Đuổi gần 9.700 lượt tàu Trung Quốc xâm phạm Việt Nam
Tại Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc bộ giữa VN và Trung Quốc ngày 19.9 tại Đà Nẵng, do Bộ NN-PTNT tổ chức, báo cáo của Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc bộ (Bộ NN-PTNT) cho thấy hiệp định (có hiệu lực từ tháng 6.2004 - 6.2019) đã góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thể hiện chính sách đúng đắn và thiện chí của VN.
10 năm qua, nếu các vi phạm của ngư dân VN chủ yếu là thiếu giấy tờ, bằng cấp... thì tàu cá Trung Quốc lại lợi dụng để buôn lậu xăng dầu, đánh bắt trái phép vi phạm vùng biển VN, lấn át ngư trường và phá ngư lưới cụ ngư dân VN, chống đối, bỏ chạy khi bị phát hiện. Lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Bộ đội biên phòng VN đã đẩy đuổi 9.683 lượt, xử phạt cảnh cáo, phóng thích ngay trên biển 771 lượt tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển VN với số tiền hơn 5 tỉ đồng.
-----------------------
Hà Tĩnh thành lập tiểu đoàn Cảnh sát cơ động
Ngày 19/9, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức buổi lễ công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập tiểu đoàn Cảnh sát cơ động.
Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động trực thuộc phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh Hà Tĩnh, gồm 250 cán bộ chiến sĩ, trong đó có một Trung đội Cảnh sát đặc nhiệm.
Lực lượng này có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ngăn chặn những vụ tụ tập bất hợp pháp, bạo loạn vũ trang, phối hợp truy bắt các đối tượng hình sự nguy hiểm, tổ chức tuần tra, kiểm soát những địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự cũng như phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, Tiểu đoàn phải hỗ trợ cho Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh thực hiện công tác vũ trang cơ động, nghiên cứu tình hình an ninh trật tự, phương thức thủ đoạn của hoạt động tội phạm khủng bố, tội phạm có vũ trang trên địa bàn…
Đề nghị thành lập Tiểu đoàn cảnh sát cơ động được Hà Tĩnh đưa ra hồi tháng 6 trong cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Công an sau khi xảy ra tình hình bất ổn an ninh tại khu công nghiệp Vũng Áng, đặc biệt là vụ xô xát với sự tham gia của khoảng 6.000 người tại cổng chính của nhà máy Formosa, làm một người thiệt mạng.
Sau khi sự việc xảy ra, bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh được giao làm nòng cốt phối hợp với công an và bảo vệ của khu kinh tế đảm trách an ninh tại khu vực. Đầu tháng 6, hơn 100 cán bộ chiến sĩ, huấn luyện viên và 78 chó nghiệp vụ thuộc trường Trung cấp 24 Biên phòng đã có mặt tại khu kinh tế Vũng Áng để làm nhiệm vụ.
-----------------------
Xuất 5 chiếc 'tàu ngầm made in Việt Nam' sang Malaysia
Tối 19.9, ông Phan Bội Trân (việt kiều sống ở TP.HCM) - người chế tạo thành công tàu ngầm Yết Kiêu 1 - cho biết 5 chiếc tàu ngầm đã được xuất xưởng và giao cho đối tác đặt hàng tại Malaysia.
Giá của một chiếc tàu ngầm là 3.500 USD. Theo ông Trân, 25 chiếc mà đối tác tiếp tục đặt sẽ được sản xuất ở Malaysia. Ông Trân sẽ đưa linh phụ kiện và người sang đó để lắp ráp.
Ông Trân cho biết do tàu ngầm của ông không có chứng chỉ xuất xứ nên nếu nhập nguyên chiếc, đối tác Malaysia sẽ phải trả 30% thuế nhập khẩu. Ngoài ra nếu sản xuất và lắp ráp ở Malaysia, đối tác của ông sẽ được nhận thêm 300.000 USD từ chính phủ Malaysia nhằm khuyến khích các dự án phát triển khoa học công nghệ cao. Đối tác Malaysia cũng không phải trả phí vận chuyển, phí nhập khẩu…
“Tôi không được hưởng đồng nào từ số tiền này mà chỉ bán được hàng thôi. Nhưng có điều là nếu bị ăn cắp bản quyền thì mình không làm gì được do chưa đăng ký bản quyền”, ông Trân nói.
Việc xuất lô hàng tàu ngầm kể trên sang Malaysia không gặp khó khăn trong nước bởi lô hàng này chỉ phục vụ kinh doanh du lịch chứ không phải hàng quốc phòng, hàng cấm.
Ông Trân cho biết ngoài đối tác Malaysia, đến nay có thêm hai đối tác trong nước đặt hàng mua, một là doanh nghiệp, một là tư nhân, mỗi bên đặt hàng 2 chiếc.
Những chiếc tàu do đối tác Malaysia đặt được phát triển theo phiên bản tàu Yết Kiêu 1 và có thiết kế khá đơn giản.
Theo đó, những chiếc tàu lặn nước này có chiều dài 2 mét, bề ngang 0,8 mét, cao 1,5 mét. Tàu có ba phần gồm đầu - thân - đuôi. Phần đầu sẽ gắn thiết bị bánh lái độ sâu, thân tàu thiết kế đủ cho 1 hoặc 2 người ngồi và đuôi tàu sẽ gắn động cơ điện. Toàn bộ vỏ tàu được làm bằng vật liệu composite.
Tàu có vận tốc khá chậm, 1 - 5 hải lý/giờ, có thể lái lặn sâu 3 mét dưới nước, thời gian lặn khoảng 2 giờ.
-----------------------
Nín thở sống trong những ngôi nhà chờ sập giữa Thủ đô
Hàng chục hộ dân ở đường Trần Khát Chân (Hà nội) vẫn tận dụng những căn nhà đã bị đập vỡ dang dở, tường nứt nẻ, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, làm nơi ở hoặc kinh doanh buôn bán.
Theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường đê Trần Khát Chân nằm trong dự án quy hoạch mở đường vành đai 1 Trần Khát Chân kéo dài đã được quy hoạch từ lâu. Theo đó, dự án dài gần 600m với trên 800 hộ dân thuộc diện phải di dời. Tuy nhiên, nhiều người dân chưa đồng tình với giá đền bù nên kiên quyết bám trụ, chấp nhận cảnh sống khổ sở.
Nhiều căn nhà đã xuống cấp trầm trọng nhưng không được xây dựng, sửa chữa. Một số căn nhà khác đã bị đập bỏ dang dở, tường nứt nẻ nhưng người dân vẫn tận dụng làm nơi ở, kinh doanh.
-----------------------
Xây dựng Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ.
Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trong phạm vi cả nước và thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan tương đương Tổng cục, có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, có trụ sở làm việc chính đặt tại Thành phố Hà Nội.
Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về tôn giáo và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể. Trong đó, thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.
Bên cạnh đó, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề cụ thể về tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức có liên quan khác thông tin, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia quản lý các khu di tích văn hóa lịch sử, danh làm thắng cảnh liên quan đến tôn giáo.
Về cơ cấu tổ chức, Ban Tôn giáo Chính phủ có 15 đơn vị gồm: 1- Vụ Công giáo; 2- Vụ Phật giáo; 3- Vụ Tin lành; 4- Vụ Cao đài; 5- Vụ Các tôn giáo khác; 6- Vụ Quan hệ quốc tế; 7- Vụ Pháp chế - Thanh tra; 8- Vụ Tổ chức cán bộ; 9- Văn phòng; 10- Vụ công tác tôn giáo phía Nam; 11- Viện Nghiên cứu chính sách Tôn giáo; 12- Tạp chí Công tác Tôn giáo; 13- Trung tâm Thông tin; 14- Trường Nghiệp vụ công tác Tôn giáo; 15- Nhà Xuất bản Tôn giáo.
Ban Tôn giáo Chính phủ có Trưởng ban và không quá 3 Phó Trưởng ban.
-----------------------
Khiếu kiện đông người, vượt cấp có xu hướng tăng
“Mặc dù chúng ta đã có những cố gắng lớn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết quả xử lý đơn thư có tiến bộ nhưng những vụ khiến kiện đông người, vượt cấp có xu hướng tăng gây áp lực cho các cơ quan tiếp dân ở trung ương, lãng phí, mệt mỏi cho người dân…”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu như trên tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị sáng 19-9.
Theo Phó Thủ tướng, để dẫn đến tình trạng trên là do chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cấp địa phương chưa cao, đặc biệt là cấp huyện và nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương rà soát lại các thủ tục hành chính, chính sách bồi thường, hỗ trợ xem đã làm đúng hay chưa, có hỗ trợ thêm cho dân được không. Đặc biệt phải duy trì nguyên tắc đảm bảo an sinh xã hội cho dân. “Kiên trì giải thích, nhất là đối thoại với người dân để giải quyết vụ việc một cách có tình có lý” - Phó Thủ tướng nói.
-----------------------
Đề nghị TQ cung cấp danh mục chất bảo quản nông sản
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã có cuộc tiếp xúc với thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, bàn kế hoạch hợp tác bảo đảm chất lượng thực phẩm xuất khẩu giữa hai nước.
Thông tin trên được bà Tiến cho biết tại cuộc họp báo nhân hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN+3 tối 19-9.
Theo đó, Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh phía VN nhập rất nhiều nông sản từ Trung Quốc, và người dân có lo ngại tồn dư chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật trong loại hàng hóa này. Đề nghị phía Trung Quốc phối hợp cung cấp danh mục chất bảo quản, hóa chất bảo vệ thực vật, phương pháp thử chuẩn để cùng xác minh, công bố rộng rãi cho người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc đã thống nhất đề xuất này.
Bà Tiến cũng cho biết dịp này, ngoài trái cây nhập từ Trung Quốc, Bộ Y tế cũng đã giao cơ quan chuyên môn lấy mẫu trái cây trong nước nghi sử dụng chất thúc chín như chuối, đu đủ để kiểm tra, đồng thời phân rõ ba nhóm trái cây vừa nhập khẩu, trái cây đã về chợ, trái cây tại vườn… để đánh giá nguy cơ.
-----------------------
Phú Yên: Cách chức một phó bí thư, chủ tịch xã xài bằng giả
Chiều 18-9, ông Cao Minh Hòa, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết Ban Thường vụ Huyện ủy đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đảng ủy viên Đảng ủy xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đối với ông Nguyễn Văn Tý, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Phước; đồng thời đề nghị UBND huyện kỷ luật về mặt chính quyền bằng hình thức cách chức chủ tịch UBND xã đối với ông Tý.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, ông Tý đã sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT giả trong nhiều năm liền. Ông Hòa cho biết thêm, trước đây ông Tý thi tốt nghiệp bổ túc THPT nhiều lần nhưng không đậu. Sau đó, ông Tý mua bằng tốt nghiệp giả rồi đưa vào hồ sơ cán bộ.
Liên quan đến vụ việc trên, trước đó, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý kỷ luật những cán bộ xã sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT giả.
Kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ Phú Yên đã phát hiện 10 cán bộ xã sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc THPT, gồm các ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An); Nguyễn Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa); Phạm Phặng, Phó bí thư Đảng ủy xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa); Dương Kim Thúc, Trưởng công an xã Hòa Định Đông; Nguyễn Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Mỹ (huyện Tuy An); Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 2 (thị xã Sông Cầu); Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu); Lê Văn Chi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xuân Cảnh; Nguyễn Văn E, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Cảnh và bà Võ Hiệp Kim Liên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Cảnh.
Theo Sở Nội vụ Phú Yên, hiện các cơ quan thẩm quyền đang tiến hành quy trình kỷ luật đối với những cán bộ này.
-----------------------
1.200 lượt tàu cá TQ xâm phạm vùng biển VN mỗi năm
Các tàu cá Trung Quốc manh động tranh chấp ngư trường, chống trả lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Những thông tin trên được đưa ra tại hội nghị sơ kết 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ Việt Nam (VN) - Trung Quốc (TQ) do Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ của VN, Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Đà Nẵng trong sáng 19-9.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển VN, cho hay: “Tàu cá TQ thường có công suất lớn, thường là trên 500 CV sẵn sàng chống trả lực lượng thực thi pháp luật của ta và tranh chấp, gây hấn với ngư dân ta khi đang khai thác trên biển. Thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển đã xử lý 9.087 lượt tàu cá TQ vi phạm, lập hồ sơ, chứng cứ để đấu tranh lâu dài”.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, cho biết thêm: “Ngư dân đang kiến nghị các lực lượng kiểm tra, kiểm soát của ta cần tăng cường hoạt động tại khu vực gần đường phân định, đặc biệt là những vùng nhạy cảm để làm chỗ dựa cho ngư dân sản xuất; can thiệp, giải quyết kịp thời những tranh chấp giữa ngư dân hai nước. Đồng thời có ý kiến với TQ về việc có nhiều tàu cá nước này công suất lớn, làm nghề lưới kéo đã không tuân thủ các quy định về khai thác trên biển, có hành vi cố tình làm hỏng lưới của ngư dân ta”.
Nhận định về tình hình sắp tới, Ủy ban Liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ của VN cho rằng ngư trường của TQ đang bị thu hẹp, do đó tàu TQ không có giấy phép sẽ vi phạm sâu và vùng biển VN khai thác thủy sản trái phép. Bên cạnh đó, một số tàu cá TQ được cấp giấy phép đánh bắt nhưng lại hoạt động với mục đích thăm dò và gây rối, phá hoại hoạt động sản xuất của ngư dân VN vi phạm an ninh trật tự, chủ quyền vùng biển. Trong thời gian gần đây, tàu chấp pháp của TQ đã có những hành vi ngang ngược, thô bạo đối với hoạt động của ngư dân ta trên biển; lợi dụng tàu có công suất lớn, trang bị hiện đại, tàu TQ sẽ lấn át ngư trường của ngư dân ta dẫn đến nguy cơ xung đột giữa tàu cá hai bên.
Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ VN - TQ chỉ còn năm năm nữa là hết hiệu lực, sẽ không còn vùng đánh bắt cá chung như hiện nay. Hoạt động khai thác của bà con ngư dân các tỉnh, thành ven biển vịnh Bắc Bộ sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là ngư dân một số tỉnh như Nghệ An, Quảng Bình. “Vì vậy, ngay từ bây giờ cần nghiên cứu đánh giá tác động để xác định những giải pháp phù hợp trong thời gian tới” - ông Tám yêu cầu.