Ngày 22/1, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án Võ Thanh Tùng, bút danh Duy Đông, nguyên phóng viên Báo Pháp luật TP HCM cùng các đồng phạm bị truy tố về tội danh “cưỡng đoạt tài sản” và “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi” ra xét xử.
Cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai cho thấy, ngày 31/7/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an nhận được đơn của anh Trần Thế Duy Thanh tố cáo Võ Thanh Tùng cấu kết cùng Nguyễn Văn Tài cưỡng đoạt tài sản của anh Thanh. Sau đó, ngày 7/8/2013, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt quả tang Võ Thanh Tùng khi đang nhận tiền của anh Thanh.
Cùng ngày 7/8, cơ quan Công an tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Tài, Dương Văn Minh và ngày 2/10/2013 bắt tạm giam Nguyễn Kim Cương, nguyên phóng viên báo Thanh Niên.
Liên quan tới hành vi “cưỡng đoạt tài sản” Cơ quan điều tra đã xác định, vào tháng 7/2013, Võ Thanh Tùng được tòa soạn báo Pháp Luật TP HCM giao nhiệm vụ viết bài phản ánh tình hình trong các vũ trường, quán bar trên địa bàn Đồng nai, Bình Dương. Sau đó Tùng đã kết hợp với 2 cộng tác viên là Nguyễn Văn Tài, ngụ huyện Định Quán và Dương Văn Minh, ngụ TP.Biên Hòa cùng ở tỉnh Đồng Nai để thực hiện loạt bài viết.
Các bị cáo tại tòa.
Ngày 29/7/2013, Tùng gửi loạt bài “Vào quán bar xem múa cột” về tòa soạn. Trong lúc báo đang in loạt bài này thì anh Thanh và nhóm của Tùng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi. Anh Thanh muốn báo dừng đăng bài, còn nhóm Tùng muốn anh Thanh “chung” tiền mới chịu dừng loạt bài.
Trưa ngày 7/8/2013, Tùng gặp anh Thanh tại một khách sạn ở TP Biên Hòa, tại đây anh Thanh chuẩn bị sẵn 200 triệu đồng đưa cho Tùng. Tuy nhiên Tùng chỉ nhận 50 triệu đồng và trong lúc Tùng nhận tiền thì bị lực lượng Công an ập vào bắt quả tang.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định Tùng và các đồng phạm còn “cưỡng đoạt tài sản” của anh Trần Lê Anh Nhân ở tỉnh Lâm Đồng số tiền 200 triệu đồng và anh Trần Xuân Thanh ở tỉnh Đồng Nai số tiền 150 triệu đồng. Tổng cộng, Cơ quan điều tra đã xác định tổng số tiền mà Tùng cùng các đồng phạm cưỡng đoạt là 415 triệu đồng.
Với hành vi “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”, Cơ quan điều tra cũng đã xác định Tùng và các đồng phạm đã nhận “bảo kê” cho nhóm xe của anh Hồ Ngọc Toàn ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; nhóm xe của anh Lê Ngọc Hùng ở TP Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Thanh Tuấn ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng và Nguyễn Đăng Linh ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Tổng số tiền Võ Thanh Tùng trục lợi qua việc “bảo kê” này là 124 triệu đồng.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phiên xét xử.
Với hoạt động "bảo kê", Cơ quan điều tra cũng xác định, Nguyễn Kim Cương đã trục lợi 19,5 triệu đồng. Về sai phạm của Kim Cương, Cơ quan điều tra xác định Tùng và Cương đã lợi dụng mối quan hệ quen biết với CSGT, Thanh tra GTVT để tác động không xử lý sai phạm đối với các xe mà các đối tượng nhận “bảo kê”.
Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ Kim Cương đã nhiều lần dùng điện thoại gọi cho lực lượng chức năng để can thiệp cho xe quá tải không bị xử lý tại nhiều thời điểm.
Tại phiên tòa, Võ Thanh Tùng cho rằng việc nhận tiền của anh Thanh là từ sự “giới thiệu” của một người khác.
Với câu hỏi ai là người đặt ra số tiền 200 triệu đồng để giải quyết vụ việc trên, Tùng khai rằng đó là do anh Thanh tự ý đưa ra. Về địa điểm nhận tiền tại khách sạn ở TP Biên Hòa, Tùng cho rằng, sau nhiều lần hẹn và thay đổi địa điểm, anh Thanh là người đã chọn và hẹn Tùng đến khách sạn này để nói chuyện.
Theo bị cáo Tùng mục đích của cuộc gặp là để nói chuyện giúp quán bar của anh Thanh không bị tước giấy phép. Riêng việc đăng báo đến thời điểm gặp nhau cả 4 kỳ báo về quán bar đều đã được in hết, nên không còn gì để nói chuyện nữa.
Trong ngày xét xử, Chủ tọa phiên tòa cũng đã xét hỏi đối với các bị cáo Tài và Minh để làm rõ các hành vi liên quan. Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 23/1.
Theo: CAND