Chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo
Ngân hàng Nhà nước VN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền.
Theo đó, tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo cho Cục Phòng, chống rửa tiền giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào VN có mức giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
-----------------------
Ngưng lưu hành hàng loạt thuốc kém chất lượng
Ngày 15-8, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết vừa quyết định rút số đăng ký lưu hành nhiều loại thuốc ngoại ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Lý do vì những thuốc này vi phạm chất lượng thuốc theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam.
Các thuốc bị rút số đăng ký lưu hành chủ yếu là sản xuất từ Ấn Độ như Umedica Laboratories Pvt., Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt., Ltd., Cure Medicines (I) Pvt., Ltd., Medley Pharmaceuticals Ltd…
Bên cạnh việc trên, ông Cường cũng cho biết đã ngừng tiếp nhận các hồ sơ đăng ký thuốc và không cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các công ty hoặc nhà sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng liên tục trong thời gian qua.
-----------------------
Chủ tịch nước có quyền đề nghị QH tổ chức trưng cầu ý dân
Ngày 15-8, thảo luận về quy định trưng cầu ý dân trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được Hiến pháp ghi nhận do vậy phải được Luật Tổ chức Quốc hội quy định.
Vì vậy, dự thảo luật đã thể chế hóa khoản 15 Điều 70 của Hiến pháp về các trường hợp Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân. Theo đó, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân. Riêng về cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật Trưng cầu ý dân quy định.
Về tỉ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật cũng đã được chỉnh lý theo hướng quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội để dần chuyên nghiệp hóa hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cần rà soát lại các quy định để đảm bảo Kiểm toán Nhà nước hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ theo quy định của pháp luật và có những đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí hành chính công…
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, đạo luật này vẫn chưa toát lên được những nội hàm trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng luật này ra đời phải góp phần chống tiêu cực tham nhũng. Do đó, ông Lưu cho rằng để ngăn chặn tình trạng “mặc cả với nhau” thì cần có quy trình trao đổi ngay trong quá trình kiểm toán chứ không phải kết thúc kiểm toán rồi đưa kết luận kiểm toán cho họ để phản hồi lại. “Thời gian phản hồi dài, dễ dẫn đến mặc cả, biến 10 còn 8. Cơ chế này dễ tạo ra sơ hở nên cần phải xem xét cho phù hợp” - ông Lưu chỉ rõ.
------------------
Loại bỏ ngay cán bộ tiếp tay cho buôn lậu
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định có một bộ phận không nhỏ cán bộ vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Ông Phúc yêu cầu Hà Nội làm gương về rà soát lực lượng chống buôn lậu, loại bỏ ngay cán bộ yếu kém và xử lý nghiêm số cán bộ hư hỏng, tha hóa trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mai.
Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn giao thông vào sáng 14-8.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế buôn lậu đang làm thất thu cho Nhà nước, làm ảnh hưởng trật tự xã hội, làm hư cán bộ và lo lắng hơn là hàng giả, hàng kém chất lượng đã len lỏi vào cả trong bệnh viện, trường học.
Đáng trách hơn, theo ông Phúc, ngay trong lực lượng chống buôn lậu cũng có trường hợp vì lợi ích cục bộ mà làm ngơ, buông lỏng quản lý và sợ hơn là một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu trách nhiệm, tha hóa, tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TP Hà Nội trực tiếp lãnh đạo các quận, huyện kiểm điểm lại trách nhiệm quản lý của địa phương trước hiện tượng biết hàng giả, hàng nhái nhưng không xử lý.
Ông Phúc cũng yêu cầu Hà Nội quy định rõ trách nhiệm quản lý về chống buôn lậu đối với từng nhà ga, cảng sông và các chợ lớn.
“Tôi đồng ý với các đề xuất nghiên cứu mua tin để chống buôn lậu và cho phép đấu giá tài sản vi phạm. Riêng lực lượng công an phải xác định rõ mục tiêu điều tra xử lý triệt để các ổ nhóm, đường dây, đưa ra truy tố để lập lại trật tự kỷ cương. Riêng với lãnh đạo các cấp, nơi nào để buôn lậu, gian lận thương mại công khai, lộng hành thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm” - ông Phúc khẳng định.
-------------------------
4 người Việt ở Nhật gặp nạn khi đi bơi
Đài NHK của Nhật vừa đưa tin, 4 người Việt đã gặp nạn trên bãi biển ở quận Minami, thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản vào trưa nay 15/8.
NHK cho biết một phụ nữ đã được cứu, một nam giới bất tỉnh nằm trên bờ trong khi 2 người khác mất tích.
Theo đài NHK, cảnh sát và lính cứu hỏa khu vực đã nhận được tin báo “có người đang chết đuối” ở khu vực bờ biển tại quận Minami, thành phố Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản vào trưa ngày 15/8 (giờ địa phương).
Cảnh sát và lính cứu hỏa khu vực đã phát hiện thấy một người đàn ông nằm bất tỉnh trên bờ biển. Một phụ nữ đã được cứu sống, trong khi hai người khác, một phụ nữ và một nam giới, hiện đang mất tích.
Cảnh sát và lính cứu hỏa đang tìm kiếm khu vực xung quanh.
NHK cho biết 4 người gặp nạn đã tới chơi ở khu vực từ gần trưa ngày hôm nay 15/8 cùng với 3 người khác. Được biết, đây là khu vực cấm bơi.
-----------------------
Đại tướng Mỹ Martin Dempsey: “Ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, vững mạnh”
Tại chuyến thăm Đà Nẵng sáng 15-8, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ hoan nghênh tiến độ dự án tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng đạt được đúng kế hoạch đề ra, cho rằng dự án này là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ.
Nhân chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam, sáng 15-8, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã đến thăm hệ thống xử lý môi trường tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Theo báo cáo, dự án được triển khai từ tháng 8-2012, đến nay đã xử lý và đổ đầy vào mố nung 45.000m3 đất và bùn ô nhiễm dioxin. Số đất, bùn bị nhiễm dioxin sẽ được nung nóng ở nhiệt độ cao cho đến khi 95% dioxin bị phân hủy. Bất kỳ lượng dioxin nào còn sót lại sẽ được thu gom dưới dạng hơi và dạng lỏng, sau đó được xử lý trong hệ thống xử lý thứ cấp. Hệ thống xử lý này sẽ được giám sát để đảm bảo dioxin không bị phát tán ra không khí hoặc nguồn nước xung quanh.
Được biết, toàn bộ dự án này sẽ tiến hành xử lý 80.000m3 đất và trầm tích nhiễm dioxin trên tổng diện tích hơn 191.400m2 tại khu vực sân bay Đà Nẵng, với tổng kinh phí khoảng 84 triệu USD là vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ, trong đó vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là 35 tỉ đồng do Quân chủng phòng không không quân (Bộ Quốc phòng) thực hiện.
Tại chuyến thăm, Đại tướng Martin Dempsey hoan nghênh tiến độ dự án đạt được đúng kế hoạch đề ra và cho rằng dự án này góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt dự án này là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ.
Đại tướng nhấn mạnh: Bộ Quốc phòng Mỹ hoàn toàn ủng hộ và sẽ tiếp tục ủng hộ sáng kiến quan trọng này. Những nỗ lực và hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong việc làm sạch khu vực này là một minh chứng rõ ràng về quan hệ song phương đang ngày càng phát triển nói chung và là kết quả tích cực về sự cộng tác giữa Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ và Bộ Tư lệnh Phòng không- không quân Việt Nam.
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và bạn bè Việt Nam để xây đắp mối quan hệ này và ủng hộ một nước Việt Nam độc lập, vững mạnh và thịnh vượng”- Đại tướng Dempsey khẳng định.
Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam, cho biết trong tháng 9 tới, đơn vị sẽ phối hợp với phía Việt Nam tiến hành nghiên cứu đánh giá môi trường dioxin ở sân bay Biên Hòa. Dự kiến, năm 2016, sẽ triển khai dự án xử lý môi trường dioxin tại sân bay Biên Hòa.
-----------------------
Việt Nam tổ chức diễn đàn quốc tế bàn về an ninh Biển Đông
Dự kiến cuối tháng này Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn biển ASEAN cùng các nước đối tác trong và ngoài khu vực, bàn thảo về tình hình an ninh ở Biển Đông.
"Tại Hội nghị các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) và các hội nghị liên quan tại Myanmar vừa qua, bộ trưởng các nước đã hoan nghênh việc Việt Nam đăng cai và tổ chức Diễn đàn biển ASEAN cũng như Diễn đàn biển ASEAN mở rộng. Các quốc gia có liên quan trong và ngoài khu vực đều được mời tham dự diễn đàn", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết tại cuộc họp báo chiều nay.
Vấn đề duy trì hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông, vùng biển quan trọng bậc nhất ở Đông Nam Á, sẽ được thảo luận tại diễn đàn này, ông Hải Bình nhấn mạnh.
Đề cập tới việc Trung Quốc khăng khăng cho rằng không có tranh chấp ở Biển Đông khi trao đổi với các nước ASEAN cuối tuần qua, ông Hải Bình cho rằng tại AMM 47 vừa qua, các bộ trưởng đặc biệt quan tâm và bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh yêu cầu không tái diễn các hoạt động gây căng thẳng tương tự.
"ASEAN cùng các đối tác sẽ tích cực triển khai các kết qủa đạt được trong các hội nghị vừa rồi", ông Bình cho biết.
Trả lời câu hỏi Trung Quốc vừa xuất bản sách giải thích về đường chín đoạn phi lý, người phát ngôn cho rằng, Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động trên của Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị, không thể thay đổi thực tế về chủ quyền của Việt Nam.
Trao đổi về việc Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Đại tướng Martin Dempsey đang ở thăm Việt Nam và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dự kiến đến Việt Nam vào cuối năm, ông Hải Bình khẳng định các hoạt động trao đổi đoàn và các hoạt động khác là những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy và triển khai quan hệ đối tác toàn diện mà Việt Nam và Mỹ xác lập hồi tháng 7 năm ngoái.
Sau hội nghị AMM 47, một quan chức Mỹ cho biết Washington sẽ giám sát việc kiềm chế các hoạt động gây căng thẳng ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh phản đối đề xuất dừng mọi hành động khiêu khích. Về việc này, ông Bình cho biết Việt Nam hoan nghênh mọi sự đóng góp tích cực và có tính xây dựng của mọi quốc gia trong và ngoài khu vực trong việc duy trì ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
-----------------------
Phó thủ tướng ủng hộ Hà Nội xử lý nghiêm taxi ngoại tỉnh
"Hà Nội đã quy hoạch taxi theo hạ tầng, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện đã mang xe đăng ký kinh doanh ở tỉnh khác rồi đem về thành phố hoạt động gây nhiều phức tạp, vì vậy Hà Nội sẽ xử lý nghiêm", Phó chủ tịch Hà Nội khẳng định.
Tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 14/8, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội, đã giải thích rõ lý do siết chặt hoạt động taxi trên địa bàn.
Từ năm 2012, Hà Nội đã quy hoạch phát triển taxi theo kết cấu hạ tầng để đảm bảo an toàn giao thông cũng như phù hợp với nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không đủ điều kiện đăng ký hoạt động taxi ở Hà Nội đã đem xe (biển số Hà Nội) sang ngoại tỉnh đăng ký kinh doanh, sau đó đem về thành phố hoạt động.
Thống kê sơ bộ trên địa bàn có hơn 2.000 taxi hoạt động theo hình thức trên. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề phức tạp, vì các xe đăng ký ở tỉnh khác hoạt động ở Hà Nội thì không có bến bãi, điểm dừng đỗ. Hơn nữa, thành phố cũng không thể kiểm soát được hành vi của lái xe taxi.
Để ngăn chặn tình trạng này, Hà Nội sẽ cấp phù hiệu cho tất cả hãng taxi là “Taxi Hà Nội” để dễ phân biệt với taxi ngoại tỉnh. Thành phố cũng xử lý nghiêm xe dù, xe ngoại tỉnh không có đăng ký kinh doanh trên địa bàn.
Theo ông Hùng, taxi các địa phương khác có quyền đưa và đón khách về và ngược lại xe của Hà Nội cũng có quyền như vậy ở ngoại tỉnh. Thế nhưng xe đăng ký kinh doanh ở các tỉnh khác thì không được kinh doanh cố định trên địa bàn Hà Nội vì phải có điều kiện.
Đề cập mức phạt với xe ngoại tỉnh khi hoạt động kinh doanh trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, mức phạt tài xế taxi vẫn theo đúng Nghị định đã ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, căn cứ vào báo cáo của các lực lượng và kiểm tra xử lý trên đường của các doanh nghiệp, Sở Giao thông sẽ đề xuất để mức phạt phù hợp và khả thi nhất.
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thành phố siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt xử lý nghiêm taxi dù và hơn 2.000 taxi đăng ký kinh doanh ở ngoại tỉnh sau đó trở về Hà Nội hoạt động.
-----------------------
Cử nhân đại học có thể được gọi nhập ngũ
Dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi với hai điểm mới nhất là thu hẹp đối tượng tạm hoãn nhập ngũ và tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ lên 24 tháng được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình.
Sáng 14/8, Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng đọc tờ trình của Chính phủ nêu rõ, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ thời bình quá rộng, gồm: học sinh, sinh viên các trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học.
Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân phát triển rất đa dạng, số công dân tham gia học tập ngày càng tăng. Vì thế, số người được tạm hoãn gọi nhập ngũ chiếm tỷ lệ lớn so với tổng số công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình xét duyệt. Công dân tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học vào phục vụ trong quân đội hiện không nhiều.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết, cần thu hẹp đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ và tăng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng. Ảnh: AFP.
Chính vì vậy, dự thảo luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ với học sinh phổ thông, sinh viên đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Công dân học đại học được tạm hoãn nhập ngũ đến sau khi tốt nghiệp, nhằm tạo nguồn lực phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công dân đang học tập hoặc trúng tuyển vào các trường thuộc cơ sở giáo dục ngoài quốc dân sẽ được gọi nhập ngũ và bảo lưu kết quả để tiếp tục học tập sau khi hoàn thành nghĩa vụ.
Đồng tình với dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, cần tuyển nguồn thanh niên đã được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng vào thực hiện nghĩa vụ tại ngũ. Bởi lực lượng này có thể được sử dụng ngay vào các vị trí đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, mỗi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. "Nghĩa vụ quân sự là khái niệm rất rộng, bao hàm cả việc rèn luyện con người qua gian lao khổ hạnh để trưởng thành. Nghĩa vụ quân sự không phải để đánh nhau mà là để chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài việc mở rộng diện tham gia nghĩa vụ quân sự, Chính phủ cũng đề xuất tăng thời gian tại ngũ lên 24 tháng. Đại tướng Phùng Quang Thanh giải thích, luật hiện hành quy định thời hạn tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng. Tuy nhiên, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại, thời hạn phục vụ nói trên không đủ để huấn luyện chương trình, giáo dục chính trị, kỹ thuật, chiến thuật, cũng như kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.
Bên cạnh đó, quân đội còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác do Đảng và Nhà nước giao như: cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, dân vận.... Việc này đã ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội.
"Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, việc thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 24 tháng, không phân biệt hạ sĩ quan và binh sĩ với hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là cần thiết", tướng Thanh nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng tình cần sửa luật theo hướng xây dựng quân đội thời bình, nâng thời gian nhập ngũ lên 24 tháng để đảm bảo chất lượng huấn luyện.
Chiều 14/8, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.