Khi vào nhà nghỉ, giữa Phan và T. có cãi nhau. Tức giận, đối tượng đã đấm vào cổ của T. Thấy vậy, T. đã nói rằng “Anh giết tôi đi”. Phan cầm ngay ghế nhà nghỉ đập T. hai nhát khiến nạn nhân nằm im...
Vụ khống chế con tin: Bị điều tra giữ người trái luật
- Cập nhật : 17/09/2014
Công an Hà Nội đang tạm giữ Trần Thanh Bình, nghi can cầm dao xông vào nhà dân ở quận Thanh Xuân, theo lệnh bắt khẩn cấp để điều tra hành vi bắt giữ người trái pháp luật.
Lệnh bắt khẩn cấp Bình được ký sau khi Phòng cảnh sát điều tra Hà Nội thông báo về diễn biến vụ việc và quá trình bắt nghi can này vào chiều 16/9. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đang tiếp tục làm rõ thương tích của bà Đỗ Thị Ánh Hồng, chủ căn hộ 401, tập thể E6, quận Thanh Xuân, để xác định hành vi cố ý gây thương tích của Bình.
Khoảng 6h15 ngày 16/9, Bình (29 tuổi, Quảng Ninh) cầm dao khống chế bà Hồng cùng 4 người thân trong nhà. Bà Hồng giằng co con dao với anh ta nên bị thương ở tay.
Lợi dụng lúc Bình sai ra đóng cửa lại, bà Đỗ Thị Bích Hạnh, chị gái bà Hồng, chạy ra ngoài. Nhận tin báo, Phòng cảnh sát hình sự thành phố triển khai khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ đặc nhiệm, phối hợp với Cảnh sát cơ động, cảnh sát 113 và nhiều lực lượng xuống hiện trường tham gia giải cứu con tin.
Trong lúc này, Bình cho bà Hồng ra ngoài để liên hệ với cô họ của anh ta sống ở khu tập thể E7 sát cạnh. Một người con của bà Hồng sau đó được thả.
Đại tá Dương Văn Giáp (Trưởng phòng hình sự) liên lạc với Bình qua số điện thoại cầm tay của chị gái chủ nhà đang khống chế, thuyết phục thả con tin song anh ta từ chối và yêu cầu cho gặp vợ con. Dù vậy, Bình sau đó đã cởi trói cho hai con tin.
Gần 9h, trong cuộc điện thoại với đại tá Giáp, Bình bảo muốn nói chuyện với người đứng đầu Công an Hà Nội. Nửa tiếng sau, có mặt tại hiện trường, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã liên lạc với Bình, đề nghị buông dao, đảm bảo an toàn cho hai con tin. Sau 3 cuộc điện thoại của ông Chung, nghi can đều từ chối mở cửa, nói nếu được gặp vợ con sẽ đầu hàng. Đến lần liên lạc thứ 4, nghe thuyết phục của tướng Chung "ra trước nhẹ tội", kẻ giữ hai con tin đã mở cửa. Và sau 10 phút nói chuyện với ông Chung, Bình đã nộp mình.
10h40, sau gần 5 tiếng giữ con tin, nghi can đi cùng tướng Chung ra xe riêng của ông về trụ sở Phòng cảnh sát hình sự. “Bình tự nguyện chấp hành theo yêu cầu nên không nhất thiết phải còng tay”, đại tá Giáp nói.
Tại cơ quan công an, Bình khai đang lâm vào cảnh túng bấn do nợ nhiều, lương bảo vệ thấp, luôn mặc cảm làm công việc thấp hèn... 10 ngày trước, anh ta mang theo 4 triệu đồng lên Hà Nội tìm việc. Tiêu hết tiền, chỉ còn 2.000 đồng trong túi anh ta về khu tập thể Thanh Xuân, ngủ lại đêm 15/9 tại cầu thang khu nhà bà Hồng.
Về động cơ dùng dao khống chế con tin của Bình, cơ quan chức năng cho biết vẫn đang làm rõ. Trong khi đó, bà Hồng khai với nhà chức trách, lúc bị Bình khống chế, bà bảo cần gì sẽ đưa hết nhưng nghi can chỉ một mực nói cần vợ con.
Điều 123 Bộ luật Hình sự: Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật
1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người thi hành công vụ; d) Phạm tội nhiều lần; đ) Đối với nhiều người.
3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Việt Dũng - Theo: VEXP