Từ tháng 8/2013 đến nay có 16 người được chuyển khỏi chùa Bồ Đề gồm 10 trẻ em bị bỏ rơi và 6 người lang thang - thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.
Vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường: Lời khai của Bác sĩ Tường có bao nhiêu sự thật?
- Cập nhật : 06/08/2014
Có rất nhiều chi tiết khiến người ta giật mình khi đối chiếu diễn biến phản ứng, lời khai của bác sĩ Tường với kết quả mới công bố của Bộ Công an.
Sau khi Bộ Công an đưa ra kết luận chính thức thi thể vớt được trên sông Hồng chính là chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân thiệt mạng sau cuộc giải phẫu tại thẩm mỹ viện Cát Tường, nhiều người cho rằng như vậy là đã có hướng ra cho vụ án này.
Tuy nhiên, khi nhìn lại phản ứng của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, bị can chính của vụ án trong suốt quá trình điều tra, đối chiếu với hiện trạng lúc chị Huyền được tìm thấy, người ta lờ mờ nhận ra một điều khác.
Những lời khai "thành khẩn" của vị bác sĩ
Thi thể của chị Huyền mất tích trong suốt 10 tháng. Phiên tòa xét xử sơ thẩm bác sĩ Tường đã diễn ra khi không xác định được nguyên nhân tử vong của nạn nhân.
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Luật Hình sự (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), phân tích: “Trường hợp này, tòa phải dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội để định tội danh”. Nghĩa là xác định nạn nhân đã chết trước khi ném xuống sông.
Do đó, theo cáo trạng, bị can Tường chỉ bị truy tố về tội "Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh" và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt". Tổng mức án tối đa là 10 năm tù.
Tình tiết giảm nhẹ có thể được xem xét là thành khẩn khai báo và tích cực khắc phục hậu quả. Chính vì vậy, thái độ của bác sĩ Tường từ quá trình điều tra đã vô cùng thành khẩn.
Bị can từng nói: "Tôi đã cố gắng cứu chữa cho chị nhưng mọi việc diễn ra không như mong đợi. Tôi là một bác sỹ, có đời sống tâm linh. Nếu tôi phạm tội giết người như cách các luật sư kiến nghị thì ở dưới suối vàng, chị Huyền sẽ là người chứng giám cho tôi rằng tôi không giết chị ấy".
Cho đến khi ra tòa, bác sĩ này vẫn khẳng định mình đã cố gắng cứu nạn nhân còn việc phi tang xác là do hành động theo sự xúi bẩy của người khác.
“Khi thấy chị Huyền chết, bị cáo rất hoảng loạn. Lúc này, bị cáo Khánh (bảo vệ của thẩm mỹ viện Cát Tường) “hiến kế” phi tang xác chị Huyền xuống sông. Bị cáo hoàn toàn hoảng loạn, không nghĩ được gì nên làm bừa. Lúc tỉnh táo chắc sẽ không làm việc đấy”.
Bảo vệ Khánh tại phiên tòa sơ thẩm
Bác sĩ Tường liên tục gửi lời xin lỗi đến gia đình nạn nhân và cam kết khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại hết sức có thể.
Cho đến lúc này, chân dung bác sĩ Tường hiện lên là một người có trình độ - đang làm nghiên cứu sinh, có vị trí xã hội cao – là một bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, có uy tín và được tin tưởng. Tuy nhiên, do sơ xuất khi hành nghề đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Việc phi tang xác nạn nhân tàn nhẫn sau đó hoàn toàn là hành động trong cơn hoảng loạn, mất lý trí.
Thông tin thu được từ bác sĩ Tường là con số 0?
Cha mẹ của nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền
Ngoài những lời ăn năn, hối lỗi, cơ quan điều tra không thu thập được gì bác sĩ Tường để phục vụ cho việc khó khăn nhất đối với cơ quan chức năng và nặng nề nhất với gia đình, đó là tìm lại xác chị Huyền.
Không biết đã có bao nhiêu đội tìm kiếm của công an, người dân địa phương, thợ lặn… thậm chí cả nhà ngoại cảm cùng vào cuộc tìm kiếm nạn nhân xấu số.
Cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều tháng, trải rộng trên nhiều km xung quanh khu vực cầu Thanh Trì tới tận cửa biển Ba Lạt (Thái Bình), nhưng kết quả vẫn là con số 0. Theo thông tin trên báo chí, trong 3 tháng đầu tiên, gia đình nạn nhân đã phải bỏ ra đến 600 triệu đồng cho việc tìm kiếm.
Hàng loạt câu hỏi đặt ra để khoanh vùng khu vực tìm kiếm, hòng nhanh chóng thu được kết quả: Vì sao xác chị Huyền không nổi, vị trí phi tang đích xác là ở đâu, hung thủ có đặt vật nặng hay thực hiện hành vi xâm phạm nào khác lên nạn nhân để cản trở việc tìm ra chị hay không… người biết rõ điều này chỉ có bác sĩ Tường.
Thế nhưng, từ đầu đến cuối, bị can này chỉ nói đã phi tang xác nạn nhân trên cầu Thanh Trì, không có thêm bất cứ chi tiết định hướng nào để hỗ trợ điều tra. Trong khi đã nhiều tháng mà chị Huyền vẫn bặt vô âm tín, không một đội tìm kiếm nào bắt được chút manh mối, thì người trực tiếp khiến chị mất tích chỉ bày tỏ một sự… ngạc nhiên.
Cuộc tìm kiếm ròng rã trên sông Hồng
Tìm thấy nạn nhân và nhiều vấn đề bị lật ngược
Ngày 18-7, người dân vớt được một thi thể nằm trong bao bị phân hủy nghiêm trọng, không còn đầu và tay chân đã rời ra. Đáng chú ý trong ống quần nạn nhân có dấu vết của xi măng. Thi thể này nghi của chị Huyền. Và điều nghi ngờ ấy đã được công an Hà Nội chính thức xác nhận rằng đó là thi thể của chị Huyền vào chiều ngày 5-8.
Vị trí tìm được thi thể chị Huyền chỉ cách cầu Thanh Trì 3km. Xem xét hiện trạng thi thể chị Huyền khi được tìm thấy, người ta nhận ra nhiều dấu hiệu cho thấy trước khi bị ném xuống nước, những kẻ phi tang đã có sự chuẩn bị tỉ mỉ chứ không hẳn là hành động trong cơn nóng vội, bấn loạn.
Cơ quan điều tra chưa lý giải được vì sao thi thể nạn nhân không còn nguyên vẹn. Do quá trình phân hủy hay do đã có sự xâm hại từ trước đó nhằm xóa dấu vết, che đậy nhân thân của người chết trong trường hợp xác bị phát hiện. Dấu vết bê tông trên thi thể nạn nhân là gì? Có phải là để nhấn chìm mãi mãi một con người dưới lòng sông, xóa sạch hoàn toàn chứng cứ phạm tội?
Ông Nguyễn Văn Viễn, Chánh Văn phòng Công an TP Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi chưa thể khẳng định có hay không bê tông trong thi thể được tìm thấy. Các mảnh thi thể không đầy đủ chưa thể kết luận được có phải do bị cắt thành từng mảnh hay không”.
Nơi tìm được thi thể chị Huyền cách vị trí cầu Thanh Trì chỉ 3km
Đại tá Viện nói thêm: “Do vụ án xảy ra gần một năm, xác chị Huyền bị phân hủy mạnh nên mới xác định ADN. Nguyên nhân chết của chị Huyền - căn cứ để xác định tội danh của bị can Tường đang được làm rõ”.
Nhiều thông tin quan trọng trong vụ án này vẫn còn ở trong một bức màn bí mật. Điều này phần nào khiến dư luận quan tâm đến vụ án thấy nóng lòng và nghi hoặc.
Nếu thi thể nạn nhân thực sự đã bị “can thiệp” nhiều hơn những gì bị can Tường khai trước đó, điều này khiến người ta đặt dấu hỏi lớn về sự "thành khẩn, ăn năn hối hận" của vị bác sĩ. Thêm nữa, nếu sự tàn phá trên thi thể và gây trở ngại cho việc tìm xác là có chủ đích, thì hành vi của bác sĩ Tường hoàn toàn không phải trong cơn hoảng loạn, không còn tỉnh táo để suy nghĩ nữa, mà là sự bình tĩnh và lạnh lùng ngoài sức tưởng tượng.
Bị cáo Tường và Khánh tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15-4
Ngoài ra, không thể bỏ qua vai trò của vợ bị can Tường, bà Nguyễn Thị Hằng, người có mặt trên xe lúc Tường và Khánh chở thi thể chị Huyền đến cầu Thanh Trì. Theo kết luận điều tra, người phụ nữ này cho biết mình đã ngăn cản bác sĩ Tường nhưng không được và do lo sợ nên không dám trình báo. Thế nhưng, nếu xác định được việc phi tang xác có sự chuẩn bị kỹ càng chứ không phải là hành vi bột phát trong lúc hoảng hốt thì rất có khả năng vụ án đã bỏ lọt một đồng phạm.
Những chi tiết đau lòng mà người ta chỉ thấy được khi tìm thấy thi thể chị Huyền đã không hề được đả động trong bất cứ khẩu cung nào của bị can. Bác sĩ Tường sẽ trả lời như thế nào trước nỗi đau đớn khủng khiếp của gia đình chị Huyền trong mấy trăm ngày đêm ròng rã trông tìm thân xác đứa con xấu số?
Như vậy, cần thiết phải có một cuộc điều tra chi tiết lại từ đầu mọi diễn biến, tình huống và lời khai của các bên để xác định chính xác tội danh cũng như mức độ phạm tội của tất cả những người có tiếp xúc với chị Huyền trước khi chị bị phi tang dưới dòng sông Hồng.
Cuối cùng thì chị Huyền cũng đã được trở về với gia đình nhưng những câu hỏi nhức nhối trong vụ án này thì vẫn còn đó. Dư luận mong rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm ra sự thật vụ án để trả lại công bằng cho chị và gia đình, để những kẻ thủ ác phải trả giá trước pháp luật cũng như trước tòa án lương tâm của họ.
An Khương -Theo Pháp luật Thành Phố