Mới đây, TAND TP.Cam Ranh (Khánh Hòa) đã tuyên phạt bị cáo Lê Công Vinh (SN 1990, trú thôn Tân Xương 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) 3 năm 6 tháng tù về tội trốn khỏi nơi giam giữ. Như vậy, tính cả án 3 năm 6 tháng tù cũng về tội này của bản án trước, tòa buộc bị cáo phải chấp hành tổng cộng là 7 năm tù. Tại sao chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, bị cáo này đã 2 lần đào thoát khỏi nơi giam giữ?
Bị cáo Lê Công Vinh trước vành móng ngựa.
Từ “đào thoát” ở trạm xá công an
Lê Công Vinh là con thứ 3 trong một gia đình có 4 anh chị em sống bằng nghề nông ở vùng xoài nổi tiếng Cam Lâm. Mặc dù gia đình cố gắng lo cho ăn học, nhưng Vinh chỉ học lên tới lớp 5 thì bỏ ngang. 17 tuổi (năm 2007), Vinh bị TAND huyện Diên Khánh đưa ra xét xử và tuyên phạt 18 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Ra tù, Vinh tiếp tục chiếm đoạt tài sản của người khác nên ngày 26.9.2011 bị TAND huyện Cam Lâm tuyên xử phạt 18 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau khi thi hành xong bản án, Vinh lại đi ăn trộm và bị bắt. Lần này, Tòa chưa kịp đưa ra xét xử thì Vinh đã “đào thoát” ra bên ngoài và bị tóm lại ngay sau đó.
Chuyện là, bị can Hoàng Bảo Ngọc Thanh Quý bị TAND quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội xử phạt 9 năm tù về tội cướp tài sản. Ngày 26.7.2013, Quý được trích xuất và dẫn giải về Cam Ranh để TAND TP.Cam Ranh xét xử về tội cướp tài sản và sau đó đã bị xử phạt 9 năm tù. Do suy tim cấp độ 2, suy phổi, Quý được đưa đến buồng y tế của nhà tạm giữ Công an TP.Cam Ranh để giam và theo dõi bệnh. Đến ngày 11.8.2013, bị can Phạm Hoàng Minh Thiện bị sốt cao nên cũng được đưa tới buồng y tế (chung với Quý) để theo dõi bệnh.
Ngày 20.8.2013, Quý rủ Thiện trốn trại nhưng Thiện không đồng ý. Đến ngày 22.8.2013, Vinh bị Công an huyện Cam Lâm bắt giam về tội trộm cắp tài sản như đã nói ở trên. Trong lúc ăn trộm, Vinh bị thương nên cũng được đưa đến giam tại buồng y tế. Thấy có “đồng minh” mới, Quý rủ Vinh trốn trại và nhờ Thiện giúp sức. Quý lên kế hoạch trong đó có việc viết thư làm giả chứng cứ ngoại phạm cho Thiện, nghe vậy Vinh và Thiện đồng ý. Đến khoảng 1h ngày 24.8.2013, Quý, Vinh, Thiện thực hiện việc trốn khỏi buồng y tế như kế hoạch đã bàn: Vinh đứng dưới ô lấy sáng, Quý leo lên vai của Vinh leo qua ô sáng ra ngoài. Sau đó, Vinh buộc quần áo, dép của Quý và Vinh rồi kéo ra ngoài. Tiếp theo Thiện đứng dưới ô sáng cho Vinh leo lên vai Thiện để chui ra ngoài.
Khi đã chui qua khỏi buồng giam y tế ra ngoài, Quý, Vinh chạy dọc theo tường rào nhà tạm giữ đến góc tường phía đông bắc của đường Lê Đại Hành và Thành ủy Cam Ranh. Vinh đứng dưới cho Quý leo lên tường rồi thả dây mềm kéo Vinh lên. Cả hai trèo tường ra ngoài rồi chạy về hướng quốc lộ 1A trốn thoát. Đến khoảng 5h sáng cùng ngày, Thiện báo tin có bị can trốn trại. Nhận được tin báo, Cơ quan CSĐT Công an TP.Cam Ranh ra quyết định truy nã đối với Quý và Vinh. Đến ngày 15.9.2013, Vinh bị bắt.
Sau đó, ngày 28.11.2013, TAND TP.Cam Ranh đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Vinh 3 năm 6 tháng tù, Thiện 6 tháng tù cùng về tội “trốn khỏi nơi giam”. Còn Quý hiện đã bỏ trốn và đang bị truy nã.
Đến “vượt ngục” ở trại tạm giam
Chỉ còn đúng 5 ngày nữa là tới ngày Vinh ra tòa nhận án về tội trốn khỏi nơi giam thì hắn lại gặp một đồng phạm mới và tiếp tục lên kế hoạch trốn khỏi nơi giam giữ. Theo hồ sơ vụ án, Vinh được giam chung với một đối tượng bị bắt giữ về tội “Trộm cắp tài sản” là Phan Võ Minh Trung (tức Thương, SN 1986, trú thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, đối tượng có 2 tiền án, bị TAND tỉnh Khánh Hòa và quận Tân Bình TPHCM xử phạt tổng cộng 34 tháng tù) tại phòng số 4 khu nhà D của nhà tạm giữ Công an TP.Cam Ranh.
Khoảng 0h30 ngày 23.11.2013, Vinh và Trung bàn bạc với nhau phá cửa phòng giam để trốn. Trung đứng cảnh giới để Vinh buộc một đầu sợi dây len vào hai cái bàn chải đánh răng, đầu kia buộc vào chốt sắt cửa sổ rồi giật mạnh làm chốt hở lên và dùng hai cái bàn chải đánh răng đưa vào kẽ hở bẩy mạnh làm chốt sắt gãy ra. Sau đó, Vinh dùng chốt sắt đưa ra ngoài thông qua ô cửa chia cơm, cậy ổ khóa của cửa chính phòng giam làm ổ khóa bật ra, Vinh tháo ổ khóa ra và dùng tay mở chốt bên ngoài cửa sắt.
Vinh tiếp tục thả sợi dây len đã nhúng nước xuống ngay vị trí chốt sắt đứng bên ngoài phía dưới cửa, móc vào chốt khóa kéo lên thì cửa sắt phòng giam mở ra. Vinh, Trung lấy quần áo cá nhân rồi chạy đến phòng giam số 6, leo lên tường để chui qua khung sắt hàng rào bảo vệ của dãy nhà giam khu D, nhưng do khung sắt hẹp nên không chui qua được. Vinh, Trung tiếp tục chạy lên tầng 2 để tìm cách trốn ra ngoài nhưng không được nên chạy xuống tầng 1 dùng tay đẩy mạnh cửa chính dãy nhà D tạo kẽ hở rồi dùng quần, áo nhét vào kẽ hở và tiếp tục đẩy mạnh cánh cửa tạo kẽ hở lớn hơn để trốn ra ngoài.
Khi Vinh, Trung đang đẩy cửa thì bị một số phạm nhân đang ở phòng giam số 3 và phòng giam số 5 nhìn thấy, truy hô và dùng chân đạp vào cửa phòng giam tạo tiếng vang để báo cho cán bộ nhà tạm giữ đến bắt quả tang. Thế là sau hai lần “đào thoát”, Vinh vẫn không thoát được.
Đứng trước vành móng ngựa lần 2 cùng với một tội danh, Vinh chỉ biết cúi đầu nhận tội và cho rằng vì sợ ở tù nên mới bỏ trốn. Vị chủ tọa hỏi “Sợ ở tù sao sau khi thi hành án xong không chịu làm ăn lương thiện mà tiếp tục tái phạm”, Vinh chỉ biết im lặng và xin tòa giảm nhẹ cho một phần hình phạt để sớm trở về với gia đình và … lấy vợ.
Trong suốt phiên tòa, không thấy gia đình hai bị cáo xuất hiện để an ủi, động viên người nhà. Có người cho rằng, trong thời gian bị giam giữ, thấy gia đình không ai vô thăm nuôi nên Vinh mới bực tức và 2 lần tìm cách trốn ra ngoài để về nhà “hỏi tội” người thân. Không biết thực hư thế nào, nhưng quả thật trong suốt phiên xử, 2 bị cáo này cứ ngồi thấp thỏm, ngó trước, ngó sau như mong đợi một điều gì đó.
Theo Lao Động