Có một khu chung cư, mà mỗi khi nhắc đến, bất cứ ai đã từng sống ở Sài Gòn đều thán phục về sự đồ sộ và kết cấu, kiến trúc tuyệt đẹp của nó. Thán phục, khen ngợi, thế nhưng một nghịch lý thực tế là không có một bóng người ở trong khu chung cư “tam tấu” 33 tầng này. Những câu chuyện xung quanh khu đại chung cư này luôn thu hút, hấp dẫn và bí ẩn với bất kỳ ai mỗi khi nghe nhắc đến nó. Đời sống hiện tại ở đại chung cư vang tiếng này như thế nào, những tin đồn về nó ra sao, chúng tôi đã có mặt tìm hiểu thực hư câu chuyện Liêu trai này.
Đại chung cư Thuận Kiều Plaza mọc lên sừng sững giữa Sài thành
Thời gian gần đây, các khu chung cư ở Sài Gòn mọc lên như nấm sau mưa. Thế nhưng, hầu hết các khu chung cư mới xây dựng đều được thiết kế khu vực ngoại thành như quận 2, quận 9, quận Bình Tân, Bình Chánh v.v… Những khu chung cư này được xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của tầng lớp trung lưu trong xã hội.
Cách đây khoảng 20 năm, một khu phức hợp chung cư được xây dựng ngay trung tâm thành phố Sài Gòn. Và khi “tam tấu” chung cư này được hoàn thiện, người ta sửng sốt bởi vẻ uy nghi, tráng lệ của nó. Sự đồ sộ, tầm cỡ của đại chung cư này làm người dân Sài Gòn hào hoa kinh ngạc bao nhiêu, thì “hậu vận” của nó càng làm cho người dân nơi đây sửng sốt bấy nhiêu.
Sau khi hoàn thành, Thuận Kiều Plaza là niềm vinh dự, tự hào của người dân Sài Gòn hào hoa. Thời điểm vào những năm cuối thiên niên kỷ thứ hai, ắt hẳn rằng, chủ đầu tư công trình này mong muốn Thuận Kiều Plaza sẽ thay đổi bộ mặt trung tâm thành phố và tạo nên một cơn địa chấn trong lĩnh vực kinh doanh cao ốc. Cả chủ đầu tư, giới phân tích kinh tế và người dân chứng kiến sự có mặt của đại chung cư này hoàn toàn có cơ sở để “mơ tưởng” đến một viễn cảnh tốt đẹp cho thành phố và tương lai của khu đại chung cư này.
Bởi thế, từ nhà đầu tư, các nhà thầu, đến các phân đoạn nhỏ của công trình đều ráo riết đẩy nhanh tốc độ thi công. Nhớ lại một khoảng thời gian Thuận Kiều đang được gấp rút xây dựng nhanh vượt tiến độ, ông Nguyễn Trung Hòa (64 tuổi) một người sống ở đường Tân Hưng, sau lưng khu chung cư Thuận Kiều, nhìn lên tòa cao ốc trước mặt nhớ lại:
“Ngày đó, công nhân của công trình cật lực làm việc ngày đêm. Có thể khẳng định một điều rằng, người ta thay ca nhau làm việc 24/24h, không lúc nào ngưng nghỉ. Số lượng công nhân mỗi ca làm như vậy có thể đến cả 400 – 500 người. Hết lớp này nghỉ rồi đến lớp kia làm. Tôi nhớ rõ, trong vòng khoảng 8 – 9 năm công trình được xây dựng, khu này rộn cả lên vì tiếng người, tiếng công cụ, xe cộ ra vào… Tôi thấy được sự háo hức, ráo riết trên gương mặt của tất cả mọi người, từ kỹ sư thiết kế đến công nhân thi công”.
Xét về mọi góc độ, Thuận Kiều Plaza có quyền “ngẩng cao đầu” để xứng tầm quốc tế. Với diện tích 100 ngàn mét vuông, 3 tháp chọc trời với mỗi tháp 33 tầng với đầy đủ tiện nghi vui chơi giải trí, người ta ví Thuận Kiều như là “một thế giới riêng”, “một thiên đường” được thiết kế sẵn. Chỉ cần có tiền, những người sở hữu một trong những căn hộ nơi đây có thể sinh hoạt và làm việc khép kín cả đời trong khu đại chung cư này, không cần phải giao lưu bên ngoài mà cũng chẳng thiếu thốn gì. Ngày cắt băng khánh thành Thuận Kiều, cả thành phố vui như mở hội.
Đại chung cư Thuận Kiều Plaza.
Vào năm 1998, Thuận Kiều Plaza chứng tỏ sự có mặt của mình bằng một buổi lễ cắt băng khánh thành hoành tráng. Thuận Kiều như là một công trình để Sài Gòn chào đón thiên niên kỷ thứ ba với nhiều hứa hẹn phát triển, như là một điểm tựa để làm sức bật cho địa chính Sài Gòn trước thềm thiên niên kỷ mới. Nó cũng chứng tỏ rằng, không chỉ hào hoa, tráng lệ, Sài Gòn còn sang trọng, bề thế và giàu có nữa.
Thế nhưng khác với dự tính, suy nghĩ, phỏng đoán của nhiều người, trong đó có các chuyên gia kinh tế, Thuận Kiều Plaza như là một “biểu tượng thất bại” của giới kinh doanh địa ốc và của cả Sài Gòn. Khu chung cư hoành tráng, sừng sững ấy, được xây lên chỉ là để “làm vật giải trí”, mua vui cho những người hiếu kỳ và là tâm điểm để người dân tò mò bàn tán. Và, xung quanh những câu chuyện “trà nước”, người ta đồn đoán rất nhiều về nguyên nhân khiến Thuận Kiều lộng lẫy, kiêu sa như tranh vẽ thành “Thuận Kiều ma”, không một bóng người.
Giải mã chuyện cao ốc hoành tráng biến thành “chung cư ma”
Trong những lúc trà dư tửu hậu, ngẫm về “số phận hẩm hiu” của Thuận Kiều bây giờ, người ta kể về rất nhiều câu chuyện khiến nó trở thành “chung cư ma” bất hạnh.
Ngày chúng tôi thực tế tình hình, Thuận Kiều Plaza vẫn nguyên vẻ hoang sơ của nó, dù công trình thế kỷ này đã đi vào hoạt động, sử dụng 17 năm. Cả ba tòa nhà chọc trời không một bóng người ở, không một hoạt động nào được diễn ra trong khu chung cư này, trái ngược với những suy tính của người dân và giới chuyên gia khi nó chưa được hoàn thành. Dường như thiếu đi hơi ấm con người, khu chung cư này trở nên lạnh lẽo và hoang vắng, khiến người ta đặt những nghi vấn về sự kiện khó giải thích này.
Gần 30 năm chạy xe ôm ở đường Hồng Bàng, mặt trước khu chung cư Thuận Kiều, ông Sáu (62 tuổi) nói về khu chung cư này: “Nếu các anh đi khắp Sài Gòn này và cả nước, chưa chắc gì đã tìm được khu chung cư đẹp và có vị trí đắc địa như khu Thuận Kiều này”.
Sao lại không đắc địa cho được, bốn mặt của cao ốc này đều là mặt tiền: Trước mặt là con đường lớn của Thành phố Hồng Bàng rộng rãi thoáng mát, hai bên hông là đường Thuận Kiều và đường Phạm Thạnh Nhật, còn phía sau lưng là tuyến đường Tân Hưng. Với địa thế đó, Thuận Kiều Plaza được mong đợi sẽ làm nên một cơn sốt địa ốc. Thế nhưng điều đó đã không thể xảy ra.
Là một người chứng kiến Thuận Kiều từ khi đặt viên đá đầu tiên cho đến khi khu chung cư này hoàn thành, ông Hòa tiếp tục trò chuyện với chúng tôi: “Sở dĩ Thuận Kiều trở nên vắng tanh như chùa Bà Đanh thế này, theo tôi nghĩ và người dân cũng đồn đoán có vong hồn hiện về lởn vởn trong khu chung cư này. Số là ngày trước khi công trình đang thi công, đã có gần cả chục công nhân chết vì tai nạn lao động. Rồi sau khi chết, hồn họ chưa thể nhập về được với tổ tiên ông bà nên còn lảng vảng nơi đây. Vong hồn họ muốn chọn nơi đây làm nơi trú ẩn nên bất cứ ai đến đây thuê ở, bằng cách này hay cách khác, những vong hồn này đều hướng họ đi nơi khác”.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi chúng tôi khảo sát thực tế, 32 tầng trên của khu chung cư không có một bóng người ở, thế nhưng ở tầng trệt, có một số người nước ngoài “mạnh dạn” thuê kinh doanh nhà hàng, buôn bán các mặt hàng quần áo, đồng hồ… nhưng quan sát chung, nhân viên của cửa hàng nhiều hơn khách đến mua sắm, ăn uống. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều ông chủ đã không chịu được thua lỗ từ kinh doanh nên đành “ngậm bồ hòn” hủy hợp đồng thuê mặt bằng.
Chị Nguyễn Thị Hồng, nhân viên một quán ăn hải sản ở tòa nhà này, là một trong số ít người dám thử sức mình với sự “huyền bí” của khu chung cư này. Khi chúng tôi đến, chị cùng với một nhân viên đồng ngiệp khác ngồi chỏng chơ bên quầy thu ngân. Chị nhìn chúng tôi buồn không thèm nở nụ cười thăm hỏi.
Nhưng khi được tham vấn, chị chia sẻ, cách đây một thời gian, vì hiếu kỳ tò mò về những chuyện đồn đại về tòa nhà này, chị cùng nhân viên kia rủ nhau lên tầng trên thị sát. Thế nhưng, khi vừa bước lên tầng trên, gió thổi vi vu, không gian lạnh tanh, yên ắng làm hai chị nổi hết da gà. Không những vậy thỉnh thoảng còn có những tiếng như là tiếng bước chân người vọng lại làm hai chị hoảng hồn rồi cùng dìu nhau đi xuống. “Từ đó đến nay, chúng tôi không còn ai có ý định đi lên đó nữa”, chị Hồng rùng mình nhớ lại.
Dù rất nhiều lời đồn đoán về nguyên nhân khiến Thuận Kiều trở thành “chung cư ma”, nhưng ông Thiện (58 tuổi), một nhân viên bảo vệ nhà hàng hải sản ở đây lại có một suy nghĩ khác. Ông chia sẻ về cái nhìn của mình:
“Vấn đề khu chung cư đẹp thế này mà không có người ở đúng là một điều khó hiểu. Và những người buôn bán, kinh doanh thuê mặt bằng ở đây phần lớn cũng bị thua lỗ kéo theo là một thực tế. Tuy nhiên, đối với tôi, nó cũng rất dễ giải thích. Tôi hoàn toàn không nghĩ đây là chuyện ma mị, quỷ quái gì, mà nó xuất phát từ thực tế. Người dân nước mình đều có thu nhập thấp, thế nhưng để thuê một căn hộ ở đây sinh sống, một tháng anh phải đóng khoảng 15 – 20 triệu đồng, người lao động phổ thông, ai mà thuê cho nổi. Thế nhưng, những người giàu có, người ta lại không ở chung cư. Những người giàu có, người ta mua đất xây nhà ở độc lập, có ga-ra đậu xe ôtô riêng”.
Người bảo vệ này cũng chia sẻ thêm, bất kỳ công trình lớn nào cũng có những tai nạn lao động nhất định. Tai nạn có thể do chủ quan của người làm, có thể do rủi ro gặp phải… Thế nhưng chuyện những vong hồn đó hiện về lởn vởn trong khu chung cư như lời đồn đoán, rỉ tai của một số người là không đúng sự thật.
“Tôi nghĩ, những chuyện đó chỉ là thông tin đồn thổi của một số người hiếu kỳ. Còn thực tế, nếu ban quản lý chung cư chịu hạ mức giá cho thuê xuống thấp hơn, khu chung cư này sẽ đầy người ở trong nay mai thôi. Mức giá cho thuê hiện nay là quá cao so với mức thu nhập của người dân Sài Gòn trong thời buổi suy thoái kinh tế hiện nay”, người đàn ông này nhận định.