Vụ việc Sacom chi hơn 855 tỷ đồng nhằm “nuốt chửng” Vinamotor đã gây bất ngờ cho nhiều người. Vậy bí ẩn đằng sau thương vụ thôn tính này là gì?
Sacom sẵn sàng chi 855 tỷ đồng để “nuốt chửng" Vinamotor
Đầu năm 2015, Chính phủ đã ra quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor). Và chưa đầy một tháng sau, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển (Sacom) đã chính thức ngỏ lời với Bộ Giao thông vận tải về việc muốn mua lại tất cả cổ phần của Nhà nước tại đây.
Cụ thể, doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam này đề nghị mua lại một lần đối với 100% vốn nhà nước tại Vinamotor, với tổng cộng 85.581.223 cổ phần, tương đương 97,7% vốn điều lệ. Giá đăng ký mua mà Sacom chào với Bộ GTVT là 10.000 đồng/cổ phần. Theo đó, nếu được thông qua, Sacom sẽ phải chi ra ít nhất là 855 tỷ đồng để có thể “nuốt chửng” Vinamotor. Nếu xuất hiện thêm nhà đầu tư muốn mua cổ phần thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định thông theo hình thức đấu giá.
Chủ trương của HĐQT Sacom là đầu tư vào Vinamotor để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của ngành ngành công nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam. “Chúng tôi tự tin vào việc mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinamotor và quyết tâm đưa Vinamotor trở thành đơn vị kinh doanh hiệu quả”, đại diện Sacom khẳng định.
Đằng sau thương vụ thôn tính này là gì?
Theo các chuyên gia, việc Sacom sốt sắng xin mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamotor là một bất ngờ, bởi hai đơn vị này không có nhiều mối liên hệ về ngành nghề kinh doanh.
Sản phẩm kinh doanh chủ yếu của Vinamotor là các loại ô tô khách, ô tô tải mang thương hiệu Vinamotor và Transinco. Bên cạnh đó, Vinamotor vẫn duy trì hoạt động trong lĩnh vực cơ khí truyền thống, sửa chữa ô tô, máy thi công, sản xuất phụ tùng, thiết bị thay thế, sản xuất kết cấu thép, trang thiết bị thi công đường bộ, xây dựng công trình,…
Trong khi đó, tại văn bản gửi Bộ GTVT, Sacom giới thiệu là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại dây cáp đồng, cáp quang, dây điện từ, vật liệu viễn thông và vật liệu dân dụng.
Việc Sacom sốt sắng xin mua toàn bộ cổ phần nhà nước tại Vinamotor là một bất ngờ.
Nhìn lại kết quả kinh doanh của Vinamotor trong những năm qua có thể thấy doanh nghiệp cơ khí này đạt kết quả không thực sự ấn tượng. Tại đại hội đồng cổ đông lần đầu tổ chức vào tháng 5/2014, Vinamotor chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu 388 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến vào năm 2016 cũng chỉ đặt ra ở mức 650 tỷ đồng, lợi nhuận 33,7 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ là 3,85% - chưa bằng phân nửa lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại.
Ngay cả chính bản thân lãnh đạo Vinamotor cũng từng bày tỏ mối quan ngại về tính khả thi của phương án thoái cùng lúc toàn bộ phần vốn nhà nước trong bối cảnh kết quả kinh doanh không thực sự ấn tượng này.
Tuy nhiên, đứng về phía Sacom mà nói thì khi doanh nghiệp này chấp nhận bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng để mua hơn 97% cổ phần, chắc chắn Sacom đã thấy tiềm năng phát triển, khả năng sinh lời mặc cho kết quả kinh doanh của Vinamotor hiện tại rất kém hấp dẫn.
Ở một phương diện khác, nhiểu người cho rằng sức hấp dẫn của Vinamotor trong thương vụ này có thể nằm ở một số công ty thành viên có đất đai, nhà xưởng rộng lớn như Cơ khí ô tô 3/2, cơ khí Ngô Gia Tự hay Công ty cổ phần ôtô 1/5 mà công ty mẹ vẫn giữ cổ phần chi phối.
Hiện tại, Vinamotor đã chọn xong đơn vị tư vấn để thực hiện thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đó là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.