Nguyên tắc bảo vệ quyền được im lặng đã trở thành một điểm đặc trưng trong “văn hóa hành pháp” của nước Mỹ và được nhân rộng ra nhiều nước trên thế giới.
Người chứng thực không phải chịu trách nhiệm về nội dung ‘chứng’
- Cập nhật : 24/09/2014
Ngày 23-9, Bộ Tư pháp họp hội đồng thẩm định nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch (thay thế cho Nghị định 79/2007).
Điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo là quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực. Theo đó, dự thảo quy định: Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh thời điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu chứng thực và ý chí tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Nói cách khác, cơ quan chứng thực chỉ cần chứng thực về thời gian, địa điểm, năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự của các bên tham gia giao kết hợp đồng, còn các bên phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.
Đây cũng là vấn đề được Bộ Tư pháp đưa vào tờ trình xin ý kiến Chính phủ vì còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngoài đa số ý kiến đồng tình với quy định tại dự thảo nghị định thì có một số ý kiến cho rằng cần quy định giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực như giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được công chứng. Theo đó người thực hiện chứng thực phải chịu trách nhiệm về nội dung của hợp đồng, giao dịch như công chứng viên (CCV).
Bảo lưu quan điểm đưa ra tại dự thảo, Bộ Tư pháp cho rằng không thể đặt yêu cầu chứng thực ngang với công chứng trong việc chứng thực hợp đồng, giao dịch vì chủ thể thực hiện khác nhau, tính chất, trách nhiệm khác nhau. Luật Công chứng (sửa đổi) quy định CCV chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch là phản ánh đúng bản chất của hoạt động công chứng và phù hợp với trình độ của CCV. Đối với hoạt động chứng thực, người thực hiện chứng thực là cán bộ, công chức làm việc tại UBND cấp huyện/xã, không được đào tạo bài bản, chuyên sâu, không hành nghề chuyên nghiệp như CCV, nhiều người chưa có bằng cử nhân luật nên không thể đòi hỏi trách nhiệm như CCV.
“Quy định như dự thảo nghị định sẽ làm rõ sự khác nhau về giá trị pháp lý giữa hợp đồng, giao dịch được công chứng với hợp đồng, giao dịch được chứng thực, từ đó làm căn cứ để người dân có thể so sánh và lựa chọn. Nếu các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tin cậy nhau thì lựa chọn chứng thực, nếu muốn an toàn thì lựa chọn công chứng” - tờ trình nêu rõ.
ĐỨC MINH - Theo: PLO