Hỏi: Tôi năm nay 27 tuổi, ký HĐLĐ chính thức 1 năm (được tuyển thẳng, không qua thử việc) ngạch giảng viên 15111, với trường đại học.
Lúc mới vào, tôi đã ký hợp đồng thử việc 2 tháng với nhà trường, sau đó 1 tuần, trường bảo chúng tôi (những người đã có bằng thạc sĩ) không cần qua thử việc và được ký hợp đồng chính thức luôn và làm việc trong Trung tâm ứng dụng và phát triển mạng cảm biến không dây (Trung tâm này thành lập sau khi chúng tôi vào làm việc được 2 tháng, nhiệm vụ chính của tôi là làm dự án và họ nói trung tâm này năm tới sẽ phát triển thành bộ môn, chúng tôi là những giảng viên tạo nguồn). Sắp tới, tôi sẽ thi giảng để được chuyển sang bộ môn khác, họ nói nếu tôi không thi qua sẽ bị chấm dứt hợp đồng sớm. Trong thời gian công tác, tôi không vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Vậy trước khi hết hạn hợp đồng, nhà trường có được phép chấm dứt HĐLĐ với tôi không? From: mailto:tth……@gmail.com]
Trả lời:
Thứ nhất: Chấm dứt HĐLĐ
Trong thông tin mà bạn đưa ra, chúng tôi hiểu rằng giữa bạn và nhà trường đã giao kết HĐLĐ theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định các trường hợp chấm dứt HĐLĐ bao gồm:
“1. Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ.
4. NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. NLĐ chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. NSDLĐ là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; NSDLĐ cho NLĐ thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”
Trường hợp của bạn, nhà trường muốn chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn mà không đạt được sự thỏa thuận với bạn thì phải tuân thủ về nội dung và hình thức chấm dứt HĐLĐ quy định tại Điều 38 BLLĐ 2012.
Thứ hai: Về nghĩa vụ của NSDLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn
Điều 38 BLLĐ 2012 quy định về các trường hợp NSDLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ như sau:
“1. NSDLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây:
a) NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ;
b) NLĐ bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với NLĐ làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của NLĐ bình phục, NLĐ được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) NLĐ không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này”.
Ở trường hợp của bạn, HĐLĐ có thời hạn 12 tháng, theo Điểm b Khoản 2 Điều 38 BLLĐ 2012, khi NSDLĐ chấm dứt HĐLĐ với bạn thì phải có nghĩa vụ báo trước “ít nhất 30 ngày”.
Thứ ba: Trường hợp thay đổi cơ cấu
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang làm việc trong Trung tâm ứng dụng và phát triển mạng cảm biến không dây (Trung tâm này mới thành lập, này năm tới sẽ phát triển thành bộ môn, các bạn là những giảng viên tạo nguồn). Tuy nhiên, tới đây, bạn phải thi chuyển sang bộ môn khác, nếu dự án Trung tâm ứng dụng và phát triển mạng cảm biến không dây ngừng hoạt động. Bộ phận phát triển trung tâm bị giải thể.
Theo đó, phải căn cứ vào Điều 44 BLLĐ 2012:
“1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ, thì NSDLĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều NLĐ có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì NSDLĐ phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.
Trong trường hợp NSDLĐ không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều NLĐ theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.”
Theo đó, nhà trường có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng lao động, ưu tiên đào tạo NLĐ vào công việc mới. Trường hợp không thể sắp xếp được mà phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả cho NLĐ trợ cấp mất việc làm theo Điều 49 Bộ luật Lao Động.