Từ 1/1/2015., Luật BHYT sửa đổi bổ sung sẽ có hiệu lực. Một trong những điểm mới của Luật là bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh vượt tuyến sẽ không được BHYT chi trả 30% nhưng bù lại thanh toán nội trú sẽ tăng thêm 10% so với trước đó.
Tăng chi trả điều trị nội trú
Hiện nay khi đi khám, chữa bệnh trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả ở các mức 30, 50 và 70% chi phí tùy theo loại bệnh viện. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40%, tuyến tỉnh mức chi là 60% khi nằm viện điều trị nội trú; còn người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán.
Ví dụ, nếu một người có thẻ BHYT ở BV Xanh Pôn nhưng lên BV Bạch Mai khám đau dạ dày vào ngày 1/1/2015 và điều trị ngoại trú thì họ sẽ không được BHYT thanh toán bất kỳ chi phí nào. Nhưng nếu phải nhập viện điều trị, mức thanh toán của quỹ BHYT cho đối tượng này lại tăng lên 40%, thay vì 30% như trước năm 2015.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc quy định chi trả vượt tuyến của quỹ BHYT để hướng tới không có sự qua tải ở các bệnh viện một cách vô lý. Vấn đề nữa là làm sao để đảm bảo thực hiện phân tuyến chuyên môn kỹ thuật theo đúng quy định của ngành y tế. Có những bệnh viện tuyến dưới điều trị tốt, hiệu quả nhưng người dân cứ đổ xô lên tuyến trên sẽ gây quá tải. Vì thế trong khu vực khám chữa bệnh ngoại trú, không khuyến khích khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến ở tuyến trung ương.
"Nhưng bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cho một số người có nhu cầu khám vượt tuyến, trái tuyến, mức hưởng vượt tuyến khu vực nội trú sẽ tăng 10% ở khu vực bệnh viện truyến trung ương và 30% ở tuyến tỉnh so với mức 30% trước đó", ông Sơn cho biết.
Mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm mức đóng
Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), cho biết, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình được khuyến khích, người dân mua BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ mức đóng. Người thứ nhất đóng mức 4,5% lương cơ sở - khoảng 600.000 đồng một năm; người thứ hai, ba, tư lần lượt sẽ bằng 70, 60, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Quy định nêu trên sẽ khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, bảo đảm sự chia sẻ ngay trong hộ gia đình.
Quy định này cũng nhằm khuyến khích người dân tham gia BHYT nhiều hơn. Chiều 26/12 tại cuộc họp tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan này thông báo đến nay đã có xấp xỉ 71% người Việt có thẻ BHYT. Con số này đã vượt chỉ tiêu đề ra, là một tín hiệu đáng mừng cho việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Hỗ trợ tối đa người nghèo, đối tượng khó khăn
Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT nhằm giảm gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh (KCB), tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.
Theo đó, từ 1/1/2015, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được Quỹ BHYT chi trả 100%, không phải đồng chi trả thêm 5% như trước đây. Với đối tượng người cận nghèo trước phải đồng chi trả 20%, nay sẽ chỉ phải đồng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh..
Đáng chú ý, Quỹ BHYT sẽ thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến (tương đương 7 triệu đồng). Quỹ cũng chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh ở tuyến xã.
Theo Luật mới này, các trường hợp tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được quỹ BHYT thanh toán.
Thêm một điểm mới của Luật BHYT sửa đổi, theo đó từ 1/1/2016, Bộ Y tế sẽ mở thông tuyến khám, chữa bệnh. Cụ thể, người dân khi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện sẽ được quyền khám, chữa tại tất cả đơn vị tương đương tuyến cùng địa bàn tỉnh.
-------------------------
Hà Nội hưởng lợi gì từ ba dự án “khủng” ở cửa ngõ?
Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá ba dự án "khủng" là Cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 sân bay Nội Bài, đường Võ Nguyên Giáp sẽ góp phần tăng cường kết nối Hà Nội với quốc tế và tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Sáng nay 26/12, ông Mori Mutsuya - Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, ngày 4/1/ 2015 sẽ khánh thành ba dự án lớn trên địa bàn Hà Nội đó là cầu Nhật Tân, Nhà ga hành khách T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, đường nối Sân bay Quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân (đường Võ Nguyên Giáp).
Ba dự án trên được JICA cho là cửa ngõ quốc tế mới của Hà Nội và kỳ vọng nó sẽ tăng cường kết nối Thủ đô Việt Nam với quốc tế. Ngoài ra, khi ba dự án trên được khánh thành sẽ nâng cao năng lực vận chuyển từ sân bay tới trung tâm thành phố Hà Nội, cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam.
Cầu Nhật Tân là một trong những cây cầu dây văng có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, bắc qua sông Hồng với tổng chiều dài 8,91km, trong đó phần cầu dài 3.755m. Cùng với tuyến đường nối với Sân bay Nội Bài, đây sẽ là hai công trình trọng điểm giúp cải thiện giao thông từ thành phố Hà Nội tới sân bay, đồng thời đóng vai trò là một phần của tuyến đường vành đai 2 thành phố Hà Nội, nhằm góp phần giảm tải ùn tắc giao thông cho khu vực nội đô.
Nhà ga hành khách T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài phục vụ cho các chuyến bay quốc tế, có khả năng đáp ứng được hơn 10 triệu hành khách/năm. Nhà ga được lắp đặt hệ thống kiểm tra hành lý sân bay và hệ thống cung cấp nhiên liệu hàng không (hydrant system) bằng các ống dẫn nhiên liệu ngầm hiện đại tương tự như với Sân bay quốc tế của Nhật Bản. Dự án này góp phần giảm áp lực quá tải thường xuyên của sân bay và đảm bảo vận chuyển hành khách, hàng hóa thuận lợi và an toàn.
Với tuyến đường nối Sân bay Quốc tế Nội Bài với cầu Nhật Tân - tuyến đường nối hiện đại từ nút giao Nam Hồng đến đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, thiết kế sáu làn xe chạy với chiều rộng 32m và hai đường gom hai bên rộng 7,5m. Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao năng lực vận chuyển kết nối các khu công nghiệp phía Bắc.
Nói về quá trình xây dựng các dự án trên, ông Mori Mutsuya cho biết, vào thời gian thi công cao điểm nhất, trên công trường có hơn 1.000 công nhân và kỹ sư làm việc/ngày. Các chuyên gia và kỹ sư Nhật Bản đã chuyển giao cho kỹ sư và công nhân Việt Nam những phương pháp quản lý doanh nghiệp của Nhật Bản cũng như các kỹ thuật và kinh nghiệm xây dựng an toàn trong thời gian ngắn nhất.
Theo ông Mori Mutsuya khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện các dự án trên là vấn đề giải phóng mặt bằng làm mất rất nhiều thời gian, đặc biệt trong đó là dự án cầu Nhật Tân.
-------------------------
Có thể hoãn thí điểm xe buýt "chặn quấy rối tình dục"
Theo dự kiến ban đầu của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội và đơn vị liên quan, xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em sẽ hoạt động trên ba trục đường 1, 6 và 32 từ ngày 5/1/2015, vào giờ cao điểm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, dự kiến ban đầu đề xuất với thành phố là từ ngày 5/1/2015 sẽ đưa xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ hoạt động trên một số trục đường đông người đi xe buýt vào giờ cao điểm.
Cụ thể, vào giờ cao điểm, các trục đường 1 (từ Giải Phóng ra các huyện phía Nam), 6 (đường Nguyễn Trãi – Quang Trung) và 32 (Cầu Giấy - Xuân Thủy) sẽ được bố trí xe buýt dành riêng cho phụ nữ, trẻ em để chống quấy rối tình dục.
Dù đề xuất như vậy, nhưng khảo sát của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị và Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho thấy, hành vi quấy rối tình dục trên xe buýt không nhiều, cũng không có vụ việc nghiêm trọng nào xảy ra. Trung tâm dự kiến đề xuất lại với UBND thành phố Hà Nội cho lùi thời gian thí điểm trên để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá cụ thể hơn.
“Đây chưa phải là vấn nạn trên địa bàn thành phố, do vậy, chúng tôi đang tính sẽ đề xuất với thành phố lùi thời điểm thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em vào một dịp khác phù hợp hơn”, ông Hải nói.
Trước đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, trong số trên 43.000 thông tin phản ánh của hành khách tới đường dây nóng Tổng công ty từ ngày 1/4 - 31/11, có 5 vụ hành khách phản ánh liên quan đến quấy rối tình dục. Các thông tin phản ánh chưa có vụ nào nghiêm trọng, mới dừng lại ở lời nói khiêu khích hoặc cử chỉ thiếu văn hóa.
Trước phản ánh của hành khách,Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã khẩn trương tiếp nhận và xử lý. Để ngăn ngừa tình trạng này, Tổng công ty tổ chức các kênh tiếp nhận thông tin trên xe buýt, thường xuyên phối hợp với Công an thành phố theo dõi, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trên xe buýt.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong đội ngũ lái xe, bán vé để phòng chống ngăn ngừa quấy rối tình dục, xử lý hành vi trộm cắp, gây mất trật tự trên xe buýt.
----------------------
Thủ tướng: Trung Quốc cần thẳng thắn trong đàm phán về vấn đề trên biển
Ngày 26/12/2014, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính hiệp Trung ương Trung Quốc Du Chính Thanh đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hoan nghênh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh, đánh giá cao kết quả Hội đàm giữa Đoàn Đại biểu Chính hiệp Trung Quốc và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tin tưởng chuyến thăm thành công sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp và hợp tác hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong suốt 65 năm qua, quan hệ hai nước có lúc thăng, lúc trầm nhưng tinh thần hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính. Mối quan hệ truyền thống hữu nghị, vừa là đồng chí vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo cách mạng hai nước dày công xây dựng và vun đắp là tài sản quý báu của hai dân tộc, đòi hỏi hai Đảng, hai nước đều phải trân trọng và gìn giữ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một luôn quý trọng và mong muốn cùng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc củng cố tình hữu nghị truyền thống và xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển, góp phần vì hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thời gian qua, quan hệ hai nước có khó khăn, nhưng với nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai Đảng, hai nước đang từng bước khôi phục và đi vào ổn định. Điều đáng mừng là lãnh đạo cấp cao hai nước đều mong muốn cùng nỗ lực tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy giao lưu hợp tác cùng có lợi giữa hai Đảng, hai nước, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong thời gian tới, hai bên cần tiếp tục không ngừng mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực để đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Hai bên cần tăng cường trao đổi cấp cao; tập trung chỉ đạo các bộ ngành, địa phương hữu quan phối hợp chặt chẽ, sớm dỡ bỏ những yếu tố cản trở sự giao lưu, hợp tác giữa hai bên, tích cực triển khai các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được, sớm triển khai 2 Nhóm công tác về cơ sở hạ tầng và hợp tác tiền tệ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch ngày càng phát triển bền vững, triển khai các Dự án hợp tác đã thỏa thuận.
Về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên cần kiểm soát tốt tình hình, không để nảy sinh vấn đề mới phức tạp, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, nhất là triển khai Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, những vấn đề khác biệt, tranh chấp về biên giới lãnh thổ giữa hai nước, hai bên cần chân thành hợp tác; đồng thời đấu tranh thẳng thắn trong đàm phán, tranh luận trên tinh thần đối tác hợp tác chiến lược, lắng nghe ý kiến của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau để cùng nhau tìm ra lẽ phải, chân lý và phương án giải quyết thỏa đáng mà hai bên đều chấp nhận được - trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cảm ơn lời thăm hỏi của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và qua ông Du Chính Thanh, chuyển lời thăm hỏi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc.
Tại buổi tiếp, ông Du Chính Thanh chân thành cảm ơn sự đón tiếp chân tình của Việt Nam và cho biết mục đích chuyến thăm là nhằm góp phần tăng cường tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc luôn coi trọng truyền thống quan hệ hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” với Việt Nam; cho rằng tình cảm hữu nghị chân thành và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước là hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay.
Ông Du Chính Thành nhất trí về tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, sớm triển khai các nhóm công tác, các dự án đã thỏa thuận; đề nghị phối hợp kiểm soát nhằm giữ ổn định tình hình trên biển, tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
------------------------