Sẽ phát hành thêm 1 tỉ USD trái phiếu
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát hành thêm 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với kỳ hạn 10 năm
Nếu không có gì thay đổi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phát hành thêm 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế với kỳ hạn 10 năm. Mục đích để tái cơ cấu nợ công. Có thể công khai chi phí công tác nước ngoài của các ngành, địa phương.
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại hội nghị tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành tài chính tổ chức ngày 24-12.
Trước đó đầu tháng 11, Bộ Tài chính vừa phát hành thành công 1 tỉ USD trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế để đảo các khoản trái phiếu chính phủ đã phát hành trước đây. Lãi suất phát hành là 4,8%/năm với thời hạn 10 năm.
Để đảm bảo an toàn nợ công, Bộ Tài chính cho biết trong năm 2015 cơ bản VN sẽ không vay thương mại nước ngoài, lãi suất cao, thời hạn ngắn để sử dụng cân đối cho ngân sách nhà nước.
“Đặc biệt, các cơ quan nhà nước hạn chế không mua ôtô phục vụ chức danh riêng, tiết kiệm triệt để chi tổ chức hội nghị, hội thảo, chi đi công tác nước ngoài. Tới đây, chúng tôi có thể công khai chi phí công tác nước ngoài của các ngành, các địa phương” - ông Dũng nhấn mạnh.
-------------------------
Phê bình Bộ Nội vụ vì chậm xử lý kiến nghị của Đồng Tháp
Ngày 24-12, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Ban chỉ đạo Tây Nam bộ diễn ra ở Cần Thơ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phê bình Bộ Nội vụ vì chậm trễ trong xử lý kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp về đào tạo con người cho các hợp tác xã.
Theo ông Ninh, tại các cuộc họp với tỉnh Đồng Tháp nhiều tháng trước, ông đã đồng ý về nguyên tắc đề xuất của tỉnh trong việc đào tạo con người nhằm nâng cao năng lực quản lý của các hợp tác xã nhưng có đề nghị tỉnh hỏi thêm ý kiến Bộ Nội vụ.
“Tại hội nghị này tôi phê bình Bộ Nội vụ, các đồng chí về báo cáo với bộ trưởng, thứ trưởng. Đề nghị Văn phòng Chính phủ ra ngay văn bản, không cần ý kiến Bộ Nội vụ nữa... Người ta hỏi một việc cấp bách như thế mà để đấy mấy tháng trời rồi không trả lời” - Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.
Theo ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhằm nâng cao chất lượng con người ở các hợp tác xã, tỉnh có đề xuất sẽ đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, sinh viên tốt nghiệp các ngành quản trị kinh doanh, kinh tế... để đưa về làm ở các hợp tác xã trong 3-5 năm, trả lương bằng tiền ngân sách, sau đó sẽ chuyển giao cho các hợp tác xã để làm quản lý với chức danh phó giám đốc.
Tại hội nghị ngày 24-12, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng “việc chi tiền đào tạo cho các hợp tác xã không có gì là vi phạm chính sách cả”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, thông tin trong tháng 1-2015 sẽ khởi công hàng loạt dự án giao thông lớn ở ĐBSCL như tái khởi động tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, mở rộng quốc lộ 1 đoạn Bạc Liêu và tuyến tránh Sóc Trăng, khởi công đường xuống cảng Cái Cui (Cần Thơ).
Ngoài ra bộ cũng đang nghiên cứu nhiều dự án thực hiện trong quý 2-2015 như mở rộng quốc lộ 53 (nối Vĩnh Long và Trà Vinh), mở rộng quốc lộ 30 (Đồng Tháp), xây mới năm cầu trên quốc lộ 80 (Cần Thơ).
-------------------------
Doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh
Ngày 25.12, tại Phủ chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2014.
Đánh giá cao các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia vẫn giữ được tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh, phát triển tốt về doanh thu, giữ vững được thị trường nội địa và xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, Chủ tịch nước lưu ý đây là thời điểm để VN hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới; đồng thời là cơ hội để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới cao hơn thông qua việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN; dự kiến ký kết các Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Do vậy các doanh nghiệp Thương hiệu VN cần tích cực, chủ động đóng vai trò là động lực cho sự phát triển trong năm 2015 và những năm tới. Chủ tịch nước yêu cầu các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia cần đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất kinh doanh tiên tiến và năng lực tài chính lành mạnh; không ngừng cải tiến công nghệ máy móc nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh; tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình ở trong và ngoài nước để xứng đáng với vai trò tiên phong Thương hiệu quốc gia.
-------------------------
Chồng chéo quản lý khiến 'Bộ này cầm súng, Bộ kia cầm cò'
“Bộ này cầm súng, Bộ kia cầm cò”, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son ví von như vậy tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 sáng nay 25.12, khi nói về những bất cập do chồng chéo quản lý giữa Bộ này và Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
hoi-nghi-truc-tuyenHội nghị trực tuyến sáng nay của Bộ Thông tin - Truyền thông - Ảnh: T.Sơn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong nhiệm kỳ này, chức năng nhiệm vụ của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng như Bộ Thông tin - Truyền thông đã khá rõ ràng, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề còn chồng lấn.
Theo đó, tháng 8.2007, Bộ Thông tin - Truyền thông được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính - Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.
Tuy nhiên, khi chia tách thì phần quản lý thông tin chưa được thực hiện dứt điểm. Theo đó, Bộ Thông tin - Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ về quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm... Tuy nhiên, chức năng quản lý nhà nước về quảng cáo vẫn do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thực hiện.
Tương tự, các thiết chế thông tin hiện nay như các thư viện, bảo tàng, thông tin cơ sở, thông tin cổ động... hiện vẫn do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý nhưng theo ông Nguyễn Bắc Son, sẽ hợp lý hơn nếu để Bộ Thông tin - Truyền thông quản lý.
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông cũng giãi bày việc nêu ra vấn đề này “có thể bị cho rằng Bộ cần thêm quyền lực gì đây nhưng không phải như vậy”, mà Bộ muốn Chính phủ “cầm cân nảy mực, điều chỉnh hợp lý vì yêu cầu nhiệm vụ”.
Theo ông Son, hiện có tình trạng “ai cũng muốn ôm việc khác của mình, ai cũng muốn làm việc đúng”. Nhưng quan trọng hơn là “phải làm đúng việc”.
“Giả sử thời gian qua các đồng chí thấy bên này quản lý chưa tốt thì đưa về bên kia bởi vì nếu không đồng bộ sẽ thành tình trạng anh này cầm khẩu súng, anh kia cầm cò. Bên này cầm khẩu súng tức là 90% các phương tiện truyền thông do Bộ Thông tin -Truyền thông quản lý, nhưng cái cò bắn ở bên kia là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nắm. Cái cò là chế tài ở bên kia thì khẩu súng làm sao chiến đấu được”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ví von.
----------------------------------------
Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được trong năm 2014 của ngành thông tin - truyền thông :
1. Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành (chưa tính công nghiệp CNTT): ước đạt 500.000 tỉ đồng.
2. Tổng nộp ngân sách nhà nước: ước đạt 52.000 tỉ đồng.
3. Tỷ lệ thuê bao di động: 140 thuê bao/100 dân.
4. Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định: 7 thuê bao/100 dân.
5. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động: 26 thuê bao/100 dân.
6. Tỷ lệ người sử dụng Internet: 41% dân số.
7. Tỷ lệ phủ sóng di động: 94%.
8. Tỷ lệ số xã có máy điện thoại: 100%.
9. Tỷ lệ xã có Điểm Bưu điện - Văn hoá xã: 98%.
10. Sản lượng báo xuất bản hàng năm: 1.000 triệu bản.
11. Mức hưởng thụ báo chí bình quân: trên 14 bản báo/người/năm.
12. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh: trên 95% diện tích cả nước.
13. Tỷ lệ phủ sóng truyền hình: trên 98% diện tích cả nước.
(Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Thông tin - Truyền thông)
-------------------------