Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh): Hàng trăm xe container ùn ứ vì mức thu phí quá cao
Tính đến chiều 17.8, vẫn còn hàng trăm xe tải nối đuôi nhau kéo dài hàng cây số tại cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). Lý do, các doanh nghiệp (DN) không đồng tình với việc tỉnh Tây Ninh áp dụng thu phí quản lý và sử dụng công trình kết cấu hạ tầng quá cao đối với phương tiện ra vào cửa khẩu.
Theo phản ánh của ông Đ.H (Cty A.D), các DN rất bức xúc với việc Tây Ninh áp dụng mức thu phí sử dụng hạ tầng qua cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát. Cụ thể: Đối với xe container loại 40 fit quá cảnh bị thu mức phí sử dụng hạ tầng qua cửa khẩu đến 2,5 triệu đồng/lượt, trong khi đó, chi phí vận chuyển hàng hóa từ TPHCM đến Tây Ninh chỉ khoảng 4 triệu đồng. Tình trạng này khiến cho chi phí vận chuyển hàng hóa đội thêm 50%.
Tương tự, một số DN khác cũng cho rằng, thời gian gần đây, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Campuchia tăng gấp đôi. Bởi lẽ, ngoài phải nộp phí khi quá cảnh tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), DN cũng đang chịu phí “kẹt cảng” tại một số cảng TPHCM, với mức phí 50USD cho container 20 fit và 100USD cho loại container 40 fit.
Nhiều DN không chấp nhận với thu phí quá cao nên 2 ngày bắt đầu áp dụng thu phí vừa qua (16 - 17.8), xảy ra tình trạng xe ùn ứ nối đuôi nhau kéo dài qua cửa khẩu Mộc Bài. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ với tỉnh khi áp dụng thu phí sử dụng công trình kết cầu hạ tầng cửa khẩu.
Tuy nhiên, trong lúc tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tỉnh cần phải tính toán và có lộ trình tăng dần mức thu cho hợp lý, đồng thời, thông báo rộng rãi cho các DN, người dân biết. Còn áp dụng ngay mức cao như hiện nay sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho DN cũng như người tiêu dùng” – ông Đ.H phản ánh.
Theo quy định mới ban hành của UBND tỉnh, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh, dịch vụ có phương tiện chở khách và phương tiện vận tải hàng hóa xuất - nhập khẩu ra vào cửa khẩu đều phải nộp phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng. Mức phí đối với xe khách thấp nhất là 40.000 đồng/lượt ra vào (xe dưới 12 chỗ) và cao nhất là 100.000 đồng/lượt (xe từ 31 chỗ ngồi trở lên).
Mức thu đối với xe tải và container xuất - nhập khẩu từ 80.000 - 500.000 đồng/lượt (cho xe 3 bánh và xe tải dưới 2 tấn đến xe trên 18 tấn, xe container từ 20 - 40 fit). Riêng với xe tải và xe container (loại dưới 4 tấn đến trên 18 tấn, xe container từ 20 - 40 fit) tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng quá cảnh, hàng hóa chuyển cảng, hàng hóa của nước ngoài gửi kho ngoại quan có mức thu từ 800.000 - 2,5 triệu đồng/lượt.
-----------------------
SATRA tặng 500 triệu đồng cho ngư dân Quảng Ngãi
Ngày 17-8, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) trao 500 triệu đồng tặng Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình “SATRA vì biển, đảo quê hương” năm 2014. Số tiền trên do cán bộ, nhân viên tại hơn 70 đơn vị, doanh nghiệp thành viên đóng góp. Qua ba năm thực hiện chương trình “SATRA vì biển, đảo quê hương”, SATRA đã vận động, quyên góp được gần 6 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động như khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà, máy liên lạc định vị tầm xa, máy dò tìm luồng cá… cho ngư dân Bình Định và Quảng Ngãi.
-----------------------
Tin vi phạm hành chính được mua đến 50 triệu đồng
Đây là một nội dung được quy định tại Thông tư 105/2014 của Bộ Tài chính. Theo đó, người bán tin vi phạm hành chính (VPHC) có thể được nhận tối đa 10% (nhưng không quá 5 triệu đồng) số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có).
Riêng với lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì mức mua tin được nâng lên cao hơn. Người bán tin VPHC trong những lĩnh vực này có thể nhận được số tiền là 50 triệu đồng.
Khi quyết định xử phạt VPHC có hiệu lực, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại có trách nhiệm căn cứ quyết định xử phạt và số ngày chậm nộp phạt để tính và thu tiền chậm nộp phạt đối với số tiền có giá trị từ 1.000 đồng trở lên. Thời điểm tính tiền chậm nộp là sau 10 ngày (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) kể từ khi giao nhận quyết định xử phạt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử phạt không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ (và không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt) thì ngày tính tiền nộp chậm là sau 12 ngày kể từ thời điểm ra quyết định xử phạt (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ)… Thông tư có hiệu lực từ 1-10-2014.
-----------------------
Một tàu của ngư dân bị tàu Trung Quốc cướp phá?
Lên bờ tối 16-8, ngư dân Lê Khởi, chủ tàu cá QNg 96697 TS, ở thôn Tây, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) nét mặt chưa hết bàng hoàng kể lại chuyện bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đập phá, cướp tài sản ngay tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo ngư dân Lê Khởi, tàu cá QNg 96697 TS cùng 13 lao động rời đảo Lý Sơn ra Hoàng Sa khai thác hải sản ngày 22-7, sau gần một tháng bám biển tàu của ông khai thác được gần 10 tấn cá. Khoảng 8 giờ sáng 15-8 khi tàu đang thả lưới buông câu tại tọa độ cách đảo Phú Lâm khoảng một hải lý, bất ngờ tàu TQ số hiệu 46101 rượt đuổi, đồng thời thả hai xuồng máy cùng 17 người TQ tiếp cận tàu cá. những người TQ nhảy qua tàu cá, khống chế thuyền trưởng và các lao động đi trên tàu. Họ đồng thời sử dụng búa đinh, dùi cui đập bể các cửa kính cabin, cắt phá ba thuyền thúng và toàn bộ dây hơi. Trước khi rút đi, những người này lấy toàn bộ máy móc cùng trang thiết bị nghề cá (ước khoảng 700 triệu đồng).
Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin do thuyền trưởng Khởi liên lạc về, Nghiệp đoàn đã báo cáo vụ việc với UBND huyện và các ngành chức năng để có biện pháp xử lý.
-----------------------
Côn Đảo có trung tâm hành chính mới
Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng về việc cơ bản thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng Công Đào.
Theo đó, chuyển vị trí trung tâm hành chính chính trị mới của Côn Đảo sang phía tây bắc hồ Quang Trung I, đón trục Ngô Gia Tự mở rộng, nối dài với quy mô không đổi. Vị trí cũ đề xuất xây dựng công viên quảng trường, công trình văn hoá - du lịch và công cộng cho khu trung tâm.
Điều chỉnh các tuyến đường kết nối trong khu dân cư mới phía Bắc hồ Quang Trung - An Hải để đảm bảo các yêu cầu khi thực hiện việc chuyển trung tâm hành chính mới sang khu vực này.
Chuyển vị trí trung tâm thể dục thể thao mới của Côn Đảo về phía đông hồ An Hải gắn kết với Bảo tàng tự nhiên Côn Đảo, vị trí cũ sẽ chuyển thành công viên đô thị Đông Nam hồ Quang Trung I.
Trong đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lưu ý đảm bảo việc kết nối các khu vực điều chỉnh quy hoạch với các khu chức năng khác. Đồng thời, không phá vỡ cấu trúc, định hướng phát triển không gian đảo.
-----------------------
Không được sử dụng sư tử đá kiểu Trung Quốc tại cổng đình chùa, công sở...
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Bộ đã chính thức có công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL gửi các Ban, Bộ, ngành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, các cơ quan đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đình, chùa, công sở cơ quan, đơn vị gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh ở những nơi công cộng.
Để góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, phát huy tinh thần yêu nước, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị và khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, không sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời tuyên truyền và vận động những nơi đang sử dụng tháo dỡ biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi các nơi công cộng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và đề xuất xử lý việc trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở các nơi công cộng, đặc biệt là các khu di tích lịch sử văn hóa tại địa phương.
Theo phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng, những năm gần đây, tại một số đình chùa, công sở Việt Nam xuất hiện nhiều linh vật, vật phẩm có tạo hình, hình thức không phù hợp, đáng chú ý là sư tử đá kiểu Trung Quốc đặt ở hai bên lối vào.
Có người cho rằng những con sư tử đá này biểu trưng cho quyền lực, thể hiện sức mạnh của Phật giáo, tuy nhiên, theo nghiên cứu của phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện khảo cổ học thì sư tử đá xuất hiện khoảng 3.000 năm trước, bắt nguồn từ người Ba Tư, các nước Tây Á cống nạp sư tử cho các triều đình phong kiến Trung Quốc. Từ đó, Trung Quốc du nhập sư tử đá vào lãnh thổ và biến nó thành linh vật canh mộ.
Trong khi đó, sư tử đá ở Việt Nam xuất hiện từ thời Lý, là linh vật biểu trưng cho sức mạnh Phật giáo. Sư tử đá của Việt Nam có tạo hình rất nuột nà, mềm mại, trang trí cực kỳ tinh mỹ, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu.
Lý giải về sự xuất hiện của sư tử đá kiểu Trung Quốc tại các đình chùa, công sở, cơ quan tại Việt Nam, Viện trưởng Viện khảo cổ học Tống Trung Tín cho rằng đây là do sự thiếu hiểu biết của người dân, tin những thông tin đồn thổi về sự linh thiêng của sử tử đá như có sư tử đá án ngữ sẽ bảo vệ gia chủ, sư tử đá giúp phát tài phát lộc...
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định trong văn hóa truyền thống của người Việt không có lệ đặt sư tử đá dập khuôn kiểu Trung Quốc trong chùa. Chùa triền là nơi thờ tự tôn nghiêm, ngoài bốn vật linh là Long, Ly, Quy, Phượng thì không nên xuất hiện những linh vật khác không phù hợp với văn hóa truyền thống./.
-----------------------
Việt Nam chính thức có bia không cồn
Ngày 17-8, Công ty Cổ phần bia Sài Gòn Bình Tây chính thức giới thiệu dòng bia không cồn đầu tiên ở Việt Nam tại Hà Nội.
Đây là sản phẩm đáp ứng phân khúc thị trường dành cho người lái xe, chơi thể thao, phụ nữ... hiện chưa có sản phẩm trong nước nào đáp ứng.
Hiện bia không cồn đã được nhập khẩu vào VN, nhưng với giá khá cao, từ 80.000-130.000 đồng/lon như bia Bavaria 0% cồn của Hà Lan, bia OeTinger Alkoholfrei của Đức.
Đây mới là đợt tung sản phẩm thăm dò thị trường, khi người tiêu dùng quen với sản phẩm này, công ty mới thúc đấy các chiến dịch quảng bá.Ông Văn Thanh Liêm, chủ tịch HĐQT Sabibeco (Tổng công ty Bia rượu nước Giải khát Sài Gòn), cho biết bia không cồn của Sabibeco có hàm lượng cồn chỉ 0,5% và giá bán sẽ tương đương bia thường.
Theo Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát VN, đây là một hướng đi tốt trong bối cảnh nhiều cơ quan tổ chức đang xúc tiến phòng chống tác hại của bia rượu, với các quy định phạt nặng khi phát hiện người lái xe có nồng độ bia trong máu cao...
Bia không cồn thực tế sẽ là một giải pháp giúp gỡ khó cho nhiều người không muốn uống bia nhưng vẫn phải tham gia các cuộc tiếp khách, chiêu đãi. Giúp giữ văn hóa uống bia, mời bia trong tiệc tùng, mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự tỉnh táo...
Ông Việt khẳng định các nghiên cứu đã chỉ ra bia không cồn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim, các vấn đề về gan, dư đạm (bệnh gout)... và đặc biệt là giảm dư vị khó chịu, cảm giác say khi uống rượu bia.
TheoSabibeco, bia không cồn Sagota được sản xuất theo quy trình giống bia bình thường. Tức vẫn được lên men và làm từ lúa đại mạch, gạo, hoa bia... chỉ thêm một khâu khử cồn bằng cách chưng ở nhiệt độ thấp để cồn bay hơi.