Tài liệu vừa được CIA giải mật đề cập đến một hiểm họa ít người biết nhưng có thực: Chiến tranh hạt nhân suýt nữa nổ ra giữa Liên Xô và Mỹ năm 1983.
Một binh đoàn chuyển quân trong cuộc tập trận của Mỹ và NATO vào mùa thu 1983
- Ảnh: Publicintegrity.org
CIA vừa giải mật một loạt các tài liệu liên quan đến Chiến tranh lạnh và công bố những nội dung có chọn lọc từng được đăng trên tờ Nghiên cứu tình báo, tập san lưu hành nội bộ tập trung vào đề tài như “những khía cạnh về lịch sử, chiến dịch, học thuyết và giả thuyết về tình báo”.
Trong đó, nổi bật là bài viết đề cập đến một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất vào thời Chiến tranh lạnh, diễn ra trong thập niên cuối cùng của giai đoạn này: Thế giới đã đứng trên bờ vực của chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc hàng đầu.
Chiến dịch RYAN
Trong bài viết trên, Ben B.Fischer, lúc đó thuộc Trung tâm nghiên cứu tình báo của CIA, đã xác nhận sự tồn tại của một dự án được đồn đại lâu nay của Liên Xô mang mật danh RYAN, chiến dịch thu thập tin tức tình báo thời bình lớn nhất trong lịch sử. RYAN (viết tắt của cụm từ tiếng Nga Raketno-Yadernoye Napadenie, nghĩa là tấn công bằng tên lửa hạt nhân) là dự án yêu cầu các cơ quan tình báo Liên Xô “liên tục triển khai các hoạt động theo dõi sát sao và cảnh báo khi phát hiện dấu hiệu cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch khai chiến”.
Vào năm 1983, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov, 69 tuổi, lãnh đạo nước này trên giường bệnh. Trước đó 2 năm, ông đã ra lệnh các quan chức Ủy ban An ninh quốc gia (KGB - Cơ quan Tình báo, phản gián và mật vụ Liên Xô) đóng trên toàn thế giới phải thu thập những chứng cứ nhằm xác nhận nỗi lo ngại của nhà lãnh đạo Liên Xô về nguy cơ Mỹ có thể bất ngờ tấn công hạt nhân phủ đầu và toàn diện đối với nước này. Theo Fischer, trước hoạt động tăng cường vũ trang của Mỹ vào thập niên 1980, đánh dấu sự mở rộng lớn nhất về quy mô và sức mạnh của Lầu Năm Góc vào thời bình, giới lãnh đạo Liên Xô cho rằng thời cơ để Moscow có thể giành chiến thắng trong Chiến tranh lạnh đang nhanh chóng khép lại.
Việc Mỹ thúc đẩy các dự án như Sáng kiến phòng thủ chiến lược, hay còn gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao” dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, chẳng khác gì hành động khiêu khích đầy nguy hiểm, khiến Liên Xô hết sức bồn chồn và lo lắng. Nếu Washington thực sự triển khai thành công lá chắn tên lửa, người Nga lo ngại hệ thống “Chiến tranh giữa các vì sao” có thể vô hiệu hóa khả năng tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân của Liên Xô, khiến cán cân chiến lược nghiêng hẳn về hướng phương Tây. Và trong trường hợp lá chắn tên lửa này là vỏ bọc cho một hệ thống vũ khí mới của Lầu Năm Góc, Moscow có thể bị đẩy vào thế vô cùng bất lợi.
Chiến tranh tâm lý
Theo lời tường thuật chi tiết của chuyên gia Fischer, “Chiến tranh giữa các vì sao” và hoạt động tăng cường vũ trang vào thập niên 1980 đã diễn ra song song với một sự chuyển biến lớn trong chính sách của Mỹ thời Chiến tranh lạnh: sự khởi đầu của các chiến lược quân sự trên diện rộng, với mục tiêu gây sức ép về tâm lý đối với hàng ngũ lãnh đạo tại Điện Kremlin.
“Chiến dịch đánh đòn cân não vào đầu thập niên 1980, còn gọi là PSYOP, trên thực tế diễn ra một cách lặng lẽ”, theo tài liệu do Fischer cung cấp và thậm chí cả CIA cũng gần như không hề hay biết về sự tồn tại của chiến dịch này. Nỗ lực quân sự được liệt vào dạng tuyệt mật của Mỹ bao gồm các chiến dịch xâm nhập bằng hải quân và không quân một cách bí mật tại những khu vực nhạy cảm dọc theo ngoại vi của Liên Xô, và được hỗ trợ bằng “các biện pháp chống tiếp cận, đánh lạc hướng vô cùng phức tạp và được diễn tập kỹ lưỡng”.
Theo đó, lực lượng Mỹ tiến hành một cách tinh vi các sứ mệnh do thám trên vùng trời Liên Xô, cũng như những chuyển động của tàu chiến tại những vùng biển nhạy cảm, với mục tiêu thể hiện sự quyết đoán về sức mạnh của quân đội Mỹ trước lãnh đạo Moscow vào thời điểm mấu chốt trước khi Liên Xô tan rã.
Bên cạnh đó, quan hệ vốn căng thẳng giữa Liên Xô - Mỹ vào thập niên cuối của Chiến tranh lạnh đã bị khuấy động bởi một sự kiện đến giờ vẫn còn gây tranh cãi. Ngày 1.9.1983, không quân Liên Xô bắn hạ một máy bay chở khách của Hàn Quốc trên không phận quốc tế. Chuyến bay số hiệu 007 của Korea Air Lines đã trúng tên lửa của một chiến đấu cơ Su-15 khi bay gần đảo Moneron, phía tây đảo Sakhalin trên vùng biển Nhật Bản. Không một ai trong số 269 người trên máy bay sống sót. Ban đầu, phía Liên Xô khẳng định họ không liên quan đến sự cố hàng không thảm khốc này. Tuy nhiên, sau đó Moscow thừa nhận vụ việc, nhưng nói rằng các thông tin tình báo thu được trước đó đã nhận định máy bay trên là một phi cơ đang thực hiện sứ mệnh do thám của Mỹ.
Theo chuyên gia Fischer, phía CIA cũng thu được thông tin tình báo cho thấy “thư tín mật trao đổi giữa Bộ Quốc phòng và KGB cũng đề cập đến quan điểm tương tự trong nội bộ lãnh đạo Liên Xô”. Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô một mực khẳng định sự cố trên là sự khiêu khích có chủ đích từ phía Mỹ, nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng tham chiến của Liên Xô, hoặc thậm chí có ý đồ muốn khai chiến.
Sự kiện trên đánh dấu một trong những thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh, dẫn đến sự leo thang của quan điểm chống Liên Xô tại Mỹ. Theo đánh giá chung, sự cố này không lập tức đẩy thế giới đến bờ vực chiến tranh hạt nhân, nhưng càng khiến chính quyền Moscow luôn duy trì tình trạng báo động. Các chương trình RYAN, PSYOP và sự xuất hiện của những lá bài bất ngờ, như cuộc tập trận kéo dài 10 ngày của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương vào tháng 11.1983, mật danh “Cung thủ tài ba 83”, đã góp phần tạo nên giai đoạn leo thang cuối cùng của Chiến tranh lạnh.
Báo cáo trên tờ Nghiên cứu tình báo cho thấy nhất cử nhất động của Mỹ đều được chính quyền Moscow phân tích và theo dõi sát sao. Theo tờ Business Insider, tài liệu vừa được giải mật của CIA một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng vũ khí hạt nhân không phải lúc nào cũng đóng vai trò cân bằng đối với an ninh thế giới. Không có hạt nhân, những nghi kỵ và các chiêu trò khích tướng lẫn nhau chỉ nằm trong giới hạn cục bộ và không liên quan đến sự sống còn của nhân loại. Tuy nhiên, trong trường hợp những thế lực nắm trong tay năng lực nguyên tử, năm 1983 chính là một ví dụ hết sức nghiệt ngã cho thấy việc sở hữu những loại vũ khí mạnh nhất địa cầu không phải lúc nào cũng đảm bảo rằng chính phủ đó luôn phân tích hoặc hành động theo lý lẽ.
Những cuộc tập trận rầm rộ của phương Tây vào mùa thu 1983, gọi là Lò luyện mùa thu, được Lầu Năm Góc thông báo là các cuộc diễn tập bình thường. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Tổ chức Lưu trữ an ninh quốc gia có trụ sở tại Washington đã công bố các tài liệu giải mật cho thấy dưới góc nhìn của Liên Xô, có vẻ như phương Tây đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân. Tài liệu viết: “Tổng cộng có đến 40.000 quân Mỹ và NATO được di chuyển dọc theo Tây Âu, bao gồm 16.044 binh sĩ Mỹ được không vận trong 170 sứ mệnh diễn ra trong im lặng, không hề có hoạt động liên lạc vô tuyến trong toàn bộ chiến dịch”. Đáng ngại hơn, lực lượng NATO và Mỹ đã tiến hành diễn tập những quy trình dự kiến sẽ diễn ra khi nhận được lệnh tấn công hạt nhân trong cuộc tập trận “Cung thủ tài ba 83”.
Bắt đầu từ ngày 2.11 và diễn ra trên toàn Tây Âu, quân Mỹ và đồng minh tiến hành chiến lược chuyển đổi các tổng hành dinh khi cuộc diễn tập bắt đầu leo thang sang trường hợp giả định có chiến tranh hóa học và hạt nhân. Đáp lại, Liên Xô đặt các lực lượng hạt nhân của họ vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Theo lời kể của điệp viên Đông Đức Rainer Rupp, người nằm vùng trong đại bản doanh của NATO, ông đã được Moscow yêu cầu xác nhận khẩn ý đồ của phương Tây khi đó và ông đã trả lời NATO không hề có kế hoạch tấn công phủ đầu Liên Xô.