Hổ dữ không ăn thịt con song cặp vợ chồng ngụ ở Bình Dương khiến tất cả chúng ta phải bàng hoàng, phẫn nộ về hành động đánh đập tàn nhẫn chính đứa con dứt ruột đẻ ra của mình.
Ai cũng nhói lòng khi nhìn vào khuôn mặt tím bầm, phù nề biến dạng của bé Đỗ Thị Kim Ngân
Ai cũng nhói lòng khi nhìn vào khuôn mặt tím bầm, phù nề biến dạng của bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi, ngụ Bình Dương). Không thể tưởng tượng nổi những kẻ xuống tay tàn ác dẫn tới chấn thương sọ não của bé gái bé bỏng này lại chính là cha mẹ ruột cháu. Càng rùng mình ớn lạnh hơn về trận đòn như tra tấn với bé gái mới 4 tuổi như trói tay bắt quỳ 4 giờ, đánh liên tiếp vào mặt, đầu, mình… khiến cháu la hét trong cơn mê sảng khi được cấp cứu tại bệnh viện: “Cha mẹ đừng đánh con, đừng chích điện con...”.
Cặp vợ chồng Đỗ Trọng Minh - Nguyễn Thị Thùy Trang, nhận là cha mẹ đẻ của bé Đỗ Thị Kim Ngân, đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Cho dù rồi đây cặp vợ chồng ác nhân sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật bởi hành vi tàn ác của mình song rất nhiều người có thể vẫn không thể hiểu nổi vì sao người cha, người mẹ này lại đang tâm xuống tay tàn ác với chính đứa con của họ đến như vậy.
Vụ bé Đỗ Thị Kim Ngân bị cha mẹ đánh đập dã man khiến chúng ta không khỏi liên tưởng tới những vụ việc chấn động dư luận tương tự, trong đó có vụ bé Đỗ Doãn Lộc (8 tuổi, ở Bắc Ninh) tử vong sau trận đòn vô cùng dã man như “đòn thù” của chính bố đẻ và người tình của ông ta... Dù lý giải cách gì thì cũng khó có thể giải thích được vì sao lại có những bậc cha mẹ xuống tay một cách dã man như vậy với con ruột của mình.
Trong cuộc họp đánh giá về tình hình tội phạm 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo Bộ Công an đưa ra con số thống kê rất đáng chú ý: Các vụ giết người do nguyên nhân xã hội đang gia tăng và chiếm hơn 90% trọng án, trong đó có tỉ lệ đáng kể kẻ sát nhân và nạn nhân cùng là thành viên trong gia đình.
Có “gạch nối” nào giữa các vụ bạo hành dã man trong gia đình với con số hơn 90% vụ án giết người là do nguyên nhân xã hội chứ không phải hình sự?
Hiện chưa có một nghiên cứu, thống kê hay đánh giá chính thức nào về vấn đề này song ai cũng biết gia đình là tế bào, là nền móng hình thành nên xã hội. Khó có thể có một xã hội nhân ái, nhân văn, văn minh nếu thiếu vắng tình thương yêu, đùm bọc và rộn rã tiếng cười trong mỗi gia đình. Những đứa trẻ nếu suốt ngày bị cha mẹ rầy la, thượng cẳng chân hạ cẳng tay sẽ trở thành một chủ nhân tương lai thế nào lúc lớn lên? Nói cách khác, xã hội tương lai sẽ phụ thuộc không nhỏ vào việc mỗi gia đình chúng ta gieo vào con cái mầm nhân ái, nhân văn hay mầm ác ngày hôm nay.
PHẠM DƯƠNG -Theo Người Lao Động