“Nếu coi những thí sinh đoạt giải cao tại các kỳ thi tay nghề Asean và thế giới là những “hạt giống đỏ” thì hiện chúng ta có quá ít; nếu không dám thí điểm các chương trình đào tạo nghề trọng điểm, chúng ta vĩnh viễn không thể có những người lao động được quốc tế công nhận, năng suất lao động luôn “bét bảng”.
Đó là ý kiến của ông Dương Đức Lân - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) - về đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng năng suất lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á.
Công nhân phải nghỉ việc đi hái dừa, trồng khoai: Lấy đâu ra tay nghề, năng suất?
Từ ruộng đồng đi thẳng vào nhà máy!
Ông Phan Công Minh - Tổng giám đốc Cty CP Việt Hưng (Q.12, TPHCM) - cho biết, DN của ông có khoảng 2.500 LĐ, khi tuyển dụng, DN chấp nhận đa số CN chưa qua đào tạo bài bản, thậm chí có người “từ ruộng đồng đi thẳng vào nhà máy”.
Vì không được đào tạo, nên nhiều LĐ đang làm việc trong Cty sẵn sàng bỏ hợp đồng đi hái dừa, trồng khoai lang,… khi có người tìm thuê với tiền thù lao cao hơn lương DN trả. Những lần như thế, DN bị ảnh hưởng đến cả dây chuyền. Cốt yếu nhất là NLĐ cần được đào tạo về tay nghề; giáo dục về ý thức tuân thủ pháp luật, tác phong công nghiệp… mới nâng cao ý thức, NSLĐ.
Cũng vì LĐ không qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường LĐ nên những cơ quan làm công tác kết nối gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Toàn Phong - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội - thừa nhận, đến thời điểm này trung bình tỉ lệ kết nối thành công giữa NLĐ và DN chỉ đạt khoảng 26%. Nhiều năm nay, trung tâm cố gắng nâng con số này lên 30% nhưng vẫn chưa đạt được. "Tỉ lệ kết nối thành công quá thấp là do chất lượng nguồn cung lao động thấp, chỉ DN nào không đặt yêu cầu cao mới tuyển dụng được” - ông Phong cho hay.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng chúng ta phải thừa nhận con số và so sánh mà ILO đưa ra để nhìn vào đó mà cố gắng. Theo ông Dương Đức Lân cách tính lấy GDP chia cho số người đang làm việc về cơ bản là cách làm chung của ILO. Chúng ta phải nhìn nhận con số này và nhận thức NSLĐ là bộ phận cấu thành mang tính quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia. Nếu không quan tâm nâng cao NSLĐ, chúng ta sẽ thua trên “sân nhà” khi sản phẩm làm ra giá cao hơn sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
Quá ít “hạt giống đỏ”
Ông Dương Đức Lân cho hay, trong 9 kỳ thi tay nghề ASEAN, 2 lần đoàn VN xếp thứ nhất, các lần khác chủ yếu trong tốp dẫn đầu. Tại “đấu trường lớn” là kỳ thi tay nghề thế giới, chúng ta cũng giành được hàng chục chứng chỉ tay nghề xuất sắc. Vậy điều gì khiến LĐ của chúng ta thành nhóm có NSLĐ thấp nhất khu vực Châu Á?
Giám đốc người Mỹ của Cty Chế biến hải sản T.T (KCN Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TPHCM) cho rằng, hạn chế lớn của LĐVN là tính chuyên nghiệp hóa chưa cao. Tại nhiều Cty có sử dụng CN trực tiếp sản xuất, số CN thường xuyên “nhảy việc” lên tới 30-40%. Nếu đem so sánh với các nước như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng thâm niên, độ tuổi thì NSLĐ của LĐVN thấp hơn. Đáng nói là trong thực tế, LĐVN xuất khẩu sang Nhật Bản được đánh giá cao nhưng khi trở về VN họ lại làm việc ỳ ạch.
Ông Dương Đức Lân khẳng định việc xây dựng các trường nghề trọng điểm là quan trọng và có tính bước ngoặt, đột phá trong giai đoạn hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập, mọi thứ sẽ được san bằng. Năm 2015, khi ASEAN thành cộng đồng chung điều này càng rõ nét, khi đó LĐVN có nhiều lựa chọn công việc, với một thợ hàn lành nghề, lương có thể hàng ngàn đô la. Tương tự, ngay trên “sân nhà” nếu anh không khá hơn một thợ hàn của Malaysia hay Thái Lan, anh sẽ mất công việc mình vốn có.
Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc điều hành Cty CP Sao Việt (KCN Đồng An, tỉnh Bình Dương) cho rằng, nếu nói NSLĐ của NLĐ Việt Nam thấp thì chưa hoàn toàn chính xác mà thực ra không đồng đều giữa NLĐ trong một chuyền sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, NSLĐ phải thường xuyên chú trọng đào tạo tay nghề cho NLĐ; bố trí công việc phù hợp với trình độ, sở trường;…
Bà Nguyễn Thị Hải Vân nhấn mạnh: Để nâng cao NSLĐ, chúng ta cần thực hiện ngay các giải pháp cụ thể như tăng cường đào tạo nghề cho NLĐ; DN tăng cường đào tạo LĐ tại chỗ để đáp ứng yêu cầu SXKD và phù hợp với sự hiện đại của máy móc; ban hành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; tích cực chuyển dịch cơ cấu LĐ sang các ngành du lịch, dịch vụ,…; các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng và đào tạo theo nhu cầu thị trường.