Ông Nguyễn Mạnh Hùng - PCT Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, hành động của cộng đồng tiêu dùng Singapore đã thể hiện rõ tính nhân văn giữa con người với con người, đồng thời cho thấy vai trò lớn của cộng đồng người tiêu dùng.
Những ngày qua, người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế đặc biệt quan tâm đến vụ việc khác hàng người Việt là anh Phạm Văn Thoại khóc lóc, van xin vì phải trả thêm một số tiền lớn sau khi ký vào gói bảo hành khi mua iPhone 6 tại Sim Lim Square.
Trước sự việc trên, Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Hùng, hành động của cá nhân một chủ doanh nghiệp tại Singapore nói riêng và cộng đồng người tiêu dùng Singapore nói chung tự nó đã góp phần làm nên hình ảnh đẹp về đất nước con người Singapore trong con mắt người nước ngoài khi đặt chân tới đây. Chính những việc làm, hành động của họ trong sự việc xảy ra lần này đã cho thấy hình ảnh của đất nước Singapore được người dân bảo vệ ra sao.
Khách hàng người Việt khóc mếu sau khi ký vào gói bảo hành iPhone 6
Theo vị PCT Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, trường hợp của anh Phạm Văn Thoại cũng là một trong những thiệt hại có thể xảy ra với người tiêu dùng khi mua hàng hóa cũng như sử dụng dịch vụ ở bất cứ nước nào, kể cả trong trường hợp thông thạo ngoại ngữ khi đã gặp đối tượng lừa đảo. Có ngôn ngữ nào thông thạo bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng người tiêu dùng vẫn bị “thua ngay trên sân nhà”.
“Qua vụ việc này chúng ta mới biết đến vai trò của người tiêu dùng Singapore. Còn nhiều nước trên thế giới cũng có chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những ai đã có dịp đến Đại sứ quán Hàn Quốc làm VISA sẽ thấy trên giá sách, báo phục vụ người chờ làm thủ tục có những tệp tờ gấp, in bằng 4 thứ tiếng để hướng dẫn người tiêu dùng khi đến Hàn Quốc nếu cần sự giúp đỡ chỉ cần gọi đến Trung tâm tư vấn người tiêu dùng bằng cách ấn số 1372. Trung tâm này thuộc Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, sẽ tư vấn, giúp đỡ bằng 9 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt Nam”, ông Hùng cho biết.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, ở Việt Nam chúng ta cũng vậy, luật pháp không phân biệt quốc tịch, dù là người tiêu dùng Việt Nam, hay người tiêu dùng nước ngoài, dù sinh sống, làm việc ở Việt Nam đã lâu hay chỉ sang du lịch trong một thời gian, đều được bảo hộ các quyền của người tiêu dùng theo luật pháp Việt Nam, tương đồng với luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Chính vì vậy, nếu người tiêu dùng là người nước ngoài khiếu nại đến Hội sẽ được Hội tư vấn, giúp đỡ trong phạm vi luật pháp quy định.
“Tôi nghĩ trước khi đi đến một đất nước nào đó để du lịch hay làm việc, việc tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục tập quán và những địa điểm mà mình sẽ ghé thăm là rất cần thiết. Việc bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại khá lớn”, ông Hùng đưa ra lời khuyên.
Về việc nhiều người cho rằng, việc anh Thoại khóc lóc van xin chính là nguyên nhân khiến cộng đồng người singapore lên tiếng bảo vệ anh Thoại và tẩy chay cửa hàng bán điện thoại trên, ông Hùng cho rằng, khi rơi vào hoàn cảnh ấy mỗi người sẽ có cách xử sự khác nhau. “Tôi cho rằng cách sử sự của anh Thoại có tác động nhưng không phải là nguyên nhân chính khiến cộng đồng người Singapore lên tiếng bảo vệ anh Thoại và tẩy chay cửa hàng bán điện thoại đó”, ông Hùng nói.
Ông Hùng nhấn mạnh rằng, nếu chỉ là sự lay động lòng trắc ẩn thì việc ủng hộ tiền để bù đắp thiệt hại cho anh Thoại là đủ. Nhưng người dân Singapore còn trút tức giận và tẩy chay cửa hàng bán điện thoại, cho thấy vì một lý do khác nữa, đó là thái độ nhân văn giữa con người với con người khi họ bị xâm hại quyền lợi một cách bất công và thái độ bất bình với hành vi lừa đảo để không cho nó có đất sống.
Sự điều chỉnh hành vi con người bằng quy ước đạo đức trong trường hợp này có lẽ còn mạnh và hiệu quả hơn cả chế tài xử phạt hành chính.
Theo: Dân trí