Người dân thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội) đang tỏ ra rất bức xúc vì bị chính quyền xã “soi” đủ mọi lỗi trong quá trình đổi sổ hộ khẩu cũ sang hộ khẩu mới, mỗi lỗi sai bị phạt 100.000 đồng.
Được áp dụng tập quán trong xét xử
- Cập nhật : 23/09/2014
Bộ luật dân sự sẽ được sửa đổi theo hướng tôn trọng quyền tự do, bình đẳng của các bên đương sự.
Theo đó, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước đối với các quan hệ giao dịch hợp đồng, tài sản của người dân, quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong những trường hợp cần thiết...
Đó là khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22-9.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Việc dân sự cốt ở đôi bên, cái gì người dân tự giải quyết với nhau thì không phải đem nhau ra tòa”.
“Dự thảo bộ luật quy định tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này tòa án áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản và dựa trên lẽ công bằng để xem xét, giải quyết” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Đây là một trong những điểm mới của dự thảo bộ luật.
Băn khoăn về quy định mới này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ: “Tôi cho rằng quy định như thế này thì không phù hợp với pháp luật VN. Hệ thống Nhà nước của chúng ta, từ Quốc hội, Chính phủ, viện kiểm sát, tòa án đều phải giải quyết tất cả những vấn đề dựa trên các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Ta không thừa nhận án lệ thì dựa vào cái gì để giải quyết?”.
Theo ông Hiện, những vấn đề, tình huống nảy sinh mà pháp luật chưa có quy định thì phải bổ sung vào luật.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng vì chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước là phải bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của công dân, tòa án là để bảo vệ công lý cho nên không được từ chối yêu cầu giải quyết của người dân.
Đồng tình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đặt vấn đề: “Nếu tòa từ chối xem xét thì vai trò của Nhà nước ở đâu, và nếu từ chối thì các tranh chấp sẽ làm bất ổn xã hội”.
Với tính chất đồ sộ, phức tạp, quan trọng của việc sửa đổi đạo luật này, Quốc hội sẽ xem xét dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi) trong ba kỳ họp. Kỳ họp tới đây sẽ bàn đến các nguyên tắc, định hướng, nội dung cơ bản, sau đó dự thảo bộ luật sẽ được công bố lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội tiếp tục xem xét.
* Đề nghị tăng thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng lên 24 tháng
Trước đó sáng 22-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức buổi hội thảo góp ý cho dự án Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Các ý kiến đề nghị nên tăng thời gian thi hành nghĩa vụ quân sự từ 18 tháng như hiện nay lên 24 tháng.
Cũng trong ngày, góp ý cho Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị Luật tổ chức Quốc hội cần quy định về việc Quốc hội chủ động trong xây dựng pháp lệnh, Quốc hội phải là cơ quan quyết định các vấn đề về ngân sách nhà nước.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, các ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo: Lê Kiên - H. Điệp - TTO