Bé Ngân được những người hàng xóm chăm sóc ở bệnh viện
“Nếu chúng ta muốn mẹ ruột và cha dượng của bé Ngân phải trả giá cho hành động mình, phải trừng trị để đem lại sự công bằng cho em thì vô hình trung, chúng ta tạo ra thêm một sự mất mát, khắc sâu thêm một vết xước trong lòng bé”, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình nêu quan điểm.
Đề cập đến việc bé gái 4 tuổi Đỗ Thị Kim Ngân (ngụ Dĩ An, Bình Dương) bị "cha dượng" và mẹ ruột hành hạ dã man như chích roi điện, đập đầu bé vào tường… nhiều lần, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống, giá trị sống và chăm sóc tinh thần cho rằng, đó là sự thiếu tình thương, vô trách nhiệm, thiếu phương pháp dạy con.
Sở dĩ có sự thiếu tình thương trên, theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình là do không hạnh phúc với cuộc sống hôn nhân trước và những khó khăn trong cuộc sống hiện tại của người mẹ này. Từ đó dẫn dến hành động thô bạo với chính con mình mà người mẹ này lấp liếm gọi đó là dạy con. Do không hạnh phúc với cuộc hôn nhân trước và khó khăn trong cuộc sống hiện tại đã dẫn dến hành động thô bạo với con mình, mà người mẹ này lấp liếm gọi đó là dạy con.
Nếu như một người mẹ có tình thương và biết cách giáo dục thực sự với con mình thì sẽ không hành động như thế, càng không đồng lòng với người chồng hờ trong việc đánh đập con tàn nhẫn.
Bỏ qua yếu tố thiếu trách nhiệm của người mẹ, theo ông Bình, người mẹ ruột này đang xem bé Ngân như một gánh nặng.
Chính sự không hạnh phúc với người cha ruột của bé Ngân, người phụ nữ này đã bồng con ra đi. Lúc này, người mẹ xem bé Ngân là hậu quả của sự đau buồn, sự thất vọng của gia đình.
"Chính điều này, cộng với những khó khăn trong cuộc sống đã đẩy người mẹ trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, xem bé Ngân như một gánh nặng, một điều gì đó khó chịu", ông Bình nói.
Bé Ngân bị đánh đập rất dã man.
Trong khi đó, cha dượng đến với mẹ bé Ngân có thể không phải vì một tình yêu thực sự mà chỉ vì lợi ích cá nhân.
Chuyên gia tâm lý Bình phân tích, người đàn ông này xem sự hiện diện của bé Ngân chính là sự hiện diện của người cha ruột bé Ngân - một cái gai cần phải được nhổ bỏ.
Đó chính là lý do, khiến trong cơn bực tức, người cha dượng này đã ném hết tất cả vào cái mà anh ta xem là “sản phẩm” của cha ruột bé Ngân. Từ đó dẫn đến cách hành xử quá tàn bạo đối với bé.
Hãy cho cha, mẹ bé Ngân cơ hội
Theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, hành động trên là điều đáng lên án, cần được pháp luật trừng trị, nhưng nếu bình tâm lại để suy nghĩ, muốn giúp bé có thể xóa đi ám ảnh trong đời, xóa đi nỗi sợ hãi, lấy lại niềm tin thì chúng ta cần phải có một cách nhìn khác.
“Nếu chúng ta muốn mẹ ruột và cha dượng của bé Ngân phải trả giá cho hành động của mình, phải được pháp luật trừng trị để đem lại sự công bằng cho em thì vô hình trung, chúng ta tạo ra thêm một sự mất mát, khắc sâu thêm một vết xước trong lòng của bé Ngân”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, bé Ngân vốn đã bị thiếu thốn tình thương của cha, phải sống với cha dượng, lại bị đánh đập, hành hạ, nếu giờ mẹ ruột phải đi tù thì bé lại thêm sự mất mát nữa.
Nỗi đau về mặt thể xác của bé Ngân đã hứng chịu, nếu như giờ đây không còn được gần mẹ thì bé sẽ gánh chịu thêm nỗi đau về mặt tinh thần. Điều này sẽ khiến cho sự phát triển không tốt về nhân cách của bé sau này.
“Vì vậy chúng ta cần phải xem xét lại việc có nên xử lý hình sự để bỏ tù người mẹ này hay không?”, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình đặt vấn đề.
...Nhưng theo chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình thì nên cho người mẹ ruột và người cha dượng của bé một cơ hội.
Hiện nay bé Ngân không chỉ bất hạnh vì bị đánh đập mà bất hạnh lớn nhất là tình thương. Bé đang bơ vơ, lạc lõng, thiếu tình thương khiến nhiều người xung quanh phải lao vào.
Ông Bình cho rằng, trong giai đoạn này, người quan trọng nhất giúp bé Ngân lấy lại niềm tin chính là người cha dượng và người mẹ ruột. Bởi người nào làm ra lỗi, người đó phải biết cách chuộc lỗi thông qua hành động, lời nói.
Lúc này, người mẹ ruột và người cha dượng phải cố gắng bù đắp tình thương, cần phải gần gũi, chăm sóc bé ân cần, lo miếng ăn, giấc ngủ để giúp bé mau quên đi những đau buồn đã xảy ra.
Nếu được, pháp luật nên tạo điều kiện, nên để cho người cha dượng, đặc biệt là người mẹ ruột nhận ra lỗi lầm, có cơ hội làm lại một người mẹ thực thụ, biết dạy con đúng cách, biết yêu thương con, giúp cho bé Ngân mau quên đi nỗi đau trong lòng, cảm nhận được mình đang có một gia đình thực sự.
“Chúng ta phải làm cho người mẹ này thức tỉnh, sống đúng với một người mẹ thực sự, chứ không tập trung lên án, đưa vào tù tội thì tạo ra cho bé Ngân sự bơ vơ, thiếu tình thương. Đã bơ vơ cha, giờ lại phải bơ vơ mẹ, đó sẽ là một biến cố lớn trong đời của em, tạo ra sự bất hạnh của một gia đình”, ông Bình chia sẻ.
Một cái tát
Theo ông Bình, đây là một "cái tát" rất mạnh vào những người mẹ, người cha thiếu trách nhiệm với chính đứa con mình mang nặng đẻ đau. Cái tát đó, không chỉ dành riêng cho gia đình này mà còn dành cho rất nhiều gia đình khác. Những người đang có con nhỏ sẽ ý thức lại vai trò thực sự của đấng sinh thành dành cho những đứa con của mình.
Đây là một "cái tát" rất mạnh vào những người mẹ, người cha thiếu trách nhiệm với chính đứa con mình mang nặng đẻ đau. Những người đang có con nhỏ sẽ ý thức lại vai trò thực sự của đấng sinh thành dành cho những đứa con của mình.
Với một đứa trẻ 4 tuổi như bé Ngân, nếu vượt qua sang chấn này, sinh lý bình thường, không ảnh hưởng đến não bộ thì vẫn bị hoang mang cực độ về cách hành xử của người lớn, vì bé không biết việc đánh đập kinh hoàng trên là lỗi gì. Từ đó, bé sẽ mất lòng tin một cách cao độ vào những người xung quanh.
Trong tương lai, chính sự mất lòng tin, những vết xước trong lòng, bé Ngân rất dễ có những hành xử sai lệch. Khi đó, có thể bé sẽ không còn tin những người bạn xung quanh tốt với mình, nghi ngờ mọi người. Ngay cả được những người lớn hay thầy cô dạy bảo, bé cũng nghĩ đây là người xấu, không thương với mình .
Từ đó, bé luôn tìm cách chống chế để bảo vệ cuộc sống. Điều này sẽ rất nguy hiểm. Do đó, lúc này bé đang rất cần tình thương của cha, mẹ, người và những người xung quanh tác động vào để bé quên đi và dần dần hiểu ra những điều tốt mà mọi người muốn làm cho mình, chứ không phải những hành động đánh đập đã qua.
Anh Trần Văn Tố tự nhận là cha ruột và muốn được nuôi dưỡng bé Ngân
“Tuyệt đối, không nên trách móc, khơi gợi lại những điều mà cha dượng và mẹ ruột đã đối xử với bé Ngân không tốt. Điều này chẳng khác nào khơi lại nỗi đau trong lòng của bé, việc làm đó sẽ khiến bé không bao giờ quen được những điều kinh hoàng đã qua, ám ảnh mãi trong cuộc đời mình”, ông Bình nói.