Như chúng tôi đã thông tin, sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2014, bổ sung thẩm quyền của công an cấp xã được phép tiến hành một số hoạt động điều tra như kiểm tra người, đồ vật (…); lập hồ sơ ban đầu,
lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng, đã dấy lên nhiều băn khoăn về việc được lấy lời khai. Sau đó Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công an nhưng hai bên chưa thể gút về thẩm quyền “được lấy lời khai của công an xã” vì còn quan điểm khác nhau.
Bình về thẩm quyền bổ sung này, nguyên Chánh tòa Hình TAND Tối cao Đinh Văn Quế khẳng định: Công an xã không được lấy lời khai người phạm tội (Pháp Luật TP.HCM ngày 19-10 thông tin). Vậy những nghi phạm mà công an mời lên làm việc, lấy lời khai thì sao?
Theo TS Đinh Thế Hưng, cần phân định hoạt động lấy lời khai của công an cấp xã và hoạt động điều tra của cơ quan điều tra.
Ông Hưng nêu: Thứ nhất, cần phân định công an cấp xã được phép lấy lời khai là trước khi vụ án được khởi tố.
Trong giai đoạn này thường có những hoạt động điều tra ban đầu. Hoạt động đó giao cho cơ quan nào thực hiện và thực hiện đến đâu là căn cứ vào tình hình thực tiễn. Công an xã là lực lượng gần dân, có thể xuất hiện sớm nhất tại nơi xảy ra tội phạm hoặc tiếp xúc với người bị tình nghi. Chính vì vậy giao cho họ những thẩm quyền nhất định là ý tưởng không tệ xuất phát từ thực tế và yêu cầu đấu tranh ngăn ngừa tội phạm.
Cạnh đó, trong tố tụng hình sự, chứng cứ ban đầu có từ hiện trường hay có từ lời khai của người bị tình nghi là rất quan trọng cho việc điều tra vụ án sau này. Nhiều trường hợp, lời khai ban đầu của đối tượng tình nghi có giá trị chứng minh rất cao vì ở thời điểm này, người bị tình nghi chưa kịp cân nhắc, tính toán, đối phó với cơ quan điều tra nên lời khai của họ có độ “sạch”. Hơn nữa, nếu hiện trường không được bảo vệ kịp thời thì do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, dấu vết của vụ án hình sự sẽ có thể biến mất gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, vẫn còn vế bên kia của câu chuyện, đó là làm thế nào để tránh lạm quyền từ lực lượng công an xã khi mà lo ngại về tình trạng này có cơ sở thực tiễn. Nhiều trường hợp người bị tình nghi đã chết, bị bức cung, nhục hình, bị xâm phạm quyền lợi đã diễn ra trong giai đoạn này. Ở đây có nhiều lý do, trong đó có thể là trình độ nhận thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ của công an xã chưa được đào tạo bài bản… Chính vì vậy, trước khi luật hóa nhiệm vụ của công an xã trong giai đoạn điều tra ban đầu, cần có tổng kết đánh giá, đồng thời có kế hoạch đào tạo nghiệp vụ, luật pháp cho họ.
Kế đến là thẩm quyền.
Trong tố tụng hình sự có hai mảng hoạt động quan trọng là điều tra, thu thập chứng cứ và áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự.
Nếu chỉ khu trú trong việc công an xã làm nhiệm vụ lấy lời khai ban đầu thì chúng ta cần ủng hộ. Còn hoạt động điều tra chưa nên giao. Những hành vi xâm phạm đến quyền con người của công an xã thời gian qua nằm ở hoạt động cưỡng chế tố tụng hình sự và hoạt động thu thập chứng cứ (lấy lời khai) chưa rõ ràng.
Chưa kể là trong Thông tư 28, Bộ Công an chỉ giao quyền cho công an xã mà không nêu về sự kiểm soát, kiểm sát của các cơ quan, luật sư... Vì vậy cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ chỗ này để có thể vừa xử lý tội phạm vừa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.