Cơ quan điều tra vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ phát hiện chấn động hàng chục nghìn thuê bao bị nghe lén và đề nghị truy tố 7 bị can đều nằm trong Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng.
Theo đó, vào tháng 5/2014, Cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao đã khám phá vụ việc gây chấn động khi phát hiện có tới hàng chục nghìn thuê bao điện thoại đang bị cài phần mềm nghe lén. Qua công tác điều tra, cơ quan chức năng xác định phần mềm này được cung cấp từ ông ty TNHH công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) có trụ sở ở Hà Nội.
Thời điểm khám xét và bắt giữ người có liên quan tại Công ty Việt Hồng, cơ quan công an xác định có 670 khách hàng sử dụng phần mềm Ptracker. Tuy nhiên qua trích xuất quyền quản trị cho thấy số lượng tài khoản, số lượng IMEI điện thoại từ trước đến nay còn lưu trong máy chủ là 14.140 tài khoản, trong đó có 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu thông tin riêng của người sử dụng điện thoại.
Kết luận điều tra nêu rõ, với mức phí 400.000 đồng/tháng, 900.000 đồng/2 tháng hoặc 1,8 triệu đồng/năm, từ tháng 9/2013 đến thời điểm bị phát hiện bắt giữ, Nguyễn Việt Hùng đã thu của khách hàng số tiền gần 1 tỉ đồng và sử dụng vào các hoạt động của Công ty Việt Hồng như trả lương cho nhân viên, thuê máy chủ, quảng cáo... Các đối tượng sử dụng phần mềm Ptracker chủ yếu là những cặp vợ chồng nghi ngờ nhau ngoại tình.
Theo kết luận điều tra, Công ty Việt Hồng được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh các hoạt động xây dựng và cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, phần mềm máy tính từ năm 2010.
Do kinh doanh không hiệu quả, Hùng nảy sinh ý định viết một phần mềm cài đặt vào máy điện thoại thông minh, thay thế các thiết bị giám sát trên để tăng doanh thu.
Tháng 6/2013, Hùng liên hệ và thuê Lê Thanh Lâm là kỹ sư lập trình, đồng thời thuê Tuấn, Phán, Kiều, Ngọc, Nga làm nhân viên phát triển phần mềm. Đến tháng 9/2013, Lâm viết xong phần mềm Ptracker và được Hùng thưởng 8 triệu đồng, thuê vào làm việc chính thức với mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng.
Từ tháng 9/2013, Hùng bắt đầu cung cấp Ptracker cho khách hàng. Đây là phần mềm có chức năng chạy ngầm trên điện thoại, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng (thuê tại Công ty điện toán và truyền số liệu VDC). Khách hàng sử dụng dịch vụ được cung cấp tài khoản và mật khẩu để vào lấy thông tin.
Ngoài nghe lén được các cuộc hội thoại, Ptracker còn có chức năng xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm môi trường xung quanh điện thoại, định vị vị trí và quay phim, chụp hình.
Đáng chú ý, phần mềm này cho phép người sử dụng có thể ra lệnh từ xa điện thoại bị cài phần mềm Ptracker bằng tin nhắn đến điện thoại này nhưng không để lại trong hộp thư đến, theo đó điện thoại bị theo dõi sẽ tự động bật hoặc tắt 3G, chụp ảnh hay ghi âm… rồi gửi về máy chủ. Do toàn bộ các dữ liệu đánh cắp khi chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng nên nhân viên kỹ thuật công ty này hoàn toàn có thể xem, xóa, thậm chí khai thác thông tin mà không cần đến tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm Ptracker do Lâm làm quản trị mạng.
Trong vụ án này, Cơ quan công an xác định, Hùng là đối tượng chủ mưu cầm đầu, 6 bị can còn lại thực hiện các hành vi quảng cáo, hướng dẫn sử dụng Ptracker được xác định giữ vai trò đồng phạm, giúp sức. Đối với ông Đặng Hồng Đăng là Giám đốc Công ty Việt Hồng, chỉ kinh doanh cửa thép chống cháy, không tham gia vào hoạt động kinh doanh phần mềm, cũng không được chia lợi nhuận nên không bị xử lý.
Theo: Lê Tú - Dân trí