Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thị trường bất động sản đang đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, đầu tư của hộ gia đình.
Dòng tiền đói kênh đầu tư
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, sau 1 tháng giảm trần lãi suất tiền gửi từ 6%/năm xuống 5,5%/năm (áp dụng từ 29/10), huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Cụ thể, tính đến 27/11, tổng phương tiện thanh toán tăng 13,28%, huy động vốn tăng 13,33% so với cuối năm 2013. Tiền gửi tiếp tục tăng tốt khiến thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo và dư thừa, lãi suất trên thị trường nội tệ liên ngân hàng ổn định ở mức thấp.
Huy động tiền đồng tăng 14,74% chủ yếu ở khu vực dân cư trong điều kiện mặt bằng lãi suất VND giảm cho thấy, gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh lựa chọn của người dân. Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, điều này cũng cho thấy, dòng tiền đang đói kênh đầu tư.
Dòng tiền đang đói kênh đầu tư.
Dù dòng tiền vào ngân hàng vẫn tăng mạnh, song nhiều chuyên gia cho rằng, với mức lãi suất thấp và đang có xu hướng giảm tiếp như hiện nay, khả năng thời gian tới dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển hướng sang những kênh đầu tư khác có mức lợi nhuận cao hơn.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, thị trường bất động sản đón nhận những dấu hiệu khởi sắc bước đầu với triển vọng tích cực từ các dòng vốn tín dụng, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối, đầu tư của hộ gia đình.
Số liệu mới nhất cho thấy, qua thống kê 9 tháng đầu năm 2014, dư nợ tín dụng bất động sản tăng tới 10,8% so với đầu năm - mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống (xấp xỉ 7%) và so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản bình quân giai đoạn 2011-2013 (7,2%/năm).
Tính đến cuối tháng 9/2014, nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản đạt 1,224 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013.
Tín dụng “chảy” vào bất động sản: Có đáng lo?
9 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản đã tăng trưởng gần 11%, tương đương khoảng 290.000 tỷ đồng dư nợ tín dụng, vượt mức cao nhất trước đây đạt được là 280.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tín dụng sẽ tiếp tục “chảy” vào bất động sản, nhất là khi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực 1/2/2015 do hệ số rủi ro được giảm từ 250% xuống còn 150% khi cho vay bất động sản và chứng khoán.
Điều này có nghĩa, nếu ngân hàng có 100 đồng vốn điều lệ và hệ số an toàn vốn (CAR) là 9% và hệ số 250% thì ngân hàng chỉ có thể cho vay ra 40 đồng, nhưng với hệ số 150% thì ngân hàng được cho ra 67 đồng. Nguyên do là hệ số rủi ro càng cao thì số tiền cho vay càng thấp vì phải trích lập dự phòng cao.
Giới chuyên gia cho rằng, việc kéo hệ số rủi ro xuống 150% đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách gỡ khó cho thị trường bất động sản. Thực tế, nền kinh tế sẽ khó phục hồi nếu thị trường bất động sản khó phục hồi. Những cũng có ý kiến cho rằng, liệu tín dụng đổ vào bất động sản như vậy có đáng lo không?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tăng trưởng tín dụng vào thị trường bất động sản như vậy là tích cực. Thực tế, bản chất tín dụng chảy vào thị trường bất động sản thời điểm trước năm 2011 và thời điểm này là khác nhau.
“Trước đây, bất động sản được định giá gấp đôi, gấp ba giá trị thực và các ngân hàng vẫn ồ ạt đầu tư vào. Đến khi bong bóng bất động sản vỡ ra khiến nhiều ngân hàng đứng trước nguy cơ bị mất thanh khoản. Bên cạnh đó, tín dụng bất động sản thời điểm đố cũng theo kiểu sẵn sàng cho vay giới đầu cơ bất động sản với kỳ vọng kiếm lời ngắn hạn từ bong bóng giá nhà đất.
Đến khi thị trường đóng băng khiến nhiều ngân hàng đã phải trả giá cho bài học liều lĩnh của mình, thậm chí có ngân hàng buộc phải hợp nhất, sáp nhập để tồn tại, cứu nguy thanh khoản”, ông Hiếu bình luận.
Cũng theo ông Hiếu, tín dụng bất động sản hiện tại khác với trước. Ngân hàng đã thấm nhuần bài học từ những năm trước và việc cho vay bất động sản và tín dụng bất động sản cũng thực hơn với nhu cầu thị trường. Có nghĩa, khi cho vay ngân hàng tính đến rủi ro nên rất cân nhắc, vì vậy, sẽ cho vay với nhu cầu mua nhà thật.
Trao đổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, ông Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng hồi năm 2011 là đến từ thị trường bất động sản.
“Sở dĩ ngành ngân hàng bị rơi vào khủng hoảng năm 2011 là vì trước đó, ngành ngân hàng đưa tín dụng ra thị trường quá cao. Thực tế tín dụng chỉ nên tăng từ 15 - 17% là hợp, nhưng có những năm tín dụng tăng đến 35 - 37%. Cho nên vốn chảy từ trong ngân hàng ra thị trường quá lớn nhưng không phải vào sản xuất mà phần lớn những dòng vốn ấy lại đổ vào những lĩnh vực nóng sốt như chứng khoán, bất động sản. Khi kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Mỹ sang Châu Âu thì ngành tài chính của Việt Nam bị ảnh hưởng”, ông Quý phân tích.
Và có lẽ, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy rủi ro này, nên đã ban hành Thông tư 13, điều đáng chú ý là hệ số rủi ro đối với các khoản vay nâng lên 250%. Cùng với Thông tư 13 là sự siết chặt các qui định cho vay và giảm tỷ trọng xuống ở mức thấp nhất trong vòng 8 năm trước thời điểm 2011.
Động thái siết vốn ngân hàng đổ vào thị trường bất động sản cũng với lãi suất cho vay thời điểm đó cao, khoảng 22%/năm đã đẩy ngành bất động sản vào khó khăn, thanh khoản thị trường đông cứng. Không ít ý kiến nhận định các ngân hàng bị khủng hoảng do đầu tư quá nhiều vào bất động sản với kỳ vọng kiếm lời cao từ bong bóng giá nhà đất được thổi lên bởi giới đầu cơ…
Đề cập tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 % -14%, trao đổi với Dân trí, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, chúng ta chỉ có thể đạt tăng trưởng dao động từ 12% đến 13%, chứ khó có thể đạt được tối đa 14%. Đây là đã tính đến việc các doanh nghiệp tăng cường vay vốn cho kế hoạch cuối năm và các ngân hàng nới rộng các điều kiện cho vay, không sợ sệt vay các khoản có nguy cơ phát sinh nợ xấu như bất động sản, vay tiêu dùng…”.
Tuy nhiên, theo TS.Hiếu: “Tín dụng tăng trưởng 12% hay 14% sẽ không có nghĩa khi có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được vốn, nó càng không có nghĩa khi các ngân hàng sợ không dám cho vay mà tập trung mua trái phiếu, tín phiếu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khiến lượng vốn không được đưa ra sản xuất, không đến đúng nơi cần…”.