Tại Việt Nam, lần tăng thuế thuốc lá gần nhất là vào năm 2006 và 2008. Năm 2006, Việt Nam tiến hành cải cách thuế thuốc lá, đưa các mức thuế khác nhau về một mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 55%, áp dụng thống nhất cho tất cả các loại thuốc lá sản xuất trong nước. Năm 2008, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 65%.
Phân tích các số liệu báo cáo trong giai đoạn này cho thấy mức tăng thuế lên 55% năm 2006 và lên 65% năm 2008 chỉ có tác dụng giảm tiêu dùng vào hai năm này, nhưng không duy trì được giảm tiêu dùng cho các năm tiếp theo. Cụ thể, khi tăng thuế vào năm 2006 tổng tiêu dùng thuốc lá trong nước giảm từ 4.032 triệu bao năm 2005 xuống còn 3.451 triệu bao. Nhưng năm 2007, tổng tiêu dùng lại tăng trở lại đạt 3.897 triệu bao, xấp xỉ mức tiêu dùng trước khi tăng thuế. Tương tự, khi tăng thuế vào năm 2008, tổng tiêu dùng thuốc lá giảm từ 3.897 triệu bao năm 2007 xuống 3.571 triệu bao, nhưng năm 2009 lại tăng trở lại đạt mức 3.934 triệu bao, thậm chí mức tiêu thụ còn cao hơn mức khi chưa tăng thuế. Kể từ năm 2009 đến nay, tiêu dùng thuốc lá vẫn tăng đều đặn qua các năm.
Nguyên nhân chính của việc mức tiêu dùng không giảm qua các năm là do mức tăng thuế quá thấp. Với mức tăng thuế thêm 10% vào năm 2008, tác động tới giá bán lẻ thuốc lá là không đáng kể, không theo kịp mức tăng đều đặn hàng năm của lạm phát và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam. Chính vì vậy, sức mua thuốc lá của người Việt Nam vẫn càng ngày càng tăng. Nói một cách khác, xét trên tỷ lệ so với thu nhập bình quân đầu người, thuốc lá đã ngày càng rẻ đi. Ngoài ra, từ 2008 đến nay, thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng thuốc lá vẫn giữ nguyên ở mức 65%.
Xét về góc độ nguồn thu thuế của nhà nước, doanh thu từ thuế thuốc lá tăng trong cả giai đoạn từ 2005 đến nay. Tức là ngay cả khi thực hiện tăng thuế vào năm 2006 và năm 2008 mặc dù tiêu dùng có giảm nhẹ, nhưng tổng thu thuế của nhà nước vẫn tăng lên. Cụ thể, năm 2006 tổng thu thuế thuốc lá tăng từ 6.017 tỷ lên 6.085 tỷ đồng. Tương tự, năm 2008 tổng thu thuế tăng từ 6.338 lên 7.529 tỷ đồng.
Khi đề cập đến việc tăng thuế, có một số ý kiến lo ngại về vấn đề buôn lậu. Nhưng điều này là thiếu cơ sở. Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam về số lượng thuốc lá lậu được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam, lượng thuốc lá nhập lậu tăng giảm không liên quan đến các thời điểm tăng thuế. Số lượng thuốc lá lậu cũng có sự sụt giảm từ năm 2009 đến năm 2011, là thời điểm sau khi thuế tăng năm 2008. Điều này cho thấy nếu các cơ quan chức năng kiên quyết và duy trì đều đặn các công tác phòng chống buôn lậu, thị trường thuốc lá lậu sẽ được kiểm soát.
Trong một điều tra tiêu dùng tại 12 tỉnh được thực hiện bởi Liên minh phòng chống thuốc lá Đông Nam Á hợp tác với Trường Đại học Duke và Trường Đại học Thương mại, số liệu cho thấy ba loại thuốc lá lậu phổ biến nhất là Jet, Hero và Esse chiếm tới trên 90% thị phần thuốc lá lậu. Trong đó Jet và Hero chỉ tập trung ở phía Nam, còn Esse chỉ tập trung ở phía bắc. Gu hút, hương vị chiếm tới hơn 70% lý do lựa chọn thuốc lá lậu, giá cả chỉ chiếm 15%. Một kết quả quan trọng khác là giá thuốc lá lậu trung bình đắt hơn thuốc lá hợp pháp từ 30% đến 60%, tùy theo khu vực.
Kết luận của bài học tăng thuế 2006-2008 là tăng thuế thêm 10% (55% năm 2006 lên 65% năm 2008) có tác dụng làm giảm tiêu dùng không nhiều vào năm tăng thuế, tăng nguồn thu thuế cho ngân sách.
Việc tăng thuế 2006-2008 không có mối liên quan đáng kể đến việc tăng buôn lậu. Tuy nhiên mức tăng thuế 10% là thấp và không có tác động đáng kể đến việc giảm tiêu dùng và giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong những năm tiếp theo sau khi tăng thuế.