Hà Nội lắp giàn đỗ xe ôtô khủng ven đê sông Hồng
UBND TP Hà Nội vừa cho phép Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ lắp dựng 7 block giàn thép đỗ xe ô tô trong phạm vi bảo vệ đê hữu Hồng để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo đó, vị trí lắp dựng giàn thép đỗ xe ở hạ lưu đê hữu Hồng, tương ứng K65+350. Lắp dựng 7 block giàn thép đỗ xe ô tô, kết cấu lắp dựng tổ hợp khung, giằng, giàn bằng thép; xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, lắp đặt hệ thống điện và hàng rào thông thoáng bảo đảm cảnh quan đô thị.
Thời gian thực hiện công việc này từ ngày quyết định cấp phép có hiệu lực và hoàn thành trước ngày 30/4/2015.
Theo quyết định vừa được ký, Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chỉ được phép bố trí xây dựng hạng mục nhà điều hành ngoài hành lang bảo vệ đê. Việc tổ chức thi công xây dựng công trình giao thông trong phạm vi bảo vệ đê hữu Hồng theo đúng quy định, tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy phạm hiện hành; tổ chức thi công, giám sát chặt chẽ bảo đảm an toàn đê điều, không ảnh hưởng đến các công trình liên quan trong khu vực…
Khi hoàn thành công trình phải thu dọn sạch sẽ vật tư, phế liệu trong khu vực thi công. Sau khi nghiệm thu công trình phải bàn giao đầy đủ hồ sơ, tài liệu hoàn công về Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng đã đề nghị UBND Thành phố xem xét, chấp thuận phương án đầu tư xây dựng tại 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng (Thuộc phạm vi Công viên Thống nhất) một bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh.
Theo đó, diện tích khu đất được đề xuất nghiên cứu là 10.331 m2, trong đó phần đỗ xe ngầm 3 tầng có diện tích 5.652m2 x 3 tầng, với 390 chỗ đỗ xe. Sân đường giao thông sẽ chiếm 2.230m2, cây xanh là 7.585m2, nhà điều hành 250m2 và 266m2 dành cho các công trình phụ trợ khác.
Tổng mức đầu tư khái toán khoảng hơn 96,6 tỷ đồng bằng nguồn vốn huy động của các tổ chức và cá nhâ hoạc vốn vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển Thành phố. Nếu được phê duyệt, dự án sẽ chuẩn bị từ đầu năm 2015 và đưa vào khai thác sử dụng ngay cuối năm.
-------------------------
Vì sao dân bức xúc đổ sữa ra đường?
Hàng chục hộ dân đã tập trung tại trạm thu mua của công ty Cổ phần Đà Lạt (nay thuộc TH True Milk) để phản đối về quy định thu mua sữa mới, nhiều hộ bức xúc đổ sữa tươi ra đường.
Ngày 7/1, hàng chục hộ dân đã tập trung tại trạm thu mua của công ty Cổ phần Đà Lạt (nay thuộc TH True Milk) để phản đối về quy định thu mua sữa mới của công ty này.
Trước đó, đơn vị này bất ngờ ra thông báo quy định về hạn mức thu mua sữa tươi hàng ngày khiến nhiều hộ chăn nuôi bức xúc, không đồng tình, nhiều hộ bức xúc đổ sữa tươi ra đường.
Cụ thể, Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt đã ra quy định chỉ thu mua với định mức 16 lít sữa/ngày đối với một con bò sữa.
Quy định bất hợp lý này ngay lập tức khiến nhiều hộ chăn nuôi tập trung tại trạm thu mua và nhà máy sữa Đà Lạt để phản ứng.
Theo bà Đinh Thị Thu, Chi hội trưởng Hội nông dân thôn Cầu Sắt (xã Tu Tra, Đơn Dương), quy định chỉ thu mua 16 lít sữa/ngày đối với một con bò sữa là thực sự không ổn, gây bất lợi cho người chăn nuôi. Vì theo chu kỳ sữa của một con bò bình quân đạt 20 lít/ngày, cao nhất có thể đạt 35-40 lít sữa/ngày.
Như vậy, nếu công ty Công ty sữa Đà Lạt chỉ thu mua 16 lít/ngày/con thì số lượng sữa dư ra người chăn nuôi không biết bán cho ai, có hộ bức xúc đã đổ sữa ngay tại trạm thu mua tại xã Tu Tra.
Công ty sữa Đà Lạt là một trong ba đơn vị đang thu mua sữa tươi tại Lâm Đồng, trong đó sản lượng thu mua sữa tươi của công ty sữa Đà Lạt chỉ chiếm 10% tổng sản lượng của toàn tỉnh.
-------------------------
TPHCM ra quân diệt chuột
Bến xe, chợ, kho bãi... tại 24 quận huyện sẽ được Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM đặt thuốc diệt chuột.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, chiến dịch này sẽ kéo dài đến Tết Nguyên đán nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh dịch hạch từ chuột gây nên.
Từ 8/1, Trung tâm bắt đầu cung cấp hóa chất diệt chuột đến tất cả quận huyện để việc tiêu diệt diễn ra đồng loạt. "Chúng tôi tập trung vào những điểm được khảo sát có lượng chuột cống sinh sống nhiều nhất như bến xe, chợ và kho bãi", ông Dũng nói.
Tại TP HCM, trong năm 2014, một số người đã phải nhập viện do nhiễm virus Hanta sau khi bị chuột cắn hoặc tiếp xúc với phân và nước tiểu chuột cống.
Nghiên cứu của Viện Pasteur TP HCM từ các ca bệnh cụ thể cho thấy, virus Hanta có thể gây sốt xuất huyết thể thận. Sau khi nhiễm, bệnh nhân bị sốt xuất huyết, suy thận. Virus Hanta lan truyền theo đường hô hấp từ các chất thải bài tiết của động vật gặm nhấm.
-------------------------
Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang châu Phi, Tây Á, Nam Á
Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2015 sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á. Đây là những thị trường xuất khẩu đang có sự cạnh tranh gay gắt.
Một số nước xuất khẩu gạo như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan có chính sách đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Phi bằng cách giảm giá gạo. Đặc biệt, việc Thái Lan xả hàng bán gạo tồn kho giá rẻ đã tác động tiêu cực đến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường trên, Bộ Công Thương sẽ đàm phán và ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với các nước Bờ Biển Ngà, Congo, Kenya, Angola, Mozambique, Madagascar… Cùng đó, sẽ giới thiệu khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp xác minh đối tác, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết các tranh chấp phát sinh, tổ chức các đoàn giao thương, xúc tiến thương mại tại các thị trường trên.
-------------------------