Làm rõ nơi nhà thuê trọ của kẻ bắt cóc khống chế con tin -Trần Thanh Bình, cơ quan CSĐT thu giữ 1 súng bắn đạn bi sắt, hơn 100 viên đạn, bình xịt hơi cay, côn 3 khúc... Bình thừa nhận chuẩn bị số vũ khí trên để đi cướp tài sản.
Vụ chánh án vòi tiền: Cán bộ kiểm sát dọa nạt, dụ dỗ bị can
- Cập nhật : 18/09/2014
Vụ việc “tống tiền” bị can của một số lãnh đạo TAND huyện Triệu Sơn cuối tháng 8.2014, có sự đồng loã, giúp sức của một số cán bộ Viện Kiểm sát huyện này. Lãnh đạo đơn vị này xác nhận rằng, Phó Viện trưởng và kiểm sát viên đã doạ nạt, dụ dỗ bị can không thuê luật sư, vi phạm nghiêm trọng quyền được bào chữa của bị can, bị cáo được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Ép bị can từ chối luật sư bào chữa
Để có thể “chạy án”, ông Nguyễn Bá Quý đã nhờ bà Nguyễn Thị Niên - kiểm sát viên phụ trách án dân sự Viện Kiểm sát Nhân dân (VKS) huyện Triệu Sơn - dẫn đến gặp ông Nguyễn Đình Hà - Phó Viện trưởng VKS huyện - xin “giúp đỡ”. Ông Hà nhận lời và yêu cầu, hướng dẫn ông Quý làm đơn xin rút luật sư (LS). Các file ghi âm thể hiện rõ ông Hà đe doạ ông Quý, nếu không rút LS thì khung hình phạt của tội này là 3 - 10 năm tù, nếu yêu cầu rút LS thì có thể xử chỉ còn 3 năm và có thể cho hưởng án treo. Ông Hà căn dặn ông Quý “mọi vấn đề anh nhờ chị Niên xem hướng đi những chỗ nào, ra sao trong cái việc đó. Còn phải xuống tỉnh để xin, may ra mới có được án treo chứ xử ở đây thế, xuống dưới kia làm cái toẹt bắt giam thì chả giải quyết vấn đề gì”. Ông Hà còn “cẩn thận” căn dặn ông Quý phải nhờ chị Niên đưa sang toà xem “hết bao nhiêu, ra sao”.
Trong tất cả các cuộc làm việc giữa ông Quý và các ông, bà là cán bộ TAND và Viện KSND huyện Triệu Sơn: Nguyễn Đình Hà, Lê Ngọc Hiệp, Lê Thị Thu, đều có mặt bà Niên với vai trò “đấu mối”. Bà Niên liên tục hùa theo ông Hiệp, ông Hà về việc yêu cầu ông Quý rút LS. Tại TAND huyện Triệu Sơn, ông Lê Ngọc Hiệp - Chánh án - cũng yêu cầu ông Quý phải làm đơn xin rút LS thì mới giúp được. Ông Hiệp nói thẳng với bị can Nguyễn Bá Quý, nếu để LS tham dự phiên toà thì không giúp đỡ nữa, khung hình phạt từ 3 - 10 năm, “tình cảm lắm cũng xử 3,5 năm án giam” - lời ông Hiệp. Ông Hiệp tuyên bố với ông Quý: “Nếu có LS sẽ bất lợi cho anh, nếu anh mời LS, tôi sẽ xử nghiêm theo mức án từ 3 - 10 năm, xem LS giỏi đến mức nào”.
Làm việc với PV Báo Lao Động, ông Vũ Trọng Trạng - Viện trưởng VKS Triệu Sơn - cho biết: Ngay sau sự việc bị phát giác, ông đã tổ chức họp chi bộ nghiên cứu đơn tố cáo, file ghi âm và xác định đơn tố cáo, file ghi âm là hoàn toàn chính xác. Ngay sáng hôm sau, ông Trạng cho họp toàn cơ quan để xác minh thực - hư đoạn băng ghi âm về nội dung trên. Mọi thành phần tham gia cuộc họp đều khẳng định đó là giọng nói của ông Hà và bà Niên. “Ông Nguyễn Đình Hà và bà Nguyễn Thị Niên cũng đã xác nhận file ghi âm đó là thực tế” - ông Trạng nói và khẳng định: “Việc yêu cầu rút LS của ông Hà và bà Niên đã vi phạm nghiêm trọng quy định làm việc của ngành, vi phạm Luật Tố tụng Hình sự (TTHS) và vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng”. Hiện ông Trạng đã báo cáo toàn bộ sự việc với VKS tỉnh Thanh Hoá, đề nghị xử lý nghiêm theo quy định. “Xảy ra sự việc này chúng tôi rất buồn, vì đó là đồng nghiệp thân thiết, nhưng để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, chúng tôi đề nghị các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm vụ việc. Rõ ràng là có vi phạm, chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng để xử lý theo quy định” - ông Trạng nói.
Tuy nhiên, làm việc với PV Báo Lao Động, ông Lê Đức Tùng - Chánh Văn phòng Viện KSND tỉnh Thanh Hoá - tỏ ra khá cẩn trọng khi cho biết: “Hiện cơ quan đang chỉ đạo xác minh rõ vụ việc nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí”. PV đề nghị được làm việc với lãnh đạo VKS tỉnh về vụ việc, ông Tùng kiên quyết từ chối.
Vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng
Với việc dụ dỗ, hướng dẫn, đe doạ bị cáo Nguyễn Bá Quý rút LS bào chữa, các cán bộ VKS Triệu Sơn đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật TTHS và quy định của ngành. Theo LS Lê Quốc Hiền, việc một số cán bộ VKS và TAND yêu cầu bị can rút LS đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quyền được bào chữa của bị can, bị cáo được quy định trong Hiến pháp 2013 và Điều 49, Điều 50 Bộ luật TTDS; vi phạm quyền hành nghề của tổ chức LS được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật TTHS và khoản 5 Điều 27 Luật sửa đổi bổ sung Luật Luật sư năm 2012. LS Lê Quốc Hiền nói rằng “sự việc này đã làm ảnh hưởng tới công cuộc cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta. Những hành vi này cần được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh theo pháp luật để làm trong sạch nền tư pháp nước nhà”.
Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Minh Tuấn - Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Thanh Hoá - cũng cho rằng, không thể chấp nhận được việc một vị Viện phó VKS lại có hành vi vi phạm pháp luật như vậy. “Người ta không biết luật vi phạm là một lẽ, đằng này học luật, bảo vệ pháp luật mà còn cố tình phạm luật, cơ quan này được gọi là Viện KSND chứ có phải của các vị ấy đâu mà thích xử thế nào cũng được” - ông Tuấn thể hiện rõ quan điểm.
Trung tá Lê Trung Hiếu - phụ trách Văn phòng CA tỉnh Thanh Hoá - cũng cho rằng: “Nếu sự thực như thế thì không thể chấp nhận được. Cán bộ VKS là thành phần không thể thiếu trong một phiên xét xử, vị đại diện cơ quan này có chức năng kiểm sát cho pháp luật được thực thi đúng, tránh sai sót, nhầm lẫn mà có hành vi vi phạm như thế thì không thể chấp nhận”.
Box Ngày 16.9, trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Huy Thịnh - Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hoá - cho biết, lãnh đạo TAND tỉnh cũng mới nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Bá Quý về hành vi “tống tiền” của một số cán bộ TAND Triệu Sơn. Lãnh đạo TAND tỉnh đã giao cho Ban Tổ chức cán bộ tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ. Đồng thời yêu cầu các cá nhân liên quan viết bản tường trình về vụ việc.
Cũng theo ông Thịnh, lãnh đạo TA tỉnh đã phải yêu cầu các cán bộ TA huyện Triệu Sơn là các ông Lê Ngọc Hiệp, Lê Sỹ Thuần viết bản tường trình tới lần thứ hai. “Quan điểm của lãnh đạo TAND tỉnh là sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo quy định nếu thực sự cán bộ TAND Triệu Sơn vi phạm như đơn tố cáo” - ông Lê Huy Thịnh nói. Theo ông Thịnh, TAND tỉnh không có quyền phán quyết về mặt pháp luật đối với hành vi vi phạm của các cá nhân trên nếu đúng như tố cáo. “Việc này là của công an và các cơ quan chức năng khác, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để xử lý đúng quy định pháp luật” - Phó Chánh án TAND tỉnh khẳng định.
Trong cuộc làm việc với Lao Động, Trung tá Lê Trung Hiếu - Phụ trách Văn phòng CA tỉnh Thanh Hoá - cho biết, hiện CA tỉnh Thanh Hoá đã nhận được hồ sơ tố cáo của bị can Nguyễn Bá Quý. “Hiện lãnh đạo CA Thanh Hoá đã giao vụ việc cho Cơ quan CSĐT tiến hành điều tra làm rõ. Các thủ tục yêu cầu giám định âm thanh đang được cơ quan này gấp rút tiền hành. Khi đã có kết quả giám định âm thanh thì các đối tượng có muốn chối tội cũng không được. Nếu kết quả giám định đúng như file ghi âm sẽ nhanh chóng tiến hành xử lý hình sự tội đưa và nhận hối lộ” - ông Hiếu nói... X.H ghi
Chánh án TAND Tối cao Trương Hoà Bình: Đình chỉ ngay cán bộ bị tố đòi hối lộ để điều tra
Ngày 17.9, ngay khi báo Lao Động đăng bài “TAND huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá: Đòi ăn hối lộ giữa công đường” phản ánh việc Chánh án, Thẩm phán, Thư ký TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) nhận hối lộ, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị chức năng vào cuộc xem xét, xử lý.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa báo cáo vụ việc, đồng thời chỉ đạo Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa ban hành ngay quyết định tạm đình chỉ công tác các cán bộ có liên quan để phục vụ công tác xác minh điều tra.
Ngay trong sáng 17.9, theo chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao, một tổ công tác do ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng ban Thanh tra TAND Tối cao - làm trưởng đoàn cùng các thành viên đã lên đường vào Thanh Hóa, có trách nhiệm phối hợp với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh Thanh Hóa kịp thời xác minh những thông tin mà báo chí đã nêu.
Xung quanh vụ việc này, Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Chánh án Thường trực TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết: Thông tin báo chí là rất quan trọng. Lãnh đạo TAND Tối cao cảm ơn các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bí thư Trung ương Đảng - Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình đã yêu cầu phải xác minh, làm rõ và có báo cáo ngay. Quan điểm của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao là nếu đúng Chánh án TAND huyện Triệu Sơn và các thẩm phán, công chức khác có hành vi tiêu cực thì phải kiên quyết, nhanh chóng xử lý, không bao che. “Chúng ta không thể nương nhẹ các cán bộ, công chức, thẩm phán có hành vi sách nhiễu, vi phạm pháp luật. Vụ việc này nếu đúng như thông tin báo chí phản ánh, TAND tỉnh Thanh Hóa phải kịp thời chuyển vụ việc, yêu cầu cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định của pháp luật” - Phó Chánh án Bùi Ngọc Hòa nhấn mạnh.
Theo: LĐ
Trở về