Băng ghi âm chứng minh, cán bộ Viện Kiểm sát, Tòa án huyện Triệu Sơn đã dọa nạt bị can, yêu cầu đối tượng vi phạm pháp luật không thuê luật sư để bào chữa.
Vụ bé 4 tuổi bị bạo hành: Ai được quyền nuôi bé Ngân?
- Cập nhật : 19/09/2014
Trước việc nhiều người cùng muốn giành quyền nuôi bé Ngân, theo quy định của pháp luật thì cha ruột là người được trao quyền nuôi bé.
Chiều 18-9, Đại tá Trần Văn Chính, Trưởng Công an thị xã Dĩ An, Bình Dương, cho biết sẽ cho giám định ADN để xác định ai là cha của bé Ngân. Hiện việc chăm sóc cháu Ngân được giao cho anh Trần Văn Tố (người tự nhận là cha ruột bé Ngân) và bà ngoại của bé chăm sóc dưới sự giám sát của các đoàn thể ở địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay là có cần thiết giám định ADN và ai được quyền nuôi bé Ngân.
Người cha được quyền nuôi con
Vài ngày sau vụ việc cháu Trần Thị Kim Ngân bị “cha mẹ” bạo hành, đã có ba người đến xin được nhận nuôi dưỡng bé. Đó là anh Trần Văn Tố (người tự nhận là cha ruột của Ngân), bà ngoại của Ngân và chị Trần Thị Huế Nhàn (người đã đưa bé đi cấp cứu).
Tại cơ quan điều tra, ông Đỗ Trọng Minh, người bạo hành bé Ngân, đã thừa nhận mình không phải là cha ruột của Ngân. Dù đã hơn bốn tuổi nhưng bé Ngân chưa được làm giấy khai sinh, tuy nhiên sổ hộ khẩu khẳng định chị Trang và anh Tố là cha mẹ của Ngân.
Luật sư Trương Đình Công Vĩnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Theo Điều 41, 42 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu mẹ bé bị kết tội cố ý gây thương tích thì có thể bị tòa hạn chế quyền đối với con chưa thành niên theo đề nghị của cha ruột. Người giám hộ đương nhiên của bé lúc này sẽ là cha ruột, người sẽ có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng. Như vậy người có quyền nuôi con lúc này không ai khác là cha của đứa trẻ.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) bổ sung: “Theo Điều 13 Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em thì trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em. Do đó trong trường hợp này thì người cha được quyền nuôi con”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết: “Theo thông tin báo nêu thì bé Ngân khi gặp anh Tố đã ôm lấy anh. Như vậy chứng tỏ bé có mối quan hệ thân thiết với anh thì mới có cử chỉ thân thiện như vậy, nhất là một đứa trẻ vừa trải qua bạo hành. Theo tôi, chỉ cần sổ hộ khẩu thể hiện mối quan hệ, lời thừa nhận của bà ngoại, kết hợp với lời khẳng định của anh Tố, lời khai của Trang (nếu trình bày của cả ba khớp nhau), nếu cần thì thêm ý kiến của bé là đã có thể giao bé cho anh Tố nuôi dưỡng”.
Anh Tố đủ tư cách pháp lý là cha
Ông Vũ nói thêm: Trường hợp lời khai cả ba không khớp hoặc việc giám định ADN không ra kết quả rằng anh Tố là cha của đứa trẻ thì đứa trẻ được sinh ra trong thời kỳ vợ chồng có hôn nhân hợp pháp thì về mặt pháp lý là con chung của vợ chồng. Tức là về mặt pháp lý, anh Tố đủ tư cách làm cha đứa trẻ.
Đồng tình, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng theo Điều 63, 64, 65 Luật Hôn nhân và Gia đình về xác nhận cha-mẹ con, nếu người con không được cha mẹ thừa nhận thì có quyền yêu cầu tòa án xác định cha mẹ cho mình. Nếu cha mẹ không thừa nhận con thì cũng phải được tòa án xác định. Trường hợp này, người cha đã được pháp luật thừa nhận và người cha cũng thừa nhận Ngân là con của mình thì không cần giám định ADN, trừ trường hợp có tranh chấp.
“Giả sử giám định ADN cho ra kết quả anh Tố và bé Ngân không cùng huyết thống thì chẳng lẽ lại đi truy tìm một ông nào đó để xác định là cha bé và giao cho ông ấy nuôi? Cần gì phải truy tìm người cha sinh lý trong khi người cha pháp lý đã rõ rồi và chính người cha pháp lý đó cũng muốn nuôi con của mình. Hơn nữa, việc nhìn nhận cha-mẹ con là tự nguyện” - luật sư Quân nói.
PHƯƠNG LOAN - VĂN NGỌC - Theo: PLO
Quyền nuôi con không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế
Trường hợp này không cần thiết giám định ADN bởi chỉ phải xác định khi không giấy tờ gì chứng minh mối quan hệ cha con, hơn nữa việc giám định sẽ làm tăng chi phí cơ hội cho hoạt động quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, quyết định của chính quyền có lẽ do thận trọng bởi trường hợp bé Ngân là trường hợp đặc biệt. Giám định để xác định có đúng bé Ngân là bé trong hộ khẩu không. Nếu đúng anh Tố là cha huyết thống thì nhiều điều kiện có thể được đưa ra để xem xét trước khi giao bé cho cha, chẳng hạn anh này trước đây có tỳ vết nào về chuyện bạo hành trẻ (phải có bằng chứng là quyết định xử phạt hoặc bản án). Cần nói rõ rằng điều kiện kinh tế không phải yếu tố quyết định việc người cha có được quyền nuôi con hay không. Bởi nếu căn cứ vào điều kiện kinh tế thì chẳng lẽ con nhà nghèo Nhà nước nuôi hết, hoặc hộ nghèo thì không được nuôi con?!
Giảng viên LƯU ĐỨC QUANG, ĐH Luật TP.HCM
Chiều 16-9, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An (Bình Dương) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Thùy Trang về tội cố ý gây thương tích vì đã bạo hành bé Trần Thị Kim Ngân (gần bốn tuổi, con của Trang) khiến dư luận phẫn nộ.