Tầm 2 giờ sáng 25-12-2004, ông Phan Thanh Phong (trú xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) cùng toán thợ khai thác vàng của mình đang yên giấc tại bãi vàng thôn 1, xã Trà Nú thì bất nhờ một băng cướp đột nhập.
Chúng khoảng 6 - 7 tên bịt mặt, tay lăm lăm mã tấu, dao sáng quắc. Điều đầu tiên chúng làm là phang nhát mã tấu vào bóng điện lập lòe trong đêm đen tĩnh mịch giữa núi rừng của mùa đông giá rét. Sau cú “phủ đầu” tên đầu sỏ kề mã tấu vào cổ ông chủ Phong, các đối tượng còn lại kề dao vào họng 4 công nhân còn lại, vài tên nữa thì chặt đứt dây võng, trói tay các nạn nhân ra phía sau bắt nằm úp.
Chung Văn Được
- Vàng đâu? - giọng một người đàn ông trung niên. Các nạn nhân im lặng, sợ hãi. “Chỉ chỗ và ngồi yên không tao chém chết hết!”. Nói rồi bọn chúng lục lọi khắp nơi. Trước khi lẩn sâu vào rừng, chúng mang theo hai can nhựa chứa bột vàng, 10 kíp nổ và hơn 0,5kg thuốc nổ. Đề phòng nạn nhân báo công an và những chủ bãi xung quanh phục kích, chúng không cởi trói cho họ.
Trời sáng, các nạn nhân được giải cứu, nội dung vụ việc trình báo công an. Điều đáng nói, đây chỉ là một trong hàng loạt vụ tương tự xảy ra thời gian gần đây, mà Phòng Hình sự CA tỉnh Quảng Nam đang lập chuyên án đấu tranh, gấp rút điều tra.
Điều gây khó cho công tác phá án, đó là bọn chúng đi gây án thường bịt mặt, nói giọng pha Bắc, hành vi hết sức tinh quái, đập bể bóng điện để nạn nhân không kịp nhận diện. Có một chi tiết “sáng” nhất, đó là khi đi cướp tại các bãi vàng (cũng khai thác trái phép), băng này không lấy tấm thủy ngân ngâm vàng. Điều này chứng tỏ chúng không hẳn là dân từng làm vàng, và cũng khó là người Bắc. Bởi dân đào đãi vàng chuyên nghiệp nếu cướp thì vật đầu tiên chúng lấy là tấm thủy ngân đang ngâm vàng.
Công tác khám nghiệm hiện trường tại bãi ông Phong hết sức kỹ càng, nhưng vẫn chưa thu được một dấu tích gì đáng giá. Các vụ cướp ở các bãi vàng Bắc Trà My, Phước Sơn ngày càng dày thêm mà manh mối dường như hẹp lại.
Trước lúc ra về, một trinh sát khám nghiệm hiện trường chợt thấy tờ lịch treo tường úa màu, nhàu nát nằm chơ vơ, gió thổi bay về góc sau lán trại. Bằng cảm quan nghề nghiệp và linh tính mách bảo, tờ lịch đó được cầm lên thì thấy có bốn chữ “phát triển Tiên Phước”. Biết đây là một chi tiết hết sức hữu ích nên anh đã kẹp vào hồ sơ.
“Tờ lịch này là của ông à?”, trinh sát kỹ thuật hình sự hỏi ông Phong chủ lán trại. “Không, ở nhà hoặc ở lán tôi làm gì có!”, ông Phong khẳng định. “Thế thì tại sao nó lại ở đây”?, một trinh sát nhíu mày khó hiểu. “Tôi loáng thoáng thấy khi băng cướp tới, bọn chúng vuốt tờ lịch ra từ cây mã tấu thì phải”, một công nhân nhớ đại khái như vậy. “Chắc chúng dùng để bọc lưỡi mã tấu chứ gì?”, trinh sát hỏi. Người công nhân đáp: “Chắc vậy”. Khác với những lần khám nghiệm hiện trường trước, lần này trinh sát nở một nụ cười trước lúc về xuôi...
Qua đánh giá và nhìn nhận của Ban chuyên án, tờ lịch này phần nào khoanh vùng đối tượng, sẽ giúp ích trong việc nhận diện băng cướp. Ngay lập tức, Ban giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Ban chuyên án tập trung điểm mặt các đối tượng nằm trong “danh sách đen” ở huyện Tiên Phước (như cái tên đã ghi trên tờ lịch). Chỉ vài ngày, 40 đối tượng có nghi vấn trên địa bàn được đưa vào tầm ngắm, trong đó có 30 tên nghiện. Nổi nhất là Chung Văn Được (trú thị trấn Tiên Kỳ), y có “thành tích” 10 năm tù về tội giết người, vừa ra trại lại “dính” tội trộm cắp. Y lại là con nghiện ma túy nặng. Điều đáng nói, y cùng đàn em xài ma túy hàng ngày nhưng không có biểu hiện thiếu tiền, thiếu thuốc.
Từ các biện pháp nghiệp vụ, chân dung tên Được cùng bọn đàn em được phác thảo. Ban chuyên án nhận định: Để có tiền chơi ma túy, chúng đã lập băng nhóm lên các bãi vàng ở Phước Sơn, Bắc Trà My nghiên cứu tình hình, dò la tin tức, thấy bãi nào trúng vàng, thì chúng chờ đêm đến, đợi lúc canh khuya ra tay hành động. Khi có đủ chứng cứ, triệu tập Chung Văn Được cùng đàn em gồm 17 đối tượng lên đấu tranh, chúng không còn đường nào chối tội và đã thừa nhận gây ra 11 vụ cướp lại các bãi vàng ở hai huyện trên trong thời gian ngắn.
Chuyên án kết thúc vang dội, từ một tờ lịch cũ nhàu nhát đã “vẽ đường” cho Ban chuyên án đi đúng hướng. Đây là bài học quý trong công tác khám nghiệm hiện trường, không nên bỏ sót một chi tiết nhỏ nào dù là “vu vơ” nhất!