Nói đến trộm cắp, thường người ta chỉ nghĩ tới những tài sản nhỏ, dễ vận chuyển để tránh bị phát hiện, thế nhưng, ổ nhóm đối tượng này thậm chí còn ngang nhiên trộm cắp cả ô tô.
Hủy án do có nhiều uẩn khúc
- Cập nhật : 23/09/2014
Tòa phúc thẩm cho rằng nếu người bị hại từ chối đối chất, không có mặt tại tòa để làm rõ mâu thuẫn thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngày 20-9, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của Trần Văn Uống, một trong hai bị cáo trong một vụ án mà báo Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phân tích, phản ánh. Bị cáo còn lại là Khưu Khánh Sỹ, cũng là một nông dân ít học ở miền Tây lên TP.HCM làm thuê như Uống, sau phiên tòa sơ thẩm cho rằng mình bị oan nhưng bận đi làm, không rảnh để kháng cáo vì quá mệt mỏi.
Tòa phúc thẩm nhận định cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh có những sai sót nghiêm trọng như những gì mà Pháp Luật TP.HCM từng chỉ ra nên đã hủy án để cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại.
Bỗng dưng thành “kẻ cướp”
Trần Văn Uống và Khưu Khánh Sỹ bị cáo buộc cùng hai người nữa bàn nhau ra đường chặn xe để cướp. Thấy Phan Thanh Quyền chở bạn gái đến gần, cả nhóm đuổi theo và ném cây về phía xe nhưng Quyền tránh được và chạy đến chốt dân phòng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân báo tin.
Khi ra tòa, Uống và Sỹ được cách ly và khai rất thống nhất, rằng đêm 5-12-2012, họ tổ chức nhậu trong xưởng làm việc. Nhậu xong, Uống và hai người kia ra ngoài hóng mát, đi tè. Đến giờ làm việc, Sỹ ra gọi Uống thì lúc này có đám đông người lao đến hô to “bắt nó, bắt nó”, cả hai không biết chuyện gì nên chạy né đi. Sau khi bị bắt, do bị đánh đau quá nên họ buộc phải ký tên vào bản ghi lời khai có sẵn và viết bản tự khai nhận tội theo ý cán bộ.
Trước khi xử sơ thẩm, TAND huyện Bình Chánh từng trả hồ sơ yêu cầu làm rõ nhiều tình tiết. Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung cũng không chứng minh được các bị cáo có hành vi chiếm đoạt tài sản nào cả.
Xử sơ thẩm ngày 15-7, TAND huyện Bình Chánh nhận định: Ngoài lời khai của anh Quyền thì không còn chứng cứ nào để chứng minh các bị cáo sử dụng cây để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy vậy, tòa vẫn tuyên hai bị cáo phạm tội cướp tài sản theo khoản 1 Điều 133 BLHS (VKS truy tố điểm d khoản 2) và xử phạt mỗi bị cáo một năm bảy tháng chín ngày tù (bằng thời gian tạm giam) và trả tự do cho bị cáo tại tòa.
Điều tra theo định hướng có tội
Sau phiên tòa sơ thẩm, phân tích trên Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia cho rằng chẳng những không có chứng cứ chứng minh hai bị cáo phạm tội mà dựa vào những dữ liệu có trong hồ sơ vụ án, có thể khẳng định chẳng có vụ cướp nào xảy ra cả. Chẳng qua chỉ là có một người chạy xe đến địa điểm ấy, thoáng thấy bóng người thì hoảng quá quay xe lại báo công an rằng “có cướp”. Và rồi sau đó tất cả thành vụ án.
Các chuyên gia cho rằng cơ quan tố tụng khẳng định vụ án này thuộc trường hợp bắt người phạm tội quả tang nhưng gần 16 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra sự việc mới được lập biên bản. Người ký tên làm chứng không phải người chứng kiến, cũng chẳng rõ “quả tang” là “quả tang” cái gì.
Tương đồng với phân tích của báo, tòa phúc thẩm cho rằng việc lập biên bản bắt người quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai của người bị hại, hợp thức hóa việc bắt tạm giữ. Trước khi lập biên bản bắt người thì đã có biên bản nhận dạng bị cáo, biên bản thu giữ đồ vật của bị cáo. Đồng thời, cơ quan điều tra đã định hướng điều tra để quy kết theo lời khai của bị hại. Uống và Sỹ khai hoàn toàn không biết anh Quyền trong khi anh Quyền lại khai biết. Rồi mặc dù anh Quyền đã nhận dạng rất rõ được cả họ, tên, năm sinh và quê quán của Uống và Sỹ thì không hiểu vì lý do gì mà cơ quan điều tra Công an huyện Bình Chánh lại tiếp tục cho người bị hại nhận diện bằng bản ảnh vào ngày 5-1-2013.
Từ lời khai mù mờ thành vụ án cướp xe
Trong những bài phân tích trước đây, Pháp Luật TP.HCM từng nêu anh Quyền có lúc khai “nghi là cướp”, “đoán là cướp”, các lời khai nhiều mâu thuẫn nhưng cấp sơ thẩm không cho đối chất để sàng lọc. TAND huyện Bình Chánh nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng khi cơ quan điều tra thực nghiệm hiện trường lại không cho bị cáo tham gia. Với khoảng cách 80 m, trong điều kiện ban đêm trời tối, anh Quyền làm sao có thể nhìn rõ có bao nhiêu người cầm cây và cây dài bao nhiêu.
Ngoài ra, hành vi khách quan trong vụ cướp này hoàn toàn không có, không có chứng cứ nào cho thấy các bị cáo đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm cướp xe, cướp tiền. Ở đây, cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào lời trình bày của anh Quyền mà đã quy kết bị cáo định chặn đường cướp xe. Hơn nữa, xét về mặt tâm lý tội phạm, sau khi cướp không thành thì không ai dại gì vẫn đứng chình ình ở khu vực đó để bị bắt. Quy buộc họ sử dụng ba cây gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây nào…
Tương tự như phân tích của báo, tòa phúc thẩm nhận định: Không được dùng những tình tiết do người bị hại trình bày làm chứng cứ nếu họ không thể nói rõ vì sao họ biết được tình tiết đó. Không thể dùng lời khai của người bị hại làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo, cũng như không thể dùng lời khai nhận tội của bị cáo để làm chứng cứ duy nhất kết tội họ.
Theo tòa phúc thẩm, suốt quá trình điều tra, lời khai của anh Quyền mâu thuẫn với lời khai của Uống và Sỹ (tại tòa và trong biên bản nhận tội), thậm chí mâu thuẫn với cả chính lời khai của anh Quyền. Cụ thể là những lời khai của anh về việc chặn đường, tấn công, dùng cây, quay đầu xe, kể cả các cự ly khi dựng lại sơ đồ hiện trường… đều không thống nhất.
Đặc biệt, tòa phúc thẩm cho rằng chiếc xe anh Quyền đang quản lý sử dụng, không ai chiếm đoạt cũng không bắt quả tang việc chiếm đoạt, tức không là tang vật nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo.
Ngoài ra anh Quyền liên tục vắng mặt tại tòa, lại từ chối đối chất nhưng tòa sơ thẩm vẫn chấp nhận dù mọi chuyện bắt nguồn từ trình báo của chính anh. TAND TP.HCM cho rằng việc có mặt của anh tại tòa là thể hiện sự tôn trọng luật pháp. Nếu anh tiếp tục từ chối thì điều tra viên phải giải thích về trách nhiệm của việc cung cấp lời khai trung thực, nếu không thì anh phải chịu trách nhiệm hình sự về việc từ chối khai báo theo Điều 308 BLHS.
Từ những điều phi lý nói trên, TAND TP.HCM đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
PHƯƠNG LOAN -Theo: PLO