Báo chí gần đây đưa tin nhiều về các vụ “yêu” sớm của lớp trẻ hiện nay làm tôi rất lo sợ. Tôi sợ con trai “bé bỏng” của tôi đột nhiên bị… đi tù vì “yêu” sớm.
Xét xử độc lập để tránh oan sai
- Cập nhật : 18/09/2014
Ngày 17-9 tại TP HCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội và HĐND trong khuôn khổ phiên họp thứ 17.
“Đầu lạnh, tim nóng và bàn tay sạch”
Báo cáo tờ trình Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho rằng hiện nay, các tòa án địa phương do TAND Tối cao quản lý theo ngành dọc. Để bảo đảm nguyên tắc tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, hạn chế sự can thiệp vào quá trình xét xử của tòa án cấp trên đối với cấp dưới, Chính phủ đề nghị giao tòa án địa phương cho Chính phủ quản lý.
Ông Bình cũng đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Tổ chức TAND cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.
Các ĐB đồng ý với yêu cầu tăng tính độc lập của các cơ quan tiến hành tố tụng để tránh oan sai. Tuy nhiên, họ yêu cầu Chính phủ phải làm rõ lý do vì sao giao tòa án địa phương cho Chính phủ quản lý và quản lý về khâu gì để không “lấn sân” khi thực hiện.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), chống oan sai có nhiều cách, không phải nhất thiết giao tòa án địa phương về cho Chính phủ.
“Làm như vậy là chưa đủ và không thuyết phục vì cái chính là bản lĩnh, đạo đức của thẩm phán. Quyền lực, tiền bạc và tình cảm có sức mạnh vô biên, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được. Nếu những yếu tố này lọt vào các cơ quan tiến hành tố tụng và quá trình tố tụng thì công lý sẽ phải “cắp cặp ra đi”. Anh em đói quá, đời sống không được bảo đảm thì cũng sinh chuyện” - ông phân tích.
Ông Thuyền đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quản lý tòa án địa phương vì có thể không giải quyết được tình trạng oan sai mà lại nảy sinh chồng chéo giữa các đơn vị. Đồng quan điểm, ĐB Trần Văn Tư (Đồng Nai) cho rằng vấn đề cốt yếu hiện nay là đội ngũ cán bộ.
“Không phải đưa về cơ quan này, cơ quan kia thì mọi việc sẽ tốt lên. Nếu cán bộ có bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì sẽ xảy ra án oan sai. Vì vậy, cái chính yếu nhất lúc này là xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện bản lĩnh để có trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch” - ông Tư nhìn nhận.
Ngoài ra, các ĐB còn tập trung thảo luận vấn đề quy định về số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tờ trình của Chính phủ không quy định số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu Chính phủ để phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.
ĐB Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, băn khoăn: “Cơ cấu tổ chức của Chính phủ cần phải rõ ràng hơn, trong đó quy định về số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ. Nếu không quy định thì mỗi nhiệm kỳ Quốc hội đều phải có nghị quyết về các bộ, cơ quan ngang bộ, rất mất thời gian”.
Theo ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc), phải quy định cụ thể tên gọi, số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ để có tính thống nhất cao, không nên để cơ chế mở như dự thảo. Trong trường hợp cần thành lập hoặc bãi bỏ một bộ, cơ quan ngang bộ theo sự phát triển của đất nước, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định.
“Ngoài ra, cũng nên quy định rõ số lượng cấp phó của các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tránh tình trạng bổ nhiệm hàng loạt, muốn bổ nhiệm ai cũng được…” - ông kiến nghị.
Tránh “chạy đua” về địa phương
Thảo luận về Luật Bầu cử ĐB Quốc hội và HĐND, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng đối với người tự ứng cử, cần bổ sung một số điều kiện mang tính ràng buộc trách nhiệm. Theo đó, người tự ứng cử phải thu thập được chữ ký đồng tình của một số lượng nhất định cử tri tại nơi dự kiến ứng cử để hạn chế việc tùy tiện, thiếu nghiêm túc trong thực hiện quyền ứng cử; tránh tình trạng tự ứng cử tràn lan, gây phức tạp, lãng phí trong công tác bầu cử.
Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm: “Thực tế là người của doanh nghiệp thường trúng cử vì họ có tiền để vận động. Tuy nhiên, điều tôi lo nhất là họ không có tâm huyết mà chủ yếu làm việc khác”.
Các ĐB cũng dành nhiều thời gian góp ý về tổ chức bầu cử. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) trăn trở: “Không đâu như ở nước ta, tỉ lệ bầu cử 98%-99%. Kỳ lạ quá! Nếu đúng như vậy thì mừng cho ĐB nhưng nhìn vào thực tế hiện nay thì không ai dám chắc. Có người cầm cả xấp phiếu bầu đi bỏ, rất phản cảm”.
Ông Minh đề nghị phải quy định chặt chẽ về vấn đề này để tránh bầu thay, bầu cho có. Về việc phân công các ứng cử viên trung ương về địa phương, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) đề nghị cần quy định rõ ràng, tránh tình trạng “chạy đua” về địa phương để dễ trúng cử.
“Có thể dùng hình thức bốc thăm để bảo đảm công bằng cho các ứng cử viên” - ông Minh kiến nghị.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lại bày tỏ lo lắng vì nếu làm theo cách này, lỡ các ủy viên Bộ Chính trị về hết 1-2 địa phương thì rất khó. “Đây là điều mà ĐB rất tâm tư, suy nghĩ nhiều nên ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn” - ông nói.
Còn xin - cho thì còn nhũng nhiễu
Nội dung nhiệm vụ, quyền hạn và phân cấp của Chính phủ với chính quyền địa phương cũng được các ĐB thảo luận sôi nổi. Theo họ, cần cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong từng lĩnh vực cụ thể; làm rõ mức độ và tiến hành phân cấp chứ không nêu chung chung.
“Việc phân cấp, phân quyền giữa địa phương và trung ương cần quy định rõ cái gì trung ương, cái gì địa phương quản lý. Phân cấp phải đi đôi với quyền được quyết định chứ không thể cứ xin - cho. Chừng nào còn xin - cho thì còn nhũng nhiễu” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền nhận xét.
Bài và ảnh: Phan Anh - Theo: PLO