Phương châm của ngân hàng là không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Chỉ đến khi không khắc phục được sai phạm, gây thiệt hại cho đất nước, nhân dân thì sẽ xử lý hình sự.
Chiều 29-9, trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội về trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra sai phạm ở các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã thẳng thắn nhận trách nhiệm.
Không hình sự hóa quan hệ dân sự
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt vấn đề: Thời gian qua đã xảy ra sai phạm ở một loạt ngân hàng lớn, trong đó mới nhất là Ngân hàng Xây dựng. “Đề nghị thẳng Thống đốc cho biết rõ trách nhiệm cá nhân như thế nào trong việc để xảy ra sai phạm trên, đồng thời có giải pháp gì để ngăn chặn không xảy ra các vụ việc tương tự?” - bà Thúy nêu câu hỏi.
Ông Bình khẳng định dù sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào cũng vẫn là trách nhiệm của thống đốc và ông xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những vấn đề trên. “Thời gian qua chúng ta đã phát hiện nhiều vụ việc như vụ Huyền Như, bầu Kiên, ALC II... Tuy các vụ việc đó đều xảy ra trước năm 2011 nhưng ngân hàng đã kiểm điểm sâu sắc theo Nghị quyết Trung ương 4 và đã gửi cho Quốc hội để khẳng định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể có liên quan” - ông Bình cho hay.
Tuy nhiên, ông Bình bộc bạch phương châm của ngân hàng là không hình sự hóa các quan hệ dân sự. Ngân hàng muốn phát hiện sai phạm, nhìn ra sai phạm và tạo điều kiện cho các bên khắc phục. Chỉ đến khi không khắc phục được, gây thiệt hại cho đất nước, nhân dân thì sẽ xử lý hình sự. Trước đó, tại báo cáo giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, NHNN cho rằng việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân, đồng thời có thể làm gia tăng chi phí cơ cấu lại.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: “Dù sai phạm đó xảy ra ở đâu, khi nào nhưng đến giờ là thống đốc tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về những vấn đề trên”. Ảnh: T.VĂN
Nợ xấu tăng do minh bạch hơn?
Đề cập đến câu chuyện nợ xấu, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn vì sao nợ xấu từ đầu năm đến nay tăng so với cuối năm 2013, đâu là nguyên nhân. ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) thì đề nghị Thống đốc cho biết rõ hiệu quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC).
Trả lời các câu hỏi trên, ông Bình cho rằng do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Bên cạnh đó việc áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ xấu ngày một chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác, khách quan, minh bạch chất lượng tín dụng cũng làm nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, người đứng đầu lĩnh vực ngân hàng trấn an các đại biểu rằng từ tháng 7-2014, tốc độ tăng nợ xấu đã giảm và tốc độ tăng thấp nhất (tăng 0,79% so với tháng trước) cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện.
Ông Bình cho biết thêm, đến tháng 7-2014, VAMC mới mua được 24.000 tỉ đồng nhưng đến nay đã mua được trên 40.000 tỉ đồng nợ xấu. Cả năm nay VAMC dự kiến mua được 70.000 tỉ đồng cộng với việc trích lập dự phòng nữa để xử lý nợ xấu.
Thể hiện sự băn khoăn trước những trả lời trên, ĐB Đỗ Văn Đương (Thường trực Ủy ban Tư pháp) chất vấn tại sao VAMC từ khi thành lập đến nay mua được gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu mà bán ra chỉ được 2,5% số đó. “Ở đây có gì vướng không, vướng do năng lực của VAMC hay cơ chế trong mua bán nợ? Phải chăng đã đến lúc cần xây dựng luật về mua bán nợ?” - ông Đương nêu câu hỏi.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bình cho biết báo cáo khó khăn của VAMC về mặt pháp lý hiện đã lên tới 20 trang giấy A4. Nếu xây dựng luật cho mô hình hoạt động của VAMC thì không có thời gian, trong khi xử lý nợ xấu cần phải nhanh để phát triển kinh tế. “Tôi đã liệt kê luật hiện hành, nếu có nội dung không phù hợp khi xử lý nợ xấu thì sẽ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội cân nhắc. Còn trong thẩm quyền Chính phủ thì đã liệt kê các nghị định có mâu thuẫn để điều chỉnh phù hợp hơn” - ông Bình bày tỏ và cho rằng VAMC là định chế mới thành lập, hoạt động trong điều kiện không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu nên kết quả đạt được như trên là đáng khích lệ.
THÀNH VĂN
Chậm cấp giấy đỏ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhũng nhiễu
Sáng cùng ngày, chất vấn bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, các đại biểu đã tập trung truy những vấn đề gây bức xúc trong dư luận như tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực trong việc cấp sổ đỏ và cấp giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản.
Theo ĐB Nguyễn Sĩ Cương, nghị quyết của Quốc hội yêu cầu việc cấp giấy đỏ lần đầu tối thiểu phải đạt 85% nhưng hiện nay Hà Nội lại không thực hiện được. Người dân phản ánh nguyên nhân chậm trễ trên là do tiêu cực, nhũng nhiễu. “Bộ trưởng có biết việc này không và sẽ được giải quyết như thế nào? Bởi vì họ đòi tiền quá cao nên nhiều người dân không có điều kiện, xót xa không nộp và kết quả là những người nộp phí bôi trơn thì đã được cấp, còn người không bôi trơn thì không biết đến bao giờ” - ông Cương nói.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho hay việc cấp giấy đỏ có nhiều nguyên nhân chậm trễ, kéo dài, trong đó có nhũng nhiễu. Trách nhiệm này thuộc văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương. Hiện nay, trong khi các địa phương cơ bản đã hoàn thành thì ở Hà Nội và TP.HCM lại rất phức tạp, nhất là với chung cư. Sau khi báo chí phản ánh tình hình trên ở Hà Nội, Bộ đã cử nhiều đoàn xuống làm việc và gần đây tình hình đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Đề cập đến việc khai thác tài nguyên trái phép, ĐB Đỗ Văn Đương cho rằng đây chính là hành vi rút ruột quốc gia và thu lời rất lớn. Cụ thể, một ngày khai thác cát trên sông Hồng kiếm đến 60 triệu đồng. “Việc này có sự tiếp tay thông đồng của cán bộ cấp giấy phép cho các “cát tặc”, “vàng tặc” không? Ăn hết tài sản quốc gia mà chỉ bị xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh là không được, đề nghị cần phải sửa luật để truy trách nhiệm hình sự” - ông Đường nêu vấn đề.
Tán thành với ý kiến trên, ông Quang cho rằng cần phải sửa đổi các quy định nặng hơn nữa, thu hồi tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự. Chứ còn như hiện nay nghị định của Chính phủ quy định xử phạt bằng tiền là chính nên hiệu quả không cao.