Quảng Ngãi xin thôi làm tỉnh “thu nhập cao”
Ngày 20-8, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi Thủ tướng xin tỉnh Quảng Ngãi được hưởng chính sách như tỉnh chưa điều tiết về ngân sách trung ương từ năm 2015.
Đồng thời, tỉnh trình Thủ tướng hằng năm cho phép sử dụng nguồn thu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất.
Công văn cho rằng Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn (sáu huyện thuộc diện nghèo nhất nước, 21 xã bãi ngang ven biển và một huyện đảo, cơ sở hạ tầng yếu kém, bị thiên tai). Song đầu năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành, từ đó nguồn thu cân đối ngân sách địa bàn Quảng Ngãi tăng lên đứng thứ 8 cả nước (từ 16.748 tỉ đồng năm 2010 đã tăng lên trên 30.000 tỉ đồng năm 2013). Nhưng nguồn thu từ nhà máy lọc dầu nằm trong số thu ngân sách trên hầu hết đưa về trung ương. Trong khi đó, chi ngân sách của tỉnh vẫn không có gì khác biệt.
-----------------------
Chấm dứt hợp đồng với 2 nhà thầu Trung Quốc
Ngày 20-8, theo Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), VSH đã tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà thầu TQ.
Trường hợp dứt hợp đồng này là do liên danh nhà thầu TQ chậm tiến độ, không thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng ban đầu và đặt ra nhiều đòi hỏi bất hợp lý khi nhận dự án tại thủy điện Thượng Kon Tum (huyện Kon Plông, Kon Tum). Hai nhà thầu này gồm Viện Hoa Đông tập đoàn thủy điện và Công ty TNHH Cục Đường sắt Trung Quốc.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, để thi công một số hạng mục phức tạp, trong đó có hầm chuyển dòng thủy điện Thượng Kon Tum, VSH đã chọn hai nhà thầu này làm đơn vị thi công với tổng giá trị gói thầu là 1.614 tỉ đồng, chỉ bằng 44% giá thầu mà đơn vị khác đưa ra.
Tuy nhiên, quá trình thi công hai nhà thầu Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều đòi hỏi, yêu cầu bổ sung vốn với tổng giá trị lên tới 800 tỉ đồng. Không được đáp ứng, hai đơn vị này đã cho ngưng công trường, đến ngày 25-5 thì gửi thông báo ngưng hợp đồng vì lý do bất khả kháng.
-----------------------
6 cán bộ huyện bị bắt vì chi sai tiền bồi thường đất dự án
6 cán bộ trên đã cố ý chi tiền bồi thường, hỗ trợ sai quy định trong giải tỏa mặt bằng dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Ngày 20/8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên, cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 cán bộ huyện Đông Hòa về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, các bị can gồm ông Nguyễn Kích, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất, kiêm Phó ban đền bù giải phóng mặt bằng dự án Hòa Tâm, huyện Đông Hòa; Dương Văn Nhân, Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện; Võ Tấn Vinh, cán bộ Phòng Tài chính huyện Đông Hòa (Phú Yên) .
Theo cơ quan điều tra, tháng 10/2013, các cán bộ trên đã cố ý chi tiền bồi thường, hỗ trợ sai quy định trong giải tỏa mặt bằng dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô tại xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.
Trước đó, với tội danh tương tự trong vụ án này, đầu tháng 6/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Huỳnh Ngọc Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hòa, cùng 2 nhân viên của trung tâm này là Trần Trọng Duy và Bùi Xuân Quang.
-----------------------
Cục Quản lý cạnh tranh bị tố tiêu cực trong tuyển công chức
Được biết, ngày 18.8, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, nguyên Chánh thanh tra Bộ Nội vụ đã chuyển một đơn thư của công dân phản ánh có chuyện gian lận và tình trạng con cháu cục trưởng, cục phó Cục Quản lý cạnh tranh trúng tuyển đến Bộ Nội vụ xem xét. Đơn thư này cho biết, đợt thi tháng 7.2013, Cục Quản lý cạnh tranh được tuyển sáu chỉ tiêu, nhưng kết quả 9 người trúng tuyển. Đáng chú ý 100% nhân viên hợp đồng của cục đều... đỗ. Trong đó, hầu hết người trúng tuyển là con, cháu cán bộ của Cục Quản lý cạnh tranh hoặc trong ngành công thương.
“Dù người đứng đơn tố cáo không dám nêu tên vì sợ bị trù dập, nhưng nội dung đơn thư rất cụ thể và có cơ sở cho thấy sự không minh bạch trong thi tuyển tại Cục Quản lý cạnh tranh nên tôi chuyển đơn, đề nghị Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho biết. Ông Nguyễn Sỹ Cương đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chỉ đạo thanh tra bộ tiến hành thanh tra toàn diện việc tuyển dụng của Bộ Công thương trong thời gian gần đây để làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định.
-----------------------
Mỗi tháng, ít nhất một vụ lật xe chở alumin
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng, bình quân mỗi tháng có ít nhất một vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe chở alumin.
Các vụ tai nạn chủ yếu do xe chở alumin trọng tải lớn khi qua các khúc cua gắt, có độ dốc nên bị lật. Mới nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 13g ngày 19-8 tại khúc cua tượng đài Đức Mẹ (km103, đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Xe tải 61C-052.60 của nhà xe Khánh Vy chở khoảng 40 tấn alumin đã bị lật, khiến khoảng 30 bao alumin (trọng lượng gần 1,6 tấn/bao) bị bể đổ tràn ra đường. Phần đầu xe bị biến dạng, toàn bộ kính bị vỡ vụn. Tài xế và phụ xe bị thương nhẹ.
Trước đó, riêng tại đường tỉnh 725 qua địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc (dài khoảng 18km từ cổng Nhà máy alumin Tân Rai đến quốc lộ 20) liên tiếp xảy ra bốn vụ lật xe chở alumin tại dốc Lâm Trường (huyện Bảo Lâm) và cầu Đôi (TP Bảo Lộc).
Ngoài ra, theo ghi nhận còn có hai vụ lật xe chở alumin tại đoạn cua dốc cầu Đạ Huoai trên quốc lộ 20 (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng). Rất may các vụ tai nạn đều không có thương vong về người.
Từ tháng 5-2013, lô sản phẩm alumin đầu tiên đã được vận chuyển từ Nhà máy alumin Tân Rai đến cảng Gò Dầu để xuất khẩu. Theo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN, việc xuất khẩu alumin được vận chuyển theo tuyến tỉnh lộ 725 - quốc lộ 20 - tỉnh lộ 769 - quốc lộ 51 - cảng Gò Dầu.
Công ty cổ phần than miền Nam - Vinacomin là đơn vị đảm nhiệm việc vận chuyển than từ cảng lên nhà máy và vận chuyển alumin từ nhà máy về cảng để tiêu thụ. Hiện Công ty CP than miền Nam - Vinacomin đã đưa vào khai thác khoảng 100 phương tiện với sản lượng vận chuyển khoảng 2.000 tấn alumin/ngày.
-----------------------
Động đất 4 độ richter ở Sơn La
Một trận động đất lớn 4 độ Richter vừa xảy ra ở huyện Mường La, Sơn La và hiện chưa có thông tin về thiệt hại.
Theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất trên xảy ra vào lúc 6h50 sáng nay, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.
Đây là trận động đất thứ 6 xảy ra tại Sơn La trong năm. Mới đây vào ngày 11/8 và 12/8 cũng tại huyện Mương La đã xảy ra hai trận động đất với cường độ 3 độ richter và 3,1 độ richter.
Sơn La thường xảy ra động đất do nằm trên vết đứt gãy sông Mã. Trận động đất mạnh nhất ghi nhận tại đây là 6,8 độ richter.
Các nhà khoa học cho hay, Sơn La là một trong 7 vùng trọng điểm có nguy cơ phát sinh động đất tại khu vực Tây Bắc. Sáu điểm còn lại là Điện Biên, thị xã Lai Châu, thị trấn Mường La, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Tam Đường.
-----------------------
Đình chỉ công tác PGS liên quan vụ 'mua bằng tiến sĩ 200 triệu'
Hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Nguyên - ông Nguyễn Văn Sơn - cho biết đoàn công tác của trường sẽ hoàn thành việc xác minh thông tin “tiến sĩ 200 triệu” trong ngày 21/8.
Thông tin từ bà Nguyễn Thị Kim Phụng, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) ngày 20/8 cho biết, giám đốc ĐH Thái Nguyên đã báo cáo nhanh tình hình về "vụ việc" PGS.TS. Đàm Khải Hoàn.
Cụ thể, giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui đã làm việc và chỉ đạo lãnh đạo Trường ĐH Y Dược thực hiện khẩn trương các nội dung công việc:
Trường ĐH Y Dược ra QĐ Tạm dừng công tác quản lý và giảng dạy của PGS.TS. Đàm Khải Hoàn.
Cá nhân PGS.TS. Đàm Khải Hoàn làm bản tường trình, kiểm điểm làm rõ nội dung liên quan đến bản thân đã được báo đăng.
Trường ĐH Y Dược lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản về: Phẩm chất đạo đức (nhà giáo, nhà khoa học, thầy thuốc), trách nhiệm, sự tận tâm của người hướng dẫn NCS, ứng xử, quan hệ,...đối với PGS.TS. Đàm Khải Hoàn của các cán bộ đã và đang làm NCS do ông Hoàn hướng dẫn.
Trường ĐH Y Dược lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bằng văn bản của cán bộ, viên chức, đồng nghiệp, NCS, học viên, sinh viên trong đơn vị về: Phẩm chất đạo đức (thầy giáo, nhà khoa học, thầy thuốc), trách nhiệm, sự tận tâm của nhà giáo, ứng xử, quan hệ,...đối với PGS.TS. Đàm Khải Hoàn.
Trường ĐH Y Dược thành lập đoàn thanh và tổ chức xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến PGS.TS. Đàm Khải Hoàn như báo chí đã nêu.
ĐH Thái Nguyên thành lập đoàn Thanh tra độc lập và tổ chức làm việc ngay từ ngày 20/8, xác minh, kết luận các vấn đề liên quan đến PGS.TS. Đàm Khải Hoàn như báo chí đã nêu để làm cơ sở báo cáo Bộ GD-ĐT.
Trao đổi với VietNamNet ngày 20/8, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, sau khi có thông tin từ báo chí, cán bộ giảng viên trong trường rất bất bình, vì một cá nhân mà khiến uy tín của trường bị hủy hoại. Đây là những thông tin không có lợi, khiến xã hội hiểu nhầm về nhà trường.
Đoàn công tác của nhà trường làm việc với cả những người đã và đang được ông Đàm Khải Hoàn hướng dẫn. "Đoàn công tác sẽ hoàn thành công việc trong ngày 21/8.
Sau khi có kết luận của đoàn công tác nhà trường sẽ báo cáo Bộ GD-ĐT, ĐH Thái Nguyên và cơ quan báo chí. Nếu có sai phạm, nhà trường sẽ kiên quyết xử lý để bảo vệ uy tín của nhà trường” – ông Sơn cho biết.
-----------------------
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ phát triển mạnh mẽ
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới Việt Nam từ ngày 25-26/8 sẽ truyền thêm động lực mới cho mối quan hệ đối tác chiến lược đang không ngừng phát triển mạnh mẽ.
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Tân đã trả lời phỏng vấn Tổng Biên tập báo điện tử India Writes Network Manish Chan về quan hệ Ấn-Việt, cũng như vai trò của Ấn Độ trong khu vực.
Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cho biết chuyến thăm của Ngoại trưởng Swaraj rất quan trọng vì đây là lần đầu tiên bà tới Việt Nam sau khi Chính phủ mới được thành lập tại Ấn Độ.
Đây là sự khẳng định chính sách của Ấn Độ đối với Việt Nam - một người bạn tốt và có sự gắn kết bền vững kể từ khi hai nước giành được độc lập.
Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Tân, cả Ấn Độ và Việt Nam đều đang duy trì mối quan hệ đối tác chiến lược tốt đẹp.
Tổng thống Pranab Mukherjee sẽ sớm thăm Việt Nam, một sự khẳng định về chính sách với Việt Nam của Chính phủ Ấn Độ.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng trong chuyến thăm của Tổng thống Mukherjee, hai nước sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương; trao đổi quan điểm về tình hình khu vực, cũng như các vấn đề quốc tế.
Về quan hệ kinh tế Việt Nam-Ấn Độ, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cho biết kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đã lên tới 6,2 tỷ USD so với mức 3,4 tỷ USD của năm 2010 và dự kiến hai nước sẽ đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD vào cuối năm 2015 và 15 tỷ USD vào cuối năm 2020.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển và xây dựng năng lực, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân cho biết mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam 150 suất học bổng.
Ấn Độ là nơi môi trường rất tốt đối với các cán bộ Việt Nam tới học tập, nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và quản lý.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân nhấn mạnh, đầu tiên hai nước đã cử Tùy viên quốc phòng tại mỗi nước và sau đó đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương.
Hai nước đã thiết lập cơ chế Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng.
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương đã được tăng cường và phát triển. Ấn Độ rất sẵn lòng giúp Việt Nam đào tạo các sỹ quan hải quân, không quân và lục quân.
Trả lời câu hỏi về vai trò của Ấn Độ trong khu vực, Đại sứ Nguyễn Thanh Tân khẳng định Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ASEAN đã ký Hiệp định Tự do thương mại (FTA) về trao đổi hàng hóa với Ấn Độ và hiện hai bên đang hướng tới ký một FTA về dịch vụ và đầu tư.
Việt Nam hoan nghênh các hàng hóa Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là một thị trường tốt cho hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là hàng điện tử.
Về sự phối hợp trong các vấn đề khu vực, Việt Nam và Ấn Độ có lập trường giống nhau về các vấn đề trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) hồi tuần trước ở Myanmar, Ngoại trưởng Ấn Độ đã tái khẳng định lập trường đối với khu vực, ủng hộ giải pháp hòa bình đối với tất cả các tranh chấp trong khu vực; ủng hộ tự do hàng hải và tìm giải pháp cho các vấn đề cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển; phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề khu vực.
Đại sứ Nguyễn Thanh Tân nhấn mạnh Việt Nam tiếp tục ủng hộ chính sách hướng Đông của Ấn Độ và là người bạn thủy chung của New Delhi.