn vị.
Dự án thực hiện đến năm 2016. Bộ Nội vụ là cơ quan chủ quản Dự án.
--------------------------