Tư vấn doanh nghiệp; Tư vấn sở hữu trí tuệ; Trang tụng thu hồi nợ; Bất động sản; tranh tụng dân sự; Tư vấn thuế, tài chính;...
Quy định nộp tiền để được tại ngoại: Kẻ khóc, người cười
- Cập nhật : 04/08/2017
(Phap luat)
Đối tượng bị tạm giam được đặt tiền để tại ngoại. Quy định tuy không mới, nhưng đang dần áp dụng trên thực tế.
Tiệm cận dần đến luật pháp quốc tế
Bộ Công an, bộ Quốc phòng, bộ Tài chính, VKSND Tối cao và TAND Tối cao đang hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Trước đó, Thông tư liên tịch số 17/2013 hướng dẫn việc theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/1/2014.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Bùi Quang Thu nêu ý kiến: “Thông tư liên tịch số 17 quy định, đối với tội phạm ít nghiêm trọng, số tiền đặt là 20 triệu đồng; 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng. Dự thảo đề xuất cho bị can, bị cáo nộp tiền từ 30-200 triệu đồng. Tôi thấy, dự thảo Thông tư thực chất là “nâng cấp” Thông tư liên tịch số 17/2013 và phù hợp với thực tiễn".
Mặc dù vậy, trên thực tế chưa thấy cơ quan tiến hành tố tụng nào cho phép bị can, bị cáo áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm thay thế cho tạm giam.
Trong khi đó, ở nhiều nước có nền tư pháp phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… biện pháp ngăn chặn đặt tiền để bảo đảm thay thế tạm giam được áp dụng rộng rãi, thu nhiều thành quả trong đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Kẻ khóc, người cười
Nhìn ở góc độ thực tiễn áp dụng, ý kiến của nhiều luật gia cho thấy, dự thảo Thông tư không nên áp dụng biện pháp đặt tiền để được đối với các trường hợp: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, ma túy.
Luật gia Trần Văn Việt (Hà Nội) nhận định: “Nộp tiền để tại ngoại, bị can, bị cáo tránh được tình trạng cán bộ điều tra ép cung, dùng nhục hình. Ngoài ra, người áp dụng sẽ có môi trường tốt để tự bảo vệ mình, tránh án oan sai”.
Trước dư luận cho rằng, quy định trên sẽ có lợi cho người giàu và hạn chế đối với người nghèo. 30 - 200 triệu đồng với người thành thị không to, nhưng với người nông dân là khoản tiền lớn. Không phải ai cũng có điều kiện áp dụng đặt tiền để được tại ngoại.
Luật gia Trần Văn Việt nhận xét: “Thời hạn đặt tiền tương đối ngắn (không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử). Bị can, bị cáo kinh tế khó khăn, có thể vay tiền nộp. Khi chấp hành đầy đủ nghĩa vụ cam đoan thì viện Kiểm sát, tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã đặt. Như vậy, không có chuyện kẻ khóc, người cười”.
Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quan tâm đến điều kiện áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm (bị can, bị cáo nào được áp dụng biện pháp ngăn chặn này). Nếu không quy định chặt chẽ, bị can, bị cáo sẽ lợi dụng, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Thiên Long