Sau 2 ngày xét xử vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường, tòa đã tuyên án xử phạt bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường cùng đồng phạm mức án cao nhất trong khung hình phạt. Tuy nhiên, trong hồ sơ điều tra cũng như trong phiên xét xử, còn nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ, khiến dư luận và người nhà nạn nhân thắc mắc.
Bị cáo Tường và Khánh (phải) tại phiên tòa.
Nguyên nhân chết của chị Huyền là gì?
Quá trình điều tra cũng như cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đều khẳng định chị Lê Thị Thanh Huyền bị chết trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng nâng ngực tại Thẩm mỹ viện Cát Tường. Thế nhưng, nguyên nhân chết của chị Huyền là gì thì cả trong quá trình điều tra lẫn cáo trạng và tại phiên xét xử đều chưa được làm rõ.
Tại tòa, luật sư Vũ Gia Trưởng (Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải cùng các cộng sự bảo vệ quyền lợi gia đình chị Huyền) khẳng định: Việc xác định nguyên nhân chết của chị Huyền không khó, chỉ cần trưng cầu giám định pháp y là sẽ tìm ra. Vì mỗi người chết vì lý do gì thì những dấu hiệu để lại đều rất rõ ràng và việc tìm ra nguyên nhân chết của chị Huyền là mấu chốt quan trọng để định tội bác sĩ Tường tại phiên tòa. Nhưng điều này lại không được làm rõ, như vậy nó sẽ làm thay đổi tính chất và tội danh của bị cáo Tường.
Chỉ có hai nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Huyền trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ. Thứ nhất là chết do bị tiêm thuốc mà không được thử phản ứng trước khi tiêm. Những thuốc mà bác sĩ Tường dùng trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ cũng như công thức pha chế của bác sĩ này không tuân thủ quy định của Bộ Y tế về “pha chế và cấp phát thuốc”. Trong vụ án này, Tường đã chỉ đạo các y tá Vân và Hoa pha hỗn hợp 500ml nước muối sinh lý, 25 ống Lidicain 2ml, 2 ống gentamycin loại 80mg, 1 ống loại Aderenanin loại ¼ ml, ½ ống Vitamin C rồi dùng xilanh bơm dung dịch này vào bụng của chị Huyền. Công thức pha chế này hoàn toàn không có ở Việt Nam.
Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, việc dùng thuốc như vậy không theo công thức nào và có thể gây biến chứng (viện dẫn công văn 3205/SYT ngày 28.10.2013, công văn 1623 của Sở Y tế Hà Nội trả lời CSĐT CATP HN ngày 16.5.2014).
Thứ hai, chị Huyền chết là do bác sĩ Tường cố tình không cấp cứu kịp thời cho chị Huyền, bỏ mặc nạn nhân. Nếu như trong quá trình phẫu thuật có biến chứng thì Tường phải theo dõi bệnh nhân để xử lý triệt để nguyên nhân. Đằng này, Tường lại bỏ đi lễ chùa cùng bạn gái khi bệnh nhân đang co giật. Khi được các nhân viên dưới thông báo tình trạng nguy kịch của chị Huyền, Tường không chỉ đạo nhân viên đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu mà nói là “chờ anh về”. Điều này được Phó giám đốc thẩm mỹ viện Lê Thúy Mai, y tá Vân thừa nhận ở cơ quan điều tra.
Tại bút lục 791, ngày 24.10.2013 Mai nói rằng: “Lúc đó, tôi gọi cho anh Tường là cần đi đưa đi bệnh viện nào, cần làm những gì vì tôi không biết gì về chuyên khoa. Bác sĩ Tường trả lời là anh đang về, chờ anh về”. Và tại các bút lục khác, Mai đều khai là Tường chỉ đạo “đợi anh về”. Tại bút lục 875, ngày 25.10.2013, Vân cũng khai là làm theo chỉ đạo của Tường trong việc cấp cứu chị Huyền.
Vì vậy, nguyên nhân chết của chị Huyền ở đây vẫn chưa được làm rõ. Chị Huyền chết là do bị tiêm thuốc không đúng quy chuẩn pha chế hay chết do bác sĩ Tường cố tình kìm hãm việc cấp cứu chị Huyền. Như vậy, không thể xác định rõ ràng hành vi của bác sĩ Tường dẫn tới cái chết của chị Huyền.
Ai là kẻ chủ mưu ném xác chị Huyền?
Tại phiên tòa xét xử lần này, cả hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đều quanh co chối tội và đổ lỗi cho nhau về việc ai là người chủ mưu ném xác phi tang bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền. Điều này cũng chưa được làm rõ trong suốt quá trình xét hỏi và chất vấn các bị cáo.
Theo viện dẫn của luật sư thì Vũ Gia Trưởng, kẻ chủ mưu phải là kẻ có động cơ, mục tiêu cũng như mục đích gây án. Ở đây, cả hai bị cáo đều bị truy tố về tội danh “xâm phạm thi thể mồ mả”, thế nhưng lại chưa xác định rõ vai trò của từng người. Điều đó làm ảnh hưởng đến việc định tội, ấn định hình phạt cũng như bồi thường dân sự với chị Huyền.
Các biên bản điều tra đều ghi: Khánh bảo với Tường là không đưa xác bệnh nhân vào bệnh viện mà ném xuống sông. Tường đồng ý lái xe ôtô chở xác chị Huyền, còn Khánh đi xe máy của chị Huyền chở chị Hằng (vợ Tường) theo sau. Đến đoạn đường Cổ Linh, Khánh vượt lên xi-nhan cho Tường dừng lại rồi vứt xe máy và túi xách của chị Huyền ở đó. Sau đó, Khánh và Hằng leo lên xe ôtô đi cùng Tường. Theo đó, có thể nói, Khánh là kẻ chủ mưu và khởi xướng việc vứt xác chị Huyền xuống sông.
Tuy nhiên, luật sư bảo vệ quyền lợi gia đình chị Huyền cho rằng, Khánh không phải là kẻ chủ mưu ném xác chị Huyền mà chỉ là người giúp sức cho Tường trong việc đó. Bởi lẽ, Khánh chỉ là một kẻ làm công ăn lương tại Thẩm mỹ viện Cát Tường. Cái chết của Chị Huyền không liên quan tới Khánh, cũng như không ảnh hưởng tới Khánh nên Khánh không có "nhu cầu" vứt xác chị Huyền. Hơn nữa, tại thời điểm đó, Khánh chỉ là một đứa trẻ chưa thành niên, trình độ văn hóa 6/12 nên không thể tính toán và suy nghĩ như vậy. Do vậy, xác định Tường là kẻ chủ mưu việc phi tang xác mới đúng. Bên cạnh đó, câu nói của Khánh “hay là vứt xác xuống sông” không thể hiện Khánh là chủ mưu mà chỉ làm thay đổi hình thức phi tang của bác sĩ.
Theo các luật sư phân tích tại tòa, việc bảo vệ Đào Quang Khánh giúp sức Tường phi tang xác nạn nhân là do Tường đã dụ dỗ Khánh. Cụ thể, theo lời khai của bị cáo Đào Quang Khánh tại cơ quan điều tra, Tường nói với Khánh là: “Mày đã giúp anh nhiều thế này thì tháng 11 đến tháng 12 năm nay, anh tăng gấp đôi lương cho mày. Chính vì thế tôi mới giúp sức anh Tường vứt xác chị Huyền xuống sông… Khi tôi chở ga đến nhà anh Tường, anh Tường còn hứa cho tôi xe máy để đi… (trích bút lục 638, 648, 659). Như vậy, Khánh chỉ làm theo chỉ đạo và những lời hứa về vật chất của Tường mà thôi.
Bỏ lọt người, lọt tội?
Việc ai là người chỉ đạo xóa các chứng cứ và dọn dẹp hiện trường cũng chưa được làm rõ. Ở phiên tòa, bị cáo Tường và Phó giám đốc Thẩm mỹ viện Lê Thúy Mai vẫn đổ lỗi cho nhau về việc chỉ đạo các nhân viên bên dưới phi tang chứng cứ nhằm trốn tránh trách nhiệm.
Việc chị Huyền tử vong tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, những người có mặt trong buổi hôm đó đều biết, bao gồm Hằng - vợ của bác sĩ Tường, Phó giám đốc Lê Thúy Mai, các y tá Hoa, Vân, Thư… cùng bác sĩ Thành - người được Tường nhờ đến để cấp cứu chị Huyền. Tuy nhiên các đối tượng này không một ai trình báo tới cơ quan điều tra.
Những người này đã cùng tham gia cấp cứu chị Huyền, nhưng chị Huyền vẫn tử vong. Sau đó, những người này cùng 2 người lạ mặt nữa đều lên tầng 2 quán càphê Mộc để họp bàn về việc giải quyết xác của chị Huyền. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và cơ quan tố tụng lại không truy cứu trách nhiệm của những người này trong việc “không tố giác tội phạm”.
Đồng thời, khi xảy ra sự việc, Phó giám đốc Mai cùng Tường và những người có mặt tại đó đã tháo camera và tiêu hủy sổ sách. Mai còn mua sổ sách chứng từ giả mạo để xóa dấu vết chị Huyền đã đến đây phẫu thuật thẩm mỹ. Như vậy, việc làm của những người này phạm tội “che giấu tội phạm”. Việc hủy hoại những chứng cứ có liên quan đến cái chết của chị Huyền đã gây khó khăn cho quá trình điều tra.
Như vậy, tại phiên tòa này, nhiều tội danh của những người có liên quan cần phải được xem xét lại, vì việc làm của những người này tác động trực tiếp tới vụ án, có hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng nhưng họ lại thoát tội. Theo luật sư Vũ Gia Trưởng: “Dấu hiệu đồng phạm là rõ ràng, việc không xử lý là điều lạ”.
Tại phiên tòa xét xử ngày 5.11, Hội đồng xét xử kết luận, hành vi của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường đã phạm tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và tội “Xâm phạm thi thể”. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù theo 3 Điều 242 Bộ luật Hình sự, 5 năm tù theo Khoản 2 Điều 246 Bộ luật Hình sự. Tổng hợp hình phạt của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường là 19 năm tù.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Đào Quang Kháng 9 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự, 24 tháng tù về tội “Xâm phạm thi thể” theo Khoản 2 Điều 246 Bộ luật Hình sự. Tổng hợp hình phạt của Khánh là 33 tháng tù.
HĐXX cũng buộc bị cáo Nguyễn Mạnh Tường bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền hơn 580 triệu đồng, đồng thời cấp dưỡng cho con nạn nhân 1 triệu đồng mỗi tháng/cháu cho đến khi các cháu tròn 18 tuổi tính từ ngày chị Huyền mất.
Cấm bị cáo Nguyễn Mạnh Tường hành nghề trong thời hạn 5 năm sau khi mãn hạn tù.
Các bị cáo sẽ có 15 ngày để kháng cáo theo quy định của pháp luật.