Mâu thuẫn đỉnh điểm, người đàn ông vung con dao ra đánh chị hàng xóm bị thương. Nghĩa tình làng xóm bị cắt đứt, họ lôi nhau ra tòa nhờ pháp luật phân xử...
Ông Nguyễn Văn Vinh tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 12/11.
Ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1962, xóm 4, Tân Hương, Tân Kỳ, Nghệ An) ngồi co ro trên hàng ghế dành cho bị cáo, cố gắng phân trần với tôi rằng ông không ngờ sự thể lại đến mức này. Ông hối hận lắm, phải chi biết kiềm chế thì đâu đến mức phải dính vào vòng lao lý như bây giờ.
Hối hận nhưng khi có người khuyên ông tới xin lỗi bị hại một câu, ông bảo “Tôi là đàn ông mà lại xin lỗi đàn bà thì... ngại lắm”. Nói thì nói thế nhưng rồi ông cũng đi lại chỗ bị hại. Ông chỉ ngồi mép ghế, cách bà hàng xóm một đoạn, khó khăn lắm để nói ra những lời xin lỗi mà người đàn ông như ông chưa bao giờ mở lời.
Giữa nhà ông Vinh và bà Nguyễn Thị Hoài vốn có một con đường đi chung. Khi ông Vinh mở cổng hướng khác thì con đường này chỉ còn gia đình bà Hoài đi lại. Dù vậy, ông vẫn “mặc định” một nửa con đường là của mình. Hai gia đình không ít lần nặng nhẹ với nhau vì con đường này. Chiều 16/3/2014, khi xách dao rạ ra đồng phát bờ ruộng ông Vinh thấy bà hàng xóm đang trồng khoai môn trên đường, mép phía nhà mình nên lên tiếng “không được trồng trên đất của tau”.
Bà hàng xóm cũng gân cổ lên “đất choa, choa trồng”. Ông Vinh chửi lại rồi vung con dao lên đánh trúng vào đầu bà hàng xóm. Bị đánh, bà hàng xóm nhặt cọc rào đánh vào cằm ông Vinh. Bị đánh rơi cái cọc rào, bà Hoài lao vào giữ con dao trên tay ông Vinh thì bị ông này dùng sống dao đánh nên đưa tay lên đỡ đồng thời áp sát, đẩy ông hàng xóm ngã xuống bờ đất. Lúc này bà Hoài mới thấy tay mình bị chảy máu, đau nhức nên bỏ chạy về nhà, gọi người đưa lên trạm xá.
Bà Nguyễn Thị Hoài - bị hại trong vụ án, cũng là hàng xóm của ông Vinh tranh luận tại tòa.
“Sau khi sự việc xảy ra, tôi có nhờ anh em qua nhà chị Hoài thông cảm và bàn chuyện bồi thường nhưng họ đòi cao quá, những 45 triệu thì tôi lấy đâu ra?”. Tức khí, ông cũng bỏ luôn ý định xin lỗi, hòa giải cho đến khi nhận được “trát” gọi hầu tòa. Với việc gây thương tích 6% cho bà Hoài, ông Vinh bị TAND Tân Kỳ tuyên phạt 6 tháng tù giam, buộc phải bồi thường cho bị hại gần 20 triệu đồng.
“Tôi mà đi tù thì ai lo cho thằng con đang học đại học năm thứ 3?” ông phân trần về lý do xin giảm án. Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, ông cũng cố gắng đền bù trước cho nhà bà Hoài 5 triệu đồng, số còn lại xin khất rồi viết đơn kháng cáo lên cấp cao hơn.
Những người tham dự phiên tòa xúm quanh bà Hoài, động viên bà suy nghĩ, tha thứ cho ông Vinh. Bà rầu rĩ: “Thật tình tôi không muốn lôi nhau ra tòa như thế này nhưng gia đình ông ấy quá thể lắm. Ai đời đánh tôi chảy cả máu đầu, bị thương 3 ngón tay mà chẳng được một lời thăm hỏi gọi là”.
Khi những người dự khán phiên tòa vốn chẳng quen biết gì hai người mong bà nghĩ đến tương lai thằng con đang học đại học của ông Vinh mà mở lời tha thứ cho ông, bà cúi xuống ra chiều suy nghĩ lung lắm. Bà cũng chạnh lòng bởi 3 đứa con của bà vì khó khăn nên chẳng có đứa nào dược học hành đến nơi đến chốn. “Tui cũng thương hắn nhưng mà tôi ức ông bà Vinh”, bà cố gắng “vớt vát”.
Ông Vinh đền bù tại tòa cho bà Hoài thêm 3 triệu đồng, đây là một trong những căn cứ để HĐXX xem xét giảm từ tù giam sang tù treo cho bị cáo.
Khi ông Vinh mở lời xin lỗi bà Vinh và đền bù ngay tại phiên tòa thêm 3 triệu đồng nữa, bà Hoài cũng chịu đồng ý xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông hàng xóm. “Chúng tôi là hàng xóm, chẳng phải như vạn đò, không thích ở sát nhau nữa thì chống đò đi chỗ khác. Người ta sai, người ta nhận lỗi rồi, hai nhà cùng làng, cũng xóm, ra gặp, vào chạm. Thôi thì...”, bà Hoài chép miệng.
Ông Vinh được giảm án từ tù giam xuống 6 tháng tù treo, thử thách 12 tháng. Cầm 3 triệu đồng ông hàng xóm vừa giao, bà Hoài rời khỏi phiên tòa, khuôn mặt đã giãn ra, nom nhẹ nhõm hơn.
Ông Vinh và vợ cũng lật đật ra về cho kịp chuyến xe. “Tôi chừa một đời cô ạ. Cái việc bé mà xé thành to, thân mang tội, lại còn con cái nữa. Đúng là không có cái dại nào bằng cái dại nào”, ông lắc đầu. Hai gia đình lục đục kéo nhau ra khỏi tòa án, họ đi lướt qua nhau, chẳng ai nhìn ai. Hố sâu ngăn cách giữa hai nhà hàng xóm không biết đến bao giờ mới lấp đầy?