Theo luật sư Bách, cá nhân có quyền thay đổi họ tên của mình trong trường hợp nếu tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp...
Bố mẹ hồi xưa đặt tên tôi quá xấu nên giờ rất ngại mỗi khi xưng danh. Giờ tôi đã 25 tuổi, rất muốn thay đổi tên liệu có được không, thủ tục cần làm gì như nào?
Nguyễn Thị Dao (Đông Anh, Hà Nội)
Trả Lời
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Bách (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và Cộng sự), quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký quản lý hộ tịch có quy định: Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch bao gồm:
1. Thay đổi họ, tên, chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Tại Điều 27 Bộ luật Dân sự 2005 ghi nhận Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên trong trường hợp việc sử dụng họ, tên của người sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó (điểm a khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự). Việc thay đổi họ, tên không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ và phải được người từ đủ chín tuổi trở lên phải đồng ý (khoản 2, khoản 3 Điều 27 Bộ luật Dân sự)
Đối chiếu với tình huống của bạn cho thấy: Trường hợp của bạn là trường hợp họ, tên gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích của bạn. Do đó, căn cứ các quy định nêu trên, bạn hoàn toàn có quyền thay đổi tên của mình.
Về thủ tục thay đổi cần thực hiện : Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 06/2012/NĐ-CP thì Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch phải nộp :
+ Tờ khai (theo mẫu quy định).
+ Xuất trình bản chính Giấy khai sinh của người cần thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.
+ Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch.
Người yêu cầu thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch có thể trực tiếp hoặc nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính. Trong trường hợp gửi qua hệ thống bưu chính, thì các giấy tờ có trong thành phần hồ sơ phải là bản sao có chứng thực; trường hợp trực tiếp thì nộp bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực.
Thời gian thực hiện : Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch hoặc cán bộ Tư pháp của Phòng Tư pháp ghi vào Sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và Quyết định về việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính. Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện ký và cấp cho đương sự một bản chính Quyết định về việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính. Bản sao Quyết định được cấp theo yêu cầu của đương sự. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
Nội dung và căn cứ thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính phải được ghi chú vào cột ghi những thay đổi sau này của Sổ đăng ký khai sinh và mặt sau của bản chính Giấy khai sinh.
Sau khi thực hiện xong thủ tục cải chính hộ tịch, để có sự phù hợp, thống nhất giữa các giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan đến cá nhân bạn, bạn cần thực hiện việc đính chính, sửa đổi các giấy tờ có liên quan như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm, hồ sơ lý lịch.
Đối với trường hợp bạn chưa tốt nghiệp đại học thì cần thông báo với nhà trường để kịp thời sửa đổi tên theo tên mới để khi tốt nghiệp tên mới sẽ được hiển thị trên bằng tốt nghiệp, điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho bạn sau khi bạn ra trường.