Bị cậu bé đùa dai, bà Hạnh đè cậu xuống đất, bóp mạnh vào chỗ hiểm. Anh chàng đau đớn phản kháng. Vụ án cũng phát sinh từ đây, để rồi 17 năm sau vẫn chưa giải quyết xong.
Vụ kiện bi hài
Một ngày cuối năm 1997, do quen biết nhau từ trước, chàng thiếu niên 16 tuổi Trần Bảo Lợi (ngụ xã Thạnh Qưới, huyện Mỹ Xuyên) nghịch dại, lấy dây ni lông buộc vào áo bà Lý Mỹ Hạnh (49 tuổi, ngụ Phường 3, TP.Sóc Trăng) tại khu vực chợ Thạnh Qưới.
Bà Hạnh đã nhắc nhở nhưng Lợi vẫn tiếp tục đùa dai. Thấy nói hoài không nghe, bà Hạnh đuổi theo, đè Lợi xuống đất bóp mạnh vào “chỗ hiểm”. Dù Lợi xin tha và la đau nhưng bà Hạnh vẫn xiết chặt tay, không chịu buông. Lợi đành dùng hết sức vùng dậy để thoát thân khiến bà Hạnh té xuống đất.
Sau cú ngã, bà Hạnh đứng dậy và tiếp tục đi chợ một cách bình thường. Tuy nhiên, 4 tháng sau, bà Hạnh viết đơn gửi lên TAND huyện Mỹ Xuyên, khởi kiện Lợi đã đẩy làm bà té sụp cột sống. Kèm theo đơn khởi kiện, bà Hạnh cũng gửi tới tòa một số giấy chứng nhận tỉ lệ thương tật và đơn thuốc của bệnh viện.
Cuối năm 1998, tòa huyện đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và buộc Lợi bồi thường cho bà Hạnh gần 9 triệu đồng, phải chịu 448.000 đồng tiền án phí. Với tư cách là người giám hộ cho con trai, bà Hía viết đơn kháng cáo. Vụ án được xử phúc thẩm vào cuối tháng 9/1999, tòa tỉnh buộc bị đơn bồi thường 5,9 triệu đồng cùng 280.000 đồng án phí.
Tuy nhiên, nghi vết thương của bà Hạnh không phải do con trai mình gây ra, bà Hía tiếp tục viết đơn kháng cáo lên TAND Tối cao. Giữa năm 2001, Phó Chánh án TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị 2 bản án sơ và phúc thẩm, đề nghị Tòa Dân sự TANDTC xét xử lại vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm, tạm đình chỉ việc thi hành bản án phúc thẩm cho đến khi có quyết định mới.
Quyết định kháng nghị phân tích rõ một số tình tiết như nguyên đơn khai sau khi sự việc xảy ra, có đến điều trị tại Trung tâm y tế thị xã Sóc Trăng, sau đó lại lên Trung tâm chỉnh hình TP.HCM nhưng không cung cấp được hồ sơ bệnh án, không có giấy xuất nhập viện; giấy chứng nhận chấn thương, không ghi ngày nhập, xuất viện.
Bên cạnh đó, trong tất cả các hóa đơn nguyên đơn cung cấp, chỉ có 4 cái phù hợp với đơn thuốc bác sĩ đã kê. Số hóa đơn còn lại không có đơn thuốc kèm theo, số lượng thuốc cũng quá lớn.
Bà Hía bên cạnh người con vừa câm điếc vừa bị bệnh thần kinh.
Cha bị đơn kể lại: “Khi bà Hạnh gọi điện báo tin con trai tôi xô bà ấy té, phải lên điều trị tại bệnh viện trên TP.HCM, tôi đã hỏi địa chỉ và đón xe lên thăm. Tuy nhiên khi tôi lên tới nơi, bà ấy nói đã xuất viện. Nghi ngờ có điều gì đó không ổn, tôi nhờ bác sĩ lục hồ sơ, tìm tên bệnh nhân nhưng cũng không thấy. Vậy mà khi kiện ra tòa, không biết làm sao bà ấy lại có hóa đơn và một số đơn thuốc”.
“Chờ được vạ, má đã sưng”
Cuối tháng 9/2001, TANDTC mở phiên giám đốc thẩm, tuyên hủy án sơ và phúc thẩm, giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện về tòa tỉnh xử lại từ giai đoạn sơ thẩm. Tuy nhiên vào ngày 30/8/2000, trước khi có quyết định giám đốc thẩm, cơ quan thi hành án (THA) huyện và tỉnh đã vội vàng kê biên, cưỡng chế, tịch thu tài sản của gia đình bà Hía để bán hóa giá, đền bù cho nguyên đơn.
Theo kê khai của bà Hía, số tài sản bị cưỡng chế sai luật trị giá hơn 17 triệu đồng gồm một ti vi, một đầu đĩa DVD, dàn âm-ly… cơ quan chức năng đã bán lại với giá 8,4 triệu, đền bù cho bà Hạnh 5,9 triệu cùng 280.000 đồng án phí.
Tháng 9/2003, tòa huyện đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần 2, bác bỏ những đơn thuốc không hợp lệ của nguyên đơn, buộc bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường hơn 3 triệu cùng án phí 50.000 đồng. Sau đó, cả Lợi và bà Hạnh đều làm đơn kháng cáo. Gần một năm sau, tòa tỉnh xử phúc thẩm, chỉ buộc Lợi phải bồi thường 1,2 triệu đồng.
Vụ án tưởng chừng như đơn giản ấy phải kéo dài suốt 6 năm với 5 phiên tòa. Từ khi bản án có hiệu lực đến nay đã hơn 10 năm, nhưng gia đình bà Hía vẫn chưa nhận lại được tài sản kê biên bất hợp pháp. Hết lần này đến lần khác, vợ chồng bà tìm đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhờ giải quyết nhưng họ chỉ “hứa cho qua chuyện”.
“Đến bây giờ, vợ chồng tôi phải buông xuôi, chấp nhận mất số tài sản bị kê biên ngày trước. Chúng tôi đã quá mệt mỏi và không biết kêu ai nữa. Nhiều lần, tôi đã tìm gặp một số cán bộ có thẩm quyền, họ hứa sẽ giải quyết. Thế nhưng suốt 10 năm nay, những lời hứa ấy chẳng thành hiện thực”, bà Hía chia sẻ.
Không lâu sau khi vụ kiện cáo kết thúc, bị đơn đã cưới vợ, sinh con. Đến năm 2007, anh Lợi qua đời vì căn bệnh ung thư xương. Chưa đầy 1 tháng sau, người vợ trẻ của anh đã bỏ lại con gái mới 3 tuổi cho cha mẹ chồng chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Đến giữa tháng 9/2014, người này quay trở về lén “bắt cóc” con đi mà không một lời chào hỏi, xin phép cha mẹ chồng .
Bà Hía cho biết, vợ chồng bà sinh được 3 mặt con. Thương chị gái phải sống cảnh góa bụa, neo đơn nên bà làm thủ tục, cho chị nhận nuôi đứa con gái đầu ở bên Úc. Khi hai vợ chồng đã luống tuổi thì những tai họa liên tục ập đến.
Năm 1994, người con gái thứ 2 của bà vốn đã câm điếc bẩm sinh lại mắc thêm bệnh thần kinh, hay co giật và đánh người khác. Trong lúc đang phải lo thuốc thang, trị bệnh cho con gái thì hai vợ chồng bà lại phải lao đao vì con trai út bị kiện cáo.
"Năm 2007, con trai tôi qua đời, con dâu cũng vì thế mà bỏ đi. Mới đây lại chuyện con dâu bắt cóc cháu nội. Giờ vợ chồng tôi chỉ còn lại người con gái vừa câm điếc, vừa thần kinh. Không biết sau này, khi chúng tôi chết đi, số phận con sẽ ra sao nữa”, bà Hía nghẹn giọng.