Thủ tướng đồng ý lập 3 Tổng công ty thuộc VNPT
Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý thành lập các Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), Dịch vụ viễn thông (VNPT-VinaPhone) và Truyền thông (VNPT - Media), cũng như sắp xếp Công ty Viễn thông quốc tế như đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).
Cụ thể, ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty VNPT-Net là hoạt động viễn thông có dây, không dây, vệ tinh và hoạt động viễn thông khác; sản xuất, bán buôn các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin trong nước và quốc tế cho VNPT-Vinaphone, VNPT-Media và các nhà khai thác khác.
Cũng theo đề án Bộ TT&TT trình lên Chính phủ, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông Vinaphone (VNPT-Vinaphone) sẽ có vốn điều lệ là 5.200 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh là kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông-CNTT, truyền thông, truyền hình. Tổng Cty này cũng được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, đại lý bán vé máy bay và các phương tiện vận tải khác.
Mục tiêu đến năm 2020 của VNPT-Vinaphone đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 49%/năm; chiếm thị phần dịch vụ di động trên 30%, dịch vụ băng rộng trên 80%.
Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media), vốn điều lệ dự kiến là 2.300 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh của VNPT-Media là tổ chức nghiên cứu, phát triển, sản xuất, bán buôn các sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng, truyền thông, truyền hình; quản lý và thực hiện hoạt động truyền hình, hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động sản xuất phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình...
-------------------------
Chính thức quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh Youtube
Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 9/1 cho biết: Tổng cục đã thực hiện việc xây dựng kênh hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam trên mạng xã hội Youtube tại địa chỉ https://www.youtube.com/c/vietnamtourismmedia.
Kênh truyền thông này sẽ góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu theo dõi các chương trình, bản tin du lịch Việt Nam của khán giả trong nước, quốc tế. Khi truy cập kênh xã hội Youtube tại địa chỉ nêu trên, công chúng sẽ được cập nhật miễn phí nhiều bản tin, đoạn phim giới thiệu, quảng bá du lịch Việt Nam với chất lượng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.
Tổng cục Du lịch khẳng định: Việc cho ra mắt kênh hình ảnh quảng bá du lịch Việt Nam trên Youtube là bước phát triển phù hợp với xu thế chung của thời đại kĩ thuật số, đa dạng hóa các kênh thông tin cho du khách khi muốn tìm hiểu về nước ta. Cũng qua kênh thông tin này, các cảm nhận, đánh giá, góp ý kiến của độc giả về các sự kiện, điểm đến du lịch sẽ được ghi nhận, góp phần làm đa dạng hơn kênh thông tin mới này của Tổng cục Du lịch.
Hiện tại, để tìm hiểu về thông tin du lịch Việt Nam, công chúng và du khách trong nước, quốc tế có thể tìm hiểu qua các trang thông tin điện tử chính thức của Tổng cục Du lịch như: www.vietnamtourism.com; www.vietnamtourism.gov.vn; www.vietnamtourism-info.com; www.vietnam-tourism.com; www.dulichvn.org.vn . Thông qua các trang này, thông tin về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam cũng như các điểm đến, tour, dịch vụ du lịch, tin tức, sự kiện nổi bật đã được giới thiệu đến đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước.
Trong năm 2014, Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1836 chỉ đạo phối hợp triển khai một số giải pháp về thông tin, xúc tiến du lịch tại một số thị trường trọng điểm để thu hút khách du lịch. Chiến dịch quảng bá "Việt Nam - Điểm đến An toàn, Thân thiện, Hấp dẫn “Exciting Viet Nam” với 14 nội dung đã được ban hành. Các chương trình, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, tập trung trọng tâm hơn bao gồm: Tổ chức khảo sát thực tế cho báo chí quốc tế và trong nước đến các địa phương trọng điểm du lịch để phóng viên chứng kiến và phản ánh thông tin khách quan, góp phần giới thiệu về điểm đến du lịch Việt Nam; tổ chức các đoàn doanh nghiệp lữ hành từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng của du lịch Việt Nam (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Pháp, Mỹ...).
Việt Nam cũng đã liên kết, hợp tác với các nước trong khu vực tăng cường trao đổi khách và cùng khai thác khách từ thị trường thứ ba; tổ chức các chương trình phát động thị trường có trọng tâm, đầu tư quy mô lớn hơn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan; gia tăng quy mô tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế; kích cầu du lịch nội địa.
Năm 2014, tổng thu từ khách du lịch đạt 230.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013 và đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Trong năm, du lịch Việt Nam đã đón hơn 7,8 lượt khách du lịch quốc tế (tăng 5,64% so với năm 2013), phục vụ 37,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,14% so với năm 2013.
Điều đáng nói là du lịch Việt Nam đạt được doanh thu nói trên trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt khó khăn xảy ra. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, đã tác động nhiều mặt đến hoạt động du lịch, gây giảm sút đột ngột về lượng khách quốc tế. Du lịch Việt Nam đã chủ động ứng phó với tình hình, tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách để hoạt động du lịch ổn định và phát triển như mở rộng thị trường du lịch trọng điểm, kích cầu du lịch nội địa với chương trình "Người Việt Nam ưu tiên đi du lịch Việt Nam"...
--------------------------
Lập đoàn kiểm tra giá cước vận tải ô tô, hàng không
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá cước vận tải hàng không. Thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày hôm nay (10/1).
Theo đó, thành viên đoàn thanh tra giá cước vận tải ô tô sẽ gồm đại diện: lãnh đạo Vụ Vận tải, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Thanh tra Bộ; Tổng Cục Đường bộ Việt nam; Cục quản lý giá-Bộ Tài chính. Đối tượng kiểm tra sẽ gồm Sở Giao thông Vận tải (GTVT), doanh nghiệp vận tải và Bến xe ô tô.
Nội dung kiểm tra tại Sở GTVT: Công tác chỉ đạo và thanh tra, kiểm tra, kết quả xử lý vi phạm về giá cước vận tải trong năm 2013, 2014; Công tác rà soát kê khai và niêm yết giá cước của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn; tổng hợp tình hình kê khai, niêm yết giá cước của các doanh nghiệp vận tải khi giá nhiên liệu giảm (từ tháng 1/2013 đến nay).
Bộ GTVT cũng yêu cầu Sở GTVT thống kê rõ danh sách doanh nghiệp đã kê khai giảm, tỷ lệ giảm giá cước, danh sách những doanh nghiệp chưa giảm giá cước theo từng thời gian báo cáo; Những khó khăn vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý giá cước và kiến nghị, đề xuất.
Đối với doanh nghiệp vận tải: Bộ GTVT yêu cầu phải báo cáo tình hình thực hiện giá cước vận tải trong năm 2013, 2014; kê khai và niêm yết giá cước của doanh nghiệp (kiểm tra kê khai các yếu tố cấu thành giá cước vận tải của doanh nghiệp); việc thực hiện giá cước khi giá nhiên liệu giảm; Vé và công tác phát hành vé. Đối với bến xe, đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào công tác phối hợp giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải trong quản lý vé; công tác bán vé, niêm yết giá cước tại bến. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc tại 8 địa phương Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Đối với vận tải hàng không, Đoàn kiểm tra công tác quản lý giá cước sẽ gồm 6 người, trong đó Trưởng đoàn là lãnh đạo Vụ vận tải, đại diện Vụ quản lý doanh nghiệp, đại diện Thanh tra Bộ, đại diện Cục Hàng không; đại diện Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) và chuyên viên Vụ vận tải làm thư ký đoàn. Đối tượng kiểm tra gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam; Công ty Cổ phần hàng khoong Jetstar pacific; Công ty Cổ phần hàng không VietJet; Công ty Bay dịch vụ Hàng không và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Tương tự, tại doanh nghiệp hàng không, đoàn thanh tra cũng sẽ tập trung vào việc thực hiện giá cước vận tải trong năm 2013 và 2014; kê khai và niêm yết giá cước của doanh nghiệp (kiểm tra kê khai các yếu tố cấu thành giá cước vận tải của doanh nghiệp); Việc thực hiện giá cước khi giá nhiên liệu giảm; vé và công tác phát hành vé…
-------------------------
Hà Nội: Gần 30 tỷ đồng cải tạo, phục dựng phố cổ Lãn Ông
Ngày 9/1/2015, dự án bảo tồn phố cổ Lãn Ông chính thức hoàn thành. Với 2 tuyến phố, 67 biển số nhà được tu tạo thành công, 2 năm qua, BQL Phố cổ Hà Nội đã xử lý được khối lượng việc lớn gấp nhiều lần việc bảo tồn một vài căn nhà trong gần 20 năm trước…
Dự án bảo tồn kiến trúc phố cổ Tạ Hiền (có 25 biển số nhà) hoàn thành năm 2012 , mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một trong những điểm nút du lịch của phố cổ Hà Nội. Năm 2014, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục thực hiện chỉnh trang tuyến phố Lãn Ông nhằm tái hiện lại diện mạo kiến trúc đường phố xưa nhưng vẫn đáp ứng được những nhu cầu sinh sống , kinh doanh của cư dân hiện tại.
Mục tiêu cải tạo vừa thúc đẩy doanh thương, thu hút du lịch nhưng cũng làm giàu lên vốn văn hóa lịch sử của khu phố nói riêng và của Hà Nội nói chung.
Để việc bảo tồn phố cổ thành công, sau mô hình phố Tạ Hiện, Lãn Ông, các chuyên gia đã đúc kết nguyên tắc số một là cần đổi tư duy “hoài cổ” thuần cảm tính, chủ quan bằng góc nhìn “nhập thế” – chú trọng lợi ích kinh tế , xã hội trong thực tiễn khách quan hơn.
Ðể thực hiện dự án này, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn để khảo sát, lập phương án chi tiết cho từng ngôi nhà, từng chi tiết kết cấu, kiến trúc cho đến mẫu mã biển hiệu, màu sắc, chất liệu vật liệu... theo hướng khôi phục những yếu tố nguyên gốc.
Kết quả, mặt đứng tuyến phố dài 120 m từ ngã tư Chả Cá đến phố Thuốc Bắc với 42 biển số nhà (6 ngôi nhà trong số đó được bảo tồn hết lớp 1) là những ngôi nhà có giá trị kiến trúc đặc trưng, tạo nên gợi nhớ sâu đậm, sinh động về không gian phố Hà Nội xưa.
Việc bảo tồn khu phố cũng được thực hiện thận trọng, có phương pháp khoa học nên đã thuyết phục, tạo sự đồng thuận không chỉ trong giới chuyên môn mà dự án còn nhận sự đồng tình, ủng hộ của chính cư dân sinh sống tại đây.
Sau một thời gian dài công tác bảo tồn phố cổ chậm trễ, “tắc”, sự tái hiện sinh động của tuyến phố Tạ Hiền và Lãn Ông đã được ghi nhận như một điểm sáng trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc, văn hóa, lịch sử đô thị.
Tìm câu trả lời cho câu hỏi về nguồn tài chính bền vững đầu tư để có thể làm dài hơi việc bảo tồn của toàn bộ khu 36 phố phường, mô hình phố Tạ Hiện là một gợi ý. Sau khi dự án chỉnh trang tuyến phố này hoàn thành, hiệu quả khai thác thương mại qua các hoạt động kinh doanh buôn bán, thu hút du lịch của tuyến phố đã tăng lên. Phố Lãn Ông cũng đang được kỳ vọng mang lại tác động tích cực đó.
Được biết, dự án cải tạo phố Tạ Hiện có giá trị 15 tỷ đồng và phố Lãn Ông giá trị khoảng 27 tỷ đồng.
Nguyên tắc chung được khái quát, bảo tồn di sản đô thị đòi hỏi sự song hành của tiến bộ kỹ thuật bảo tồn với sự tiến hóa kỹ thuật quản trị đô thị để phố cổ bảo tồn ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn, giàu có hơn và được quản trị tốt hơn. Đó là cơ sở để đóng góp nguồn lực nhiều hơn cho việc tái đầu tư vào những dự án bảo tồn phố cổ có quy mô lớn hơn tới đây.
-----------------------