Trong một lần tìm giấy tờ, Trần Thiện Văn, SN 1969, trú tại ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An tình cờ tìm thấy những tấm ảnh cưới. Nhìn những tấm ảnh bị hoen ố, không hiểu vì sao Văn lại cho rằng vợ mình đang lén lút ngoại tình. Càng nghĩ, Văn lại tự dựng lên trong đầu những hình ảnh xấu về người vợ rồi nổi cơn ghen vô cớ.
Khởi nguồn của bi kịch
Đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng với người dân ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long vẫn không thể nào quên câu chuyện đau lòng mà Trần Thiện Văn gây nên. Nhắc tới câu chuyện, ai cũng lắc đầu ngao ngán trước sự ghen tuông mù quáng hay dúng hơn mà là sự mê tín của Văn. Chỉ vì những tấm ảnh cưới của hai vợ chồng cách đây gần 20 năm, Văn cho rằng ảnh cưới mờ đi là dấu hiệu của sự phản bội, rồi xuống tay với người bạn đời.
Nhiều người cho rằng, ngày Văn lĩnh án thì mọi nỗi đau sẽ tan biến. Thế nhưng, sau bản án 20 năm tù của Văn, cả hai gia đình hung thủ và nạn nhân đều rơi vào thảm cảnh. Hai người vợ mất đi người chồng, con mất cha, mất đi người đàn ông gánh vác mọi công việc gia đình. Nhất là tình cảm sâu đậm của hai gia đình trước đây đã mất đi mãi mãi.
Căn nhà nhỏ của hung thủ giờ đây vắng lạnh vì thiếu hơi người, bởi theo chị Nguyễn Thị Thu Thúy, SN 1972, vợ hung thủ: “Từ ngày chồng tôi vướng vòng lao lý, căn nhà của hai vợ chồng cạnh đường quốc lộ luôn đóng kín bởi vắng bóng đi người đàn ông, người trụ cột trong gia đình. May sao có đứa con trai ở cùng để hai mẹ con san sẻ đi nỗi buồn cho nhau. Ban ngày tôi đi làm, có thời gian rảnh cũng chẳng muốn ở nhà, chỉ chờ đến tối cháu đi học về thì tôi mới về nhà. Bởi mỗi khi ở nhà một mình, những hình ảnh xưa cũ kia hiện lên như nhát dao đâm vào tim tôi”.
Theo lời kể của chị Thúy, hai vợ chồng chị vốn lập gia đình muộn hơn so với đám bạn bè cùng trang lứa, nhưng chị tỏ ra mãn nguyện khi cả hai đến với nhau bằng tình yêu. “Đám cưới của hai vợ chồng tôi diễn ra trong hạnh phúc và lời chúc phúc của hai bên gia đình. Cũng như bao cặp đôi khác, để lưu giữ lại những khoảnh khắc trong cuộc đời, chúng tôi đã thuê thợ ảnh đến chụp những bức ảnh để ghi lại giây phút hạnh phúc nhất của hai vợ chồng. Đó đều là những bức ảnh đẹp và thật sự cho đến bây giờ khi xem lại, những bức ảnh đó vẫn gợi cho tôi bao kỷ niềm vui buồn của hai vợ chồng”, chị Thúy chia sẻ.
Đám cưới ngày ấy không thể thiếu người bạn chí cốt của hai vợ chồng chị là anh Nguyễn Công Hùng, SN 1968, trú cùng ấp. Là bạn thân, anh Hùng luôn là người nhiệt tình nhất trong mọi công việc, vì anh muốn đám cưới của bạn phải thật ý nghĩa. Tiếng nhạc hòa quyện với tiếng hò reo tưng bừng khắp cả một vùng khiến cho bất kỳ ai có mặt cũng phải ghen tỵ với vợ chồng chị. Nhưng có nằm mơ anh cũng không tưởng tượng ra, chính sự xuất hiện của anh trong đám cưới hôm đó lại là lý do Văn trút lên sự ghen tức sau này.
Trong ký ức của người dân ấp Thanh Tân thì Trần Thiện Văn là người lương thiện. Từ khi lập gia đình với chị Thúy lại càng chăm chỉ làm ăn, vun vén tình cảm gia đình. Nhưng nhược điểm lớn nhất của Văn chính là sự mê tín đến mức “mê muội”. Nhiều người ở khu vực chợ Thanh Tân là bạn hàng của Văn kể lại rằng, có những lúc hàng quán ế ẩm, Văn lại mang giấy và bật lửa ra đốt nhằm “hơ vía” mong bán hàng thuận lợi. Văn thường quan niệm khi đi làm ăn hoặc đi xa thì kiêng ra đường gặp phụ nữ, không bước chân trái…Tất cả những điều này đôi khi khiến cho người khác thấy khó chịu nhưng họ đều có thể chấp nhận bỏ qua được vì đó chỉ là sự mê tín chưa làm ảnh hưởng tới ai.
Ngôi nhà của vợ chồng Văn. Ảnh: Châu Anh
Chỉ vì chữ vu quy bị mờ
Ngôi nhà hạnh phúc của Văn- Thúy là điều mơ ước của bao người cho đến một ngày giữa tháng 3-2011, Văn bất chợt lục tìm trong đống đồ cũ của gia đình tình cờ thấy tấm ảnh cưới hai vợ chồng chụp trước sân nhà năm nào. Tấm ảnh cưới trải qua năm tháng, sương gió của cuộc đời đã xỉn màu nhưng vẫn còn giữ được rõ mặt của hai vợ chồng. Chỉ có một điều khiến Văn băn khoăn đó là hai chữ “vu quy” trong tấm ảnh cưới bị hoen ố. Với tâm lý mê tín dị đoan, Văn cho rằng một trong hai người trong tấm ảnh đã “ngoại tình”, anh tự “kiểm điểm” lại mình và tin rằng mình vẫn chung thủy với vợ, như vậy chỉ còn khả năng vợ của anh “phản bội chồng”. Văn thu dọn tập ảnh cưới và ôm trong lòng nỗi nghi ngờ vợ mình đã “lăng nhăng” với người đàn ông nào đó.
Vò đầu bứt tóc, liên tưởng, “xâu chuỗi” lại toàn bộ các mối quan hệ, các biểu hiện đã qua của vợ và những người xung quanh. Văn nhớ ra rằng, trong ngày cưới, người bạn Nguyễn Công Hùng có đến dự và uống rượu mừng đến “quắc cần câu”. Văn suy diễn rằng Hùng nhậu say trong ngày cưới không phải do mừng bạn mà là vì buồn chuyện gì đó. Rồi Văn tưởng tưởng ra nhiều tình tiết kỳ lạ để gán ghép chuyện vợ mình có quan hệ tình cảm với người bạn thân này. Mọi cử chỉ, thái độ của vợ và của người bạn tên Hùng đều bị Văn tưởng tượng là có dụng ý. Như khi Hùng chạy xe gắn máy ngang nhà Văn bóp còi để người đi đường tránh vào lề thì Văn cho rằng Hùng ra ám hiệu với vợ mình trong nhà. Ý nghĩ đó khiến cho máu trong người Văn như sôi lên, Văn quyết nuôi ý định trả đũa người bạn thân chì vì nghĩ rằng anh ta đã ngoại tình với vợ mình. Điều đáng sợ là Văn vẫn giữ thái độ thản nhiên cho tới lúc gây án, người bạn của Văn cho đến lúc chết vẫn không hiểu sao bạn mình lại có thể ra tay tàn nhẫn đến thế.
Văn trong bức ảnh mờ.
Sáng ngày 9-4-2011, Văn hẹn Hùng uống cà phê ở một quán gần ngã tư ấp Thanh Tân, xã Thanh Phú Long. Hai bên gặp nhau tay bắt mặt mừng, trò chuyện vui vẻ như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng thực chất lúc này Văn đã giấu sẵn con dao nhọn trong người, chờ đến khi Hùng sơ hở là sẵn sàng ra tay để thỏa mãn lòng ghen tức trong lòng. Sau phút trò chuyện, anh Hùng đứng lên đi lấy hàng mà không có một chút đề phòng. Khi anh Hùng bước đi được khoảng chục bước, ở phía sau Văn âm thầm bước tới, cầm dao đâm một nhát chí mạng vào cổ. Anh Hùng chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi đổ gục xuống, tử vong mà đôi mắt vẫn mở trừng trừng như không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình.
Bị bắt về trụ sở CA, Trần Thiện Văn khai rằng trong lúc đi buôn bán, nghe được một số người nói rằng tấm ảnh cưới của hai vợ chồng là sợi dây gắn kết tình cảm hạnh phúc gia đình. Nếu như tấm ảnh cưới “có mệnh hệ gì” thì chứng tỏ vợ chồng đã có chuyện và sớm muộn gì thì hạnh phúc cũng tan. Tin theo lời nói đó, Văn âm thầm về nhà kiểm tra tấm ảnh cưới. Cầm tấm ảnh cưới của hai vợ chồng, Văn soi xét kỹ càng tìm ra “mệnh hệ” của nó. Khi thấy hai chữ “vu quy” trên tấm ảnh cưới bị mờ, Văn phân vân nhưng vẫn chưa hẳn đã tin nên tiếp tục đi dò hỏi những người hôm trước kể chuyện này cho mình. Sau khi nghe được một loạt các dẫn chứng mà họ đưa ra về sự đổ vỡ của những cặp vợ chồng khi tấm ảnh cưới bị mờ, Văn chắc nhẩm vợ chồng mình sắp tan rã nên đau khổ mà gây ra án mạng đau lòng.
Theo: Châu Anh - PLXH