3 yếu tố tạo nên sức mạnh quân sự Việt Nam
Không phải là nước trang bị số lượng vũ khí hạng nặng nhiều, nhưng Việt Nam lại có những lợi thế rất đáng kể để tạo nên sức mạnh quốc phòng, theo đánh giá của Global Firepower.
Việt Nam được tổ chức Global Firepower (GFP) xếp thứ 23 thế giới về sức mạnh quân sự, trên cả những quốc gia hoặc lãnh thổ được đánh giá cao như Thái Lan, Ả Rập Saudi, Triều Tiên... Trong thang điểm của GFP, bên cạnh chi tiêu quốc phòng và số lượng vũ khí – trang bị, còn có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh quốc phòng của một nước. Vậy, Việt Nam có những lợi thế gì?
Chi tiêu quốc phòng
Nhìn vào diễn biến thời sự, có thể Triều Tiên hay các nước như Yemen, Iraq, Hy Lạp dễ tạo cảm giác họ rất chú trọng quốc phòng. Tuy nhiên trên thực tế, GFP tính trên chi tiêu quốc phòng và sức mua (trong trường hợp cần thiết), Việt Nam mới là nước trội hơn.
Theo đó GFP tính rằng với ngân sách quốc phòng 3,365 tỉ USD và lượng trữ ngoại hối – vàng ở mức 26,110 tỉ USD, Việt Nam xếp trên Iraq về sức mua. Iraq có các thống kê tương đương ở ngân sách khoảng 6 tỉ USD (gần gấp đôi Việt Nam), lượng trữ ngoại hối và vàng cũng trội hơn (khoảng 70,3 tỉ), nhưng sức mua tương đương chỉ là 236 tỉ USD, kém hơn so với Việt Nam (336,2 tỉ USD).
Đây là một lợi thế giúp Việt Nam được đánh giá quốc phòng cao hơn nhóm các nước kể trên.
Nhân lực
Sức mạnh quân sự chắc chắn phải phụ thuộc nhiều vào số lượng binh sĩ và những người điều khiển thiết bị, và đó là điều Việt Nam đang sở hữu.
Dân số trên 92 triệu người theo thống kê của GFP là một lợi thế của Việt Nam nếu so với Iraq (khoảng 31,9 triệu người) hay Hy Lạp (10,7 triệu người), Thái Lan (67,4 triệu người). Trong đó, Việt Nam được xem có thể huy động trên 50 triệu người tham chiến, cao hơn 3 lần so với khoảng trên 15 triệu người của Iraq hoặc 35,4 triệu người Thái Lan.
Một điểm nữa là dân số Việt Nam ở độ tuổi lao động cũng đông đảo hơn, ước tính gần 53 triệu người. Mỗi năm, số người đủ tuổi tham gia quân sự là hơn 1,6 triệu người. Con số tương tự đủ tuổi tham gia quân sự hằng năm của Iraq là khoảng 650.000 người, còn Thái Lan vào khoảng 1 triệu người.
Nhiên liệu
Đây là một thông số cực kỳ quan trọng trong thang đo của GFP. Với khả năng sản xuất trên 300.000 thùng dầu/ngày, Việt Nam lợi thế về nhiên liệu phục vụ chiến đấu hơn so với nhiều nước khác.
Để so sánh, dù sở hữu số lượng thiết bị xe tăng, máy bay, tàu chiến không kém cạnh Việt Nam, Yemen vẫn khó được đánh giá cao hơn vì họ chỉ sản xuất khoảng 288.000 thùng/ngày. Trữ lượng dầu của Yemen để sử dụng là 3 tỉ (3.000.000.000) thùng/ngày, trong khi Việt Nam đã được kiểm chứng bởi GFP với số lượng trữ lên đến 4,4 tỉ (4.400.000.000) thùng/ngày.
Lấy ví dụ Brazil, nước xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng sức mạnh quân sự để thấy dân số đông đảo của họ đã tạo nên lợi thế cực lớn. Tiếp nữa, Brazil đang trữ tới 13,150 tỉ thùng dầu/ngày, thừa sức đáp ứng cho số lượng xe tăng (489) hay máy bay (748) của họ.
Với những lợi thế trên, cộng thêm việc sẽ nhận được đủ 6 chiếc tàu chiến vào năm 2016, Việt Nam chắc chắn sẽ củng cố sức mạnh quân sự thêm rất nhiều, theo defenseindustrydaily.com.
Nhật Đăng-Thanh Niên
-------------------------
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hãy cùng bảo vệ sông Mê Kông
Quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông là một trong những chủ đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Lãnh đạo các nước GMS chụp hình lưu niệm tại hội nghị - Ảnh: Thủy TiênLãnh đạo các nước GMS chụp hình lưu niệm tại hội nghị - Ảnh: Thủy Tiên
Ngày 20.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn VN diễn thuyết tại Hội nghị thượng đỉnh tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần 5 (GMS) tại Bangkok (Thái Lan). Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng khẳng định hợp tác GMS đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển tiểu vùng Mê Kông cũng đối mặt với những thách thức như an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu, thiên tai... Vì thế, GMS cần đảm bảo cân bằng 3 yếu tố: kinh tế, môi trường, con người.
“GMS cần thúc đẩy những dự án về môi trường và phát triển con người để tương ứng với sự phát triển kinh tế, hỗ trợ các nước thành viên chuyển sang môi trường tăng trưởng xanh, khôi phục hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước trong việc quản lý nước đô thị, nước nông thôn và nước sạch”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói và nhấn mạnh, quan trọng trên hết GMS phải hỗ trợ các nước thành viên chia sẻ thông tin trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông.
Thủ tướng cho rằng để làm được điều đó phải tăng cường đối thoại một cách thực chất cả về cơ hội, thách thức, cả về điểm tương đồng lẫn sự khác biệt. “Chúng ta hãy cùng nhau có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông, để sông Mê Kông luôn là kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi.
Cùng chung quan điểm, Thủ tướng Thái Lan Prayut cũng nhấn mạnh việc phát triển kinh tế xanh. Ông cho rằng phát triển kinh tế và môi trường phải đi song song với nhau. “Mê Kông không chỉ là một dòng sông mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, tinh thần, lịch sử. Vì vậy, khi khai thác nguồn nước sông Mê Kông, các nước GMS không nên chăm chăm lợi ích cục bộ mà phải tôn trọng và cùng gìn giữ vì lợi ích chung”, ông Prayut khẳng định.
20 - 30 tỉ USD trong tầm tay
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có buổi gặp song phương người đồng cấp Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Thủ tướng cho biết, VN - Thái Lan đã trở thành đối tác chiến lược. Hiện nay, kim ngạch hai chiều giữa hai nước khoảng 11 tỉ USD. “Trong chuyến đi này, Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan có ngỏ ý muốn đầu tư để làm tổ hợp lọc hóa dầu tại VN với số vốn 22 tỉ USD. Bên cạnh đó, Tập đoàn Amata (đã đầu tư tại khu công nghiệp Amata Biên Hòa - PV) cũng dự định tiếp tục đầu tư một dự án khác tại Quảng Ninh với số vốn khoảng 5 tỉ USD... Đầu tư của Thái Lan vào VN hiện nay khoảng 6,7 tỉ USD, chỉ cần vài dự án trên mà được thực hiện thì đã đạt 20 - 30 tỉ USD”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Trong khi đó, về giao thương giữa VN - Thái Lan, ông Prayut cho biết tại hội nghị: “Như đã thảo luận với thủ tướng VN, đầu năm 2015, để thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế đông - tây, những cửa khẩu dọc tuyến đường xuyên quốc gia từ Bangkok (Thái Lan) - Savanakhet (Lào) - Đà Nẵng (VN) sẽ được nới lỏng thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian hơn để việc giao thương hàng hóa cũng như việc qua lại của người dân giữa ba nước được thuận lợi”.
Trong sáng 20.12, VN - Thái Lan đã đồng ý yêu cầu Bộ Lao động hai nước sớm ký hiệp định hợp tác lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người VN. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác giáo dục ngư dân và xử lý các vụ việc vi phạm của tàu bè, ngư dân trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, cũng như trên tinh thần nhân đạo.
-------------------------
Quân chủng Hải quân tổ chức Đại hội thi đua quyết thắng
Sáng 21.12, tại Hải Phòng diễn ra Đại hội thi đua quyết thắng Quân chủng Hải quân (giai đoạn 2009 - 2014) với sự tham dự của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.
Đại hội đã tổng kết công tác thi đua, khen thưởng, phong trào thi đua quyết thắng của Quân chủng Hải quân, đồng thời nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa Tổ quốc.
Tại đại hội, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Chủ tich nước trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Quân chủng Hải quân; trao Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Đô đốc Nguyễn Văn Hiển (Tư lệnh Hải quân) và Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cho Chuẩn đô đốc Ngô Sỹ Quyết (Tư lệnh Vùng 3).
Phó chủ tịch nước cũng công bố và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Thanh Loan (chiến sĩ tàu 69 hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Trong đại hội, còn có phần giới thiệu, trưng bày các sản phẩm kỹ thuật được quân chủng sáng chế, cải tiến để phục vụ công tác chiến đấu và huấn luyện.
-------------------------
Chi phí làm thủ tục nhà đất sẽ giảm 80%
Ngày 18/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo về việc thực hiện cơ chế liên thông đối với các thủ tục hành chính gồm công chứng, thuế và đăng ký nhà đất. Việc thực hiện cơ chế liên thông sẽ giảm bớt được các hồ sơ trùng lặp...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành theo thẩm quyền cơ chế liên thông trong thực hiện các thủ tục hành chính về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các thủ tục về thuế.
Việc xây dựng, ban hành cơ chế liên thông trong thực hiện các thủ tục về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế sẽ mở rộng cơ hội lựa chọn cơ chế giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình thực hiện các thủ tục thuộc các lĩnh vực công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Cơ chế liên thông này mang lại lợi ích giảm số lần cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải đi lại làm thủ tục hành chính, giảm bớt được các hồ sơ trùng lặp, không cần thiết và giảm chi phí tuân thủ tục, ước tính tiết kiệm được 80% chi phí và các lợi ích khác.
Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai.
Theo đó, với những địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai một cấp chỉ còn 41 thủ tục - giảm 30 thủ tục so với bộ thủ tục đã công bố trước đây, ở địa phương chưa có văn phòng này, bộ thủ tục gồm 62 thủ tục - giảm 9 thủ tục so với trước đây.
Các thủ tục đất đai chủ yếu tập trung trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (12 thủ tục); đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (23 thủ tục) và một số thủ tục khác.
Hiện ở một số địa phương, thời gian cấp sổ đỏ đã giảm từ 33 ngày xuống còn 12 - 15 ngày, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản giảm từ 30 ngày xuống còn 8 ngày đã giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại để nộp hồ sơ.
-------------------------