Những quy định thiếu khả thi, thiếu hợp lý có thể gây tác hại lâu dài, giảm tính hấp dẫn môi trường kinh doanh tại VN.
Bà Nguyễn Minh Thảo: “VN dự định cấm bán bia vỉa hè, trong khi thực tế nhiều mặt hàng khác không cấm được nên nhiều người sẽ không tin vào tính khả thi” - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đó là ý kiến của bà Nguyễn Minh Thảo, phó trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Trao đổi với Tuổi Trẻ về dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia của Bộ Công thương, bà Thảo cho biết:
Vừa ra quy định đã lạc hậu
VN vừa công bố sản xuất được bia không cồn. Bia không cồn đã phổ biến trên thế giới mấy chục năm nay, gần như là loại nước giải khát vì cơ bản không có cồn. Nhưng dự thảo nghị định của Bộ Công thương vẫn cấm bán tất cả loại bia cho người dưới 18 tuổi, người đang cho con bú... là không hợp lý. Cần bổ sung trường hợp loại trừ với bia không cồn.
- Đọc dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh bia của Bộ Công thương, dễ nhận ra mục tiêu và giải pháp quản lý không gắn kết phù hợp, có quy định không khả thi, không thực tế, đưa vào cho đầy đủ, còn hiệu quả khó đoán định.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vừa được giao là một trong những cơ quan chủ trì rà soát, đánh giá lại các ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện của VN.
Kết quả không chỉ thống kê được hơn 300 ngành nghề cần điều kiện kinh doanh mà còn thấy được nhiều nỗi gian khổ của người tuân thủ.
Có chủ doanh nghiệp kể về thực tế đi nộp hồ sơ hoàn thuế: lần này đi cán bộ bảo đợi, tháng sau đi nộp cũng bảo đợi. Rồi một năm sau đi cũng bảo đợi. Anh đã nghẹn lời, suýt khóc khi kể lại câu chuyện của mình.
Đó chỉ là một trong những nỗi xót xa, gian khổ mà người dân phải chịu khi còn có những quy định chưa hợp lý, chưa chặt chẽ.
Khó cho người thực hiện, dễ cho người xử phạt
* Dự thảo nghị định của Bộ Công thương soạn thảo công phu, nhưng xem ra lại là một trong những quy định “tung” thủ tục, giấy phép, quyền cho bộ mình, còn giải pháp thì không rõ như một số dự thảo quy định thời gian qua. Quan điểm của bà ra sao?
- Ngành giáo dục cấm dạy thêm, ngành y tế cấm bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân... Chủ trương đúng nhưng triển khai khó. Rồi những quy định bị phản ứng mạnh như tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe hay quy định bán thịt heo trong vòng tám giờ.
Đọc dự thảo nghị định về quản lý sản xuất kinh doanh bia cũng thấy ngay các bộ sẽ có thêm quyền, thêm cơ chế xin - cho, còn lý do ban hành thiếu tính thuyết phục.
Ban soạn thảo nói cần những quy định như cấp phép, dán tem... vì sản xuất bia không theo quy hoạch sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Thật ra doanh nghiệp khi bỏ vốn họ hiểu quy luật thị trường, tính cơ hội rất kỹ, bởi nếu sai họ sẽ phải chịu.
Hay với mục đích phòng chống lạm dụng rượu bia, dự thảo đưa những quy định cấm bán bia vỉa hè, cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú...
Nhưng đâu phải chỉ những người uống bia vỉa hè hay người dưới 18 tuổi mới lạm dụng, rồi say xỉn, tạo nguy cơ gây tai nạn... Chưa kể sẽ xác định người đang cho con bú ra sao, người nào có biểu hiện say... là đánh đố. Quy định kiểu này khó cho việc thực hiện, nhưng dễ cho người đi kiểm tra bắt bẻ, xử phạt.
* Nhưng thưa bà, dù chưa khả thi nhưng ban soạn thảo cho rằng cần có quy định để người dân có ý thức thực hiện?
- Các cơ quan soạn thảo bao giờ cũng có lý do của mình. Nhưng nhìn tổng thể, khoa học thì khác. Các nước văn minh họ cho bán ở vỉa hè, từ cà phê tới bia, vấn đề là có quy hoạch. VN dự định cấm bán bia vỉa hè, trong khi thực tế nhiều mặt hàng khác không cấm được nên nhiều người sẽ không tin vào tính khả thi.
Đề ra chính sách phải biết có giám sát được sự tuân thủ không, chứ không phải cứ tung ra quy định, tự giác thực hiện thì tốt, vi phạm cũng khó xử lý thì sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng giữa người tuân thủ và cố tình vi phạm.
Người làm chính sách có thể rất sáng tạo, đưa ra nhiều quy định hay, nhưng nếu không tính đến khâu thực thi của các cơ quan khác thì nhiều văn bản sẽ không đi vào cuộc sống, hạn chế kinh doanh, giảm tính hấp dẫn về môi trường kinh doanh tại VN. Mục đích cuối cùng của chính sách phải là giải quyết được vấn đề thực tế.
Soạn thảo quy định theo quy trình ngược
* Nghị định về bia của Bộ Công thương chỉ là một ví dụ trong rất nhiều văn bản khó khả thi hiện nay, trong khi lại “tung” ra nhiều thủ tục, giấy phép mới?
- Đúng vậy, chúng ta từng có nhiều quy định như có hộ khẩu mới làm sổ đỏ, có sổ đỏ mới cấp hộ khẩu, rồi cấm bán bia sau 22g... Trong dự thảo nghị định về bia của Bộ Công thương, các giải pháp giảm việc lạm dụng bia khó thành công nhưng nếu được ban hành, doanh nghiệp sẽ tăng chi phí ngay, nhất là phải dán tem bia...
Lý do phải dán tem bia của Bộ Công thương, theo tôi, không thuyết phục. Mục tiêu là tăng quản lý, chống nhập lậu, tuy nhiên hiện anh không quản được hàng giả, hàng lậu thì khi dán tem anh cũng sẽ khó quản được tem giả.
Thực tế hàng loạt sản phẩm chúng ta dán tem như rượu, thuốc lá, mũ bảo hiểm đang là những mặt hàng có nhiều hàng lậu, bị làm giả nhiều nhất. Theo tôi, cần phải đánh giá đủ hiệu quả dán tem thuốc lá, rượu, mũ bảo hiểm...
Nếu giải quyết được những bất cập của các loại tem trên thì mới dán tem bia.
* Các văn bản như nghị định phải có bản đánh giá tác động. Tại sao có đánh giá tác động mà nhiều nơi vẫn đưa ra những quy định gây khó nhiều vậy?
- Báo cáo đánh giá tác động chính sách hiện nay là bắt buộc, nhưng hầu hết báo cáo này đều hình thức, không thực chất.
Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia cũng rất sơ sài, như đưa quy định cấm bia vỉa hè thì phải nêu được chi phí việc thực hiện, hay phải định lượng được dán tem thì tăng chi phí bao nhiêu, tăng giá thành, tác động sản xuất thế nào, có thể giảm được bao nhiêu hàng giả, hàng nhái... thì không có.
Chỉ nói là cần thiết để giảm hàng lậu, hàng giả... thì ai cũng nói được, không phải là đánh giá tác động. Qua nghiên cứu, báo cáo đánh giá tác động là khâu yếu nhất trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, trong khi đây lại là khâu quan trọng để xem có cần văn bản đó không.
Tại các nước, đánh giá tác động chính sách là tối quan trọng để khẳng định có ban hành hay không nhằm tránh đưa ra những chính sách kiểu “trên trời”, xa rời thực tiễn. VN cần có các yêu cầu cao hơn với báo cáo đánh giá tác động.
VN cũng nên tính toán thành lập đơn vị hỗ trợ xây dựng các báo cáo đánh giá tác động chính sách để giảm thiểu những bản đánh giá tác động giống như bản thuyết minh, do chính những người soạn thảo tự làm.
* Vậy theo bà, cần làm gì để giảm được những quy định mang đậm tính ý chí chủ quan, thiếu khả thi, chủ yếu tăng quyền cho cơ quan nhà nước?
- Có cảm giác nhiều cơ quan nhà nước bắt đầu soạn quy định từ những mong muốn chủ quan, rồi đưa chính sách theo hướng có lợi cho quản lý, còn việc thực thi thế nào thì chưa quan tâm đủ.
Trong khi mục tiêu làm chính sách ở nhiều nước phải xuất phát từ đầu là tạo hiệu quả gì cho xã hội, đối tượng tuân thủ có khả năng thực hiện không, chi phí tuân thủ thế nào, sau đó mới là lợi ích quản lý. Nhiều cơ quan soạn thảo quy định đi theo quy trình ngược.
Theo tôi, cần kiểm soát chặt, tăng cường khâu rà soát, đánh giá chính sách; tăng trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan soạn thảo đề xuất các quy định bất khả thi, không hợp lý, có gắn yếu tố lợi ích cục bộ... sẽ giúp các chính sách ra đời gần gũi và thân thiện hơn với cuộc sống.
Nhiều quy định của Bộ Công thương phức tạp hơn trước
Nhìn tổng thể về Bộ Công thương, qua quá trình rà soát, đến nay chúng tôi đã thấy được ở Bộ Công thương có khoảng 70 ngành nghề yêu cầu điều kiện kinh doanh, đồng nghĩa với doanh nghiệp phải đến xin chứng nhận hoặc cấp phép (tổng số ngành nghề có điều kiện kinh doanh của tất cả ngành là trên 300).
Khó có thể nói giấy phép “con” ở Bộ Công thương là nhiều hay ít, nhưng chúng tôi thấy nhiều quy định cấp phép của Bộ Công thương phức tạp hơn trước đây, doanh nghiệp khó khăn hơn khi tuân thủ và nhiều thủ tục cần đơn giản hóa.
CẦM VĂN KÌNH thực hiện - Theo Tuổi Trẻ