Báo Lao Động ngày 23.11 phản ánh vụ việc ông Vũ Văn Tấn - Trưởng phòng quản trị thông tin, Trường ĐH Hoa Sen (ĐHHS) - bị hiệu trưởng ĐHHS miễn nhiệm trưởng phòng và điều chuyển làm việc khác mà không có sự thỏa thuận. Mới đây, chúng tôi tiếp tục nhận được thêm nhiều đơn “kêu cứu” của NLĐ đang làm việc tại ĐHHS.
Từ phải qua: Bà Thuỷ, ông Duy, ông Đức, ông Tấn, trình bày vụ việc tại Báo Lao Động. Ảnh: Nam Dương
Bà Phạm Thị Thủy cho biết, ngày 17.10.2007, bà giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn số 800-07/HĐLĐ-HCNS với ĐHHS, chức danh chuyên môn: Ban giám hiệu; Chức vụ: Phó hiệu trưởng. HĐLĐ này do bà Bùi Trân Phượng - hiệu trưởng ĐHHS - ký với tư cách là người sử dụng LĐ. Ngày 10.12.2012, bà Thuỷ tiếp tục được ông Trần Văn Tạo - Chủ tịch HĐQT ĐHHS - bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách tài chính. Trong quá trình làm việc, đến ngày 13.6, bà Bùi Trân Phượng có tờ trình với HĐQT ĐHHS miễn nhiệm bà Thuỷ với một số lý do, sau đó ngày 7.7, ông Trần Văn Tạo có quyết định miễn nhiệm chức danh phó hiệu trưởng của bà Thuỷ (không phải chức vụ như quyết định bổ nhiệm). Một trong những căn cứ để ông Tạo miễn nhiệm chức danh của bà Thuỷ là dựa trên Quy chế tổ chức, hoạt động của ĐHHS và trong các căn cứ này không hề đề cập đến các quy định của pháp luật lao động. Từ đó đến nay, bà Thuỷ phải “ngồi chơi xơi nước” ở ĐHHS.
Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: HĐLĐ của bà Thuỷ ký với bà Phượng sẽ được giải quyết thế nào? Bởi lẽ, bà Thuỷ là NLĐ ký kết HĐLĐ để làm việc với ĐHHS thì đương nhiên sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động. Nhưng trong vụ việc của bà Thuỷ, ĐHHS đã “bỏ qua” những quy định của pháp luật lao động để xử lý vụ việc. Mà nguyên tắc bất di bất dịch, pháp luật có hiệu lực cao nhất, các quy định, quy chế nội bộ của bất kỳ một cơ quan, đơn vị nào đều phải dựa trên pháp luật, nếu trái luật sẽ bị tuyên vô hiệu khi tranh chấp xảy ra. Như vậy, phải chăng ở đây đã có một sự “khập khiễng” khi áp dụng pháp luật để xử lý NLĐ?
Tương tự bà Thủy, trường hợp của ông Nguyễn Trung Đức - Trưởng khoa Đào tạo chuyên nghiệp kiêm GĐ trung tâm Anh ngữ EnglishZone; ông Nguyễn Trọng Duy - Phó khoa Khoa học - Công nghệ, GĐ Trung tâm Đào tạo, đều là NLĐ làm việc theo HĐLĐ, nhưng cũng bị bà Bùi Trân Phượng ký quyết định miễn nhiệm và chuyển làm công việc khác theo Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHHS mà không tuân thủ các quy định của pháp luật. Trước đó, một trường hợp khác là ông Vũ Văn Tấn - Trưởng phòng quản trị thông tin của trường này, cũng bị bà Phượng quyết định miễn nhiệm chức vụ. Khi ông Tấn khiếu nại đến Phòng LĐTBXH Q.1, hoà giải viên đã yêu cầu ĐHHS phải rút lại các quyết định với lý do nhà trường đơn phương ra các quyết định chưa phù hợp với pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Kha (Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu và cộng sự, Đoàn Luật sư TPHCM) nhận xét: “Việc ĐHHS chỉ căn cứ vào Quy chế tổ chức và hoạt động của ĐHHS để miễn nhiệm chức vụ của NLĐ là chưa đúng. Lý do, đã là NLĐ thì phải chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật lao động. Mà trong các quy định của pháp luật lao động, không có khái niệm miễn nhiệm (áp dụng với công chức, viên chức), mà chỉ có hình thức kỷ luật cách chức. Để áp dụng hình thức kỷ luật cách chức, người sử dụng LĐ phải chứng minh được lỗi của NLĐ và phải tuân thủ theo một trình tự chặt chẽ theo luật định”.
Theo: LĐ